Kiêu hùng samurai

15:20 28/01/2012

Hãy liệu hồn tránh đường cho samurai. Khi samurai xuất hiện trên con phố đông người tại Edo (sau này là Tokyo), tất cả đều cúi đầu không dám nhìn thẳng và vội vã tránh sang bên nhường lối. Không thể nhầm lẫn samurai với thành phần xã hội nào khác. Chỉ samurai - từng là thành phần đẳng cấp cao nhất của xã hội Nhật - mới có quyền mang hai thanh kiếm, một ngắn một dài, biểu tượng cho uy quyền mình.

Vận kimono, chàng samurai với cái đầu cạo giữa chừa tóc hai bên đi ung dung và cao ngạo. Chính quyền không cần samurai làm việc mà chỉ yêu cầu họ bảo vệ đất nước khi có loạn. Và nếu thường dân nào dám cãi lệnh hoặc va phải thanh gươm, samurai có quyền giết chết kẻ đó ngay lập tức!

Không chỉ là kiếm sĩ

Samurai từng ảnh hưởng tới lịch sử nước Nhật trong gần 700 năm, từ 1185 đến 1867, giai đoạn xảy ra không ít sự kiện đẫm máu và bạo lực không khác mấy so với thời La Mã cổ đại hay châu Âu thời Trung cổ. Như hiệp sĩ châu Âu, samurai cũng hình thành quân đội, gồm thủ lĩnh thị tộc và các chiến binh trung thành. Với sức mạnh tăng dần, samurai từng có lúc lấn át vị trí tối cao của Nhật hoàng. Đó là thời của các shogun (tướng quân). Oai nghi samurai chỉ bị lu mờ và thời huy hoàng samurai chỉ kết thúc khi tàu chiến Mỹ cập cảng Nhật và chứng minh rằng sức mạnh từ dũng khí samurai không thể địch lại đại bác Mỹ. Sự thống trị của samurai kết thúc.

Cuối tháng 11/2011, đạo diễn Nhật Takeshi Miike hồi sinh tinh thần samurai với bộ phim “13 sát thủ” (13 Assassins), nói về 13 chiến binh samurai đầu đội trời chân đạp đất được tuyển mộ để ám sát một tay thủ lĩnh thị tộc xấu xa. Và như vậy, người ta có thể thấy samurai thật ra chưa bao giờ biến mất khỏi xã hội Nhật. Tại bất kỳ thành phố hoặc thị trấn nào ở Nhật, người ta cũng thấy hình ảnh samurai: trên bích chương điện ảnh, panô tuyên truyền chống say rượu lái xe, băngrôn viện bảo tàng, bìa truyện tranh… Vào ngày 5/5 hàng năm (lễ Thiếu nhi), người ta tôn vinh sinh lực cường tráng - linh hồn sức mạnh samurai - và chúc sức khỏe cho các bé trai. Tại sao hình ảnh samurai có thể trường tồn trong nền văn hóa Nhật? Đơn giản, samurai là một trong những biểu tượng anh hùng vĩ đại nhất lịch sử văn minh thế giới, từng bao lần được huyền thoại hóa với bóng dáng kiêu hùng và dũng mãnh của tay kiếm khách cô độc trừ gian diệt bạo…

Samurai xuất hiện vào thế kỷ X và thoạt đầu chỉ gồm các võ sĩ làm thuê cho giới chủ đất giàu có hoặc thành phần quý tộc tại kinh thành. Qua thời gian, sức mạnh các bộ tộc vùng quê tăng dần và bộ tộc nào có nhiều samurai can trường và liều lĩnh nhất sẽ được xem là bộ tộc được kính trọng nhất. Đó cũng là giai đoạn mà vị trí tối thượng của Nhật hoàng dần lu mờ. Sau những cuộc tranh giành, hai bộ tộc mạnh nhất - Taira và Minamoto - bắt đầu nổi lên như hai đối thủ lớn nhất. Trong cuộc tranh giành quyền cai trị đất nước, năm 1185 chiến binh samurai Minamoto thắng thế và thủ lĩnh của họ, Yoritomo, củng cố quyền lực tại kinh đô mới ở ngôi làng chài Kamakura (phía đông nước Nhật). Yoritomo trở thành shogun đầu tiên.

Qua thời gian, các đội quân samurai ngày càng đông và bộ binh bắt đầu nhiều hơn kỵ binh. Tuy nhiên, lòng cao ngạo và danh dự của samurai tiếp tục tồn tại. Khi bị bắt, hầu hết chiến binh samurai bại trận luôn gan dạ thực hiện seppuku (tự mổ bụng). Không như hình dung qua các câu chuyện hoặc bộ phim huyền thoại hóa samurai, chiến binh samurai cũng thường chặt đầu kẻ thù. Khi cuộc chiến kết thúc, samurai chặt đầu kẻ thù và nộp cho tướng quân để được tưởng thưởng (vàng, bạc hoặc đất đai). Và rồi, phần mình, tướng quân cũng cho bêu đầu kẻ thù nơi công cộng để tỏ rõ uy danh.

Sự kinh hoàng và tàn bạo toát ra từ lưỡi gươm samurai dường như xảy ra vào thời chiến tranh Mông Cổ, khi samurai đương đầu với giặc ngoại xâm. Hai lần, cuối thế kỷ XIII, hậu duệ Thành Cát Tư Hãn đã tấn công Nhật từ biển. Cả hai lần đều may mắn xảy ra các trận bão lớn, cứu Nhật khỏi bị cày nát bởi vó ngựa hung Mông. Trong cuộc chiến lần thứ hai và được bão lớn giúp đẩy lùi quân Mông, người Nhật gọi trận bão này là Kamikaze (thần phong - từ mà sau này đã khiến quân đội Mỹ kinh khiếp với trận Trân Châu Cảng vào Thế chiến thứ hai).

Samurai luôn giắt hai thanh kiếm. Thanh katana dùng giao tranh ngoài chiến trường và thanh wakizashi (ngắn hơn) dùng cho cận chiến. Giới nghiên cứu lịch sử đều công nhận kỹ thuật rèn katana là một trong những kỹ thuật làm kiếm tuyệt hảo nhất lịch sử văn minh thế giới. Nghề làm kiếm cổ truyền tại Nhật gần như biến mất sau Thế chiến thứ hai, khi phe Đồng minh tịch thu và phá hủy khoảng 5 triệu thanh gươm và cấm sản xuất gươm mới. Hiện nay, nghề làm kiếm cổ truyền Nhật được khôi phục ít nhiều.

Samurai và shogun không chỉ là kiếm sĩ. Như các nhân vật kiếm khách Trung Hoa, samurai cũng uyên bác thi văn, sành sỏi nghệ thuật cắm hoa, thư pháp và họ thường tổ chức các buổi tao ngộ với giới văn nho để đàm luận thế sự hoặc thưởng thức kịch Noh. Trước thế kỷ XIII, giới Thiền gia giới thiệu nghệ thuật uống trà cho các tướng quân thuộc bộ tộc Ashikaga. Yoshimasa, shogun thứ tám của Ashikaga, cải đổi nghệ thuật trà đạo theo hình thức đơn giản hơn và đó chính là cách mà nghệ thuật trà đạo ngày nay được phổ biến tại Nhật. Với samurai, pha và uống trà là nghi lễ đặc biệt. Khi pha hoặc uống trà, samurai không được phép mang gươm. Vài samurai xem bộ đồ trà quý ngang với thanh kiếm oai hùng của mình.

Dù vậy, nói đến samurai là nói đến hình ảnh kiêu hùng và quyền lực của họ. Giai đoạn khốc liệt và đẫm máu nhất lịch sử samurai xảy ra vào giữa thế kỷ XIV, khi các bộ tộc mạnh nhất giao chiến với nhau trong giai đoạn 100 năm gọi là Sengoku Jidai (thời kỳ đất nước binh đao). Đặc tính các trận chiến thời kỳ này đã thay đổi nhiều so với những giai đoạn trước. Như các cuộc binh lửa tại châu Âu cùng thời (giai đoạn Trung cổ), người ta bắt đầu thấy cuộc giao chiến quy mô với đoàn quân hàng chục ngàn samurai vây kín lâu đài kẻ thù.

Không chỉ gươm, họ còn mang súng hỏa mai, thứ vũ khí được giới thám hiểm Bồ Đào Nha mang đến Nhật vào năm 1543. Người Nhật nhanh chóng bắt chước kỹ thuật chế tạo súng hỏa mai và chỉ 30 năm sau, các đạo quân samurai đã đứng đầu thế giới về sử dụng súng ngoài chiến địa. Nước Nhật tiếp tục tiêu điều bởi các cuộc nội chiến, cho đến thời Tokugawa Ieyasu, người được xem là shogun mạnh nhất lịch sử samurai. Bằng quyền lực mạnh tuyệt đối, Tokugawa Ieyasu kêu gọi tất cả thủ lĩnh bộ tộc cùng dàn xếp mâu thuẫn và sống trong yên ổn. Trước Tokugawa Ieyasu, hai đại thủ lĩnh samurai - Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi - cũng từng kêu gọi chấm dứt nội chiến và thống nhất đất nước. Tuy nhiên, vụ ám sát Oda Nobunaga bởi một tướng quân thù nghịch và hai cuộc xâm chiếm thất bại bán đảo Triều Tiên của Toyotomi Hideyoshi đã khiến kế hoạch trên không thành.

Cái chết của Toyotomi Hideyoshi vào năm 1598 đã tạo ra trận giao tranh đẫm máu nhất lịch sử samurai nhưng cũng đưa đến sự xuất hiện vị tướng quân 58 tuổi Tokugawa Ieyasu (từng chiến đấu dưới hàng ngũ Hideyoshi lẫn Nobunaga). Ba năm sau trận chiến kinh hoàng vào ngày 21/10/1600, Ieyasu giành ngôi shogun, người đầu tiên trong 15 người thuộc triều đại Tokugawa. Đến trước khi chết năm 1616, Ieyasu đã tiêu diệt tất cả đối thủ và đặt dấu chấm hết cho thời kỳ binh đao huynh đệ tương tàn.

Cảnh trong “13 sát thủ” - Bộ phim mới nhất về samurai.

Dấu ấn không phai theo năm tháng

Trong 250 năm cai trị của triều đại shogun Tokugawa, hòa bình được tái lập tại Nhật. Chính quyền phong kiến Tokugawa, đóng tại Edo, chia xã hội thành bốn loại: samurai, nông dân, thợ thủ công và thương nhân. Luật quy định cách sống cho từng đẳng cấp (ăn mặc ra sao, kiếm tiền bằng cách nào và sử dụng vũ khí gì…). Chiếm khoảng 2 triệu người (6% dân số), samurai trở thành những người có vị trí được trọng vọng nhất. Để đổi lại việc cam kết bảo vệ chính quyền khi có loạn, samurai được hưởng lương, trả bằng gạo (đong bằng đơn vị gọi là koku), tính bằng 60% thuế canh tác của nông dân.

Trong quá khứ, nhiều samurai từng là nông phu; bây giờ, họ sống trong lâu đài và chẳng làm gì ngoài việc mài gươm thật bén. Ở đẳng cấp cao, họ cũng bị cấm thưởng thức những thú giải trí nghèo hèn như kịch kabuki, geisha hoặc bất cứ gì mà nông dân ưa thích. Nhằm rèn luyện thể lực cũng như tinh thần cho samurai, những điều luật mới ra đời cùng những cẩm nang đầu tiên dạy cách cầm gươm và cả cách nói chuyện trước thượng cấp hoặc hạ cấp. Nhờ vậy, võ thuật phát triển và trở thành một truyền thống của dân tộc Nhật. Hàng triệu trẻ em Nhật hiện vẫn tập vài môn kinh điển samurai thời Edo, như kendo (kiếm đạo) hoặc kyudo (cung đạo)…

Triều đại Tokugawa sụp đổ bất ngờ, bắt đầu từ năm 1853, khi đoàn tàu chiến của thiếu tướng hải quân Mỹ Matthew Perry cập cảng Nhật. Đối mặt với sức mạnh quân sự hải ngoại, shogun hủy bỏ chính sách bế quan tỏa cảng và bắt đầu giao dịch thương mại với ngoại quốc. Sự kiện này làm bùng nổ làn sóng phản đối Tokugawa cũng như samurai. Lực lượng đối lập tổ chức và quy tụ nông dân mở chiến dịch lật đổ triều đại Tokugawa. Tân chính quyền mới, Minh Trị, trở thành dấu hiệu khai mở thời kỳ mới cho nước Nhật và đẩy lùi samurai dần vào bóng tối. Chế độ Minh Trị xóa bỏ chính sách phân biệt giai cấp, tịch thu tài sản và ngưng trả lương cho samurai và thậm chí cấm samurai mang gươm. Nhiều samurai từng giúp triều đình trước kia nay cảm thấy bị phản bội. Họ tổ chức loạt cuộc dấy loạn vào thập niên 1870 nhưng đều bị dập tắt.

Thời huy hoàng của samurai kết thúc từ đó. Dù vậy,  như đóa hoa anh đào, nở rồi tàn và lại bừng nở, samurai cũng mãi tồn tại trong ký ức cũng như tâm khảm của mỗi người Nhật Bản trong quá khứ và tương lai

Mạnh Kim

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文