Huỳnh Văn Tiểng – Người dựng nghiệp truyền hình

07:01 26/03/2019
“Nào anh em ta cùng nhau xông pha, lên đàng, kiếm nguồn tươi sáng. Ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông, từ nay ra sức anh tài…” - những giai điệu rộn rã, thúc giục, gắn liền với tuổi trẻ của một thời hoa lửa trong ca khúc “Lên đàng” của bộ ba Hoàng Mai Lưu (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước) đến nay vẫn vang lên trong rất nhiều chương trình của thanh niên, học sinh.


Nhưng, trong nhóm tác giả này, có lẽ, được số đông công chúng hôm nay biết đến nhiều nhất vẫn là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Trong những ngày diễn ra Hội Báo toàn quốc 2019, nhiều người, đặc biệt là những người trẻ mới có dịp hiểu hơn về một trong 3 thành viên của nhóm tác giả, nhà báo Huỳnh Văn Tiểng khi chân dung được chính những đồng nghiệp lão luyện cùng thời và kế cận phác họa sinh động trong tọa đàm “Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng với báo chí cách mạng Việt Nam”.

Một thời tuổi trẻ “xếp bút nghiên” lên đường tranh đấu

Sinh năm 1920, tại vùng “đất thép” Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Văn Tiểng tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Tự nhận mình chỉ là “hạt bụi trong cơn bão táp cách mạng”, từ trước Cách mạng Tháng Tám, ông đã nổi tiếng trong phong trào học sinh sinh viên yêu nước khi là đồng tác giả (một trong 3 tác giả nhóm Hoàng Mai Lưu) của rất nhiều ca khúc cách mạng: “Tiếng gọi thanh niên”, “Hội nghị Diên Hồng”, “Bạch Đằng Giang”, “Ải Chi Lăng”, “Lên đàng”, “Xếp bút nghiên”... và nhiều bài thơ, bài báo đậm chất đấu tranh chống áp bức thời Pháp thuộc.

Bộ ba Hoàng Mai Lưu (Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng).

Thời tuổi trẻ sôi nổi của nhà báo lão thành cách mạng ấy được nhà báo Đoàn Minh Tuấn, nguyên Tổng Biên tập Báo Văn hóa gói gọn trong một câu nói là tuổi trẻ ngày nay không thể nào cảm nhận, biết hết được. Cũng vì lý do này nên ông đã vượt qua hàng nghìn cây số, ra Hà Nội, với mong muốn được chia sẻ về người thầy kính yêu của nhiều thế hệ người làm báo, trong đó có ông.

Với nhà báo Đoàn Minh Tuấn, ông Huỳnh Văn Tiểng không chỉ được kính trọng như một nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối, dù rằng, việc đi theo cách mạng có chịu ảnh hưởng lớn từ ông. Ông kể: “Thuở nhỏ, anh (nhà báo Huỳnh Văn Tiểng) học Trường Pétrus Ký. Đây là ngôi trường danh tiếng của Sài Gòn.

Sau đó, anh ra Hà Nội học Đại học Luật. Tôi biết anh từ thuở niên thiếu qua lời bài hát kháng chiến của Lưu Hữu Phước và khi anh tham gia soạn các vở kịch “Đêm Lam Sơn”, “Nợ Mê Linh”, tôi rất kính phục tinh thần yêu nước của anh. Năm 1944, hưởng ứng tinh thần “xếp bút nghiên”, một phong trào của sinh viên yêu nước, anh cùng bạn bè rời mái trường Luật, trong đoàn thanh niên, sinh viên về Nam bằng xe đạp.

Về Sài Gòn, anh làm Báo Thanh Niên, sáng tác và biểu diễn nhạc kịch, cùng các đồng chí Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ tham gia vào hàng ngũ thanh niên tiền phong, tham gia khởi nghĩa tháng Tám ở Sài Gòn – Gia Định. Theo chân anh, năm 1945, tôi cũng xếp bút nghiên lên đường ở Liên khu 5, chiến đấu ở Tây Nguyên, sau chiến thắng Điện Biên Phủ thì tập kết ra Bắc…”.

Nhà báo Nguyễn Khắc Cần, nguyên Giám đốc Đài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến, Giám đốc Đài Sài Gòn – Chợ Lớn tự do, Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng kể rằng, trước Cách mạng Tháng Tám, ông không trực tiếp biết về Huỳnh Văn Tiểng nhưng từ năm 1940, hoạt động yêu nước của nhóm Hoàng Mai Lưu đã tác động mạnh mẽ đến học sinh Trường Pétrus Ký, trong đó có ông.

Thời ấy, ông Huỳnh Văn Tiểng học trên ông hai lớp nhưng đã cùng một nhóm học sinh có tinh thần dân tộc lập Scholar Club (Câu lạc bộ học đường), lấy âm nhạc và hoạt động ngoại khóa để hun đúc chí khí thanh niên học sinh. Câu lạc bộ bị chính quyền thực dân cấm hoạt động, vì thế càng được học sinh biết đến. Các anh học khóa trên lập ra Hiệp hội thể thao của trường để khéo léo tuyên truyền lòng yêu nước cho các thanh niên, học sinh.

Giữa lúc đó cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa bùng nổ, đồng bào Hóc Môn, Bà Điểm bị đàn áp đẫm máu. Học sinh biết tin. Để phản đối, một buổi tối, sau khi tắt đèn, các học sinh ở phòng ngủ tập thể nội trú đập giường, đập bàn gây tiếng động cả xung quanh.

Hành động nhỏ thế thôi nhưng cũng tác động chung tới tâm trí học sinh, ngấm tinh thần Câu lạc bộ học đường của các anh khóa trên. Đến niên khóa 1942-1943, học sinh toàn trường bầu ông làm Tổng thư ký. Ông nhận nhiệm vụ khi nhận được lá thư động viên của nhóm sinh viên tiến bộ của ông Huỳnh Văn Tiểng.

Ông Cần đã cùng một số thành viên khác lập nhóm bán công khai nhưng hoạt động khó khăn do nhóm cùng lớp đe dọa tố cáo. Tuy nhiên, những bài hát yêu nước vang dội do bộ ba Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước sáng tác vẫn được nhóm tích cực phổ biến. Dịp Tết, ông học theo thế hệ đàn anh, đọc bài chúc Tết toàn trường, tổ chức vui chơi ca hát, hát các ca khúc yêu nước, nhắc lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Phong trào cách mạng lên mạnh vào các năm 1944, 1945.

Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng lúc sinh thời.

Đêm 23-9-1945, ông Huỳnh Văn Tiểng và nhiều anh chị khác truyền lệnh kháng chiến tại Sài Gòn. Ông Tiểng được cử làm Ủy viên Ủy ban kháng chiến miền Nam. Bài hát “Hành khúc thanh niên” của nhóm Hoàng Mai Lưu và bài “Mùa thu rồi ngày hăm ba” của Tạ Thanh Sơn giục giã nhân dân lên đường làm cách mạng… Đi theo kháng chiến, ông càng hiểu vai trò của ông Huỳnh Văn Tiểng.

Nói về giai đoạn này, nhà báo Nguyễn Khắc Cần chia sẻ rằng ngay từ đầu ông đã lấy gương ông Huỳnh Văn Tiểng để tự động viên mình và nghĩ rằng ông Tiểng, một số học sinh khác của Pétrus Ký chỉ hơn mình vài lớp mà đã sớm giác ngộ. Điều này tác động không nhỏ đến ông và nhiều người trẻ cùng thời.

Nhà báo Đinh Phong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng khẳng định: Khi nói đến thế hệ trẻ thời kỳ tiền khởi nghĩa, chúng ta đều nhắc đến nhóm Hoàng Mai Lưu. Đó là tên đầu của ba sinh viên yêu nước đi đầu trong nhóm “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Ba thanh niên Sài Gòn học ở Hà Nội nhưng tham gia phong trào cách mạng bằng các bài hát, vở kịch, nêu cao lòng yêu nước chống thực dân Pháp.

Cả ba thanh niên này cùng bè bạn đạp xe từ Hà Nội về Sài Gòn để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945. Đó là Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước. Về đến Sài Gòn, các sinh viên yêu nước lao ngay vào cuộc vận động Tổng khởi nghĩa.

Huỳnh Văn Tiểng tham gia Ủy ban kháng chiến Sài Gòn – Chợ Lớn. Tại Quốc hội khóa đầu tiên 1946, Huỳnh Văn Tiểng thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội Sài Gòn – Chợ Lớn đề nghị Quốc hội cho phép Sài Gòn mang tên TP Hồ Chí Minh.

Người dựng nghiệp truyền hình

Đó là khẳng định của Tiến sĩ Trần Bá Dung, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam. Bởi lẽ, ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng biên tập, Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh Truyền hình Trần Lâm được coi là người dựng nghiệp phát thanh và truyền hình; Phó Chủ nhiệm Lê Quý là người mở đường cho phát thanh đối ngoại thì Phó tổng biên tập Huỳnh Văn Tiểng là một trong những người đầu tiên sáng lập ngành truyền hình Việt Nam, có công lớn với sự nghiệp phát thanh, truyền hình cả nước. Ông gắn bó với sự nghiệp phát thanh và truyền hình từ năm 1946, khi là ủy viên Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Trưởng Khoa Tuyên truyền.

Tọa đàm “Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng với báo chí cách mạng Việt Nam”.

Theo nhà báo Nguyễn Kim Trạch, đại diện Chính phủ miền Nam lúc ấy là đồng chí Phạm Văn Đồng đã ký quyết định điều động ông Huỳnh Văn Tiểng về làm Phó giám đốc Đài Tiếng nói Nam Bộ.

Ông trực tiếp viết bình luận cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Tập kết ra Bắc năm 1954, ông làm Phó tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam hơn 20 năm, trực tiếp chỉ đạo, duyệt bài các chương trình phát thanh vào Nam, cho đến ngày Giải phóng miền Nam, trở về quê hương.

Nhắc nhớ về thế hệ tiền bối, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định: Hai thập niên làm việc tại Đài Phát thanh quốc gia, nhà báo Huỳnh Văn Tiểng đã lăn lộn cùng tập thể lãnh đạo Đài thực hiện nhiều công việc quan trọng, xây dựng và phát triển Đài trên các mặt; xây dựng nhiều phương án, bảo đảm làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam được phát liên tục không bị ngừng nghỉ khi Mỹ ném bom, hủy diệt nhiều nơi ở miền Bắc.

Những cống hiến xuất sắc của nhà báo Huỳnh Văn Tiểng với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam là rất to lớn. Ông là tấm gương sáng để những người làm báo hôm nay học tập về tinh thần làm làm việc, cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung; trách nhiệm trong từng con chữ, từng tin bài, từng chương trình; sống giản dị, chan hòa, nhân ái; luôn lạc quan, thẳng thắn đúng chất của một người Nam Bộ.

Nhà báo Huỳnh Văn Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ rằng, trong cuộc đời làm nghề của ông thì người tạo cảm hứng và đam mê nghề nghiệp đầu tiên chính là ông Huỳnh Văn Tiểng. Trong gần 40 năm làm việc trong ngành truyền hình, kể cả những năm đầu ở Truyền hình Việt Nam và hơn 30 năm còn lại tại Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, cứ mỗi lần nghe nhạc hiệu của truyền hình Việt Nam (bài “Khúc khải hoàn” của nhóm Hoàng Mai Lưu), trong ông lại hiện lên những kỷ niệm không thể nào quên của những ngày đầu lập nghiệp truyền hình.

Đó là câu nói của ông Huỳnh Văn Tiểng lúc nhận ông vào Đài rằng: “Truyền hình Việt Nam mới ở giai đoạn thử nghiệm ban đầu, phía trước còn cả một chân trời rộng mở, cần có những người có trình độ và đam mê, khó khăn còn nhiều, nhưng nếu bền chí thì cậu sẽ thực hiện được ước mơ của mình”.

Đó còn là những năm tháng gian khổ ác liệt, khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, ông Huỳnh Văn Tiểng và lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đã lên kế hoạch dựng một trung tâm truyền hình hiện đại tại Giảng Võ.

Giai đoạn 1976 – 1989, lúc ông giữ chức Giám đốc, là giai đoạn khó khăn nhất của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Đất nước mới giải phóng, bị cấm vận, phong tỏa nhiều mặt, ta đang tiến hành cải tạo công thương, phải đối phó với chiến tranh biên giới, cơ chế quan liêu bao cấp nặng nề trên tất cả các lĩnh vực.

Ủy ban Phát thanh và Truyền hình giải thể, các đài truyền hình giao lại cho địa phương, đời sống khó khăn khiến một số cán bộ công chức có tay nghề rời bỏ đài. Nếu không có sự động viên, câu nói của ông Tiểng lúc mới nhận ông về đài, ông khó có thể vững tin ở lại...

Tọa đàm về nhà báo lão thành cách mạng Huỳnh Văn Tiểng dịp Hội Báo toàn quốc 2019 là cơ hội để các nhân chứng, nhà khoa học, đồng nghiệp của ông gặp gỡ, trao đổi về ông, về những vấn đề liên quan đến lịch sử báo chí Việt Nam.

Nhưng, nói như Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông Hồ Quang Lợi thì đây còn là dịp để các nhà báo hôm nay học hỏi thế hệ tiền bối. Đối với các thế hệ nhà báo Việt Nam, nhà báo Huỳnh Văn Tiểng thực sự là một tấm gương điển hình cần tuyên truyền, học tập, góp phần đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Minh Hải

Áp lực giao thông gia tăng nên thời gian qua, dù thành phố đã đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng nhiều công trình kết cấu hạ tầng khung giao thông nhưng việc triển khai các dự án giao thông tại đô thị còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi hoàn thiện thể chế, chính sách và tìm ra các cách làm mới, đột phá nhằm nhanh chóng hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị trong thời gian tới theo kết luận của Bộ Chính trị và đáp ứng sự mong mỏi của người dân.

TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước với tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng người nhập cư đến rất đông. Đặc điểm này kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, đối tượng sử dụng, nghiện ma túy phạm tội ngày càng nhiều…

Nhằm phản ứng với việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc) và đáp trả các biện pháp trừng phạt mà Washington áp lên doanh nghiệp Trung Quốc, Bắc Kinh hôm 22/5 liệt một loạt tổ hợp quốc phòng Mỹ vào danh sách đen. 

Sau khoảng 10 giờ khẩn trương tìm kiếm và cứu nạn, cứu hộ, đến hơn 10h ngày 22/5, các lực lượng chức năng của tỉnh Bắc Kạn đã tìm thấy cả ba thi thể nạn nhân bị vùi lấp trong vụ sạt lở đất đá vào một nhà dân tại thôn Phiêng Pục (xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn), xảy ra đêm 21/5 rạng sáng 22/5/2024.

Ba nước gồm Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha ngày 22/5 đưa ra động thái mang tính lịch sử khi tuyên bố sẽ công nhận một Nhà nước Palestine, cho rằng đây là động lực giải quyết xung đột tại Gaza, tuy nhiên, lại khiến Israel lên án và ngay lập tức ra lệnh triệu hồi các Đại sứ của mình từ Na Uy và Ireland về nước.

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, chiều 22/5, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) cho rằng, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định.

Trong 2 năm liên tiếp, đội chạy tiếp sức 4x400m nữ đều giành HCV tại sân chơi châu Á. Tấm HCV mới đây ở Giải vô địch điền kinh tiếp sức châu Á 2024 dù chưa thể chạm tới cột mốc thành tích để hy vọng giành vé dự Olympic Paris 2024 nhưng cũng mang lại động lực cho các nhà quản lý cũng như giới chuyên môn.

Ngày 22/5, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Việt Trì đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với ông Lê Trường Giang, HKTT: Khu 9, phường Nông Trang, thành phố Việt Trì, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 

Đối tượng Nguyễn Lê Quân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tài Phước Đức (địa chỉ tại phường Trường An, TP Huế) đã móc nối, cấu kết với các kế toán mua bán trái phép hóa đơn để kê khai chi phí đầu vào nhằm được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT), gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文