NSND Đàm Liên - Trong cơn mơ giật mình hỏi: “Vì sao?”

08:48 01/05/2020
Cách đây hơn 2 tháng, tôi gặp Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Đàm Liên tại nhà riêng, ngõ Chùa Hà, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Lúc đó, tuy một tuần phải 3 lần chạy thận ở Bệnh viện hữu nghị Việt Xô và cánh tay bên trái bị sưng rất to vì lệch cầu (những bệnh nhân chạy thận đều phải đặt cầu vào tay để truyền thuốc) nhưng giọng của bà vẫn sang sảng, cử chỉ nhanh nhẹn và đặc biệt mỗi khi nhắc về nghề thì đôi mắt ấy vẫn lấp lánh đam mê.

Bà kể cho tôi nhiều chuyện đời và nghề, cả đi qua những giông gió của cuộc đời để đứng trên đỉnh cao danh vọng. Thật không ngờ đấy là lần cuối cùng tôi gặp bà. Bệnh ngày càng nặng lên, “bà chúa” nghệ thuật tuồng ra đi vào một ngày trời u ám, hồi 9h40 ngày 25/4, hưởng thọ 78 tuổi.

Nghệ sĩ nhân dân Đàm Liên thời trẻ.

Những ai yêu nghệ thuật sân khấu tuồng hẳn không thể không biết đến NSND Đàm Liên. Khán giả quen mặt bà và công chúng thường nghe danh bà. Không khó gì để tìm ra nhà của một người nổi tiếng như thế, từ ngoài đường, chủ mấy cửa hàng kinh doanh xe máy đã tận tình chỉ nhà của NSND Đàm Liên.

Nhà bà nằm sâu trong con ngõ, trước nhà là khoảng sân nhỏ, bà bảo đấy là mảnh trời riêng của người nghệ sĩ để thả hồn phiêu diêu. 

Ngay tại phòng khách là vô số bức ảnh kỉ niệm về nghề và những giấy khen, bằng khen được đóng khung treo lên tường. Bên cạnh ảnh về những vai diễn của bà, còn có dòng chữ in đậm mà NSND Đàm Liên tự bạch: “Ngồi một mình, nói một mình, hát một mình, cười một mình, yêu một mình và khóc cũng chỉ có một mình. Đó là chuyện thường tình của một cuộc đời diễn viền tuồng như tôi. Vì thế, trong cơn mơ, giật mình tôi tự hỏi “vì sao?”. Nhưng tôi cũng không biết “vì sao?”. Tôi chỉ biết là tôi muốn giữ cái tên mà mẹ tôi sinh ra, đặt cho tôi cái tên Đàm Liên, cho nên tôi phải giữ trọn. Đến giờ, mỗi khi nói đến tuồng, người ta vẫn thường nhắc đến tên tôi: Họ gọi tôi là: “Bà chúa tuồng”, “Vua tuồng”, “Nữ hoàng sân khấu truyền thống tuồng”...

NSND Đàm Liên mặc một áo dạ đỏ, bệnh tật không làm bà mất đi sự nhanh nhẹn và giọng nói đặc biệt sang sảng. Quả thật, đó là một người say nghề đến kì lạ, bà bảo: “Tuồng có nhiều người diễn giỏi nhưng họ chỉ giỏi truyền thống, chứ không giỏi sáng tạo”. Cụ Nguyễn Du nói: “Chữ Tài đi với chữ Tai một vần”.

Giấy chứng nhận Cúp cộng đồng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao cho Nghệ sĩ nhân dân Đàm Liên.

Quả thật, sau này tôi càng thấm. Cuộc đời làm nghề mang đến cho tôi nhiều vinh quang, đứng ở đỉnh cao của danh vọng và cũng không ít nước mắt. Cuộc đời làm tuồng của tôi có quá nhiều kỉ niệm. Lúc này đây, càng có tuổi, tôi càng nhớ về quá khứ, những kí ức cứ len lỏi, những câu chuyện khắc mãi ở trong tim tôi như câu chuyện mới xảy ra ngày hôm qua”.

Bà dừng lại, đôi mắt hướng tới những bức ảnh về các vai diễn để đời đang treo trên tường, những kí ức xưa cứ ào ạt ùa về. Bà kể: “Tôi sinh ra vào một ngày mùa thu tại xã Xuân Long, Đồng Xuân, Phú Yên. Lúc đầu tôi không thích tuồng, mặc dầu mẹ tôi là đào hát, ông ngoại là chủ gánh hát tuồng Bầu Leo. Ngày bé, tôi mê ca múa và điện ảnh. Tôi đi diễn tuồng từ Quảng Bình về thì đạo diễn bộ phim “Chung một dòng sông” qua nhà chọn tôi đóng cô bé mười mấy tuổi, cả gia đình tôi không ai cho đi.

Vì không được đóng phim, tôi buồn mất một thời gian. Nhưng về sau tiếng hát của cô Minh Đức đóng ba cô Năm trong “Chị Ngộ”, cùng tiếng hát ru của mẹ tôi nằm trên chõng hát ru em tôi và đôi bàn tay của ông Tạo múa tuồng trên sân khấu ám ảnh tôi, thế là tôi bị cuốn đi. Tôi mê. Tôi say tuồng từ thuở ấy. 23 tuổi, tôi như đóa hoa rực rỡ, ngát hương. Tôi nghĩ mình đẹp và sân khấu tuồng là của tôi. Lên sân khấu, tôi không còn là tôi. Niềm vui, nỗi buồn, cả sự điên loạn, tôi cảm giác như tất cả các mạnh máu li ti đang chảy trong huyết quản của tôi đều dành cho nghệ thuật”.

Quả thật, cuộc đời bà, số phận bà, định mệnh của bà là một nghệ sĩ tuồng. Mỗi khi lên sân khấu, bà như nhập đồng, chính vì thế chăng mà khán giả yêu thích vai diễn của NSND Đàm Liên nhiều vô kể, trong số đó có cả các bạn bè quốc tế, họ là chuyên gia nước ngoài: Đức, Ba Lan, Liên Xô, Bulgaria...

Khi đã có chồng và sinh được cô con gái đầu lòng, bà vẫn vun đắp cho nghệ thuật tuồng. Không chỉ diễn cố định tại rạp Hồng Hà (đại bản doanh của Nhà hát Tuồng Trung ương), bà cùng đoàn nghệ sĩ tuồng đi diễn khắp các tỉnh, thành cả nước. Đi diễn ở đâu, với nét duyên rất riêng, NSND Đàm Liên được đông đảo công chúng hâm mộ. Trong hồi ức của nữ nghệ sĩ bà vẫn nhớ như in những người bạn quốc tế yêu mến tuồng.

Bà kể, có lần bà cùng các nghệ sĩ tuồng đi biểu diễn ở Cộng hòa Liên bang Đức. Khi biểu diễn xong, có một người bạn quốc tế muốn gặp bà vì yêu mến nhân vật chính trong vở tuồng. Khi bà về Việt Nam, vào những ngày lễ hoặc có ai về nước, người bạn quốc tế ấy vẫn gửi quà nhờ người đưa đến tặng bà lọ nước hoa, khi thì những hộp kẹo chocolate.

Nghệ sĩ nhân dân Đàm Liên với vai “Ông già cõng vợ đi xem hội”.

Trong cuộc đời làm nghề có một vai gắn liền với tên tuổi của bà đó là vai ông già cõng vợ đi xem hội (năm 1979) sau đó đã biểu diễn với 2.000 đêm diễn. Cũng nhờ vở diễn đặc biệt này, bà có những người bạn quốc tế vô cùng thân thiết.

Trong một chuyến công tác ở Ba Lan, một chuyên gia đất nước xứ sở sương mù và tuyết trắng này sau khi xem bà diễn “Ông già cõng vợ đi xem hội”, ông thực sự yêu thích nữ nghệ sĩ diễn giỏi có khí chất đặc biệt này. Ông đã viết những lá thư thân thiết gửi đến bà. Ông hi vọng ông và bà là những người bạn tốt của nhau. Ông viết thư đều đặn cho bà hằng tháng trong 5 năm trời.

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, NSND Đàm Liên cùng với các bạn nghề đưa nghệ thuật tuồng ra thế giới, từ Ý, Đức, Pháp, Nga, Hà Lan, Bulgaria, Hungary, Tây Ban Nha, Ai Cập, Thái Lan, Trung Quốc... Ở đâu, nữ NSND Đàm Liên cũng gieo được tình cảm yêu mến qua những vai diễn độc đáo.

Chồng bà, nhạc sĩ Vĩnh An mất cách đây gần 30 năm, bà sống cùng con gái và các cháu trai trong một ngôi nhà 4 tầng. Cách đây 7 năm, bà bị bệnh thận, một tuần 3 lần phải chạy thận tại Bệnh viện Việt Xô. Khi nhận ra nữ nghệ sĩ tuồng mà từ lâu các y, bác sĩ đã được nghe danh, mọi người đều nhẹ nhàng và hết lòng với bà. Bà bảo ngay cả bệnh nhân chạy thận nhận ra bà, họ bảo: “Chị Liên ơi, em nghe tên chị từ lâu lắm, bây giờ mới được gặp nhưng không ngờ em lại gặp chị trong hoàn cảnh này...”.

Mọi người đều dành cho người nghệ sĩ nổi tiếng một tình cảm đặc biệt chân thành. Cánh tay ghép cầu sưng to và đau nhức không cho phép bà có thể múa cờ, cầm quạt diễn tuồng nhưng hằng ngày bà vẫn hát, bà vẫn đau đáu với nghệ thuật tuồng. Bà nói: “Trong cơn mơ, tôi ước mình có thể trút hơi thở cuối cùng trên sân khấu”.

Cách đây nhiều năm, nữ NSND Đàm Liên vinh dự nhận được Cúp cộng đồng, bà bảo với tôi, nếu viết về bà nhất định phải có tấm ảnh này vì đó là sự nghiệp cống hiến suốt cả cuộc đời của bà được ghi nhận.

Bà nói, ngay trong một chương trình “Trò chuyện với nghệ sĩ” cách đây vài năm của VTV, mặc dù lúc đấy bà đang phải chạy thận nhưng cơn đau không làm bà mất đi niềm đam mê với nghệ thuật. Buổi gặp gỡ hôm đó với các bạn trẻ, bà diễn lại một trích đoạn trong “Ông già cõng vợ đi xem hội”, diễn xong tiếng vỗ tay rào rào và trong tâm hồn của người nghệ sĩ lại bùng lên những tia nắng ấm áp yêu thương.

Khi chuẩn bị chụp ảnh, nữ nghệ sĩ vào trong phòng lấy ra một cái hộp, trong đó chứa lỉnh kinh những thứ làm đẹp cho phái nữ. Cây bút chì kẻ mắt, thỏi son môi, hộp phấn hồng... Bà nhẹ nhàng cầm gương lược chải đầu và chăm chút tỉ mỉ kẻ mắt, tô son.

Nghệ sĩ nhân dân Đàm Liên tại tư gia.

Tôi hiểu, một nghệ sĩ từng sắc nước hương trời, một nghệ sĩ từng đứng trên đỉnh cao danh vọng, một nghệ sĩ luôn nằm trong lòng của người hâm mộ thì khi xuất hiện ở đâu cũng phải ý thức về ngoại hình nhan sắc.

Gần bộ salon bà và tôi ngồi trò chuyện là bàn thờ, ở đấy có treo một chuỗi tràng hạt to. Bà bảo bà vẫn hay tụng kinh, niệm Phật. Lúc rảnh rỗi, bà vẫn đọc báo trên các trang mạng. Bệnh thận làm cho bà mắt bị kém đi ít nhiều. Tuy bệnh vậy mà bà nói bây giờ có người bảo diễn lại trích đoạn, bà vẫn cứ muốn diễn, muốn hát.

Mấy chục năm gắn bó với nghề như ngấm vào máu chỉ chực bung tỏa. Những nghệ sĩ tuồng thành danh đa phần đều được bà chỉ dẫn như NSND Minh Gái, Văn Quý, Hương Thơm, Hồng Khiêm, Văn Thủy và các NSƯT Minh Tâm, Bích Tần, Kim Oanh...

NSND Lê Tiến Thọ (nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, người đã cùng NSND Đàm Liên có 20 năm chung sân khấu của Nhà hát Tuồng Việt Nam) nói về NSND Đàm Liên: “Bà là một ngôi sao sáng của sân khấu tuồng Việt Nam, một người được sinh ra trong cái nôi của nghệ thuật tuồng và được đào tạo bài bản. NSND Đàm Liên rất giỏi nghề, luôn tìm tòi sáng tạo với những vai diễn nằm lòng công chúng, đã cho sân khấu tuồng nhiều vai diễn để đời, một tài năng mà sân khấu tuồng rất lâu mới có thể có được người thứ hai”.


Hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật, NSND Đàm Liên có nhiều vai diễn để đời, vai Trưng Trắc trong “Trưng nữ vương”, Phương Cơ, Liễu Nguyệt Tiêm, công chúa Quỳnh Nga, “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” đều được đông đảo khán giả yêu thích. Đặc biệt với vai ông già cõng vợ đi xem hội đặc sắc.

Bà được nhận 7 huy chương vàng, 3 huy chương bạc trong các kì hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. 10 năm liền là chiến sĩ thi đua cấp ngành, cấp quốc gia.

Năm 1996, NSND Đàm Liên vinh dự tham gia báo cáo điển hình Phụ nữ 3 giỏi toàn quốc. Được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Hai. Huân chương Đào Tấn do tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định trao tặng. Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao tặng đợt đầu tiên.

Năm 1984, bà vinh dự cùng một số ít nghệ sĩ được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT đợt đầu tiên.

Năm 1992, bà được phong tặng NSND. Cùng năm này, Viện Sân khấu công bố kết quả điều tra xã hội học, NSND Đàm Liên là một trong những nghệ sĩ được khán giả yêu thích nhất.

Năm 2006, bà được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao Cúp vàng “Vì sự phát triển cộng đồng”.

Mỹ Trân

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

Sáng 28/4, trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xảy ra ùn ứ ở nhiều hướng, do gần trăm két bia trên xe đầu kéo rơi xuống đường.

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, về vùng căn cứ U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - "chiếc nôi" cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm thấy tự hào về những đổi thay, phát triển của vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tính đến hết tháng 12/2023, hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM). Riêng trong năm 2023 đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文