Bà Nguyễn Thị Tám - vợ nhà văn Kim Lân:

Người mẹ của những họa sĩ tài danh

15:13 13/02/2018
Bà ít được nhắc đến, dường như chỉ ở đằng sau sự nổi tiếng của chồng - nhà văn Kim Lân và những người con nổi tiếng như họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, họa sĩ Thành Chương, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, họa sĩ Việt Tuấn... Nhưng sự ảnh hưởng của bà đối với đại gia đình nghệ sĩ ấy thì không hề nhỏ.

Bà được ví như một người “cầm cân nảy mực”, là người sống thật nhất, đời nhất để chăm lo trọn vẹn cho những tâm hồn văn chương, hội họa trong gia đình nhà văn Kim Lân.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền vẫn nhớ như in hình ảnh mẹ chị, cụ bà Nguyễn Thị Tám lúc nào cũng tất bật với những công việc trong gia đình. Một tay bà xăm xắn với cơm nước, chợ búa để nuôi chồng và 7 người con trong gia đình. Nhà văn Kim Lân thì dường như xa rời thực tế và ông chỉ quan tâm tới văn chương, nghệ thuật. Ông và các con có thể nói chuyện thâu đêm về vấn đề học thuật, hội họa, văn chương, nhưng trong gia đình, gạo còn hay hết, hôm nay ăn gì, thậm chí đến nồi nước lúc sôi ông cũng không biết cách rót vào phích.

Vợ chồng nhà văn Kim Lân (thứ nhất và thứ ba từ trái sang) cùng các họa sĩ.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cũng cho biết rằng, thời trẻ nhà văn Kim Lân sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bắc Ninh. Làng ông có chợ nổi tiếng: Chợ Giàu. Người ông lại gầy gò xấu xí, nên dù say mê nhiều cô gái trong làng nhưng ông không dám bày tỏ. Thời ấy Kim Lân hay đến chơi nhà người bạn thân là Nguyễn Văn Bảy, một người cũng có máu văn nghệ ở làng Chợ Giàu. Sau này ông Bảy là NSND, đạo diễn, là một trong những người tham gia sáng lập xưởng phim truyện Việt Nam đầu tiên.

Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Văn Bảy có người em gái ruột khá xinh xắn tên là Nguyễn Thị Tám, con út trong gia đình và cũng chính là bà Kim Lân sau này. Cũng tương tự như những lần trước, nhà văn Kim Lân không dám ngỏ lời nhưng ông đoán chắc bà Tám cũng thích ông vì bà thường dúi cho ông... mấy quả mận.

Sau này chính ông Bảy cũng là người ghép đôi cho hai bên và nên vợ nên chồng. Gia đình bà Tám lúc ấy cũng nghèo nên dễ thông cảm. Bà là người chịu khó, lại hay làm hay làm nên khi nhà văn Kim Lân đi kháng chiến, viết văn, chuyện gia đình, con cái, phó thác cho bà. Để nuôi chồng con với gánh lo cơm áo gạo tiền, bà làm đủ thứ nghề, từ buôn bán hàng rong với từng quả mận quả cau quả bí quả bầu tới may vá, mở hàng bán nước, bán bánh rán... kiếm từng đồng từng cắc. Ông bà có 7 người con thì 5 trong số đó là các họa sĩ nổi tiếng.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nhớ lại, không hiểu hồi đó, mẹ chị đã làm thế nào mà xoay xở giỏi đến vậy? Các con không thiếu ăn một bữa. Bạn của chồng đến, dù nhà không còn một thứ gì có giá trị để bán vậy mà xoay xở một hồi, bà vẫn có một cút rượu và một mâm mấy món nhắm rất ngon cho chồng và bạn chồng hồi đó như các bác Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng. Các bác ngồi vừa nhắm rượu, vừa kể chuyện văn chương hội họa, khen đồ ăn ngon, vây mà có lúc ngồi từ 9 giờ sáng đến nửa đêm vẫn chưa tàn cuộc.

Bà Tám nấu cơm ngon và mang hương vị quê nhà nên sau này, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền vào Nam sinh sống, con gái Hiền Minh của chị vẫn thỉnh thoảng bảo rằng, mẹ nấu không ngon bằng bà ngoại!

Chân dung bà Nguyễn Thị Tám do con gái họa sĩ Nguyễn Thị Hiền vẽ.

Trong gia đình nhà văn Kim Lân, bà Kim Lân hiểu tính nết của các con và dù bà không chiều chuộng các con theo ý thích nhưng bà thường để các con phát huy sở trưởng của mình. Bà để các con tự lập và tự lo cho cuộc sống. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền là con gái cả, tuy đời sống khó khăn nhưng mắc bệnh khó ăn, không tí thịt mỡ nào, không tí da gà, da vịt nào, thịt bò thì biết ăn mỗi thịt bít-tết.

Chị cũng không ăn cơm độn, mì sợi. Không có thì chị nhịn luôn. Chính vì thế, trong mâm cơm bao giờ mẹ cũng để riêng mấy miếng thịt nạc và nấu cơm thì để một khoảnh trắng tinh, bảo các em “đây là của chị Hiền”. Các em dù thế nào cũng không ai ganh tị cả.

Bà thường mua các loại hoa quả để con ngồi vẽ như hoa sen, na, ổi, nải chuối. Bà chăm lo cho các con như thế nên trong đời sống, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và các anh chị em thường không phải đi chợ búa, không phải lo gì cho đời sống, chỉ biết ngồi đọc sách, vẽ và khi bán được tranh thì đưa hết tiền cho mẹ.

Họa sĩ Thành Chương thì cho biết, mẹ anh là một người phụ nữ rất nghiêm khắc. Thậm chí đôi khi chính vì sự nghiêm khắc ấy mà hồi đông con, bà thường bị các con trai... hiểu nhầm. Có lần, nhà văn Kim Lân đi thực tế về được biếu nửa chai nước mắm ngon lắm. Dành dụm mãi đến tết mới mang ra dùng.

Thành Chương được giao nhiệm vụ đưa chai nước mắm xuống bếp cho mẹ, đang đi huýt chân sáo thì ngã và hậu quả là chai nước mắm vỡ tung tóe. Khi đó ông bà giận lắm, cả nửa năm tích cóp, cuối cùng không được ăn. Bà thì càu nhàu, còn ông thì... đánh! Vậy là từ ngày bé, Thành Chương đã nghĩ, những trận đòn là do... mẹ mặc dù bà không đánh bao giờ.

Bà Nguyễn Thị Tám, nhà văn Kim Lân cùng con gái Nguyễn Thị Hiền và các cháu.

Bây giờ nghĩ lại, anh bảo, thương mẹ vất vả, vì nhà văn Kim Lân, tính thế chứ chỉ biết các tích trò, chỉ biết văn chương thơ phú chứ hoàn toàn trong cuộc sống, một tay mẹ anh lo toan, gánh vác và tính toán mọi chuyện. Nếu không có bà thì cũng không biết cuộc sống của 7 người con sẽ như thế nào, có được chăm lo cả về phần tinh thần lẫn vật chất để có được như ngày hôm nay...

Nhà văn Kim Lân là người không biết giữ tiền, có đồng nhuận bút nào thì ông đưa hết cho bà để lo toan cuộc sống. Ông bà có gì thường trao đổi với nhau thẳng thắn và tình nghĩa. Chính vì thế, gia đình thường hòa thuận và không có mâu thuẫn to tát xảy ra. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nhớ lại rằng, mỗi năm cứ tết đến là bà Tám lại cố gắng để may cho các con một món đồ mới. Bà sáng tạo và cách điệu lắm, nếu bà ở thời này, chắc cũng nghĩ ra được khối mốt đẹp.

Bà bận rộn nhưng cũng chăm đọc sách, bà là độc giả đầu tiên của ông, có khi ông còn đọc to cho bà nghe. Những năm sau giải phóng, cả nhà mê đọc tiểu thuyết Kim Dung. Cả nhà mỗi người chui vào một góc, chỉ nghe tiếng sột soạt giở sách. Vì không đủ bộ nên người thì đọc tập dưới lên, người lại đọc từ trên xuống. Cả nhà đọc mê man, có khi quên, chả thiết ăn uống. Đó là những ngày tháng tuyệt vời mà sự gắn kết gia đình đã là điểm tựa làm nên những câu chuyện thấm đẫm tình người trong những trang văn của nhà văn Kim Lân.

Bà Nguyễn Thị Tám có một mái tóc dài đến nỗi mỗi lần khi cần gội đầu bà phải ngồi trên bậu cửa để cúi xuống thì mới đủ chiều cao. Bà thường búi củ hành và điều đó khiến bà trở thành một bà mẹ quê đầy chân chất và đẹp nguyên sơ. Bà chiều ông đến mức, mỗi lần tắm cho ông là cả một công cuộc “náo động” của cả nhà. Nào thì nấu nước tắm, nào thì bà gội đầu cho ông, kỳ lưng cho ông, rồi thì con này lấy khăn, con này lấy áo.

Bà không chiều các con, các con tự lập phải làm lấy việc của mình, còn việc của bố, thì có nghĩa là “nhiệm vụ” của cả gia đình. Có lẽ vì hiểu được việc đó, nên nhà văn Kim Lân thương vợ, chiều vợ và cũng... sợ vợ! Ông nổi tiếng, có nhiều người mê. Lắm lúc có bà nhà văn mê quá đến nhà thăm ông, ông chạy tót lên gác xép và bảo các con: “Nói là bố không có nhà!”. Vì đối với bà Kim Lân, chiều thì chiều ông hết mực, song, bà cũng là người nghiêm khắc và khó tính.

Nhà văn Kim Lân có đặc điểm đi đâu cũng dắt tay vợ, nắm tay đi dạo công viên, ngồi trong nhà cũng nắm tay, đi ngủ cũng nắm tay vợ. Ông bà khiến con cháu cảm thấy có sự gắn kết đặc biệt trong gia đình và giàu có về mặt tình cảm. Năm 2001 bà mất sau một trận đau đầu đột ngột, nhà văn Kim Lân buồn lắm. Ông nửa đêm thường lấy áo của bà ra mặc rồi ngồi trước ban thờ bà nói chuyện đến hết đêm. Sau 6 năm, ông cũng qua đời.

Gia đình nhà văn Kim Lân.

Họa sĩ Thành Chương chia sẻ rằng, đối với gia đình anh, sự ảnh hưởng của mẹ là rất lớn. Có lẽ những năm tháng đói nghèo vẫn còn trong dư vị cuộc sống vì đó là một quãng thời gian khá dài đối với một gia đình đông con, nhà chật hẹp phải sống để vượt qua tất cả và trưởng thành như ngày hôm nay. Trong đó, mẹ anh là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát và có nhiều công sức đối với gia đình, chồng con. Không ai khác, chính mẹ anh là hình ảnh biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam chăm lam chăm làm rõ ràng nhất trong tình cảm và tâm thức các con.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền chia sẻ rằng, chị dù không ảnh hưởng nhiều từ mẹ mà chủ yếu là ảnh hưởng của tư tưởng từ bố - nhà văn Kim Lân - song khi tuổi càng cao, sống xa quê hương, lại trở thành một người mẹ, chị mới hiểu rõ được rằng, sống được như mẹ chị quả là không hề dễ dàng. Chị hiểu vì sao, cả một đời nhà văn Kim Lân có được thành tựu văn học, có được danh tiếng ở đời và có được rất nhiều bạn bè tốt.

Nhưng, cũng như trong suốt cả cuộc đời ông, cho đến khi vợ ông mất, ông dường như một cái bóng lẻ loi, cô độc và tiếc thương vô hạn người vợ hiền trong cuộc đời. Là vì sức ảnh hưởng của bà đối với gia đình, đối với sự nghiệp nhà văn, đối với thành công của các con là quá lớn. Bà không xuất hiện rõ rệt trong bất cứ tác phẩm nào của nhà văn Kim Lân, nhưng bà có trong tất cả, bởi vì, bà đã hiện diện trong suốt cả con đường gian nan thành tài của các tài năng gia đình nhà văn Kim Lân. Và bây giờ, bà là nguyên mẫu của trong hầu hết các tác phẩm hội họa về hình ảnh một người mẹ quê tảo tần, yêu thương và chu toàn trong mọi việc...

Trần Hoàng Thiên Kim

Công an TP Vinh (Nghệ An) vừa phối hợp phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Nghệ An và Công an các huyện triệt xóa đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ huyện Quế Phong về TP Vinh, bắt giữ 11 đối tượng, thu giữ hơn 6.000 viên ma túy và một số tang vật liên quan khác.

Hồi 21h25’ ngày 24/5 tại Km 10+805 cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ (hướng Phú Thọ đi Tuyên Quang) thuộc xã Đội Bình (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô đầu kéo BKS: 24C-041.28 do anh Lý Văn Tr. (SN 1989) điều khiển đâm vào đuôi xe đầu kéo BKS: 22-H000.24 do anh Phạm Viết Tr. (SN 1982) điều khiển đi phía trước cùng chiều.

Liên quan đến những hành vi sai phạm trong quá trình thực hiện việc thu hồi đất, bố trí đất tái định cư trên địa bàn thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An), chiều 24/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 5 đối tượng

Sáng nay (25/3), Đại tá Võ Duy Tuấn, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã trao thư khen của Giám đốc Công an tỉnh cho chị Bùi Thị Thanh Truyền, giao dịch viên (GDV) Phòng Giao dịch Tuy An thuộc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại Phú Yên, về việc chủ động phát hiện và kịp thời phối hợp với cơ quan Công an ngăn chặn hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

HLV Mano Polking đã chính thức gia nhập CLB Bóng đá Công an Hà Nội. Tuy nhiên, ông vẫn chưa góp mặt trong trận derby thủ đô vào ngày Chủ nhật.

Những người mua bán ở Phố hàng rong (còn gọi là Chợ đêm hàng Dừa, đường Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) bức xúc về việc nhà đầu tư của Phố đi bộ Ninh Kiều là chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Me Kong (gọi tắt là Công ty Me Kong) đã tăng giá thu cho thuê mặt bằng lên gần 20 lần so với mức hiện hành, khiến đời sống, hoạt động kinh doanh của bà con ở đây vốn đã khó khăn nay thêm gánh nặng.

Việt Nam đã và đang nỗ lực xây dựng một ngành công nghiệp ôtô với mục tiêu sản xuất thay thế nhập khẩu và từng bước tiến tới xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi thực thi các FTA mà Việt Nam tham gia và cam kết.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文