Nghệ sĩ dương cầm Bích Trà: Thành công không phải trải đầy hoa hồng

11:00 29/11/2016
Chỉ những người trong nghề mới hiểu Bích Trà đã đi qua những khoảng tối mênh mông, nhọc nhằn thế nào mới ra được ánh sáng. Trước đây và ngay tại thời điểm bây giờ thì với chị nghệ thuật muốn thành công luôn cần sự khổ luyện không ngừng của bản thân chứ không và chưa bao giờ là con đường trải toàn hoa hồng.

Nhìn vào những thành công của nghệ sĩ Bích Trà hôm nay, nhiều người bảo rằng đó là nhờ chị sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Mẹ là Nghệ sỹ nhân dân Trà Giang - gương mặt vàng của điện ảnh cách mạng Việt Nam thập niên 1960-1970 và cha là Giáo sư - nghệ sĩ violon Bích Ngọc.

Thế nhưng, chỉ những người trong nghề mới hiểu Bích Trà đã đi qua những khoảng tối mênh mông, nhọc nhằn thế nào mới ra được ánh sáng. Trước đây và ngay tại thời điểm bây giờ thì với chị nghệ thuật muốn thành công luôn cần sự khổ luyện không ngừng của bản thân chứ không và chưa bao giờ là con đường trải toàn hoa hồng.

Khổ luyện và… khổ luyện

Sinh ra trong gia đình làm nghệ thuật, ở tuổi học mẫu giáo, Bích Trà (tên ghép đệm của tên cha và mẹ) được ba cho học violin. Tuy nhiên, sau một thời gian vật lộn với cây đàn thì cô đành chào thua. Không phải Trà không học được violin mà vì giai điệu của nó không đem đến sự hứng khởi thực sự cho cô. Tuy nhiên, khi chạm tay vào phím đàn piano thì Trà như bị thôi miên với thế giới âm thanh rộng lớn, nhiều sắc màu.

Bích Trà và mẹ, NSND Trà Giang.

Thời mới học piano quả là kỳ công. Có những tác phẩm rất dài nhưng vì bàn tay quá mảnh nên mới đánh hết chương một thì bé Trà toát mồ hôi. Sau đó, chị phải luyện đánh đàn như vận động viên chuẩn bị đi thi Olympic. Rồi hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, hằng năm khổ luyện, đôi bàn tay của Bích Trà tương thích thật sự với phím đàn và chị có thể chơi những bản concerto của Brahms dài cả tiếng đồng hồ. Giờ đây, sau mấy chục năm chơi đàn dương cầm nhưng mỗi lần ngồi bên cây đàn chị vẫn thăng hoa trong xúc cảm, trong thế giới riêng của mình.

Là con cưng của ba má nhưng chị cũng xa nhà rất sớm, từ năm 14 tuổi, sang Nga học. Thời điểm đó Liên Xô và Đông Âu bắt đầu khủng hoảng nên cuộc sống của lưu học sinh Việt Nam không còn thuận lợi như các thế hệ du học sinh trước. Ở nước Nga, Bích Trà được đào tạo âm nhạc từ những nôi nghệ thuật như trường Sư phạm Âm nhạc Quốc gia Liên Xô (cũ), Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky (Nga). Còn khi sống ở Vương quốc Anh thì Bích Trà phải đối diện với môi trường cạnh tranh rất khốc liệt, cô học tại Nhạc viện Hoàng gia Luân Đôn.

Tại Anh, một nơi cần một pianist thì có đến 250 lá đơn thí sinh ứng tuyển cho công việc biểu diễn hoặc giảng dạy piano. Là người nước ngoài, đến từ quốc gia không có truyền thống âm nhạc cổ điển, Bích Trà đã nỗ lực không ngừng để tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt này. Có nhiều người cho rằng, lúc đó, khi học ở Nga và về Việt Nam chắc Bích Trà sẽ không phải đối diện với nhiều thử thách như vậy.

Nhưng bản thân chị biết rõ, nếu về nước có lẽ chỉ phát huy được 1/3 năng lực của bản thân nên quyết định qua Anh để tiếp tục dấn thân vào con đường đã chọn. Năm 2000, chị đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Brant, tổ chức tại Birmingham (Anh). Thành công nối tiếp thành công, cũng trong năm 2000 chị được Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh  tặng danh hiệu "Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam".

Cuộc gặp gỡ "tri âm-tri kỷ"

Tháng 12 năm 2013 nghệ sĩ Bích Trà có buổi biểu diễn hòa nhạc tại một nhà hát có chất lượng âm thanh tốt nhất châu Âu. Nghe cách chị tâm sự và con đường chị đi, nhiều người đều cho rằng Bích Trà không phải là người ham theo đuổi tiếng vang danh vọng, nhưng khi được biểu diễn trong môi trường âm nhạc cổ điển đẳng cấp như thế thì đồng nghĩa với việc tên tuổi của chị được đóng dấu trong làng pianist thế giới.

Nghệ sĩ Bích Trà biểu diễn tại Cadogan Hall, London. Ảnh: Vũ Kim Thanh.

Nhưng như chị chia sẻ: "Một lần biểu diễn như thế là thời khắc tuyệt vời của chính mình chứ không phải ai khác. Khi lên sân khấu và chạm tay vào đàn thì tôi không còn thấy sự khác biệt giữa bất cứ nơi nào khác".

Ngày hôm đó, chị thật hạnh phúc khi có rất nhiều khán giả Việt Nam đến ủng hộ. Sau đó, báo Độc lập (Independent) của Anh - một tờ báo chính thống và có uy tín trong làng báo thế giới viết bài bình luận và so sánh chị với một pianist có tiếng của nước Nga. Đó là niềm vinh hạnh không dành riêng cho pianist Bích Trà mà còn dành cho gia đình đã đồng hành cùng chị theo đuổi con đường âm nhạc cổ điển trong bao năm qua, đặc biệt là song thân của chị.

Để có thể khẳng định vị trí trong làng nhạc cổ điển thế giới là điều mong ước của nhiều nghệ sĩ nhưng để thành công trong công việc này, pianist Bích Trà cho rằng, phải đặt tình yêu âm nhạc lên hàng đầu thì mới theo đuổi nghề này lâu dài.

Trên thế giới, dòng nhạc nhẹ phổ thông hơn, thu nhập cũng tốt hơn nhạc hàn lâm và ở bên châu Âu lượng khán giả đến với nhạc hàn lâm vẫn ít hơn rất nhiều so với dòng nhạc nhẹ. Bao năm theo đuổi con đường biểu diễn chuyên nghiệp ở Anh, đến tháng 12-2013, nghệ sĩ Bích Trà đã thu được 8 đĩa nhạc của Joachim Raff - một thiên tài âm nhạc gần như bị quên lãng ở châu Âu.

Có lẽ tất cả chúng ta đều thắc mắc vì sao Bích Trà mạo hiểm chọn một nhạc sĩ nằm trong thư viện hơn một thế kỷ để biểu diễn và thu đĩa, trong khi hầu hết các nghệ sĩ pianist lớn trên thế giới thường chọn những nhạc sĩ quen thuộc để biểu diễn như Chopin, Beethoven, Schubert, Mozart…

Trước đó, nhiều bạn bè biết Bích Trà rất mê nhạc cổ điển lãng mạn của Đức nên hỏi chị có dám mạo hiểm chơi Joachim Raff không, mặc dù trước đó chị chưa nghe tên nhạc sĩ này bao giờ? Và trong các giáo trình âm nhạc chị từng học ở Nga và ở Anh cũng chưa bao giờ đề cập đến Joachim Raff. Nhưng với bản tính ham học hỏi, nghiên cứu và say mê điều mới lạ, chị đọc và thấy rất tò mò.

Sau đó, Bích Trà đến Thư viện Quốc gia Anh để tìm hiểu về Joachim Raff. Bích Trà quá bất ngờ với gia tài âm nhạc đồ sộ của Joachim Raff. Sinh thời ông viết hơn 200 tác phẩm có độ dài từ 1 phút đến 50 phút thì có hơn 100 tác phẩm dành cho piano. Lúc đó mọi người hoài nghi và cho rằng, chọn Joachim Raff trình diễn là Bích Trà đi con đường quá mạo hiểm.

Vì lâu nay, các pianist tên tuổi vẫn chọn và biểu diễn những nhạc sĩ tên tuổi đã được nhiều người đương thời nhớ đến. Nó sẽ an toàn hơn biểu diễn một nhạc sĩ đã chìm vào quên lãng. Chưa kể, các hãng thu âm lớn trên thế giới vẫn thích sự an toàn hơn là mạo hiểm.

Nhưng nghệ sĩ Bích Trà cho rằng: "Cuộc đời mỗi người cũng ngắn ngủi lắm, hãy làm những gì mà mình thực thấy và thực mê thì tốt hơn. Kết quả lao động đó có lẽ tuyệt vời hơn những gì mình làm theo phong trào, theo số đông".

Nói là làm, hằng ngày chị ngồi đọc những nốt nhạc cũ trong thư viện, rồi như gặp được người tri âm - tri kỷ, từng nốt nhạc đẹp của Joachim Raff làm cho tâm hồn chị cứ sáng dần, sáng dần ra. Nhưng để thuyết phục hãng đĩa chịu ghi âm nhạc Joachim Raff cũng không dễ dàng. Tuy nhiên bằng sự quyết tâm, bền chí, pianist Bích Trà đã thuyết phục các hãng đĩa, may mắn đã đến khi hãng Sterling (Thụy Điển) đồng ý thu âm chị trình diễn 2 tác phẩm piano của Joachim Raff với dàn nhạc …

Thu 1 đĩa, rồi 2 đĩa, sau đó nhờ tiếng vang của hai đĩa nhạc này mà một hãng đĩa lớn vốn trước đây thu âm những nhạc sĩ tên tuổi và là một trong những hãng đĩa tiên phong giới thiệu các tác phẩm bị quên lãng đã mạo hiểm mời chị thu đĩa nhạc của Joachim Raff. Bích Trà trở thành pianist gốc Việt đầu tiên có được hợp đồng ghi âm solo với hãng đĩa nổi tiếng Naxos. 3 CD đầu trong hợp đồng đã được phát hành và được toàn bộ các tạp chí nhạc lớn như Gramophone (Anh), Diapason (Pháp), American Records Guide (Mỹ), Ritmo (Tây Ban Nha) và Fono Forum (Đức) đều khen ngợi.

Chính nghệ sĩ Bích Trà chứ không phải một nghệ sĩ nhạc cổ điển phương Tây đã hồi sinh tên tuổi nhạc sĩ tài hoa Joachim Raff - người Thụy Sĩ gốc Đức sau hơn một thế kỷ ông bị quên lãng ở châu Âu.

Chắp cánh tài năng âm nhạc cổ điển Việt Nam

Trong những năm gần đây, dù rất bận rộn công việc thu âm, giảng dạy, trình diễn ở Anh nhưng cứ mỗi mùa hè nghệ sĩ Bích Trà vẫn sắp xếp thời gian về Việt Nam vừa thăm mẹ vừa kết hợp giảng dạy cho sinh viên đang học âm nhạc cổ điển tại Nhạc viện TP HCM trong "Hội trại âm nhạc mùa hè" (Saigon Chamber Music).

Nghệ sĩ Bích Trà biểu diễn tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh.

Đây là ý tưởng nuôi dưỡng những tài năng âm nhạc cổ điển Việt Nam trong tương lai, một hình thức đối thoại trong âm nhạc cổ điển được thực hiện từ đầu tháng 8/2014 tại Nhạc viện TP HCM. Trong mùa đầu tiên, chương trình có sự góp mặt của 3 nghệ sĩ tên tuổi trên thế giới: nghệ sĩ piano Bích Trà, nghệ sĩ cello Zoe Martlew (Vương quốc Anh) và nghệ sĩ violin Atle Sponberg (Na Uy).

Hỏi về sự khác biệt giữa thời chị học âm nhạc cổ điển và hiện nay thì nghệ sĩ Bích Trà vui vẻ chia sẻ: "Thời chúng tôi học âm nhạc vất vả hơn các em bây giờ, rất thiếu thông tin, còn các em học nhạc giờ sướng hơn vì được cập nhật thông tin qua internet thường xuyên. Các em biết rất nhiều. Tuy nhiên, mô hình phát triển âm nhạc cổ điển ở Việt Nam chưa thực sự toàn diện. Ví như trong âm nhạc thính phòng, ở bên châu Âu đây là môn học rất quan trọng nhưng ở Việt Nam chủ yếu là dạy solo chứ không có dạy đối thoại bằng âm nhạc". Sau những lần về nước biểu diễn trước đây chị thấy thực trạng như vậy nên rất trăn trở. Sau đó đồng nghiệp của nghệ sĩ Bích Trà là nghệ sĩ Nguyệt Sa đã cố gắng xin tài trợ để mở lớp "Hội trại âm nhạc mùa hè" cho các em yêu âm nhạc.

Tôi hỏi, trong thời gian ngắn như vậy thì làm sao giáo viên có thể truyền thụ hết những gì mong muốn cho các em. Chị chân thành chia sẻ: "Chúng tôi dạy theo lối học mà chơi chơi mà học. Mặc dù vậy, chương trình học cũng rất nặng. Cũng là cách để thử thách các em. Trước đó, chúng tôi chỉ nghe được nhạc của các em qua đĩa dự thi nên cũng chưa biết trình độ âm nhạc của từng em đến đâu. Sau đó, tôi và các đồng nghiệp đưa ra những bài tập khó, có nhiều thử thách để các em diễn, và tùy vào năng lực của từng em chứ giáo viên không có đòi hỏi tuyệt đối là các em phải hoàn thành xuất sắc các bài tập".

Tiêu chí quan trọng nhất của lớp học là giúp các em trải nghiệm và hiểu được thế nào là đối thoại trong âm nhạc. Đây là điều quan trọng trong quá trình phát triển sự nghiệp âm nhạc cổ điển về sau.

Nghệ sĩ Bích Trà từng tâm sự: "Tôi rất yêu nghề nên khi làm nghề luôn muốn cho hết những kiến thức đã học và đã trải nghiệm trong những môi trường âm nhạc khác nhau trên thế giới vì trên thực tế, để kiếm một suất học bổng ở những học viện âm nhạc lớn nước ngoài rất khó". May mắn là, giờ đây, ở Việt Nam các em có niềm đam mê âm nhạc cổ điển có thể cập nhật thông tin, có thể mua đĩa về nghe, tuy nhiên vẫn không thể nào bằng xem, nghe và học bằng biểu diễn âm nhạc trực tiếp. Sự đam mê học tập của các em làm cho nghệ sĩ Bích Trà và đồng nghiệp rất phấn khởi và không ngần ngại để truyền kinh nghiệm cũng như lửa nghề cho các em.

Phải thấy rằng, chính nền tảng gia đình làm nghệ thuật, cùng niềm đam mê âm nhạc cổ điển và dám dấn thân, cộng với sự khổ luyện không ngừng mà nghệ sĩ Bích Trà có những thành quả như ngày hôm nay. Giờ đây, chị tiếp tục đem lửa, nhiệt huyết và trái tim sống trọn tình với âm nhạc cổ điển để chắp cánh cho những năng khiếu âm nhạc Việt Nam.

Đây là công việc rất vất vả, kỳ công trong điều kiện nền âm nhạc cổ điển Việt Nam còn thiếu thốn nhiều thứ nhưng là niềm hạnh phúc lớn với chị và đồng nghiệp. Với sự nổ lực không mệt mỏi của nghệ sĩ Bích Trà và cộng sự, chúng ta có quyền hi vọng, rồi một ngày không xa nền âm nhạc cổ điển Việt Nam sẽ có những tài năng mới, khẳng định tên tuổi trong làng nhạc cổ điển thế giới. 

Lâm Chi - Mỹ Trân

Dù lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng spam (rác) cuộc gọi bằng cách hạn chế sim rác, cho phép người nghe báo cáo cuộc gọi làm phiền, tuy nhiên tình trạng gọi điện thoại để chào mời hàng hóa, dịch vụ, thậm chí lừa đảo tham gia các sàn giao dịch vàng, chứng khoán... vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Góp phần không nhỏ cho hiện trạng này, không ai khác chính là những đơn vị, hội nhóm chuyên mua bán các loại data trên chợ đen.

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文