Nhận diện những “trò mèo” kiếm tiền online

19:25 30/07/2014

Gần đây, cư dân mạng, đặc biệt là những người sử dụng mạng xã hội thực sự cảm thấy phiền toái, bức xúc trước việc "tự nhiên" thấy tài khoản của mình nằm trong một group nào đó, hay bấm vào một link thì hàng loạt pop up quảng cáo chạy ra, chưa kể còn tự nhiên bị trừ tiền một cách phi lý. Qua tìm hiểu của chúng tôi, có cả một “bộ máy” đứng đằng sau để giật dây, nhằm kiếm tiền một cách thô bỉ, mà cư dân mạng phải thốt lên rằng toàn là những “mưu hèn kế bẩn”.

Muôn hình vạn trạng câu like, quảng cáo…

Là một người thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook, không ít lần "tự nhiên" tôi bị bạn bè tag vào một link quảng cáo nào đó, tự like một fanpage hoặc trên new feed tràn ngập những nội dung vô bổ, thậm chí thiếu lành mạnh. Dạng như app "bạn muốn biết ai thường xuyên ghé thăm bạn nhiều nhất" hay "vẽ hình chibi miễn phí"…

Khi hỏi chủ nhân những người đã tag, thì họ đều trả lời rằng những đường link đó được gửi một cách tự động. Cũng có người nhớ ra là do bấm vào một apps nào đó, và nó cứ âm thầm phát tán trên friendlist của họ.

Đặc biệt, có dạo nhiều chủ nhân Facebook còn liên tục bị tag vào một quảng cáo game đến nỗi họ phải tuyên bố rằng nếu ai còn mời chơi game  thì sẽ block người kia. Song thực tế thì khổ chủ lại không hề làm chuyện đó, hoặc chỉ vô tình.

Tại một diễn đàn về công nghệ thông tin, nhiều member đã chỉ ra chủ nhân của những "trò bẩn" trên. Đó hoặc là của các tin tặc muốn "thử nghiệm" trình độ "IT" của mình, song đa phần đằng sau đều là những việc làm có chủ đích để kiếm tiền. Cũng theo thành viên của diễn đàn này thì hiện có nhiều công ty được lập ra để "bán like". Hoạt động của những công ty này là "vẽ" ra các app để câu like. Thường thì những apps này có nội dung rất hot như "hotgirl nào quan tâm đến bạn?", "sau này bạn sẽ cưới ai?"…

Những app này có khả năng gây tò mò, muốn chơi thì phải like page, sau khi chơi thì sẽ share lên wall của mình (hoặc tag bạn bè vào) để người khác tiếp tục… tò mò. Theo cách này, số lượng like sẽ tăng theo cấp số nhân với tốc độ khá khủng: 500-1.000 like/ngày. Hoặc cũng có thể dùng công cụ trao đổi like (like exchange) ra đời như Add mefast, Getkikespro, Like4like… Với dịch vụ trao đổi like này, bạn phải bỏ công sức và thời gian ra để like cho page người ta, để người ta like lại cho bạn.

Và sau hết, những "like" kia sẽ được quy đổi thành tiền. Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ S… ngày ngày vẫn đăng quảng cáo rầm rộ về dịch vụ câu like. Theo bảng giá của công ty này cung cấp thì giá thấp nhất là 80 đồng/ 1 like (nhưng phải mua 50.000 like trở lên). Còn cao nhất là like để "Chạy quảng cáo" trên Facebook. Cụ thể trang fanpage của khách hàng sẽ được hiển thị lên trên dòng thời gian của người dùng Facebook. Đồng thời gói sản phẩm này còn "lọc được" người dùng Facebook theo độ tuổi, giới tính, địa phương… Và mỗi like có giá lên tới 600 đồng.

Cư dân mạng bức xúc trước việc bị "gài" link, bán apps có nội dung đồi trụy để thu hút quảng cáo.

Tuy nhiên, với giới doanh nghiệp, bên cạnh hình thức "mua like" fanpage để quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, hiện tại đã xuất hiện những trò quảng cáo trá hình tinh vi hơn rất nhiều. Theo tiết lộ của một "hot" Facebooker có nickname là C. thì khi một doanh nghiệp có nhu cầu quảng bá rộng rãi trên mạng xã hội, họ thường làm hợp đồng với chủ nhân một Facebook nổi tiếng, đã có hàng vạn subscribe (người theo dõi).

Sẽ có một "Team" (nhóm) đứng giữa để xây dựng hợp đồng, ví dụ như hãng trà hoặc mỹ phẩm có nhu cầu đặt quảng cáo trên status của hotgirl Ch…  với giá chừng 4-5 triệu đồng/ một status (tùy vào độ hot của chủ nhân Facebook). Sau khi hợp đồng đã ký kết, trên Facebook của hotgirl này sẽ xuất hiện những dòng status chia sẻ trải nghiệm về một sản phẩm nào đó một cách "vô tình". Phải rất tinh ý mới có thể nhận ra đó chỉ đơn thuần là một dòng quảng cáo.

Không chỉ dừng lại ở một, hai status có nhiều "hotboy", "hotgirl" còn ký hợp đồng quảng cáo liên tục cho một nhãn hàng. Các fan hâm mộ sẽ rất ngạc nhiên khi thấy "thần tượng" của mình liên tục chia sẻ những cảm nhận về một nhãn hàng nào đó. Họ cũng rất vô tư "like" và "share" mà không biết rằng mình đã vô tình trở thành công cụ để thần tượng kiếm tiền. Có thể kể ra đây như diễn viên N.K., hay hotboy Rob…

Ngoài ra, chiêu trò kiếm tiền "sạch sẽ" là kiếm quảng cáo bằng công cụ Google Adsense. Nôm na là người ta sẽ lập một website, rồi tạo nội dung để lôi kéo người đọc càng nhiều càng tốt. Đồng thời cũng rải các link để dẫn đến đối tác quảng cáo của google. Thông qua đó, lợi nhuận sẽ được chia cho chủ nhân của website đó.

Nguyên tắc thì đơn giản như vậy, song thường các website phải đạt khoảng 10.000 views/ngày (lượt truy cập) thì mới bắt đầu được Google trả tiền (chừng 10-20 USD). Và để đạt được mức đó (thậm chí nhiều hơn) thì các webmaster (chủ nhân của website) phải nghĩ đủ chiêu trò nhằm câu view bằng được, hoặc khiến cho độc giả bấm vào quảng cáo càng nhiều càng tốt.

Và thường thì đằng sau mỗi trang này cũng là một team. Khi xây dựng site họ đã phải cài vào đó "code" để sao cho những từ khóa sẽ rải khắp nơi. Nắm bắt người dùng hiện sử dụng máy tính bảng, smartphone màn hình cảm ứng nên hay "sờ, vuốt"  nên lập trình viên sẽ "rải" một cách có tính toán mật độ các link. Độc giả chỉ khẽ vuốt là trở thành một cú click vào quảng cáo mà lập trình viên đã cài sẵn. Nhiều độc giả không hiểu tại sao mình không hề chạm vào link mà quảng cáo lại cứ nhảy ra!? Bên cạnh đó, nút "tắt" thường được "giấu" rất kỹ khiến cho người dùng "không biết đâu mà lần"!

Một "hot Facebooker" chia sẻ, để duy trì độ "hot" của mình, nhiều "hot girl", "hot boy" phải sử dụng đến chiêu "bẩn", như ảnh lộ hàng, khoe da thịt nóng bỏng hay những tuyên bố gây sốc... Điển hình của chiêu trò này là hotgirl Sài Thành Kelly tung ảnh bán nude.

Bên cạnh đó, còn có những đội ngũ lập trình viên sử dụng các công cụ để theo dõi thói quen của người dùng để tạo ra những tùy chỉnh nhằm hướng đến kết quả là trang của mình được share nhiều nhất có thể, đơn cử như trang hai…com, cuoi…com.

Tuy nhiên, không dễ để kiếm tiền bằng cách này…

Và những chiêu… độc

Một dạo, người dùng Facebook cũng từng xôn xao trước chiêu lừa nạp thẻ điện thoại để nhận khuyến mại.

Những đường link, bức hình được phát tán vô tội vạ để "chia sẻ cho mọi người cách tăng gấp nhiều lần thẻ điện thoại". Theo như nội dung của bức hình thì với lý do "kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Công ty Viettel", hoặc nhân một ngày lễ nào đó nhà cung cấp mạng sẽ khuyến mại nhân gấp 5 hoặc 10 lần giá trị của thẻ. Và thông tin này chỉ dành cho "nội bộ".

Để nhận được khuyến mãi, người dùng sẽ được yêu cầu nhập mã số thẻ cào theo một cú pháp nhất định. Thế nhưng tất cả những ai ham khuyến mại đều bị… mất trắng. Số tiền trong thẻ cào sẽ được chuyển vào một tài khoản khác. Thực chất, cú pháp được nhắc đến ở trên là dịch vụ để khách hàng của Viettel nạp giúp hoặc gửi tặng tiền vào tài khoản của người khác. Sau một thời gian làm mưa làm gió, chiêu trò này bị cư dân mạng lật tẩy, hiện tại nó đã gần như biến mất.

Người sử dụng Internet lỡ bấm nhầm vào một đường link, lập tức nhiều pop up quảng cáo game nhảy ra và rất khó tắt.

Nhưng chiêu bẩn phải kể đến là những ứng dụng "đen" được đưa lên một cách rầm rộ, miễn phí nhằm ăn quảng cáo.

Khoảng chừng một năm về trước, trên chợ ứng dụng Google Play từng là địa hạt để phát tán những ứng dụng đen. Có tới cả ngàn ứng dụng với tên gọi đầy hấp dẫn cùng với biểu tượng không thể nóng mắt hơn dễ dàng có được những lượt download khủng. Độc chiêu hơn, apps "Banh…", một ứng dụng dành cho "dân chơi" cũng nhận được một số lượng lớn lượt truy cập mỗi ngày. Ứng dụng trá hình này thật ra là một nơi dành cho những kẻ "check hàng" công khai với đầy đủ thông tin cung cấp từ nickname, số điện thoại cho đến nơi hoạt động, thậm chí đôi khi còn có những hình ảnh trần trụi khoe thân thể…

Sau khi bị cộng đồng mạng lên án, những ứng dụng đen này đã dần dần bị gỡ bỏ khỏi chợ ứng dụng, song nhiều lập trình viên vẫn có cách lách luật. Họ có thể chỉ cho đăng một apps dùng để… xem phim. Và sau khi tải về, cài đặt, người dùng mới phát hiện ra trong danh mục có cả phim 18+. Thậm chí app có tên TVHD còn thỉnh thoảng lại có thông báo "phim 18+ đã được bổ sung vào kho phim".

Những chiêu trò trên vẫn chưa là gì so với việc làm của Công ty CP IMMC. Nguyễn Tuấn Anh (SN 1985) là Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP IMMC đã chỉ đạo Đoàn Việt Dũng (SN 1986), là cộng tác viên kỹ thuật của Công ty IMMC lập trình, xây dựng hệ thống "Chợ nội dung số mmoney.vn", viết trên 300 ứng dụng sử dụng trên điện thoại di động có chức năng tự động gửi tin nhắn ẩn đến đầu số định sẵn.

Các đầu số này sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản của thuê bao di động chuyển đến "túi" của Công ty IMMC mà chủ điện thoại không hề hay biết. 300 ứng dụng này gồm khoảng 200 ứng dụng Hotclip (xem phim trực tuyến trên Android Phone) và trên 100 ứng dụng game offline.

Các ứng dụng sẽ được thành viên của mmoney.vn chia sẻ trên các website như: Zingvtc.sextgem.com, xemsextructuyen.wap.lc, hinhsex3x. sextgem.com…

Nhằm thu hút các thành viên tham gia phát tán ứng dụng, các đối tượng còn lập một trang Facebook có tên "Mmoney.vn - Dịch vụ kiếm tiền online hàng đầu Việt Nam", trong đó quảng cáo tỷ lệ chia sẻ "hợp tác - làm giàu" cho thành viên lên tới 85%.

Trong vòng chưa đầy một năm từ khi website "Chợ nội dung số m.money.vn" hoạt động, đã có trên 2.400 thành viên tham gia. Các thành viên này chịu trách nhiệm phát tán các ứng dụng vi phạm đã khiến cho trên 800.000 thuê bao di động bị mắc bẫy mất tiền mà không biết khi sử dụng các ứng dụng với số tiền bị "móc túi" khoảng trên 9 tỉ đồng.

Tháng 6 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã tiến hành khởi tố bị can, thực hiện lệnh tạm giam để điều tra về hành vi "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" đối với Nguyễn Tuấn Anh. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi những "trò mèo" để kiếm tiền trên mạng không vì thế mà giảm đi

Hoa Sơn

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文