Nhà thơ – Họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên: “Một thân thầm gọi cái con xa”…
- Gia đình nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên: Lớn lên từ lòng nhân hậu
- Nhà thơ - họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên: Người lữ hành mải miết
Người đàn ông cô đơn một mình đã mấy chục năm có lẻ trong căn nhà ngập tràn tranh, khung tranh đủ chủng loại, có cái còn đủ hình hài, có cái đã cong vênh, sứt sẹo, có cái là khung của các loại bằng khen, có cái là bìa một lốc lịch cũ... Bên cạnh tranh là sách, những cuốn sách cũ mới lẫn lộn, không còn gáy, rời từng trang, nằm lẫn những cây cọ đã sờn mòn, với những tuýp màu không còn nắp...
Căn nhà dường như suốt từ lúc ở đến nay chẳng có bàn tay đàn bà dọn dẹp, bừa bộn, thừa thãi đủ những thứ đáng lẽ đã phải vứt đi... 90 tuổi, người đàn ông tài hoa và đào hoa có hai cuộc tình với hai người đàn bà, nhưng trong suốt những năm tháng tuổi già còn lại, sống cạnh ông chỉ là một chú mèo mướp gầy gò đang nhấm nháp đĩa mì tôm sống vương vãi khắp sàn. Nó cùng thức, cùng chuyện trò cùng chủ nhân trong căn nhà mấy chục mét vuông ký ức...
Ông luôn vẽ bằng chính những ngón tay của mình thay cọ vẽ. |
Khi tôi đến, ông đang ngồi vẽ trên một chiếc bìa các-tông cũ, tay ông lem nhem, áo ông đầy vết màu cũ mới vương vãi. Ông đẩy chiếc cửa sơ sài, tay bắt mặt mừng như thể lâu lắm rồi mới gặp một người viếng thăm. Ông gầy ngoài sức tưởng tượng của tôi, người chỉ còn da bọc xương, nhưng khỏe mạnh và vẫn còn khá nhanh nhẹn. Ông tất tưởi tìm chỗ cho tôi ngồi. Một chỗ ngồi duy nhất ở lối đi trên chiếc ghế nhựa ọp ẹp.
Ông kể: “Tôi đang vẽ dở đấy chứ, ngày nào tôi cũng vẽ, tôi làm việc chăm chỉ lắm cô ạ, không vẽ là không sống nổi, trong nhà tôi hiện có hơn 3.000 bức tranh đủ các đề tài, quý lắm đấy, đầy ở tầng 1, tầng 2, ngóc ngách nào cũng có, không còn chỗ mà để ấy chứ...”.
Rồi phải quý lắm ông mới cho phép tôi được lên tầng 2 (thực ra là một cái tầng lửng chừng chục mét vuông) để xem tranh ông đang cất giữ. Phải nghiêng người, luồn lách thật khéo léo mới đi lại được trong nhà ông, nếu không đụng phải tủ cũng sẽ đụng vào những bức tranh cũ mèm xếp chồng lên nhau vội vàng, cẩu thả. Những lớp tranh, lớp sách đủ chủng loại đã đầy lớp phủ của thời gian.
Tầng 2 đầy tranh của ông, những bức tranh chẳng có khung xếp vào nhau xộc xệch, có những bức được căng toan, có những bức vẽ vội trên một mặt sau của bìa các-tông, có bức lại vẽ trên mặt chiếc bàn sắt, có bức lại vẽ trên vỏ bao thuốc lá... Ông vẽ trên mọi chất liệu, bằng tất cả những gì có thể gọi là màu sắc, hình khối để tạo nên một bức tranh, có bức tranh rõ hình hài, có những bức chỉ là những nét phác họa giản đơn...
Mà rất lạ, ông là họa sĩ vẽ bằng tay (chứ không cần đến những cây cọ), bàn tay của ông chính là những cái bút vẽ, ông điêu luyện đến nỗi, chỉ cần vài cái xoa xoa, miết miết, đã thành hình một bức tranh kỳ ảo. Với ông, dù nhỏ to, dù là nhanh hay chậm, dù là kỳ công hay đơn giản, thì những bức tranh đều là những khoảnh khắc của đời người và ông giữ lại hết tất cả như là nhân chứng, vật chứng của những giây phút lên đồng, xuất thần hoặc gọi một cánh đúng hơn là “lên cơn vẽ” của ông.
Có thể trong hàng ngàn bức tranh mà ông kể, vẫn tìm ra được những bức tranh đẹp còn sót lại, những bức tranh được ông vẽ thời kỳ còn sung sức và đầy cảm hứng, thời mắt ông còn sáng, còn tinh anh... Bởi vì theo như ông chia sẻ, tranh của ông đã được một nhà sưu tập mua lại và chọn đi hết những bức đẹp rồi giờ chỉ còn lại ngần này. Những bức tranh dở dang, bị bỏ quên trong lớp bụi thời gian với những ký ức không rõ rệt của ông về những nơi đã đi qua, đã đọng lại trong tiềm thức...
Chỗ ngủ và là nơi đọc sách của nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên. |
Lẫn trong số những bức tranh phong cảnh, tĩnh vật, phố... là rất nhiều tranh nude. Tôi nói đùa ông: “Ông vẽ tranh nude nhiều thế, mẫu ông tự thuê hay có nhân vật của riêng mình?”. Ông thẳng thắn: “Tôi có nhiều người tự nguyện cho tôi vẽ nude chứ. Họa sĩ mà không vẽ nude thì còn gọi gì là họa sĩ. Thời xưa khi còn có tiền thì tôi thuê mẫu. Nhưng tôi bây giờ nhắm mắt vẫn có thể vẽ được. Có thời kỳ tôi bị mù, (mù vì tôi khóc thương người em trai mất đột ngột) mà tôi còn vẽ được. Tôi vẽ bằng tiềm thức, bàn tay tôi chỉ là thứ để tái thể hiện mà thôi...”.
Có một người bạn kể lại rằng, ông người đa tài, đào hoa, nhưng trong đời có hai mối tình gắn bó. Người vợ đầu tiên, người sinh cho ông 7 người con, họ đều may mắn có gen của bố, đều là những người họa sĩ, nhà thơ tài hoa, giỏi giang... Nhưng vào những năm 90, có một biến cố đến với cuộc đời ông, đó là sự ra đi của người em trai.
Ông vẫn bảo rằng, trong sự mất mát ấy, lỗi một phần do người vợ đã đầu kề tay ấp gây ra, nên ông bỏ nhà, bỏ xứ ra đi vào miền Nam lập nghiệp, làm lại từ đầu. Ở đó, ông được giới thiệu với cho một người mà sau đó ông lấy làm vợ. Sống với nhau, có chung một người con gái. Đến ngày con gái đi lấy chồng, ông vào dự đám cưới thì ngỡ ngàng bị... mời về. Ông chỉ là người thừa vì đã có người bố ruột của con gái ông ở đó!
Tôi hỏi ông những câu chuyện buồn ấy, ông đang vẽ tranh và ngẩng lên nhìn tôi, đôi mắt ông đã mờ đục bởi nước mắt và sự tổn thương. Ông bảo: “Cuộc đời là thế đấy cô ạ. Bây giờ, tôi chỉ thương em trai tôi, chú ấy mất đã mấy chục năm rồi, nhưng không có ngày nào ăn cơm mà tôi không nghĩ đến chú ấy. Chú ấy ra đi quá oan ức, chết đói mà không ai biết. Tôi đi cấp cứu thì đã muộn. Bây giờ tôi ăn một miếng lại nghĩ đến em mình, thương lắm. Lỗi một phần do tôi. Ngày chú ấy mất, tôi khóc ròng cả tháng trời mà mù cả mắt đấy. Rồi tôi tự chữa khỏi mắt cho mình, vì cô thấy đấy, tôi có hàng trăm cuốn sách thuốc, 30 năm qua tôi chưa phải đến bệnh viện một lần nào, tôi sống khỏe mạnh và minh mẫn, tôi tự chữa bệnh cho mình. Tôi vẽ tranh, làm thơ là dành cho chú ấy”.
Rồi ông đưa cho tôi tuyển tập thơ được Hội Nhà văn Việt Nam in cho ông, giở đúng bài thơ “Đưa em tôi đi”: “Gợi nhớ nỗi buồn trần ai/ Khi tôi theo vòng bánh xe quay/ Vào buổi hoàng hôn lá rụng/ Khi bừng lên sao thất tinh trên nắp hòm quan/ Hừng sáng những lời thơ/ Tôi nghe từng nỗi sầu vương/ Từng lời em gọi/ Trong tĩnh lặng thâm sâu/ Có những ngày trôi thầm lặng/ Có hơi thở của em tôi/ Có nhịp đập của con tim/ Tiếng động của bước chân/ Vào lúc người em đi mãi mãi/ Em tôi bỏ lại những ngày trông đợi...”.
Rồi ông lại khóc, những giọt nước mắt già nua chắt lại trên gương mặt xương xẩu gầy gò của ông. Vì có nỗi buồn trĩu nặng, vì thế mà ông không trở lại Hà Nội. Nơi đã gắn bó với một thời tuổi trẻ đầy mê say của cuộc đời ông. Ông bảo: “Hà Nội chỉ gợi cho tôi những ký ức buồn, những điều mà tôi muốn quên đi. Dù lúc mới đi xa tôi nhớ khủng khiếp. Ở đó tôi có tất cả, có các con, có bạn bầu một thuở. Nhưng sống ở đâu thì quen đó. Giờ tôi quen với Sài Gòn, đúng hơn là quen với cái góc nhỏ này của tôi. Tôi cũng chẳng cần gì, chỉ cần có một chỗ để vẽ, để thiền. Tôi không thiền thì tôi không khỏe được như hôm nay. Cô xem này, tôi chả bệnh tật gì dù người tôi gầy”.
Tôi biết rằng, dù là người sống thực thực, ảo ảo, đôi khi nhớ rất nhiều mà đôi khi cũng như chừng quên hết, song, ký ức về Hà Nội và những ngày tháng trai trẻ cứ trở đi trở lại trong ông, trong tranh ông và trong thơ ông: “Ngày tháng/ Chỉ có hai mùa mưa và nắng/ Xa sắc hoa đào/ Có sắc mai ẩm iu hơi lạnh/ Tình duyên tắt/ Lòng vẫn trôi theo nước Nhị Hà/ Nghe tiếng còi tàu nhớ Hà Nội/ Một thân thầm gọi cái con xa/ Hỡi ơi xoay xỏa gì đây chứ?/ Vẫn hồn ngây dại cái thân ta/ Cùng bao nỗi riêng còn ôm mãi/ Thương anh, thuơng em ở quê xa/ Còn gì mất gì ôi cách biệt/ Mỗi khi Tết đến lại khóc òa”...
Tôi hỏi thường ngày ông ăn uống thế nào? Ông vừa vẽ vừa trả lời: “Có khi tôi tự nấu ăn, có khi mua cái gì đó ăn và có khi cũng chẳng biết sẽ ăn gì. Tôi còn vẽ được là tôi sống!”.
Có lần nhà thơ Bàng Ái Thơ, con gái cả của nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên chia sẻ: Vì muốn được tự do sáng tác, nên cụ thích ở một mình. Cụ ở trong Nam vì thời tiết ở TP HCM như cụ nói cũng dễ chịu hơn với sức khỏe của cụ, lại tiện sinh hoạt. Hàng quà rong qua cửa ghé vào thả vài cái bánh tét, nải chuối, khoai luộc, ổ bánh mì... chỉ cần thế thôi cụ đã xong bữa, chứ không câu nệ, rườm rà. Cả nấu nướng, giặt giũ, tự chữa bệnh cho mình không phải đến bệnh viện. Cuộc sống nội tại nơi mái nhà nhỏ vừa là xưởng vẽ, vừa là “Tàng thư các”, vừa là góc riêng sách và tọa thiền. Mỗi năm tôi cố gắng thu xếp thời gian để thỉnh thoảng vào thăm cụ. Tôi đưa ra ý kiến muốn tìm người giúp việc cho bố để chu đáo bữa ăn, hớp nước hàng ngày, nhưng cụ gạt đi ngay. Bố không cần ai vì nó sẽ làm đảo lộn cuộc sống của bố. Thời gian của bố phải dành cho công việc. Con đừng bận lòng nhiều. Sau này con cũng thế, rồi con sẽ thấy quý từng khoảnh khắc thời gian, cho nên chúng ta đừng câu nệ, cứ quẩn quanh với mấy cái việc sinh hoạt là không còn thời gian cho công việc nữa đâu...
Có lẽ trong cái hẻm nhỏ ấy, những người hàng xóm chỉ biết, ông là ông già nghệ sĩ cô đơn, nghèo, ẩn dật, thậm chí là lập dị giữa đời thường, nhưng có lẽ ít ai biết rằng, con cháu ông là những họa sĩ, những trí thức, những doanh nhân giỏi ở Hà Nội, ở nước ngoài. Họ có nhà cửa đàng hoàng, có cuộc sống dư giả, nhiều người mơ ước. Họ được thừa hưởng gen của cha, của họ Bàng nổi tiếng và họ yêu thương cha mình theo một cách riêng bởi vì ông vốn dĩ là một nghệ sĩ đầy cá tính và thích tự do. Không ai ngăn nổi bước chân ông trên con đường thiên di dành cho nghệ thuật.
Trước khi tạm biệt nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên, ông còn vẽ tặng tôi một bức chân dung, đó là một món quà mà bất cứ ai khi đến thăm ông cũng được tặng. Ông vẽ nhanh bằng đôi bàn tay già nua nhưng chắc nịch. Ông bảo, nếu có thời gian ông còn vẽ đẹp hơn. Khi biết tôi từ ngoài Bắc vào, ông hỏi đủ thứ chuyện bằng giọng nói khỏe khoắn, dù đôi tai ông đã không còn nghe rõ. Ông như muốn níu thêm chút nữa thời gian bởi căn nhà ông ít sự thăm viếng.
Ông cho tôi xem những cuốn sách triết học dày cộp đang để trên cái giường bé xíu bề bộn. Những cuốn sách ông vẫn đọc mải miết hằng ngày bởi ông không ti vi, không bạn bè, có chiếc điện thoại bàn thì có chuông ông chỉ nhấc lên chứ không nghe thấy ai nói gì vì tai nghễnh ngãng. Có chiếc tivi cũ, ông đã gọi người mua ve chai tới cho không từ lâu. Ông chỉ có duy nhất chú mèo mướp gầy gò làm bạn. Chú ngồi đó nhìn ông vẽ, ăn mì tôm sống và thỉnh thoảng kêu một tiếng yếu ớt...