Mùa xuân của Trí

11:05 03/02/2016
Buổi tối. Muộn. Tôi ngồi nghe Chopin. Tối nay, tự dưng thích những bản ballade của ông. Chắc tại mới đọc xong cuốn của Nguyễn Thụy Kha viết về bạn bè, mà khúc cuối, ông Kha nhắc tới ông Trịnh Công Sơn, khi kể lại câu chuyện đưa “Đóa hoa vô thường” vào cuốn tuyển tập ballade tân nhạc Việt Nam.


Ballade, hai tiếng nghe quen, mà giờ người ta lạm dụng về nó nhiều, bất chấp họ không hiểu thể của nó thực sự như thế nào. Và sực nhớ đến một người bạn, một người viết ballade rất tài: Đức Trí.

Buổi tối. Muộn. Tôi ngồi uống rượu vang. Tối nay, như mỗi tối ở nhà uống một mình, tôi chọn một chai vang ưng ý nhất. Đầu tiên là một chai Bourgogne rồi sau đó là một chai Saint Émilion. Rồi tự nhiên nhớ nửa thập niên trước, lúc còn độc thân. Ngày ấy, ở căn hộ nhỏ, căn hộ giờ cho người ta mướn rồi, không gian nhỏ, cũng hay uống vang một mình. Nhớ nhất là hay uống với người hàng xóm, nói chuyện phiếm về đủ mọi thứ: âm nhạc; tranh ảnh; nhan sắc; và vang.

Người ấy nói một câu tôi giờ vẫn nhớ: "Bourgogne lúc nào cũng vậy, như người con gái nhẹ nhàng, gặp lúc nào cũng được, nhưng không tạo ấn tượng sâu đậm đến choáng váng từ ban đầu. Cứ hơi điệu đà một tí, già hay trẻ cũng điệu đà một tí. Tức là ta luôn sẵn lòng gặp nàng". Người hàng xóm nói câu ấy cũng là người bạn rượu, rất quen, Đức Trí.

Giờ gần Tết rồi. Năm trôi qua nhanh chẳng ai tưởng nổi. Tôi vội vã gõ những dòng này trong âm thanh của Chopin. Nhạc mục đã chuyển. Không còn Ballade nữa, mà là Norturnes, Op.32: No.2 ở cung La trưởng. Những giọt piano làm tôi nhớ đến tiếng đàn của Trí năm 2010, ở phòng trà WE. Hồi đó, ai cũng ngạc nhiên khi Trí nhận lời làm việc với phòng trà ấy. Anh em ai cũng nghĩ, Trí có danh rồi, có đủ rồi, sao lại đi làm phòng trà. Nhưng tôi biết. Trí nhận vì quý người chủ, mà đúng hơn là vì quý cái ý tưởng người chủ đưa ra, mở một chỗ để chơi-nghe thứ âm nhạc đúng nghĩa.

Năm đó, sinh nhật Trí, cũng độ cuối năm, chúng tôi xúm lại làm một đêm nhạc của Trí. Trí ngồi bên cây piano, sang trọng, lịch lãm, vứt hết cả những rối ren cuộc đời, nói một câu không bao giờ tôi quên: "Bản này, tôi viết chung với anh Hà Quang Minh, đang ngồi dưới kia". Tôi lúc đó đã nghĩ, Trí phải ở bên cây đàn mới là Trí. Nhưng mưu sinh, ai cho Trí là Trí. Chơi đàn ở xứ mình, nghèo lắm. Chơi đàn ở xứ mình, phận bạc lắm.

Giờ gần Tết rồi. Đời trôi nhanh kinh hoàng. Tôi chợt nhớ về Trí, mà thương Trí, và ngẫm lại về những mùa xuân của Trí, cả âm nhạc, lẫn đời sống, để thấy lại thương chính mình. Âm nhạc, mang cho đời cảm xúc. Để lại cho mình được gì? Đời sống, mình sống cũng cho đời nhiều lắm. Để lại cho mình được gì? Nỗi niềm, có nhiều khi lại đối diện chính mình, một ly thôi, dưới ánh đèn ngà ngà, đèn còn say hơn mình.

Ngày Trí mới về nước sau chuyến đi học, Trí viết bài nhạc Xuân đầu tiên của đời nhạc sĩ. “Nắng có còn xuân”, một bài tiết tấu nhanh, vui tươi nhưng chẳng giấu được cái buồn sau vẻ ngoài của nó. Ừ, thì Trí chọn hơi hướng dân tộc mà, Trí vốn dân đàn bầu mà. Nhạc dân tộc thì buồn. Đến cả cái ngũ cung trong quan họ, dù chủ âm là âm trưởng đấy, cũng buồn tan nát. Nhưng “Nắng có còn xuân” không chỉ buồn vì hơi hướng âm nhạc mà nó buồn cả trong ca từ Trí dùng. Nội một câu hỏi "Nắng có còn xuân?" đã đủ nói lên tất cả rồi.

Kể cũng lạ. Xuân là hy vọng; Tết mở tương lai, mà sao những bài nhạc xuân buồn buồn cứ hút người nghe đến thế. Chắc tại người ta làm sao quên được những thực tế của tồn sinh trong vài ngày Xuân, dăm cữ Tết? Mà ngay cả Tây cũng vậy thôi. Cái bài “Tết ca” của Tây đó thôi, bài “Happy New Year", âm hưởng cũng buồn man mác. Con người, có xuân, có Tết để an ủi chính mình thôi. Giấu sao nổi nỗi buồn quanh năm nhân thế?

Bẵng đi hơn chục năm sau, Trí mới viết bài nhạc Xuân thứ hai. Ấy là dịp Tết năm ngoái (2015). Trí khoe tôi bản nháp đầu tiên và tôi đã tưởng rằng đó sẽ là một bản xuân vui khi mới đọc lời ca Trí viết vội trên tờ giấy A4. Nhưng khi đọc từng note nhạc, tôi biết nỗi buồn vẫn còn. Và ngay cả trong ca từ cũng vậy thôi. Nó chỉ vui trong mở đề. Còn đoạn sau, buồn như nghe người con gái Nam Bộ tuổi 15, hát ru em câu "Má ơi đừng gả con xa. Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu".

"Hoa cúc, hoa lan, hoa mai, hoa đào. Về đón xuân bên nhau như bao xuân nào", Trí mở ra bài “Xuân muộn” như thế, để rồi kết lại bằng cái câu hỏi day dứt của những người yêu nhau, hứa với nhau mùa xuân se duyên pháo hồng nhưng cả đời đành lỡ. Nhiều người nghe “Xuân muộn” rồi bỡ ngỡ. Họ nghĩ rằng Trí bây giờ đời sống ổn định rồi; danh có; tài sản có; vợ đẹp con khôn cũng có, vậy còn gì mà phải vương vất nỗi buồn ấy nữa. Nhưng tôi thì hiểu. Nỗi buồn ấy không phải vì lần nữa Trí trọn âm nhạc dân tộc làm cái nền tảng cho bài hát. Nỗi buồn ấy đến từ chuyện khác. Nó có thật. Rất đời.

Trí viết “Xuân muộn” rất muộn, theo cách nghĩ của những người sản xuất âm nhạc bây giờ. Hôm nay, viết nhạc xuân họ viết từ mùa hè, hay mùa thu, hoặc chậm lắm thì cũng đầu đông. Để kịp sản xuất, kịp truyền thông, kịp lăng xê đủ kiểu. Trí lại viết cận Tết. Chẳng để tung ra thị trường làm gì. Lâu rồi, cũng phải 7 hay 8 năm nay rồi, Trí bắt đầu có thói quen làm những gì mình thích, cho mình, để "tối về uống vang mở nghe cho thư giãn". “Xuân muộn” cũng vậy thôi.

Trí viết cho chính bản thân Trí. Viết vì tôi biết Trí nhớ má. Má đã ra đi rồi, rất bất ngờ, đi trong giây phút chẳng ai nghĩ tới. Má đi, Tết đầu tiên Trí giam mình trong căn hộ, không bước ra ngoài. Tết thứ hai, tức là Tết có bài “Xuân muộn”, Trí đưa vợ con về ngoại, ở Đà Lạt. Trí đi như chạy trốn. Trí sợ phải trở về căn nhà ngày xưa, cái gác gỗ, cây piano cổ, những vật phẩm sơn mài của gia đình làm lặng yên đó, nơi mà mỗi Tết, Trí đều có má, ăn những món tự tay má nấu; nghe má kể những chuyện ngày xưa; cười với các “chế” các “hia” trong nhà; xem lại những cuốn video cũ, thời Trí còn thiếu niên. Trí sợ bước vào không gian cũ mà không có má ở đó. Trí sợ sự thay đổi to lớn ấy của đời.

Và bởi thế, Trí viết "Xuân nắng, xuân mưa, xuân vui, xuân buồn. Người với em trông xuân khi thu ngủ muộn. Còn xa lắm mùa ta ngóng đợi. Trở về thôi, ngày xưa bé dại". Với Trí, mùa xuân là phải có má, mùa xuân là phải có gia đình và Trí sẵn sàng đánh đổi tất cả: danh vọng; tiền tài; sự tôn trọng của đồng nghiệp hôm nay chỉ để được trở về ngày xưa, ngày có má.

Tôi còn nhớ mùa xuân 2010, ngày cưới Trí, tôi đứng trên sân khấu trong vai trò MC. Tôi hỏi thầm má; "Má thấy sao má ơi?". Má nói rằng: "Má run quá Minh à. Lâu quá rồi không được ngồi sui". Sau này, mỗi lần gia đình có tiệc, tôi vẫn kể lại chuyện đó cho Trí và các anh chị trong nhà. Mọi người đều cười, chọc quê Trí vì cái tội để má mất cảm giác ngồi sui mấy chục năm trời.

Năm ngoái, viết báo Xuân, tôi viết về “chế Sương”, chị của Trí, ở Paris. Năm nay chế Sương về, không còn cô đơn nữa, giữa tết Paris xứ lạ. Nhưng tôi biết, rồi chế cũng như Trí thôi, lại một năm nữa thấy buồn. Không có má, ai còn nấu ragu, ai còn nấu Boeuf Bourginonge cho các con ăn nữa?

Nhưng năm nay, tôi sẽ vẫn như mọi năm, lên chơi với Trí thật sớm, uống một chai thật ngon, kể cả là xuân với chúng tôi có muộn đi nữa. Tôi cũng không được ăn Tết với ba mẹ mấy năm rồi. Vì mưu sinh thôi. Và tôi nhớ, năm ngoái, khi lần thứ hai liên tiếp tôi không về Hà Nội ăn Tết, Trí biết, Trí qua nhà từ trước Tết, mang theo chai vang ngon, bảo rằng "Anh lâu không gặp chú, thấy có chai này ngon quá, anh mua mang qua tặng. Để đó đi, mình uống sau, bữa nào có dịp nào thật xứng".

Chắc là, Tết này, tôi mang nó qua Trí, uống với nhau, như xuân của bao nhiêu năm rồi, đã muộn...

Hà Quang Minh

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

Chiều 5/5, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Hoà Thành (Tây Ninh) đã tạm giữ hình sự đối với Biện Văn Cường (SN 1982, ngụ thị xã Hoà Thành) và Khấu Văn Thum (SN 1986, ngụ Kiên Giang) để điều tra, làm rõ hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

“Cảnh sát cơ động: Tư tưởng vững vàng/ Nắng mưa chẳng quản/ Hăng say luyện rèn”là khẩu hiệu được 1.000 CBCS hô vang hào hùng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Để chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại này, trong 3 tháng qua, hơn 5.000 CBCS CSCĐ đã miệt mài khổ luyện trên thao trường để báo cáo với Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc.

Liên quan đến tình trạng tôm hùm ở vùng thả nuôi tôm ven biển xã Vạn Thạnh và xã Vạn Hưng nằm trong vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chết hàng loạt như Báo CAND đã thông tin, ngày 5/5, PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cơ quan này vừa có báo cáo gửi đến Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa về kết quả khảo sát.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文