Mặt trái của du lịch với động vật hoang dã
Đe dọa sự sinh tồn của loài cá mập voi
Sau khi có lệnh cấm đánh bắt cá mập voi, ngư dân Philippines phút chốc trở thành hướng dẫn viên du lịch sử dụng loại động vật biển này phục vụ loại hình du lịch sinh thái.
Philippnes được coi là một trong những nơi thuận lợi nhất để ngắm loài cá mập voi - bao gồm Donsol với Trung tâm Tương tác cá mập voi và được mô tả là “Thủ đô cá mập voi trên thế giới” - ở tỉnh Sorsogon nằm trên đảo Luzon, miền bắc quốc gia này. Cá mập voi là mỏ vàng cho ngành du lịch Philippines và thậm chí con vật còn xuất hiện trên tiền giấy nước này.
Do lợi thế phục vụ du lịch, cá mập voi còn sống có giá trị cao hơn những con chết gấp nhiều lần. Số lượng cá mập voi (Rhincodon typus), loài động vật biển lớn nhất thế giới với chiều dài đến 12 mét và nặng ít nhất 30 tấn, giảm hơn một nửa trong vòng 75 năm qua. Năm 2016, cá mập voi được đưa vào Danh sách Đỏ về những loài đang bị đe dọa của tổ chức Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đặt trụ sở tại Gland (Thụy Sĩ) do “chúng bơi chậm nên dễ bị đánh bắt và chân vịt tàu thủy chém chết”.
Năm 1988, Philippines là một trong những quốc gia đầu tiên thông qua luật bảo vệ bảo vệ loài này. Nhưng, số phận của loài vẫn tiếp tục bị đe dọa khi trở thành công cụ mua vui cho du khách.
Điểm nóng du lịch với cá mập voi là làng Tan-Awan gần thị trấn Oslob phía nam đảo Cebu của Philippines. Dịch vụ mới được phát triển cách đây vài năm song nhanh chóng biến Oslob thành điểm du lịch quốc tế nổi bật với hàng chục khu nghỉ dưỡng mọc lên tiếp đón từ 500 đến 1.000 du khách mỗi ngày. Không giống như Donsol, nơi người tham quan chỉ được quan sát cá, dân địa phương Oslob kiếm tiền bộn hơn nhiều khi cho phép du khách dùng mồi (thường là động vật phù du, tôm, các loài nhuyễn thể...) nhử cá bơi vào bờ.
Du khách chụp hình với voi ở Thái Lan. |
Với mức phí trung bình 20 USD, du khách được phép bơi cùng cá mập voi trong thời gian 30 phút. Sau khi phục vụ du khách và được cho ăn no, cá bắt đầu bơi ra đại dương.
Tirso, nhân viên trong một khu nghỉ dưỡng lớn ở Tan-Awan, nhớ lại: “Ngành kinh doanh du lịch với cá mập voi ra đời năm 2011. Ngư dân địa phương nảy ra ý tưởng sinh lời bộn này sau khi nhìn thấy một thợ lặn người Hàn Quốc dùng mồi nhử cá”. Còn AA Yaptinchay, lãnh đạo Tổ chức Quan sát đời sống hoang dã biển Philippines (MWWP), bình luận: “Trong khi ở Donsol coi trọng việc bảo tồn loài cá thì người dân ở Oslob chỉ nghĩ đến tiền”.
Yaptinchay giải thích: “Theo tập tính loài, cá mập voi thường xuyên di chuyển từ vùng nước cạn đến vùng nước sâu. Nhưng riêng ở Oslob, cá trải qua đến nửa ngày trong vùng nước cạn rồi mất thêm nửa ngày để bơi ra vùng nước sâu. Yếu tố đó đã làm thay đổi thói quen di chuyển của loài và gây stress cho loài.
Đối với động vật hoang dã, stress có thể tác động tiêu cực đến sự sinh tồn của loài do phải thay đổi cách sử dụng năng lượng hằng ngày. Một loạt thay đổi về chức năng sinh lý, sự tăng trưởng, hệ miễn dịch, sức khỏe và khả năng sinh sản do stress gây ra cho cá mập voi phục vụ du lịch”.
Không chỉ là nạn nhân duy nhất
Không chỉ cá mập mà còn có nhiều loài khác cũng được sử dụng mua vui cho du khách, trong đó phổ biến nhất là loài voi. Hàng triệu người du lịch đến Thái Lan muốn được chụp hình với những con voi dễ thương, tắm rửa hay vuốt ve thân mình chúng.
Theo đánh giá từ Hiệp hội Bảo vệ động vật thế giới (WAP) đặt trụ sở tại London (Anh), du lịch giải trí với voi khiến cho ngày càng nhiều loài này bị săn bắt ngoài thiên nhiên để giam nhốt và huấn luyện phục vụ du khách. Kết quả là số voi phục vụ du lịch ở Thái Lan tăng gần một phần ba trong 5 năm qua.
Phổ biến nhất là loại hình du lịch tương tác với voi. Đến Thái Lan, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm với thú vui đang bị giới bảo tồn động vật hoang dã lên án gay gắt này.
Theo điều tra từ WAP, hơn ba phần tư trong số 3.000 con voi phục vụ du khách ở Thái Lan bị nuôi nhốt trong điều kiện “cực kỳ tàn bạo”. Nhiều con voi bị buộc sợi xích dài đến 3 mét và phải đứng trên sàn bê tông gần con lộ đông đúc du khách. Khoảng 160 công ty quảng bá loại hình du lịch đến Thái Lan giải trí với voi.
Du khách bơi cùng cá mập voi ở Tan-Awan. |
Cuộc nghiên cứu điều tra được WAP tiến hành giữa tháng 11-2014 và tháng 5-2016 tại mỗi điểm du lịch ở Thái Lan, Lào, Campuchia, Sri Lanka, Nepal và nhiều khu vực ở Ấn Độ. Sau khi kiểm tra 220 điểm du lịch và 3.000 con voi, giới chức WAP phát hiện chỉ có 200 con được sống trong điều kiện “có thể chấp nhận được”.
Đó là những nơi không có sự tương tác trực tiếp với con vật - nghĩa là không cưỡi, không tắm rửa cho voi và cũng không diễn những trò xiếc với chúng. Theo báo cáo WAP, ngành du lịch Thái Lan sử dụng voi để thu hút du khách nhiều hơn các nước khác cộng lại.
Tuyệt đại đa số voi phục vụ du khách bị săn bắt từ thiên nhiên và chúng thường bị đánh đập dã man khi huấn luyện để sẵn sàng phục vụ chở du khách trên lưng. Những người quản tượng cũng vì kế sinh nhai mà sẵn sàng hành hạ voi. Voi châu Á được IUCN cũng như CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động và thực vật hoang dã nguy cấp) - xếp vào danh sách những loài đang gặp nguy cơ tuyệt chủng.