Huyền thoại di tích 5 Ông Thẻ ở miền Tây Nam Bộ

17:45 27/02/2012

Tại 4 địa điểm của tỉnh An Giang và 1 địa điểm của tỉnh Kiên Giang vẫn còn hiện diện 5 ngôi miếu thờ "Ông Thẻ" tạo thành thế "Ngũ long trấn phục" trên bản đồ. Theo truyền thuyết, ông Ngô Lợi - một chí sĩ yêu nước kháng Pháp, quân sư của đức Cố quản Trần Văn Thành - đã dùng gỗ lào táo đẽo thành những cây thẻ để dán bùa chú trấn yểm vùng đất kháng chiến, chống lại bùa trấn yểm của Cao Biền (một pháp sư người Trung Hoa), mong vùng đất chín rồng có cơ hội "bay" lên.

Những di tích “Ông Thẻ”

Tại ấp Vĩnh Hòa A, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang có một ngôi miếu tồn tại hơn 150 năm. Trên chiếc cổng xây năm 1999, có tấm biển ghi: "Dinh quan Thẻ, số 1". Ngôi miếu chia làm 3 gian thờ. Tận trong cùng là bàn thờ Cửu huyền Thất tổ, gian thứ hai thờ tấm trần điều Bửu Sơn Kỳ Hương và 12 ông đạo, gian thứ ba thờ Đức Cố quản Trần Văn Thành - một lãnh tụ nghĩa quân lập căn cứ kháng chiến chống Pháp ở Láng Linh vào những ngày đầu Nam Kỳ lục tỉnh rơi vào tay thực dân Pháp. Trước ngôi miếu, một hồ sơn thủy có tượng song long chầu vị.

Ông thủ từ tên là Trần Minh Thành, thường được gọi là Bảy Thảo, 73 tuổi, ông kể: Khoảng 150 năm trước, ông nội tổ của ông tên là Trần Văn Đính từ miệt Hậu Giang xuôi về vùng đất này khai hoang mở đất làm ruộng, đã phát hiện có một cây gỗ bên ngoài mục rỗng, có lẽ được chôn từ rất lâu. Cây gỗ dài khoảng 1,5 mét, đường kính khoảng 35cm, được chôn đứng dưới đất, chỉ nhú phần ngọn có hình búp sen trên mặt đất.

Từ cây trụ gỗ phát sinh nhiều chuyện lạ. Theo lời đồn đại, vào những đêm tịch mịch, người trong làng lại nghe tiếng trống thúc quân thì thùng vang lên từ hướng cây trụ gỗ nhưng đến gần thì tiếng trống im bặt(?). Thấy cây trụ linh thiêng, ông Đính cất một cái miếu bằng lá che nắng mưa rồi đốt nhang khấn nguyện hàng ngày. Trong làng, ai có đau bệnh, tai ương đều đến trước trụ gỗ thành tâm khấn nguyện. Mấy chục năm sau, có một vị tu sĩ đã đến xem xét và cho biết đó là thẻ bài trấn yểm của Đức Phật thầy Tây An. Khi đào bới lên thì quả nhiên trên thân trụ có khắc dòng chữ "Bửu Sơn Kỳ Hương".

Sợ người trần phạm húy, ông Đính chôn cây trụ sâu xuống đất, bên trên xây hồ sơn thủy để bảo vệ rồi cất miếu khang trang hơn để thờ "Quan Thẻ". Dân chúng các nơi đến nhang đèn thờ cúng, cầu xin tài lộc ngày càng đông.

Dinh Quan Thẻ ở ấp Vĩnh Hòa A, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Địa điểm thứ hai có di tích "Ông Thẻ" là chùa Bồng Lai nằm sát mép kênh Vĩnh Tế, xã Vĩnh Tế thuộc thị xã Châu Đốc, An Giang. Trong thời chống Mỹ, chùa Bồng Lai (còn có tên gọi khác là chùa Bài Bài hoặc Bà Bài) là nơi trú ngụ bí mật của lực lượng cách mạng địa phương. Bên trong ngôi miếu có thờ một lõi gỗ phủ vải đỏ. Đó là "Ông Thẻ". Hậu liêu ngôi chùa có một ngôi miếu nhỏ, bên trong có một tấm bia đá, viền mép có khắc hàng chữ Hán, được cô Út Diệu An - người giúp việc công quả thờ phụng trong chùa dịch là: "Cái ếm này chôn vào mùa thu, tháng 8, năm Càn Long, nhà Thanh thứ 57". Ở giữa tấm bia đá không có dòng chữ nào. Cô Út cho biết, nguyên thủy đã từng có chữ bùa nhưng đã bị sư Cố (tức ông Đạo Lập, tên tục là Phạm Thái Chung, người lập chùa) đục bỏ để giải ếm.

Dinh Ông Thẻ thứ ba nằm ở ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, An Giang. Ông thủ từ Trần Văn Liệt, 53 tuổi khẳng định, ngày xưa, khi tiền nhân của ông đến khai khẩn miếng đất này đã phát hiện "Ông Thẻ" vẫn còn cắm ngay vị trí bàn thờ hiện nay. Bà cố của ông Sáu Liệt từng nhặt được kiếm, gậy và một số vật dụng xưa xung quanh nơi "Ông Thẻ ngự".

Năm  1927, nhà khoa học địa chất Lưu Văn Lang, tổ chức thám hiểm địa chất núi Cấm và phát hiện ra một hang đá có cắm "Ông Thẻ" thứ tư. Bên cạnh hang Ông Thẻ có một hang đá sâu. Nhà thám hiểm đã một mình xuống hang suốt 3 ngày đêm.  Khi quay  lên, ông tiết lộ rằng, nếu chiếu tọa độ hang Ông Thẻ núi Cấm có khoảng cách bằng nhau với 3 ngôi dinh thờ Ông Thẻ đã kể ở phần trên. Có nghĩa là hang Ông Thẻ núi Cấm là vị trí trung tâm của 3 Ông Thẻ còn lại.

Kinh giảng của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương có kể, Đức Phật Thầy Tây An "dùng gỗ lào táo đẽo thành 5 cây thẻ rồi sai đệ tử là Quản cơ Trần Văn Thành đi cắm ở 5 địa điểm để trấn yểm huyệt đạo vùng Thất Sơn theo thế Ngũ long trấn phục". Vậy, vị trí cây thẻ thứ 5 ở đâu?

Theo truyền thuyết, Ông Thẻ này được cắm ở rừng tràm thuộc Vĩnh Điều. Sau năm 1975, chính sách di dân khai khẩn vùng kinh tế mới đã biến rừng tràm hoang sơ thành ruộng lúa mới. Năm 1997, một nông dân có tên gọi là Tám Tăng, cư ngụ ở ấp Đồng Cơ, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang đi thăm ruộng ở Gò Dưới đã nhặt được một cây kiếm cổ. Nguồn tin nhanh chóng lan truyền. Hàng trăm người đã  kéo  về thi nhau băm nát hai khu vực Gò Dưới, Gò Trên để tìm báu vật. Có người  còn nhặt được cả vàng thỏi, tiền xưa có chỉ dấu triều Nguyễn. Báu vật cổ theo tay những người buôn đồng nát trôi dạt khắp nơi và mất dấu tích.

Dù làm thất thoát di vật lịch sử quý báu nhưng những người săn cổ vật đã khiến những người tôn thờ Đức Cố quản Trần Văn Thành phát hiện ra địa điểm chôn giấu tấm thẻ thứ 5,  đến vị trí hang Ông Thẻ núi Cấm có khoảng cách tương đương với  3 ngôi miếu thờ Ông Thẻ kia. Người dân tự xây cất một ngôi miếu thờ tạm bằng tôn để các đối tượng mê tín dị đoan làm nơi… hành nghề đồng cốt. Thỉnh thoảng, lực lượng công an địa phương phải cất công đi lập biên bản, giải tán  những đối tượng này ra khỏi khu vực.

Vị trí "Ông Thẻ" này nằm trên một gò đất cao bất thường giữa cánh đồng rộng mênh mông. Có thể, trước khi cắm thẻ xuống, Quản cơ Trần Văn Thành đã đào đất đắp mô cao lên.

Trong lòng hang Ông Thẻ Núi Cấm.

Lần theo dấu vết truyền thuyết và lịch sử

Phật Thầy Tây An tên thật là Đoàn Minh Huyên, mất năm 1856, hiện ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang) vẫn còn mộ. Nhiều  đời, người An Giang đồn đoán rằng ngài sinh năm 1807 tại làng Tòng Sơn, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp).

Tài liệu của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương cho biết, năm Kỷ Dậu (1849) miền Tây Nam Bộ trải qua một trận đại dịch tả kinh hoàng, người chết như rạ. Cùng thời điểm đình làng Tòng Sơn xuất hiện một vị tu sĩ tự nhận mình tên là Đoàn Minh Huyên,  dân sở tại. Quan lại địa phương triệu hai người họ Đoàn trong làng là Đoàn Văn Điểu và Đoàn Văn Viên đến nhận mặt nhưng họ không nhận ra Đoàn Minh Huyên là ai. Thế là nhà chức trách đuổi vị tu sĩ ra khỏi làng. Ngài ngược lên làng An Thạnh Trung (giáp ranh An Giang và Đồng Tháp) dựng lều trị bệnh tả và rao giảng đạo cho bá tánh. Nhờ huyền thuật, ngài đã cứu sống hàng ngàn người. Phần đạo, ngài khuyên mọi người thờ 4 cái ơn: ơn tổ tiên cha mẹ, ơn đất nước, ơn Tam bảo, ơn đồng bào nhân loại. Ngài không chủ trương thờ hình tượng. Trên bàn thờ chỉ để một tấm vải đỏ, gọi là trần điều. Tên tôn giáo mới được gọi là Bửu Sơn Kỳ Hương.

Nhà chức trách buộc ngài phải cạo đầu vào một ngôi chùa Phật giáo tu tụng. Ngôi chùa ấy là Tây An Cổ Tự tại núi Sam, Châu Đốc. Từ đó, ngài lấy nơi đây làm điểm truyền giảng và thu nhận đệ tử. Trong đó có một nhân vật yêu nước được lịch sử ghi nhận: Quản cơ Trần Văn Thành - thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bãi Thưa (1871-1873) ở miền Tây Nam Bộ.

Vào năm 1851, Đoàn Minh Huyên phân các đệ tử thành nhiều đoàn đi khẩn hoang những miền đất hoang vu, lập trại ruộng. Một đại đệ tử tên là Phạm Thái Chung, còn được gọi là ông Đạo Lập phát hiện tại vùng Bài Bài, Châu Đốc một tấm bia đá ẩn sâu dưới đất có khắc chữ Hán: "Cây ếm này chôn vào mùa thu, tháng 8, năm Càn Long, nhà Thanh thứ 57" (tức năm 1792). Đoàn Minh Huyên cũng phát hiện một tấm bia đá khác ẩn dưới gốc bồ đề cổ thụ trên núi Thủy Đài Sơn trong dãy Thất Sơn. Cho rằng, đó là một trong những tấm bia trấn ếm của Cao Biền cắm trên lãnh thổ Việt Nam nhằm làm suy yếu thế "cửu long thăng thiên", Đoàn Minh Huyên cho các đệ tử khai quật tấm bia đá lên. Sau đó, ông dùng loại gỗ lào táo đẽo thành 5 cây trụ,  chạm đầu hình búp sen, thân khắc chữ "Bửu Sơn Kỳ Hương",  sai Quản cơ Trần Văn Thành chôn ở 5 địa điểm khác nhau để trấn và phá yểm của Cao Biền.

Ngày 22/6/1867, Tổng đốc An Giang xuôi tay giao thành cho Pháp. Quản cơ Trần Văn Thành khi ấy là đệ tử của Bửu Sơn Kỳ Hương quy tụ những binh lính cũ và tín đồ các trại ruộng của hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương lập nên đội quân khởi nghĩa đắp ụ chiến đấu ở Cồn Nhỏ.  Tháng 6/1868, ông dẫn lực lượng kháng chiến của mình vào Láng Linh, Bãi Thưa (nay thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) dựng trại, tuyển quân, rèn đúc vũ khí chuẩn bị kháng chiến lâu dài,  đặt tên cho lực lượng kháng chiến của mình là Binh Gia Nghị. Trong thời gian này ông đã tổ chức ám sát tên chủ tỉnh Vĩnh Long là Salicetti tại Vũng Liêm.

Tấm bia được cho là Pháp sư Cao Biền trấn yểm bị Đoàn Minh Huyên phá yểm. Tấm bia này vẫn còn lưu giữ ở chùa Bồng Lai.

Cuối năm 1868, hầu hết các phong trào kháng Pháp tại Nam Kỳ đều bị Pháp đàn áp tan rã gần hết. Lực lượng nghĩa binh của Trần Văn Thành lâm vào thế cô, ông bị Pháp truy nã. E ngại nghĩa quân nhụt chí chiến đấu, Trần Văn Thành phải sử dụng niềm tin huyền thuật để hun đúc tinh thần. Phật Thầy Tây An đã viên tịch. Trần Văn Thành cùng nhà sư Ngô Lợi  lập nên một tôn giáo mới có tên gọi là Tứ Ân Hiếu Nghĩa, lấy nền tảng giáo lý của Bửu Sơn Kỳ Hương để thuyết pháp thu phục tín đồ nhằm quy tụ nhân dân tham gia kháng Pháp.

Năm 1872, Ngô Lợi tổ chức di dân ở những vùng Pháp chiếm kéo về xã An Lộc, tổng An Lương, An Giang (nay là xã Vĩnh Tường, huyện An Phú, An Giang), lập làng kháng chiến. Trần Văn Thành cũng chiêu mộ được một võ quan triều Nguyễn, tên thường gọi là Cử Đa, giao nhiệm vụ huấn luyện võ nghệ cho nghĩa quân. Võ phái Thất sơn Thần Quyền ra đời từ đây.

Tháng 3/1873, thực dân Pháp tổ chức một trận càn đại quy mô tấn công căn cứ Bãi Thưa. Sau 5 ngày đêm chiến đấu kiên cường, căn cứ bị vỡ, Trần Văn Thành hy sinh. Tờ báo Le Courrier de Saigon phát hành ngày 5/4/1873 đã tường thuật trận chiến và ca ngợi nghĩa quân của Trần Văn Thành chiến đấu kiên cường, xem cái chết nhẹ như lông hồng.

Nếu so sánh với các cuộc ly khai triều Nguyễn nhằm kháng Pháp ở miền Nam, có thể đánh giá cuộc kháng chiến Láng Linh - Bãi Thưa của thủ lĩnh Trần Văn Thành có quy mô tổ chức lớn nhất, có tôn chỉ, mục đích rõ ràng nhất. Chỉ riêng việc ông cắm 5 "cột mốc" để xây dựng làng kháng chiến, giành dân lập ấp, mưu đồ kháng chiến lâu dài đã cho thấy ông là một nhà chiến lược quân sự tài ba. Việc ông mượn thần quyền, tín ngưỡng để quy tụ quần chúng trong bối cảnh đó hoàn toàn có chủ đích và phù hợp. Tiếc rằng, cuộc xây dựng chưa kịp hoàn tất, cuộc kháng chiến đã bị quân Pháp đàn áp.

Năm "Ông Thẻ", hay nói cách khác là vị trí 5 cột mốc lãnh thổ kháng chiến là những di tích có giá trị lịch sử liên quan đến cuộc kháng chiến chống Pháp của người dân miền Tây Nam Bộ, cần phải được ghi nhận và bảo vệ. Vấn đề đặt ra là: các nhà khoa học lịch sử cần tổ chức nghiên cứu nghiêm túc để có giải pháp tôn tạo, bảo vệ những di tích này, đồng thời đánh giá lại cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bãi Thưa cho đúng với giá trị lịch sử của nó và đúng với hy sinh máu xương của những nghĩa sĩ  quên thân vì Tổ quốc

Nông Huyền Sơn

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng mới đây đã có báo cáo về tình hình triển khai Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành trình Quốc hội. Theo đó, Bộ GTVT cũng nêu rõ một số khó khăn vướng mắc khiến tiến độ hoàn thành của Dự án sân bay Long Thành có thể khó về đích đúng hẹn.

Ngày 8/10, Công an quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh cho biết sau quá trình điều tra, khám phá đường dây mua bán ma túy liên tỉnh, cơ quan điều tra đã khởi tố các đối tượng Trần Quang Hiệp, Quách Ngọc Quí, Phạm Văn Sang Em, Võ Trọng Nhân về tội “Mua bán trái phép các chất ma túy”; khởi tố Nguyễn Thanh Phương về tội “Tàng trái phép các chất ma túy”. Vụ án được chuyển giao cho Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục thụ lý theo thẩm quyền.

Xây dựng các công trình, hạng mục trên đất rừng phòng hộ khi chưa có hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa được thuê đất và chưa có giấy phép xây dựng. 6 năm kể từ khi phát hiện, chính quyền và sở ngành đang loay hoay tìm cách xử lý các sai phạm liên quan thì doanh nghiệp này tiếp tục xây dựng thêm các công trình vi phạm khác.

ĐH Bách khoa Hà Nội vừa phải dừng hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn cho tân sinh viên đang học Giáo dục Quốc phòng An ninh và chuyển đơn vị khác để cung cấp suất ăn đảm bảo đáp ứng đủ các tiêu chuẩn định lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm sau phản ánh suất ăn có dị vật và có tình trạng dồn cơm canh thừa cho người ăn sau.

Sáng nay (8/10), Cơ quan CSĐT Công an huyện Núi Thành (Quảng Nam) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Ngọc Vũ (SN 1983, trú xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành) về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Ngày 8/10, thông tin phóng viên có được, Công an huyện Vĩnh Lộc xác nhận, vừa Quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Trần Thanh Ngọc và Nguyễn Văn Hoan và một số đối tượng liên quan để điều tra làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.

Bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Ban chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 TP Hà Nội đã chủ động, tiên phong và quyết liệt đẩy mạnh số hóa dữ liệu, triển khai nhiều mô hình chuyển đổi số, góp phần tạo tiền đề vững chắc để Chính phủ nhân rộng ra toàn quốc.

Ngày 8/10, Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang cho biết đang phối hợp làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giao thông liên hoàn trên QL50 giữa xe ô tô con và 2 xe máy, xảy ra trên địa bàn xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo vào chiều 7/10 khiến 1 người chết, 2 người bị thương.

Việc đi lại trên những cây cầu sắt cũ, nhất là những cây cầu được xây dựng từ trước năm 1975 đã trở thành nỗi lo thường trực của nhiều người dân ở TP Hồ Chí Minh. Bởi lịch sử cũng từng đã có những cây cầu sắt bị sập…

Hezbollah đã bắn tên lửa vào thành phố lớn thứ ba của Israel là Haifa, trong khi Israel sẵn sàng cho một cuộc tấn công quy mô vào Lebanon trong ngày 7/10, một năm sau sự kiện Hamas tấn công Israel và châm ngòi cho cuộc chiến tranh Gaza.

Người dân Thừa Thiên Huế đến nay vẫn ám ảnh sau vụ sạt lở đất kinh hoàng ở Thủy điện Rào Trăng 3 mấy năm trước, khiến 13 đồng chí là chỉ huy, lãnh đạo, cán bộ hy sinh và 17 công nhân tử vong tại công trình thi công thủy điện. Hay vụ trượt lở đất đồi núi Phú Gia khiến nhà cửa của dân bị vùi lấp, hoa màu hư hại, giao thông tê liệt…

Đội tuyển Việt Nam đang chuẩn bị cho trận đấu với Ấn Độ vào ngày 12/10 tại sân Thiên Trường. Đây là thời điểm mà ông Kim Sang Sik sẽ phải đứng trước những lựa chọn nhân sự nhằm tìm ra đội hình tốt nhất.

Tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ không ổn định đã làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; thị trường vàng biến động bất thường ảnh hưởng đến tâm lý người dân; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm; giá chung cư bán quá cao, người dân thu nhập thấp khó có thể tiếp cận được...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文