Ly kỳ bức tranh đắt giá nhất của Leonardo da Vinci

16:21 16/12/2017
Đó là mức giá khiến người ta phải ngạc nhiên và ngay cả các chuyên gia cũng không thể hình dung nổi. 450 triệu USD cho bức tranh “Salvator Mundi” (Đấng cứu thế) của danh họa Leonardo da Vinci. Tuy nhiên, hành trình tìm kiếm chủ nhân thực sự của bức tranh lại cũng khiến dư luận quan tâm không kém.

Thành công khó tin

Khi bức tranh được bán với giá 450 triệu USD ngày 15-11, đây cũng là lần đầu tiên có một bức tranh được trả giá hơn 400 triệu USD trong một buổi đấu giá. Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao bức tranh “Salvator Mundi”, một kiệt tác được phát hiện chưa đầy một chục năm trước, lại được bán với giá hơn gấp ba lần mức giá mà hầu hết các chuyên gia dự báo?

Ông Thomas Campbell, cựu Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan cho biết: Dù mức giá cao ngất ngưởng nhưng không có gì ngạc nhiên đối với một thị trường mà sự đồn đoán, quá trình tiếp thị và làm thương hiệu đã trở thành thước đo giá trị của tác phẩm hơn là sự định giá của giới chuyên gia. Mức giá của một bức tranh chắc chắn sẽ đảm bảo tiếng tăm cho nó cho dù vẫn còn câu hỏi đặt ra về tình trạng và vấn đề thật giả của bức tranh. Có người đánh cược rằng bức tranh này sẽ thu hút chú ý như bức Mona Lisa đang lôi kéo đám đông tới Bảo tàng Louvre.

“Salvator Mundi” là bức tranh vẽ Chúa Jesu với vẻ ngoài thanh thản, mặc đồ màu xanh và tay cầm một quả cầu. Đây là một trong chưa tới 20 tác phẩm của Leonardo hiện vẫn còn tồn tại và là một trong 10 tác phẩm được bán đấu giá trong lịch sử. Trước khi diễn ra phiên đấu giá, phần lớn chỉ dự báo bức tranh sẽ có giá 120 triệu USD, thấp hơn giá kỷ lục 169,4 triệu USD dành cho bức “Les Femmes dAlger” của Picasso năm 2015.

Nhiều người cho rằng sự thành công ngoài tưởng tượng của phiên đấu giá bức “Salvator Mundi” là nhờ sự chiến thắng của quá trình tiếp thị và thị hiếu của thị trường. Nhà đấu giá Christies đã quyết định đưa tác phẩm này ra đấu giá trong hạng mục các tác phẩm đương đại và hậu chiến thay vì hạng mục các kiệt tác cũ. Điều đó đã khiến “Salvator Mundi” có cơ hội được trưng bày trước con mắt của những người mua giàu có nhất, háo hức nhất và chớp đúng thời điểm tích cực trên thị trường nghệ thuật đương đại cao cấp - nơi mà việc chi hàng triệu USD để mua tác phẩm nghệ thuật đã trở thành một điều không xa lạ.

Nhà đấu giá Christies cũng cho bức họa “Salvator Mundi” chu du khắp thế giới, tạo ra một đợt quảng cáo quy mô lớn trên toàn cầu. Họ gọi phiên đấu giá “Salvator Mundi” là “duy nhất trong đời”.

Tiến sĩ Bendor Grosvenor, một sử gia nghệ thuật và nhà buôn bán nghệ thuật, nói: “Tôi cho rằng đó là phiên đấu giá vĩ đại nhất thời hiện đại. Việc Christies quảng bá cho phiên đấu giá chắc chắn đã có tác dụng nhờ cách mới mẻ và thú vị. Bán trên thị trường kiệt tác cũ có thể nhiều rủi ro với bức tranh, khi mà người mua đa số chỉ mút tay thèm thuồng.

Dù là phiên đấu giá ấn tượng nhưng theo các chuyên gia, nó không cho thấy được điều gì nói chung về thị trường nghệ thuật và không phản ánh thực tế thị trường này. Bán đấu giá “Salvator Mundi” chỉ là một ví dụ đột biến.

Theo bà Clare McAndrew, nhà kinh tế hàng đầu về thị trường nghệ thuật, thị trường cấp cao hiện được hâm nóng nhưng không bùng nổ điên rồ như năm 2007 và 2014. Tuy nhiên, khi đấu giá một tác phẩm nghệ thuật mà hội tụ được cả quá trình tiếp thị thông minh, độ quý hiếm và một chút cạnh tranh giữa vài nhà tỉ phú thì đó là một “cơn bão thị trường nghệ thuật hoàn hảo”.

Bức tranh “Salvator Mundi”.

Trái với một số thông tin, bức “Salvator Mundi” không phải là bức tranh cuối cùng của Leonardo thuộc sở hữu tư nhân. Công tước Buccleuch là chủ nhân bức “Madonna of the Yarnwinder” do Leonardo vẽ. Nhà buôn nghệ thuật Philip Mould cho rằng sẽ không ngạc nhiên nếu công tước định bán đấu giá bức tranh và nếu có bán thì bức tranh này có thể là bức đầu tiên được bán với giá 1 tỷ USD.

Đối với người ngoại đạo thì mức giá này dường như điên rồ. Tuy nhiên, bà Guy Jennings, Giám đốc quản lý Tổ chức Nghệ thuật, nói: “Thế giới không hóa điên mà đúng hơn là thế giới mang bản chất điên rồ. Nó thể hiện một khối tài sản khổng lồ, khổng lồ mà người ta có thể trả để chơi loại trò chơi này. Đó là một triệu chứng điên rồ sẵn có trên thị trường”.

Bàn về việc bức tranh có đáng giá bằng đó tiền không, các chuyên gia cho rằng đó là câu hỏi không thể trả lời. Bà Jennings nói: Một bức tranh chỉ đáng giá bằng đúng những gì mà một người sẽ trả cho nó. Nếu người mua có 15 tỷ USD thì 450 triệu USD họ bỏ ra để mua bức tranh chỉ là một giọt nước trên đại dương. Nếu họ có 415 triệu USD thì đó là cái giá khá đắt.

Mặc dù có một số hoài nghi liệu Leonardo có là tác giả của bức tranh nhưng nhiều học giả thời Phục Hưng khẳng định đó là bức tranh thật. Mặc dù tình trạng của bức tranh vẫn còn bị hoài nghi, ví dụ như bức tranh bị làm sạch quá đà hay khung gỗ bị mối mọt, nhưng thị trường hiện tại không coi đó là vấn đề vì họ chỉ để ý tới hình ảnh và độ nổi tiếng của Leonardo.

Tuy nhiên, chuyên gia Mould cho rằng, dù ai cũng nói đến quá trình tiếp thị, nhưng sự thành công của phiên đấu giá “Salvator Mundi” thực sự là nhờ vẻ đẹp giản đơn nhưng hấp dẫn của chính bức tranh. Ông phân tích: “Đó là một hình ảnh rất thế tục của Chúa Jesu. Không có thánh giá, không có vầng hào quang, và cũng có một vẻ gì đó khêu gợi khá mơ hồ ở vẻ ngoài của Chúa Jesu, một sự thay đổi giới tính nhẹ khiến bức tranh mang tư tưởng thời đại... Đó là gương mặt của ngày nay”.

Nhà đấu giá Christies trong phiên đấu giá bức tranh của Leonardo da Vinci.

Chủ nhân bí ẩn

Sau phiên đấu giá kỷ lục, danh tính của người mua bức “Salvator Mundi” được giới nghệ thuật săn lùng gắt gao. Khi nhà đấu giá Christies úp mở thông tin trên Twitter rằng bức tranh đang trên đường tới Louvre Abu Dhabi, bảo tàng tầm cỡ quốc tế đầu tiên của thế giới Arab ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, dư luận vẫn không xác định được ai là người mua. Có tờ báo thì cho rằng hai tập đoàn đầu tư đứng đằng sau vụ mua bức tranh chấn động và sẽ cho các bảo tàng thuê hoặc mua.

Đến ngày 6-12, tờ New York Times cho biết đã tìm ra danh tính của người mua bí ẩn. Đó là một hoàng tử Saudi Arabia ít được biết tới, thuộc một nhánh xa của hoàng gia, chưa từng là một nhà sưu tập tranh và không có nhiều tài sản. Đó là Hoàng tử Bader bin Abdullah bin Mohammed bin Farhan al-Saud.

Theo tài liệu mà tờ báo này nghiên cứu, tiết lộ Hoàng tử Bader chính là người mua “Salvator Mundi” có liên quan tới một trong những bí ẩn ly kỳ nhất của thế giới nghệ thuật khi mà Hoàng gia Saudi Arabia đang diễn ra những mưu đồ chấn động thế giới. Hoàng tử Bader phung phí tiền bạc để mua bức tranh tại thời điểm mà phần lớn thành viên giới tinh hoa Saudi Arabia, kể cả một số thành viên hoàng gia, đang bị bắt hàng loạt trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Hoàng tử Bader là bạn và là phụ tá của thủ lĩnh cuộc thanh trừng: Thái tử 32 tuổi Mohammed bin Salman. Theo New York Times, vụ mua bức tranh 450 triệu USD là bằng chứng rõ nhất cho thấy bản chất “chọn lọc” của cuộc thanh trừng.

Ngay cả trước khi một trong những phụ tá của Thái tử bị lộ danh tính là người mua bức tranh có giá kỷ lục, dư luận đã choáng với tốc độ tiêu tiền của Thái tử Mohammed, nổi bật nhất là vụ mua du thuyền trị giá cả tỷ USD ở miền Nam nước Pháp cách đây 2 năm.

Khi được hỏi, phát ngôn viên Christies cho biết họ không bình luận về danh tính người mua và bán nếu không được phép, trong khi Hoàng tử Bader cũng không bình luận về tin tức trên. Tuy nhiên, khi tờ The Times tìm mọi cách để có câu trả lời, thì Bảo tàng Louvre in Abu Dhabi đã đăng dòng tweet rằng bức tranh “Salvator Mundi” đang trên đường tới đây. Được biết, Thái tử Saudi Arabia là một đồng minh thân cận với đối tác ở Abu Dhabi.

Tài liệu mà tờ The Times xem xét cho thấy Hoàng tử Bader không lộ danh tính là người tham gia đấu giá mãi cho đến trước khi diễn ra vụ đấu giá. Ông là một nhân vật không tiếng tăm đến mức các giám đốc của Christies phải nháo nhào đi xác định tên tuổi và phương tiện tài chính của ông.

Thái tử Salman.

Thậm chí trước khi ông đưa ra mức đặt cọc 100 triệu USD để đủ tư cách tham gia đấu giá, các luật sư của Christies phụ trách tìm hiểu về người tham gia đấu giá cũng phải yêu cầu Hoàng tử Bader trả lời hai câu hỏi: Ông ta lấy tiền ở đâu và mối quan hệ của ông ta với Quốc vương Saudi Arabia Salman là gì? Hoàng tử Bader trả lời bất động sản là nguồn tiền và rằng mình chỉ là một trong 5.000 hoàng tử của Hoàng gia Saudi Arabia.

Việc Hoàng tử Bader trả một khoản tiền chưa từng có tiền lệ để mua bức tranh Chúa Jesu cũng tiềm ẩn rủi ro động chạm đến nhạy cảm tôn giáo của những người Hồi giáo tại Saudi Arabia. Người Hồi giáo cho rằng Chúa Jesu không phải là đấng cứu thế mà chính là một nhà tiên tri. Phần lớn người Hồi giáo coi việc khắc họa nghệ thuật bất kỳ nhà tiên tri nào cũng là một hình thức báng bổ.

Trong khi đó, Hoàng tử Bader thuộc một nhánh xa của hoàng gia, nhánh Farhan, là hậu duệ của một người anh em của Quốc vương Saudi Arabia từ thế kỷ 18. Nhánh này không có liên hệ dòng dõi với người sáng lập Saudi Arabia hiện đại là Quốc vương Abdulaziz ibn Saud. Tuy nhiên, Hoàng tử Bader lại là cộng sự của Thái tử Mohammed. Họ học đại học cùng thời điểm. Sau khi Vua Salman lên ngôi năm 2015 và chỉ định Thái tử Mohammed điều hành phần lớn chính phủ, ông đã cất nhắc Hoàng tử Bader vào vị trí cấp cao.

Tháng 7 vừa rồi, Vua Salman cũng chỉ định Bader làm thành viên một ủy ban mới thành lập do Thái tử Mohammed dẫn đầu để phát triển tỉnh Al Ola thành một địa điểm du lịch.

Hoàng tử Bader cũng có tên trong ban điều hành một công ty năng lượng ở Saudi Arabia, là chủ tịch của ủy ban sáng lập một tập đoàn địa phương giành được giấy phép xây dựng mạng lưới cáp quang với Tập đoàn Verizon là đối tác chiến lược. Ngoài ra, Bader còn là một nhà sáng lập của một doanh nghiệp quản lý và tái chế rác thải lớn ở Saudi Arabia. Về bất động sản, Hoàng tử Bader hoạt động trong các dự án ở Saudi Arabia, Dubai và Trung Đông suốt 5 năm qua.

Khi phiên đấu giá mở cửa ở Christies tại New York hôm 15-11, Hoàng tử Bader đã tham gia qua điện thoại và có đại diện trong phòng đấu giá là ông Alex Rotter, đồng chủ tịch nghệ thuật đương đại và hậu chiến của Christies. Ít nhất ba người đấu giá nặc danh cũng trả giá qua điện thoại. Các nhà buôn và sưu tập tranh khắp giới nghệ thuật đã đổ về để theo dõi. Hoàng tử Bader đã mua thành công bức tranh khi chốt giá ở mức hơn 450 triệu USD.

Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa dừng lại sau khi cái tên Hoàng tử Bader xuất hiện. Ngày 8/12, Đại sứ quán Saudi Arabia ở Washington lại có cách giải thích khác. Phát ngôn viên đại sứ quán này nói rằng thực ra Hoàng tử Bader chỉ là đại diện của Bộ Văn hóa UAE và bức tranh sẽ được treo tại Bảo tàng Louvre ở UAE.

Trong khi đó, giới chức thạo tin tình báo về vụ mua tranh và các nguồn tin Arab biết rõ vụ mua bán đều nhắc lại hôm 8-12 rằng Thái tử Mohammed bin Salman mới là người mua thực sự bức “Salvator Mundi” - người đang chống tham nhũng mạnh tay ở Saudi Arabia.

Trong khi các nguồn tin khẳng định Thái tử Salman là người mua đích thực, thì vẫn chưa rõ tại sao Hoàng tử Bader, Đại sứ quán Saudi Arabia và Bảo tàng Louvre ở UAE lại đợi đến tận 2 ngày sau khi có tin của New York Times mới khẳng định rằng Bader chỉ là đại diện của bảo tàng, không phải của Thái tử. Vậy Bader đại diện cho ai, Bộ Văn hóa UAE hay Thái tử Salman? Câu hỏi này vẫn chưa được xác định thật thống nhất.

Nhật Minh

Sáng 28/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 và được thực hiện trong 3 năm, trừ trường hợp Quốc hội có quyết định khác.

Canada hiện đang xem xét khả năng áp thuế trả đũa đối với một số mặt hàng nhất định từ Mỹ nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện lời đe dọa áp thuế toàn diện đối với các sản phẩm của Canada.

Liên quan đến tình trạng đem tài sản công đi cho thuê khi không được cho phép của Trung ương Đoàn gây thất thoát, lãng phí và chuyện công trình đầu tư công có giá trị lên đến 34 tỷ đồng sau 15 năm chưa xong hồ sơ quyết toán… xảy ra tại Phân hiệu Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh mà Báo CAND đã liên tiếp phản ánh gần đây, ngày 25/11 vừa qua chúng tôi đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Phân hiệu về những vấn đề này…

Thi công "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", phấn đấu thông xe vào dịp 30/4/2025 kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Đây là những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây để dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Những ngày này, trên công trường, các đơn vị thi công cũng đang chạy nước rút để dự án sớm hoàn thành. Hình hài một cao tốc huyết mạch "băng núi", "xuyên rừng" đang dần hiện rõ, mở ra không gian phát triển rộng lớn.

Liên quan đến vụ việc một nam sinh viên Trường Cao đẳng Đắk Lắk tử vong do bị điện giật trong giờ học thực hành, ngày 28/11, thông tin từ Công an TP Buôn Ma  Thuột cho biết, đơn vị đã vào cuộc điều tra để làm rõ nguyên nhân cũng như trách nhiệm của giáo viên và nhà trường.

Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham những, kinh tế là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng trong điều tra, xử lý vụ án. Việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn góp phần chống lãng phí, tạo thêm những nguồn lực to lớn giúp đất nước vươn mình vào kỷ nguyên mới.

Ngày 27/11, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, qua công tác nghiệp vụ cơ bản, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng và trinh sát trên không gian mạng, Cục Cảnh sát hình sự và Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc bằng hình thức thầu số lô, đề, cá độ bóng đá quy mô rất lớn với số tiền 240 tỷ đồng (trung bình mỗi ngày khoảng gần 3 tỷ đồng) tại địa bàn TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố do đối tượng Cao Quốc Điều (SN 1989), trú tại huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh cầm đầu tổ chức.

Ngày 27/11, Đại hội Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) nhiệm kỳ II (2024 – 2029) đã thành công tốt đẹp. Các đại biểu đã thống nhất bầu Ban Chấp hành mới, trong đó Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND là Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Hiệp hội. Nhân dịp này, Báo CAND đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong về vai trò mới này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文