Nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi và những bài ca đi cùng năm tháng

17:35 04/05/2016
Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài. Ông là nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà viết kịch, ở địa hạt nào cũng có tác phẩm xuất sắc, đó là những bài ca đi cùng năm tháng, là tác phẩm sống mãi với thời gian.

Nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha khi sưu tầm hàng trăm ca khúc về Hà Nội, nói bài hát "Người Hà Nội" đã được các nhạc sĩ uy tín bỏ phiếu là bài hát hay nhất về Hà Nội. Nhạc sĩ Nguyễn Cường nói về ca khúc này: “Riêng bài hát "Người Hà Nội" của anh Nguyễn Đình Thi, Hà Nội còn thì bài hát vẫn còn”.

Trong cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật, Nguyễn Đình Thi có bài "Diệt phát xít" (năm 1945). Ở những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông có bài "Người Hà Nội" (sáng tác 1947). Với cuộc kháng chiến trường kì chống đế quốc Mỹ, ông có bài thơ "Lá đỏ" được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc (năm 1974).

Nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi

Chỉ với 3 ca khúc, ông đã vẽ nên bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến đấu của quân và dân ta suốt chặng đường lịch sử của một dân tộc anh dũng và kiên cường trong thế kỉ XX bằng âm thanh đầy hào sảng, ghi tên mình thành tượng đài âm nhạc Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Đình Chính là người con trai duy nhất của nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi, ông sống trong một ngôi nhà rộng ven bờ sông Hồng lộng gió. Tôi gặp ông khi gia đình vừa làm giỗ cho người nghệ sĩ đa tài Nguyễn Đình Thi cách đây hai hôm. Ngoài sân vẫn còn lúc lỉu những chậu hoa tươi đung đưa trước gió, những lọ hoa hồng nhung đỏ thắm thả hương thơm ngan ngát khắp khu vườn.

Thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn.

Nhà văn Nguyễn Đình Chính bảo: Cha anh là người nhỏ nhẹ, cẩn trọng, tinh tế, yêu nét đẹp. Ông cũng thích hoa, vì thế nên năm nào đến ngày giỗ cha, anh cũng đi mua mấy chậu hoa tươi về treo cùng hàng trăm bông hồng đỏ cắm lọ. Chúng tôi bắt đầu câu chuyện về bài ca đi cùng năm tháng của người cha quá cố của anh, "Người Hà Nội", một ca khúc được các nhạc sĩ uy tín đánh giá là hay nhất về Hà Nội.

Phải nói khởi nguồn về bài hát đó là xuất xứ của Nguyễn Đình Thi, ông là một người con chính hiệu của Hà Nội. Chàng thanh niên tiểu tư sản của đất Hà thành ngàn năm văn vật. Quê gốc của ông là làng Vũ Thạch, nay là phố Hàng Trống, một trong 36 phố phường của Hà Nội. Chàng thanh niên tiểu tư sản, người đã dệt nên những câu thơ: "Tôi nhớ những ngày thu đã xa/ Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy..." (năm 1948).

Ông ở ngay giữa lòng Thủ đô với hình ảnh thiên nhiên đẹp tựa bức tranh có địa danh in dấu vào lịch sử: "Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu...". Có "Bóng tháp Rùa thân mật êm ấm lòng...". Có "Tíu tít gánh gồng đây ô Chợ Dừa, kia ô Cầu Dền làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm.../ Quanh co chen quanh rộn ràng Đồng Xuân, xanh tươi bát ngát Tây Hồ, Hàng Đào, ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai...".

Tháp Rùa Hồ Gươm Hà Nội

Mùa thu năm 1947, Nguyễn Đình Thi lúc này đang là Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ ra vào thành vận động trí thức đi theo kháng chiến. Trong hồi kí của mình, ông kể: "Bài Người Hà Nội tôi viết vào đầu năm 1947, dịp gần Tết. Khi đó Hà Nội đang chiến đấu rất quyết liệt. Do công tác, tôi tạt vào làng Khúc Thủy bên bờ sông Nhuệ, đối diện với làng Cự Đà bên kia sông lúc bấy giờ là trạm quân y lớn nhất của ta tiếp nhận thương binh từ Hà Nội đưa về. Thời gian ấy, do phân công ở trên, tôi cùng anh Thép Mới, bạn học từ còn ở Trường Bưởi, làm tờ báo Cứu quốc của mặt trận Hà Nội, sau này gọi là Cứu quốc Thủ đô. Tôi rời Hà Nội ra ngoại thành vào đúng đêm 19 tháng 12, tức đêm ngày toàn quốc kháng chiến nổ ra tại Hà Nội. Phía sau lưng tiếng súng bắt đầu nổ và Hà Nội cứ bốc cháy. Một cảnh tượng rất hùng vĩ mà sau này đã xuất hiện trong bài hát "Hà Nội cháy, khói lửa rợp trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung. Sông Hồng reo...".

Trong những ngày tản cư ở làng Khúc Thủy, em vợ của Nguyễn Đình Thi là cô Nghĩa mới 17 tuổi - một hoa khôi của Hà Nội - cũng đi tản cư với ông. Nhà văn Nguyễn Đình Chính nhớ lại: Một buổi hai cha con ngồi trò chuyện với nhau, nhà văn Nguyễn Đình Chính hỏi cha về bài hát "Người Hà Nội", cha anh kể, cha anh chỉ biết chơi thành thạo kèn mandolin còn piano thì chỉ biết mổ cò vài nốt.

Nhưng một buổi tối, trong một ngôi nhà ở làng Khúc Thủy, người tản cư đã bỏ lại cây đàn piano vì nó quá cồng kềnh, không thể vận chuyển để tản cư, nhớ về Hà Nội của cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, của ngày toàn quốc kháng chiến, khói lửa và bom đạn, của quân dân Hà Nội đầy quật cường và khí thế, đột nhiên cảm hứng sáng tác trong ông ào ạt tuôn trào. Là một nhà thơ nhạy cảm tinh tế trước biến động của đời sống, của dân tộc, hình ảnh Hà Nội cháy khói lửa rợp trời hiện lên như một bức tranh chân thực và sống động nhất.

Những thành viên đầu tiên của Đội Vệ Quốc Quân bảo vệ Thủ đô.

Ngày 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động  cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại Thủ đô Hà Nội, chiến lũy được dựng lên ở nhiều đường phố và những đội cảm tử đã sẵn sàng cho Tổ quốc quyết sinh. Cả Thủ đô ngập trong biển lửa, với ý chí căm thù và lòng quyết tâm sâu sắc, khiến cho chàng thanh niên mới lớn khắc cốt ghi tâm, và bên cạnh đấy là cô gái vừa qua tuổi trăng rằm cũng hát hay đàn giỏi, thông thạo âm luật từ thuở thiếu thời. Hai anh em đều là những chàng trai, cô gái của đất Hà thành, lớn lên trên mảnh đất này, để nhớ, để yêu từng địa danh, từng nắm đất, sự cộng hưởng tình yêu đất nước và con người Hà Nội đã làm nên điều kì diệu.

Nguyễn Đình Thi vốn hát rất hay, cộng thêm mạch cảm xúc ngút ngàn nên những câu chữ như dòng thác nối tiếp nhau. Ông hát một mạch bài hát. Cứ hát đi hát lại một đoạn, cô Nghĩa lấy giấy bút ghi lại. Đến khi Nguyễn Đình Thi đã thuộc lòng bài hát, còn cô Nghĩa vốn được học đàn piano từ bé đã ngồi xuống đệm đàn cho ông hát. Bài hát “Người Hà Nội” được ra đời trong một khung cảnh lãng mạn, nên thơ như vậy.

Lúc đấy Nguyễn Đình Thi mới 23 tuổi và cô Nghĩa - em vợ - vừa tròn 17 tuổi. Nhà văn Nguyễn Đình Chính kể: Gia đình bên ngoại, bà ngoại của nhà văn Nguyễn Đình Chính là một gia đình tư sản khá giả, nên cô Nghĩa học đàn piano từ thuở bé, cô đẹp nức tiếng và chơi đàn rất hay. Bài hát do cha anh hát, còn ghi chép ra nhạc là do người dì ruột của anh cô Nghĩa. Bài hát ra đời năm 1947, khi cô Nghĩa mới 17 tuổi. Năm 1949, cô tham gia du kích và mất trong kháng chiến vì căn bệnh thương hàn.

Năm 1952, trong liên hoan âm nhạc tại Berlin, người chỉ huy của dàn nhạc đột nhiên bị đau bụng dữ dội, không thể nào chỉ huy dàn nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã lên sân khấu và chỉ huy dàn nhạc khi ca khúc "Người Hà Nội" cất lên tại sân khấu Berlin. Cho đến nay, đã đi qua một chặng đường dài của lịch sử, bài ca "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi vẫn là một bản nhạc hào hùng và bi tráng nhất vẽ nên bức tranh toàn cảnh về một Hà Nội để yêu, để nhớ ngày toàn quốc kháng chiến.

Trong kháng chiến chống Mỹ, ca khúc "Lá đỏ" được xem là một trong những bài hát tiểu biểu với lời ca giản dị, mộc mạc, giai điệu mượt mà, trữ tình sâu lắng của lời thơ Nguyễn Đình Thi, phổ nhạc Hoàng Hiệp. Nhà văn Nguyễn Đình Chính nhớ về người cha của mình: Đó là năm 1974, cha anh cùng với 3 người bạn Tế Hanh, Đinh Đăng Định, Phạm Tiến Duật trên một chiếc xe đi thực tế trên đường Trường Sơn, lúc đó anh đang làm đường nên hai cha con có gặp nhau trong chốc lát.

Sau này cha anh kể lại, chuyến đi Trường Sơn ngày đấy, xe đang chạy thì thấy một anh bộ đội cứ giơ tay ra hiệu dừng lại và chỉ lên trời. Những người trên xe vội xuống chạy ra ngoài và cùng lăn xuống một hẻm núi. Ngay sau đấy là một tiếng nổ vang trời, chiếc xe trúng bom, khói lửa bốc nghi ngút. Thật không ngờ, mọi người trên xe đều sống sót, sau đó lại tiếp tục đi bộ thấy rất nhiều thanh niên xung phong và bộ độ kéo pháo, xe tải và người đi nườm nượp.

Khí thế hăng hái để chuẩn bị cho trận đánh lịch sử thống nhất đất nước. Nguyễn Đình Thi đã thấy rất nhiều phụ nữ, nhiều cô gái thanh niên xung phong với dáng vẻ mảnh mai, tràn ngập tuổi trẻ đứng ở những nơi nguy hiểm, dẫn đường cho xe qua suối, hoặc qua những đoạn đường vừa bị dội bom. Giữa nơi chiến trường ác liệt, ông thật sự xúc động khi nhìn thấy những cô gái trẻ hăng hái tham gia chiến đấu và ông nhớ về quá khứ trong ngày toàn quốc kháng chiến, về mùa đông 1946, về Hà Nội năm 1947, những dân công chở gạo, chở vũ khí đạn dược và những y tá, đa phần là phụ nữ. Họ ra tận chiến hào giúp sức cho bộ đội, những cảm tử quân anh dũng.

Hình ảnh của xưa và nay trập trùng ẩn hiện ngày một rõ rệt như thước phim sống động, trăn trở, rồi cảm xúc đến thật bất chợt, ông đã viết nên những vần thơ: "Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng lạ ào ào lá đỏ/ Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường...". Trên cung đường Trường Sơn năm ấy, trong gian lao, nguy hiểm, đạn bom rình rập, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào với tấm thân mảnh dẻ của người em gái đấy, nhưng họ vẫn kiên trì, anh dũng bám trụ từng tấc đất, tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nơi núi rừng, với mây mù giăng phủ, với gió lộng bạt ngàn, với buổi chiều lá đỏ, đâu đó ánh lửa của đạn bom và sáng rực trên nền trời, máu, nước mắt, hi sinh và chiến thắng vẫy gọi, bài thơ đã ra đời như một lẽ tự nhiên: "...Đoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa/ Chào em em gái tiền phương/ Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn/ Em vẫn cười đôi mắt trong". Bài thơ ngắn, giản dị, đầy tình cảm đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc, trở thành bài ca cách mạng, bài ca đi cùng năm tháng.

Bài thơ được sáng tác vào tháng 12 năm 1974, chỉ mấy tháng trước 30 tháng 4 năm 1975. Phải chăng, "Lá đỏ" của Nguyễn Đình Thi như lời dự báo về chiến thắng của quân và dân ta trong bối cảnh trước đấy như một lẽ tất nhiên của lịch sử dân tộc: "Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn" để rồi vào lúc 11 giờ 30 ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên nóc phủ Tổng thống VNCH. Đất nước ta Bắc - Nam sum họp một nhà.

Bây giờ, di ảnh của nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi được gửi vào ngôi chùa Vũ Thạch, phố Hàng Trống, giữa 36 phố phường Hà Nội, giữa đất Thủ đô ngàn năm văn hiến. Con đường mang tên danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Thi chạy ven Hồ Tây lộng gió, dài 2,2 km với hàng liễu rủ xanh mát. Mỗi lần qua đây, bài “Người Hà Nội” lại vang lên linh thiêng, hùng tráng: "Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu...".

Trần Mỹ Hiền

Sau hơn 1 tháng trao đổi với chúng tôi về những vụ việc có dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (Phân hiệu) thuộc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, ngày 30/12/2024 ông Hà Tài Sáu, Giám đốc Phân hiệu đã có văn bản trả lời xung quanh những vấn đề này…  

Ngày 4/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Bùi Thanh Tùng và Phan Văn Tiến, là phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”, quy định tại Điều 170 BLHS.

Sáng 4/1, tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Ban Thanh niên CAND - Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh, Tỉnh đoàn Đắk Lắk cùng các đơn vị đồng hành đã tổ chức Chương trình “Về với buôn làng”.

Bà Hồ Ngọc Bích T. (ngụ TP Cần Thơ) thừa nhận không có bằng chứng chứng minh mối quan hệ bất chính, do ghen tuông, tức giận, nóng vội nên đưa lên những hình ảnh nhạy cảm và nói khống đã 5 lần bắt gặp chồng và nữ nhân viên ngân hàng có mối quan hệ bất chính để mọi người xung quanh đồng tình, đứng về phía mình.

Gói thầu số 06, “Thi công xây dựng công trình và bảo hiểm công trình thuộc Dự án cầu và đường từ bản Uôn đi bản Páng, xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hoá” có vốn đầu tư khoảng 39 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình tham gia dự thầu, cả 3 công ty đều bị chủ đầu tư phát hiện có gian lận hồ sơ tham gia dự thầu.

Bất luận thời tiết không thuận lợi trong những ngày cuối năm, song để đảm bảo về đích đúng tiến độ, thông xe toàn tuyến qua địa bàn Hà Tĩnh trước ngày 30/4/2025, các nhà thầu thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã tăng cường “3 ca, 4 kíp”, vượt nắng, thắng mưa để thi công trên công trường đảm bảo hiệu suất cao nhất.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文