Lại chuyện tăng giá

14:30 26/12/2007
Xăng dầu tăng giá như giọt nước cuối cùng làm tràn “chiếc cốc” giá cả vốn đã dâng lên đầy ứ. Tốc độ tăng giá tiêu dùng 11 tháng năm nay vọt lên tới 9,45% và đạt “kỷ lục” so với tốc độ tăng của 11 năm trước tính từ năm 1996.

Có thể quả quyết rằng, tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm nay sẽ vượt ngưỡng 11%, cao chưa từng thấy trong 11 năm qua. Một “giọt” xăng dầu quả là có sức nặng ghê gớm khiến giá cả dâng tràn; giá thép tăng 1,07%, vận tải đường bộ tăng 5,17%, giá lúa tăng 1,51%, lương thực, thực phẩm tăng tới 15%.

Việc tăng giá xăng dầu là “cực chẳng đã” khi mà giá dầu mỏ trên thế giới đã đạt mốc 100 USD/thùng.

Một năm nhưng phải điều chỉnh giá 5 lần mà vẫn bị đẩy vào “thế chân tường”, cho nên không thể dùng “mệnh lệnh hành chính” can thiệp vào thị trường; Nhà nước không thể "oằn lưng" bù lỗ mỗi năm 6.000 tỉ đồng.

Gánh nặng này, doanh nghiệp, người dân và Chính phủ phải cùng chung vai gánh vác. Tuy nhiên, cơn “bão giá” này phải chăng đã “tích gió” từ lâu, có thể dự báo trước, có thể phòng chống từ xa?

Báo chí tuần qua giật những dòng tít lớn: “Cú sốc mạnh lên toàn thị trường”, “Bốc hỏa với giá xăng dầu”, “Giá cả sẽ... đua theo giá xăng dầu”... phản ánh nỗi lo lắng, tâm trạng của các doanh nghiệp, của người dân từ công chức, người về hưu, người nội trợ, cho đến giáo viên, sinh viên.

Họ đang “đau đầu, méo mặt” vì giá cả “phi mã” và bất kham như con ngựa hăng mất dây cương. Niềm vui khấp khởi trong lòng sắp được cầm đồng lương mới chưa kịp ấm tay thì cơn “bão giá” ập đến, cuốn đi.

Giá xăng dầu tăng, đương nhiên phí vận chuyển tăng lên, mớ rau, con cá, miếng thịt,  quả trứng, thậm chí gói xôi sáng cũng phải lên giá. Nên nhớ rằng “bão giá” khác hẳn với bão trời, nó không quét qua một lần rồi tan.

“Bão giá” chà đi xát lại nhiều vùng, bán kính hoạt động cực kỳ rộng lớn và trùm lên toàn bộ xã hội, luồn lách vào mọi ngóc ngách đời sống. Cơn bão này hết sức tàn nhẫn thường đánh vào những người lao động có thu nhập thấp, nhất là ở những “vùng trũng” mức sống, vùng sâu, vùng xa, miền núi và khu vực dân cư vừa gượng dậy sau thảm họa bão lụt, dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Vị Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới vừa đưa ra một lời khuyến cáo đáng suy nghĩ: “Kinh tế Việt Nam như đang “cưỡi” trên chiếc xe máy chạy với tốc độ 200km/h”. Ông giải thích thêm rằng, kinh tế Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh gắn liền với nhiều rủi ro, cho nên người cầm lái phải vững tay và phải “đội mũ bảo hiểm”.

Rủi ro nhìn thấy ngay trước mắt chính là giá tiêu dùng tăng cao, tăng suốt từ đầu năm tới nay, tăng vượt qua quy luật cung cầu.

Còn nhớ, cách đây mấy tháng, tại một cuộc họp báo chính thức của Văn phòng Chính phủ, ông Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phát biểu chắc như đinh đóng cột rằng: “Nếu ai nói lạm phát lên đến 2 con số, tôi không tin. Tôi dám cá cược về điều này. Có thể ai đó nói tôi chủ quan nhưng tôi có niềm tin vào các giải pháp đang thực hiện”.

Đem ước muốn chủ quan ra để đánh cược với thị trường mà bản thân Bộ Tài chính cũng thừa nhận chưa đủ tầm dự báo thì quả là quá... liều. Đương nhiên, ngay từ khi lạm phát mới chỉ là “ngọn gió” phất phơ, thoảng qua, “người cầm lái” đã nhận thấy và đề ra một số giải pháp phòng chống.

Nhà nước bỏ ra hơn 3.000 tỉ đồng “mất trắng” để giảm thuế suất nhập khẩu 18 mặt hàng, thậm chí “ném” ra tới 9 tỉ USD để mua ngoại tệ, đồng thời giảm tiền ra lưu thông (như tăng gấp đôi tỉ lệ dự trữ bắt buộc, khống chế tỉ lệ cho vay đầu tư chứng khoán không quá 3%  tổng số dư nợ tín dụng).

Tiếc thay, biện pháp ra tay thì mạnh nhưng lại quá chậm. Lạm phát ở nước ta đã ở mức nguy hiểm, đáng báo động. Và đặc biệt là khi “vòng xoáy” lạm phát đã "nổi sóng" và vượt qua mọi “đê bao” ngăn cản thì không thể kiểm soát nổi...

Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa thể hiện quyết tâm của bộ máy như nỗ lực kiềm chế lạm phát, "kìm cương" giá cả đang “phi nước đại” khi tết Nguyên đán đang áp sát; khi hậu quả bão lụt còn ngổn ngang khắp dải đất miền Trung; khi dịch cúm gia cầm chưa hoàn toàn thoái lui.

Một câu hỏi lớn đang treo lơ lửng: phải chăng để tăng trưởng kinh tế thì phải “đánh đổi”, phải trả giá đắt bằng lạm phát? Muốn tăng trưởng cao thì phải tăng đầu tư, mà muốn tăng đầu tư thì phải tăng tiền, tăng tín dụng.

Thế nhưng so với các nước có điều kiện phát triển tương tự (Thái Lan, Philippines những năm 80 hoặc Trung Quốc những năm 90 của thế kỷ trước) thì Việt Nam cần tới 4,5 đơn vị đầu tư để tạo ra một đơn vị tăng trưởng. Có nghĩa là nước ta dùng quá nhiều vốn để đạt được một đơn vị tăng trưởng.; cũng tức là nền kinh tế vận hành kém hiệu quả và đây là một nguyên nhân sâu xa “đẻ” ra lạm phát. Nguyên nhân “nhỡn tiền” của tình trạng lạm phát là chính sách cung tiền của Nhà nước.

Ở các nước trên thế giới, Nhà nước luôn “dũng cảm” thừa nhận trách nhiệm gây ra lạm phát chứ không đổ tội thị trường thế giới, lũ lụt, dịch bệnh hoặc “liên minh” tăng giá của các hiệp hội, các doanh nghiệp “đục nước béo cò”.

Không ít nước láng giềng “xài” xăng dầu hơn nước ta rất nhiều, nhưng họ không quá sốc khi giá dầu thế giới leo thang. Singapore lạm phát chỉ 3%, Trung Quốc cũng chỉ mới 5,4%.

Việc ta tăng giá xăng dầu là bất khả kháng, bất quá chỉ là ngọn gió nhỏ góp vào cơn “bão giá”. Giá cả tăng và lạm phát cũng giống như hai mặt của đồng tiền. Nếu chính sách tiền tệ đúng, lượng cung tiền vừa phải thì “bão giá” không dữ dằn như hiện nay. Nói thẳng ra, chúng ta mới chỉ có chính sách kiềm chế tăng giá chứ đâu phải kiềm chế lạm phát.

Đã đến lúc phải “hy sinh” một vài chỉ tiêu tăng trưởng để “cứu” chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số lạm phát. Lạm phát hay cơn “bão giá” làm chao đảo những lớp người có thu nhập cố định, nó có thể dễ dàng “đánh gục” những người lao động có thu nhập thấp.

Riêng với nhóm chủ doanh nghiệp và lớp người có thu nhập cao, lạm phát chỉ là “gió” thoảng qua mà chẳng ăn thua gì. Có khi giá cả tăng thì doanh thu, lợi nhuận lại đầy lên hơn. Vậy là tiền vẫn chảy vào chỗ trũng, vào túi người giàu.

Nếu không chống chọi, ngăn chặn được lạm phát, “bão giá”, cũng có nghĩa là “trái ngọt” và cả “quả đắng” do tăng trưởng cao thu hoạch được đang chia không đều cho các tầng lớp dân cư trong xã hội

Hồng Hạc

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文