Nhà quay phim Trần Hùng: “Tôi sẽ cố gắng không phụ lòng tin của người xem”

11:40 17/07/2010
Bụi bặm và phong trần, người ta gọi anh là Người hùng của phim truyện Việt Nam khi hai lần chàng lãng tử đu mình để bay lên những thước phim rồi "vướng" mình vào cánh diều treo lơ lửng. Đó là hai lần anh đoạt giải Quay phim xuất sắc - Giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam trong phim "Thời xa vắng" (đạo diễn Hồ Quang Minh) để rồi ấn tượng mãi và phim "Chuyện của Pao" (đạo diễn Ngô Quang Hải).

Khán giả xem phim thước phim với các góc quay, khuôn hình đầy ấn tượng, cá tính và rất lạ đậm chất trữ tình. Khi có dự án phim "nặng đô", đạo diễn nghĩ ngay đến Trần Hùng hiện công tác tại Hãng Phim truyện Việt Nam như một nhà quay phim khó bề thay thế. Và quả thực, anh là người làm nên chuyện.

Phóng viên (PV): “Huyền sử Thiên Đô” là một dự án phim lớn của Công ty Sao Thế Giới hợp tác với Hãng Phim truyện I, anh được mời tham gia là đạo diễn hình ảnh cho phim, cảm xúc của anh khi nhận lời hợp tác?

Nhà quay phim Trần Hùng: Đây là lần thứ hai tôi làm phim về đề tài lịch sử, lần trước từ năm 1996 làm phim "Sống mãi với Thủ đô" với đạo diễn Lê Đức Tiến. Đã 14 năm, nay lại vinh dự được làm phim về Hà Nội nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Đã quay gần 400 tập phim truyền hình suốt một chặng đường dài làm nghề, cứ nghĩ về Hà Nội lại thấy xúc cảm trào dâng.

Ngay cả khi quần quật làm việc ở Sài Gòn hai năm trời, hay ở châu Âu, vẫn không thể quên những ngôi nhà cổ, ngõ ngách, cổng chùa và những bóng nắng đổ dài dưới thềm gạch hiên nhà. Tôi là người Hà Nội nên tôi yêu những giá trị lịch sử làm nên một Thăng Long kiêu hùng. Tôi tự hào khi được làm phim này, kể cả việc bỏ ngay hai dự án phim khác mà không hề tiếc.

PV: Anh đọc kịch bản và thấy hứng thú nhất điều gì?

Nhà quay phim Trần Hùng: Tôi tin tưởng ở nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. Anh ấy cũng là một người Hà Nội, nhà ở phố Hàng Trống, đã quá nổi tiếng với các tác phẩm "Đứng trước biển", "Cù lao chàm", "Ngoại tình"... từ thập niên 80 thế kỷ trước. Anh ấy cũng là tác giả kịch bản “Thái sư Trần Thủ Độ”. Anh ấy là người đọc và thấm sâu sắc các giá trị lịch sử của dân tộc mình, nên những dòng chữ anh ấy viết ra rất thật, cụ thể và có nghề. Anh ấy là người viết kịch bản chuyên nghiệp mà tôi được biết.

"Huyền sử Thiên Đô" có nhiều tuyến nhân vật được khắc họa sắc nét, đầy cá tính về các nhân vật Lý Công Uẩn, Lê Đại Hành, Lê Long Đĩnh, Sư Vạn Hạnh... Đan xen trong đó là các mối tình tuyệt đẹp, đầy chất nhân văn. Tôi nghĩ mình sẽ được thăng hoa cảm xúc khi cầm máy quay những trường đoạn này. Từ phim "Sống mãi với Thủ đô", bắt đầu là những bài học ngây ngô, liều lĩnh khi làm phim dã sử, đến "Huyền sử Thiên Đô", tôi tin vào tay máy của mình sẽ làm nên một bộ phim hấp dẫn dành tặng khán giả cả nước.

Một cảnh trong phim “Chuyện của Pao”.

PV: Từ trước đến nay, anh hợp tác phim với một  đạo diễn, lần này là với hai người, liệu có sự xáo trộn về phương pháp và tư duy làm việc của anh không?

Nhà quay phim Trần Hùng: Trên thế giới và ở Việt Nam cũng vậy, phim truyền hình có hai đạo diễn không có gì là mới cả. "Chạy án", "Ngôi nhà có nhiều cửa sổ" của Hãng Phim truyện Việt Nam cũng có nhiều kíp đạo diễn tham gia. Ở "Huyền sử Thiên Đô", tôi cùng làm việc với đạo diễn Tất Bình và đạo diễn Phạm Thanh Phong. Hai anh phân công các mảng công việc hiện trường, hậu kỳ, quay nội, quay ngoại, quay đại cảnh... rất cụ thể và chuyên nghiệp, nên tôi thấy không bị phân tán bởi sự chỉ huy của hai đạo diễn, vẫn nghĩ chỉ có một ông đạo diễn mà thôi (cười...).

Bây giờ làm phim truyền hình cũng khác trước nhiều lắm, đạo diễn và quay phim cũng đỡ cực hơn khi kịch bản phân cảnh đã tỉ mỉ đến từng chi tiết. Có một điều thú vị, là hai ông đạo diễn này đều là người Hà Nội, nên chúng tôi cùng có một tình yêu giống nhau khi làm phim này, yêu Hà Nội là yêu Thăng Long và yêu "Huyền sử Thiên Đô" để khán giả hy vọng về dòng phim lịch sử của chúng ta, trong tương lai chẳng ngại... so tài với các nước bạn.

PV: Thưa anh, quay phim lịch sử, anh ngại nhất điều gì?

Nhà quay phim Trần Hùng: Ngại không tự nhiên. Ngại phục trang, hóa trang không đáp ứng yêu cầu.

PV: Có ngại quay đại cảnh các trận đánh lớn không?

Nhà quay phim Trần Hùng: Không, các nhà làm phim Việt Nam đã đủ tự tin làm các trường đoạn lớn về các trận đánh mà không sợ bị giả.

Cảnh trong phim “Thời xa vắng”.

PV: Trong lần trả lời báo chí, đạo diễn Đặng Nhật Minh nói đùa rằng, ở Việt Nam mình làm gì có ngựa, toàn là con la. Thế thì "Huyền sử Thiên Đô" lấy ngựa ở đâu ra, thưa nhà quay phim Trần Hùng?

Nhà quay phim Trần Hùng: Khán giả hãy cứ yên tâm, chúng tôi đã nhập ngựa từ Trung Quốc, gần 100 triệu đồng/con. Riêng tiền ngựa gần cả tỉ đồng để thấy chúng tôi cũng chịu chơi. Khoản chi phí chăm sóc chúng cũng không hề rẻ. Một xe ôtô chở thức ăn cho ngựa cũng theo cuộc hành trình của đoàn phim.

Thực ra làm phim ở Việt Nam những năm gần đây, sao còn gọi là cuộc chơi, khi tư nhân bỏ tiền túi làm phim. Lỗ chịu, lãi hưởng. Họ chịu đầu tư và dám liều lĩnh. Tôi thích thú khi tham gia những bộ phim như thế. Bây giờ là thời của những đại gia kinh doanh phim truyện (kể cả phim điện ảnh lẫn truyền hình). Đang có một cuộc cạnh tranh khốc liệt ở cuộc đua này. Phần thắng không thuộc về kẻ có nhiều tiền, mà ở những người có óc phán đoán tốt, quản trị tốt (hút được người tài về cho đoàn phim) và tạo nên một êkip chuyên nghiệp, vận hành như một công ty.

Tôi nể bộ phim này ở chỗ không xài tiền của Nhà nước, không lấy một cắc bạc của khoản ngân sách dành cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Kinh nghiệm của những phim chiếu tết đoạt doanh thu cao cho thấy kinh doanh văn hóa bước đầu có hiệu quả đấy. Nhiều phim truyền hình Việt Nam có thời lượng quảng cáo lên đến nửa tiếng một tập phim để thấy rằng các doanh nghiệp đã nhìn vào lĩnh vực này để đầu tư.--PageBreak--

PV: Đã từng đi nhiều vùng, miền trong nước và ra nước ngoài, anh nhận xét về các bối cảnh quay của "Huyền sử Thiên Đô" như thế nào?

Nhà quay phim Trần Hùng: Chúng tôi sẽ quay ở rất nhiều nơi của miền Bắc: Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Hà Nội, Thanh Hóa, Sơn La, Hòa Bình, lên tận Lào Cai và vào cả Huế nữa. Chúng tôi đã có cuộc khảo sát ròng rã 8 tháng trời trước khi bấm máy, người đen thui vì nắng, da vẫn còn tróc vảy vì cái nóng thiêu đốt 40 độ ngoài trời. Riêng bộ phim này, chúng tôi phải lựa chọn bối cảnh đường giao thông có rộng không? Bởi đoàn xe và đám tùy tùng cũng ngót nghét cả trăm người. Dàn diễn viên của "Huyền sử Thiên Đô" đạt con số kỷ lục đấy, 130 diễn viên.

Tôi đã từng đến các trường quay của nước bạn, Hoành Điếm, Tây An, Côn Minh, Đại Lý. Về quy mô, các trường quay ở Trung Quốc hoành tráng hơn ta, nhưng xét về chi tiết chẳng hơn gì Việt Nam. Họ cũng giống mình, quay vài ngày một tập, nhưng khác mình là họ tận dụng các bối cảnh, trường quay vào nhiều mục đích khác, ngoài chuyện quay phim, như cho các đoàn phim khác thuê và kinh doanh du lịch.

Ở xứ mình, trường quay bị lãng phí vì cách đầu tư ban đầu khác nước bạn. Nhưng với phim "Huyền sử Thiên Đô", chúng tôi cũng có một trường quay khá ưng ý ở Cổ Loa. Đây cũng là sự táo bạo từ ý kiến của đạo diễn Tất Bình.

PV: Một phim về Lý Công Uẩn cũng phát sóng dịp đại lễ này, họ thuê người Trung Quốc đạo diễn, anh nghĩ sao?

Nhà quay phim Trần Hùng: Tôi không thích điều này, tôi nghĩ đấy là phim của Trung Quốc thì đúng hơn. "Huyền sử Thiên Đô" do êkíp người Hà Nội làm vì yêu Thăng Long và đau đáu về lịch sử dân tộc mình. Chúng tôi có thuê chuyên viên hóa trang từ Trung Quốc sang, phụ kiện, kể cả các yếu tố kỹ thuật sau này có thể làm ở nước ngoài để đạt  chất lượng chuẩn nhưng nội dung phải do chúng tôi kiến tạo thì mới có hồn vía thành Đại La, Thăng Long chứ.

PV: “Huyền sử Thiên Đô” đã bước vào cuộc hành trình những tập đầu tiên, Anh nhận xét về các cảnh quay? Mọi việc tốt đẹp và suôn sẻ chứ?

Nhà quay phim Trần Hùng: Vì đây là phim dã sử nên việc thuộc thoại là yếu tố tiên quyết, khác rất nhiều với phim về đề tài hiện tại, có thể ngẫu hứng được. Diễn viên chưa thuộc lời thì chưa bấm máy. Không có chuyện nhắc lời thoại ở đoàn phim "Huyền sử Thiên Đô". Phim dã sử cũng sợ mạo hiểm khi chọn lựa diễn viên mới, vì bắt buộc thuộc lời thoại và nhiều lý do khác nữa, nhưng ở phim này có hai gương mặt mới là Công Dũng vai Lý Công Uẩn và Bebe Phạm vai Giáng Bình.

Cảnh trong phim “Huyền sử Thiên Đô”.

PV: Các nhà báo vẫn thường ví von các anh là những họa sĩ vẽ bằng ánh sáng. Và anh, nhà quay phim Trần Hùng đã có những thước phim rung động trái tim khán giả ở "Thời xa vắng" và "Chuyện của Pao". Những khuôn hình nào ở "Huyền sử Thiên Đô"  khiến anh lo lắng?

Nhà quay phim Trần Hùng: Những cận cảnh và đặc tả về trang phục, đạo cụ, tóc, các con giống... của thời Lý đã đúng chưa, đã chuẩn chưa? Chúng tôi cũng có các cố vấn là các nhà sử học, nhưng ở Việt Nam mình, đôi khi các chuyên gia sử học cũng lúng túng nhiều lắm...

Người viết sử của ta có nhiều đâu và hình như, ngày xưa ông bà tổ tiên ta chưa có thói quen viết sử cho hậu duệ của mình. Tôi muốn nhà sử học Dương Trung Quốc và Lê Văn Lan cũng sẽ có nhiều ý kiến cho chúng tôi khi làm phim này.

PV: Anh có áp lực khi làm phim này không?

Nhà quay phim Trần Hùng: Vô cùng thoải mái và tự tin sẽ có sản phẩm phim lịch sử xinê nhất và có nhiều hình ảnh đẹp cho khán giả thưởng thức. Tôi sẽ cố gắng không phụ lòng tin của người xem.

PV: Câu hỏi ngoài lề, về sự cố  thay đổi diễn viên trong Thái sư Trần Thủ Độ cũng làm rùm beng báo chí một thời. Điều đó có làm anh hơi phân vân, nếu "Huyền sử Thiên Đô" cũng....?

Nhà quay phim Trần Hùng: Tại sao hồi ấy không có nhà báo nào đến phỏng vấn tôi nhỉ? Có nhiều vai diễn, trong kịch và trong phim cũng vậy thôi, các đạo diễn luôn có hai diễn viên thay thế để phòng bất trắc. Khi tham gia đóng phim, bao giờ đoàn phim cũng có hợp đồng cam kết. Phá hay hủy hợp đồng đều phải bồi thường, bất kể lý do gì.

Nhưng có trường hợp ngoại lệ đấy, đang làm phim thì diễn viên mang bầu, mà hợp đồng lại không có điều khoản "cấm chửa" nên đành thua, như trường hợp diễn viên Minh Hương trong "Thái sư Trần Thủ Độ", đã có Thu Hà thay thế. Cũng không là điều đáng lo lắm.

PV: Cảm ơn nhà quay phim Trần Hùng đã kết thúc cuộc trò chuyện thật vui bằng câu chuyện dí dỏm này. Chúc anh sẽ có nhiều thước phim đẹp và cảm động trong "Huyền sử Thiên Đô"

Trần Tam Khoa (thực hiện)

Ngày 27/4, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức, hoạt động “Rửa tiền", "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”; khởi tố bị can và bắt tạm giam 13 đối tượng. Kết quả điều tra xác định, các đối tượng đã trực tiếp hoặc thuê người thành lập hơn 250 công ty ma nhằm mở tài khoản công ty phục vụ hoạt động phạm tội, với tổng giao dịch hàng chục ngàn tỷ đồng…

Sau thời gian theo dõi, ngày 12/4/2024, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang nhóm đối tượng do Tăng Khải Văn (sinh năm 1988, trú tại quận 10) cầm đầu đang tổ chức đánh bạc qua mạng, dưới hình thức cá độ bóng đá.

Nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) chiều nay (27/4) cho biết, trong hành trình truy bắt 3 đối tượng người nước ngoài gây án cướp tài sản có tổng trị giá gần 700 triệu đồng, các trinh sát hình sự phát hiện còn có 1 đối tượng đồng phạm khác cũng là người nước ngoài, nên đang khẩn trương truy lùng.

Quá trình kiểm tra, đối tượng khai nhận đang cất giấu trong người 1 khẩu súng ngắn, trong súng có chứa 4 viên đạn  với mục đích mua về để sử dụng phòng thân và hiện đang cất giấu ma tuý đá, heroin, hồng phiến tại chỗ ở của hai vợ chồng.   

Chiều 27/4, Trung tá Tạ Quang Dung, Trưởng Công an huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị phát hiện một đường dây vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam theo đường mòn, lối mở trái phép trên tuyến biên giới huyện Hướng Hóa, nên xây dựng phương án đấu tranh, bắt giữ.  

Sau nhiều tháng trì hoãn, Hạ viện Mỹ đã phê duyệt khoản hỗ trợ quân sự trị giá gần 61 tỉ USD cho Ukraine. Ngay sau đó, Vương quốc Anh và nhiều nước châu Âu đồng loạt lên tiếng “hỗ trợ quân sự tối đa cho Ukraine” nhằm giúp nước này phòng thủ trước Nga. Giới chuyên gia đặt câu hỏi: Liệu 61 tỉ USD có đủ cho Ukraine không?

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ kết hợp với nguồn tin từ người dân cung cấp, lực lượng Công an đã khẩn trương truy bắt nhanh gọn 3 người nước ngoài đã đột nhập cửa hàng kinh doanh điện thoại ở phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) để cướp tài sản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文