Mozart và bản nhạc huyền thoại của Vatican

20:30 14/02/2017
Nhà soạn nhạc người Áo thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart nổi tiếng về nhiều điều nhưng ít người biết có lần ông đã “đạo” một bản nhạc hợp xướng của Vatican theo trí nhớ.

Bản nhạc huyền thoại

Bản nhạc mang tên Miserere mei, Deus (Xin Chúa rủ lòng thương), dựa trên bài thánh ca 51, do linh mục Gregorio Allegri soạn vào những năm 1630. Mặc dù ngày nay Miserere được coi là một trong những bản nhạc phổ biến nhất cuối thời Phục hưng, nhưng trong nhiều năm liền, do một sắc lệnh của Giáo hoàng, nếu ai muốn nghe bản nhạc thì người đó phải tới Vatican. Nếu ai vi phạm lệnh cấm sao chép bản nhạc, người đó sẽ bị rút phép thông công khỏi Giáo hội Thiên chúa. Lệnh cấm sao chép bản nhạc này đã tồn tại gần một thế kỷ rưỡi.

Bản nhạc càng thêm huyền bí khi nó chỉ được phép trình diễn trước công chúng vào hai ngày đặc biệt trong Tuần lễ Thần thánh (tuần trước lễ Phục sinh), đó là thứ Tư thần thánh và thứ Sáu tốt lành. Người ta đổ từ khắp nơi trên thế giới về Vatican để nghe bản nhạc.

Mozart đeo chiếc huân chương được Giáo hoàng tặng.

Mặc dù Vatican trong nhiều năm từ chối công bố bản sao của bản nhạc, nhưng đến giữa thế kỷ 18, Giáo hội Thiên chúa đã bị thuyết phục tặng ba bản sao cho ba cá nhân lỗi lạc. Những người này là Vua Bồ Đào Nha, một nhà soạn nhạc nổi tiếng; thầy dòng Thiên chúa giáo Giovanni Battista Martini và Hoàng đế Leopold I.

Về Hoàng đế Leopold I, ông đã nghe bản nhạc khi tới thăm Vatican cuối những năm 1760 và trở nên say mê bản nhạc. Ông đã dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục một chức sắc ở Vatican cho ông một bản sao. Sau đó, ông triệu tập những ca sĩ giỏi nhất và sắp xếp một buổi trình diễn bản nhạc tại Nhà thờ Hoàng gia ở Vienna. Buổi biểu diễn nhạt nhẽo và mờ nhạt.

Điều này khiến Hoàng đế tin rằng mình bị lừa và đã bị đưa một bản sao kém chất lượng của bản nhạc. Ông phái sứ giả tới Vatican để giải thích với Giáo hoàng những gì đã xảy ra. Rõ ràng là thất vọng vì mệnh lệnh của mình không được tuân thủ, Giáo hoàng đã sa thải Maestro di Cappella – người đã đưa cho Hoàng đế Leopold bản sao.

Nhưng qua nhiều năm, đội hợp xướng của Giáo hoàng đã thêm thắt nhiều chi tiết vào bản gốc nên bản nhạc được trình diễn khác với bản gốc. Những thay đổi này cũng không được ghi chép lại. Maestro di Capella đã được trở lại làm việc ở Vatican sau khi Giáo hoàng nghe giải thích về điều này.

Tài năng của thần đồng

Năm 1770, cậu bé Mozart 14 tuổi đi lưu diễn quanh Italy cùng cha. Sau khi tới Rome, Mozart dự buổi lễ thứ Tư thần thánh và được nghe trọn vẹn bản nhạc Miserere. Cuối ngày đó, Mozart, vốn đã được coi là thần đồng âm nhạc, đã viết lại toàn bộ bản nhạc dài chừng 15 phút dựa theo trí nhớ.

Người ta còn đồn rằng Mozart đã dự lễ thứ Sáu tốt lành cuối tuần đó để nghe lại bản nhạc nhằm hoàn thiện những gì đã viết ra. Thậm chí, có người nói rằng Mozart đã giấu bản nhạc mình đã chép trong mũ và tới buổi lễ để chỉnh sửa ngay tại chỗ.

Mặc dù biết rằng sao chép bản nhạc bị cấm, cha của Mozart là ông Leopold rất ấn tượng khi biết con trai đã chép lại được bản nhạc dựa theo trí nhớ. Trong bức thư gửi vợ đề ngày 14-4-1770, ông viết: “Em thường nghe người ta nói về bản nhạc Miserere lừng danh ở Rome, vốn vô giá tới mức những người biểu diễn sẽ bị rút phép thông công nếu sao chép hoặc đưa bản sao chép cho ai đó.

Tuy nhiên, không giống các bản sao chép hợp pháp tồn tại thời đó, bản của Mozart có đầy đủ các thay đổi mà dàn hợp xướng đã thêm thắt trong quá trình biểu diễn nhiều năm. Chính những thay đổi này mới làm nên tầm quan trọng cho bản nhạc và như đã nói, những thay đổi không được ghi chép trong bản nhạc gốc của tác giả Allegri.

Sau khi chép lại bản nhạc Miserere, Mozart đã dự tiệc cùng cha. Tại đó, người ta nói về bản nhạc và ông Leopold đã khoe với các vị khách rằng con trai ông đã chép được bản nhạc huyền thoại dựa theo trí nhớ. Điều này khiến một số vị khách tỏ ra hoài nghi. Tuy nhiên, dự bữa tiệc có một nhạc sĩ tên là Christoferi, người đã từng trình diễn bản nhạc khi là thành viên của dàn hợp xướng Giáo hoàng. Sau khi xem bản sao mà Mozart chép, ông xác nhận đó chính là bản sao của bài hát.

Mozart đã chứng tỏ tài năng âm nhạc khi chép lại một bản nhạc 15 phút theo trí nhớ.

Những gì xảy ra tại bữa tiệc rất khó để kiểm chứng. Tuy nhiên, có một thông tin xác thực đó là bản nhạc Miserere mà Mozart chép dựa theo trí nhớ đã tới tai Giáo hoàng Clement XIV. Giáo hoàng sau đó triệu tập nhà soạn nhạc trẻ tuổi tới Rome khi Mozart đang thăm thú Naples. Tuy nhiên, thay vì thất vọng hay rút phép thông công Mozart, Giáo hoàng rất ấn tượng trước tài năng âm nhạc và sáng kiến của Mozart. Ông đã tặng thưởng cậu bé một huân chương cao quý, tương đương tước hiệp sĩ Giáo hoàng.

Tước hiệp sĩ này khiến Mozart cực kỳ tự hào. Cậu thường đeo huân chương và ký tên mình là Chevalier de Mozart. Tuy nhiên, trong một bức thư gửi cha đề tháng 10-1777, Mozart khi đó 21 tuổi nói rằng trong một buổi hòa nhạc có nhiều nhà quý tộc tham dự, cậu đã bị các nhà quý tộc chế giễu vì đeo chiếc huân chương. Sau đó, cậu đã ngừng đeo và không ký tên mình như trên nữa.

Sau sự kiện Mozart sao chép lại bản nhạc, hoặc là ấn tượng với Mozart, hoặc là nhận thấy không giấu được bản nhạc nữa, hoặc có thể không quan tâm tới việc giữ bí mật bản nhạc như những người tiền nhiệm, Giáo hoàng Clement XIV đã bỏ lệnh cấm sao chép bản nhạc Miserere và công bố rộng rãi cho công chúng. Tuy nhiên, do phong cách dàn hợp xướng Giáo hoàng trình diễn bản nhạc mà suốt gần một thế kỷ sau đó, bản “xịn” chỉ có thể được nghe tại Vatican.

Mãi tới năm 1840, khi một linh mục tên là Pietro Alfieri xuất bản bản nhạc Miserere với đầy đủ các chi tiết thay đổi, thế giới cuối cùng mới có một bản nhạc chính xác như những gì mà dàn hợp xướng Giáo hoàng trình diễn tại Vatican.

Người ta thường cho rằng Mozart đã tặng bản nhạc Miserere mà mình chép lại cho sử gia âm nhạc người Anh là tiến sĩ Charles Burney, người đã xuất bản bản nhạc năm 1771 ngay sau chuyến công diễn của ông khắp Italy. Tuy nhiên, bằng chứng trực tiếp cho thấy bản nhạc của ông Burney chính là bản mà Mozart tặng vẫn còn mơ hồ.

Người ta chỉ biết ông Burney đã gặp Mozart trong thời gian cả hai cùng công diễn ở Italy. Hơn nữa, ông Burney cũng gặp cả linh mục Giovanni Martini – một trong ba người đã có trong tay bản sao hợp pháp của Miserere.

Nhật Minh (tổng hợp)

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文