Những bí ẩn trong cuộc sống u trầm của danh họa Francisco de Goya

11:10 12/05/2017
Chào đời ngày 30-3-1746 tại làng Fuendetodos vùng Aragon, họa sĩ Hoàng gia Tây Ban Nha Francisco de Goya được xem là danh họa hàng đầu của trường phái lãng mạn hiện thực vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Có thể nói các tác phẩm mang phong cách nghệ thuật phá cách và sáng tạo của ông là hình mẫu cho các họa sĩ thế hệ sau như Édouard Manet hay Pablo Picasso noi theo.

Sống u trầm trong thế giới nội tâm ẩn chứa khát vọng về tự do, công bằng lẫn những ý nghĩ ảm đạm về bản thân nhiều bệnh tật, dường như cho đến lúc từ giã cõi đời, nhà danh họa vẫn không hề thanh thản.

Từ thuở nhỏ Goya đã được cha mình, một người thợ thủ công xứ Basque chuyên làm những món đồ lưu niệm dát vàng, tận tâm truyền dạy nghề. Năm lên 13 tuổi, Francisco Goya theo học hội họa tại xưởng vẽ của José Luzan y Martinez. 4 năm sau, ông chuyển đến Madrid và tiếp tục theo học, phụ việc với Anton Raphael Mengs, một họa sĩ nổi tiếng trong hoàng gia Tây Ban Nha. Goya tham gia vẽ tranh trang trí một số phần của các mái vòm vương cung thánh đường Basílica del Pilar ở Zaragoza, mà bức “Tôn sùng đức Chúa” đã khiến ông nổi tiếng.

Chân dung danh họa Tây Ban Nha Francisco de Goya.

Lập gia đình vào năm 1773, Goya tiếp tục được nhận phụ việc cho họa sĩ cung đình Francisco Bayeu. Nhờ người thầy này, năm 1775, Goya được đưa vào làm việc tại xưởng dệt thảm Hoàng gia Tây Ban Nha. Công việc chính của Goya là sáng tác các loại mẫu thảm cho hoàng gia, chính nhờ công việc đòi hỏi óc sáng tạo mỹ thuật và lòng kiên trì, tay nghề của Goya ngày càng điêu luyện trong lĩnh vực hội họa.

Năm 1780, Goya được bầu vào Viện hàn lâm San Fernando. 5 năm sau, Goya trở thành phụ tá giám đốc về hội họa. Đến năm 1789, Goya được cử làm họa sĩ cung đình, phục vụ vua Charles IV (1748 - 1819). Vào năm 1793, ở tuổi 46, vào lúc sự nghiệp đang phát triển, Goya bị một bệnh nghiêm trọng và khó hiểu tấn công với hàng loạt chứng nhức đầu, chóng mặt, ảo giác, rối loạn thị giác và thường xuyên nghe thấy tiếng ù ù trong tai. Phải nằm liệt giường trong nhiều tháng lại không được chẩn đoán và chữa chạy đúng, hệ quả là ông hoàn toàn bị điếc.

Sau biến cố này, các tác phẩm của ông trở nên tối tăm và mang màu sắc bi quan. Tranh vẽ, tranh tường, tranh in và các bản vẽ của ông phản ánh một cái nhìn ảm đạm về quan hệ cá nhân, xã hội - chính trị và cả căn bệnh trong người mình. Năm 1795, Goya thay thế người thầy của mình là Bayeu, đảm trách cương vị Chủ nhiệm bộ môn hội họa tại Viện hàn lâm San Fernando. Năm 1799, mới ngoài tuổi ngũ tuần, Goya đã đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp - được phong làm Họa sĩ thứ nhất của triều đình vua Charles IV.

Cũng trong năm 1789, khi cách mạng tư sản Pháp bùng nổ, từ Tây Ban Nha, Goya đã dõi theo diễn biến của cuộc cách mạng và nhiệt thành ủng hộ tư tưởng nhân quyền, dân quyền mà cuộc cách mạng đề xướng. Nhưng khi đội quân của Napoleon đệ Nhất tràn sang xâm lược Tây Ban Nha thì ông đã quyết tâm cùng nhân dân đứng lên chiến đấu. Bằng cây cọ của mình, Goya đã vẽ những tác phẩm ca ngợi cuộc đấu tranh của nhân dân đất nước mình chống lại quân xâm lược.

Chỉ trong thời gian khoảng hơn 4 năm (từ năm 1810- 814), với chủ đề “Những tai họa của chiến tranh”, Goya đã thực hiện tới 65 bức tranh khắc (loại khắc axit) tố cáo sự tàn bạo của cuộc chiến tranh Pháp - Tây Ban Nha. Sáng tác trong niềm ưu tư không nói thành lời, Goya còn cho ra đời các bức tranh có liên quan với đề tài điên loạn, nhà thương điên, phù thủy, sinh vật kỳ quái, tôn giáo và tham nhũng chính trị, tất cả đều cho thấy ông đã lo sợ cho số phận của đất nước Tây Ban Nha và sức khỏe tâm thần của chính ông.

Đỉnh điểm của những sự lo lắng này là tác phẩm sơn dầu “Tranh đen” được vẽ trong giai đoạn 1819-1823 vẽ trên bức tường thạch cao của nhà ông, hay bức “Ngôi nhà của người đàn ông bị điếc” thể hiện sự vỡ mộng của ông đối với tình hình chính trị và xã hội trong nước, và ông đã sống gần như cô lập một mình. Đặc biệt, trong tác phẩm “Ngày nghỉ của các phù thủy”, Goya châm biếm sâu cay thói đạo đức giả của giới tu sĩ khi đặc tả một con quỷ đội lốt con dê thuyết giảng cho đám phù thủy mặc áo nhà tu.

Kiệt tác hội họa “Maja khỏa thân” của Goya mới chính là tác phẩm vừa để ông lưu danh trong lịch sử, vừa là bức họa định mệnh của cuộc đời ông. Tương truyền, “Maja khỏa thân” là tranh chân dung họa Albe - nữ công tước người Anh. Bấy giờ Albe là một trong những nhân vật hoạt động chính trị, chống lại triều đình Tây Ban Nha. Đối với Goya, Albe chính là tượng trưng cho khát vọng của tự do - dân chủ. Goya và Albe yêu nhau. Goya đã vẽ bức tranh “Maja khỏa thân” khi Albe bị triều đình Tây Ban Nha lưu thúc.

Bức họa “Maja khỏa thân” đã biến thành cái cớ để triều đình và thế lực Giáo hội buộc tội Goya dám vẽ một người đàn bà trần truồng - “một hành động chống lại Thượng đế, chống lại con người”. Với tội danh khó dung thứ này, Goya bị đưa ra xét xử trước tòa án Giáo hội. Tại đây, ông đã dõng dạc tuyên bố: “Thân thể trần truồng của người đàn bà là tác phẩm tuyệt mỹ của tạo hóa, còn ý niệm tà dâm về sự trần truồng ấy là sản phẩm xuất phát từ bản chất lưu manh”.

“Không còn thời gian nữa rồi”, tranh khắc của F.Goya.

Goya rời khỏi Tây Ban Nha vào năm 1824 để nghỉ dưỡng ở thành phố Bordeaux (Pháp) cùng người bạn đồng hành trẻ hơn rất nhiều tên là Leocadia Weiss. Ở Bordeaux ông đã hoàn thành chuỗi tranh “La Tauromaquia” và một số bức sơn dầu.

Đầu năm 1828, Goya bị đột quỵ và liệt nửa người. Sau vài tháng chịu đựng đau đớn, bị giảm thị lực và trong nhà không còn gì để vẽ, danh họa từ trần ngày 16-4-1828 trong tình cảnh lưu vong, gia đình khánh tận và tinh thần u uất vì những khát vọng chưa thực hiện được.

Nhưng Francisco de Goya đã để lại cho nhân loại, cho nền mỹ thuật thế giới một số lượng tác phẩm đồ sộ và cực kỳ quý giá. Theo thống kê, ước tính ông đã vẽ khoảng trên 500 tranh sơn dầu, gần 300 bản khắc axít, thạch bản và hàng trăm bản phác thảo, ký họa... Đặc biệt, Goya không chuyên về một loại đề tài nào; hầu như muôn mặt đời sống của xã hội Tây Ban Nha đều được ông khai thác và thể hiện.

Francisco de Goya được chôn cất tại nghĩa trang Chartreuse. 60 năm sau, khi khai quật mộ phần để đưa di hài danh họa về quê hương Tây Ban Nha cải táng, người ta vô cùng kinh hãi phát hiện hài cốt của ông bị mất đầu. Nhiều ý kiến cho rằng, một người tên tuổi như Goya thì khi qua đời, cái đầu sẽ được giao cho một bác sĩ nghiên cứu và có lẽ người ta đã... quên trả nó về chỗ cũ. Những nhà nghiên cứu không chấp nhận giả thuyết ngô nghê này. Họ đã bỏ ra nhiều thời gian tìm hiểu 4 năm cuối đời của danh họa.

Ngày ấy Goya đến sống ở Pháp vì lý do sức khỏe, nhưng trên thực tế, ông rời bỏ Tây Ban Nha vì muốn tránh bầu không khí chính trị nặng nề của chính quyền đương thời. Theo lời một người bạn, Goya đến Pháp trong tình trạng kiệt quệ. Dù không biết tiếng Pháp nhưng Goya vẫn tỏ ra yêu đời và rất thân thiện với mọi người. Chẳng bao lâu sau, ông gặp lại người quản gia cũ và người phụ nữ 36 tuổi này giữ một vai trò quan trọng trong những năm cuối đời của ông.

Đó chính là bà Leocadia, vợ một người bán đồ kim hoàn gốc Đức, cư ngụ ở Madrid. Có một thời gian bà và Goya gắn bó với nhau và tình cảm ngày càng bộc lộ rõ hơn khi vợ ông qua đời. Sau khi Goya mất, hầu hết tài sản thuộc về con trai ông, riêng bà Leocadia thì chỉ nhận một khoản trợ cấp nhỏ nhoi cùng bức tranh nổi tiếng của Goya mang tên “Người đàn bà vắt sữa”. Nghe nói về sau bà phải sống vất vả trong sự thiếu thốn và phải cầu xin những người quen giúp đỡ về mặt tài chính.

Chuyện di cốt của Goya mất đầu sẽ không ai biết nếu như vị lãnh sự Tây Ban Nha không đi thăm mộ vợ và động lòng trước nấm mồ lạnh lẽo của Goya không ai chăm sóc. Vị lãnh sự đã thuyết phục Chính phủ Tây Ban Nha cấp kinh phí đưa hài cốt danh họa trở về quê hương. Khi quan sát trong quan ngoài quách, người ta thấy không hề có dấu vết khai quật bất hợp pháp nào và họ kết luận, Goya đã được mai táng trong tình trạng không đầu.

Giả thiết được mọi người quan tâm là chiếc đầu của Goya bị cắt đi sau khi danh họa vừa qua đời, thế nhưng ai đã làm việc này và với mục đích gì thì vẫn là điều bí ẩn. Người ta nghi ngờ chính bà Leocadia đã tiếp tay cho ai đó cắt đi chiếc đầu của Goya. Năm 1928, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của Goya, người ta phát hiện một bức tranh vẽ vào năm 1849 mang tên “Chiếc sọ của Goya” do Fierros, một họa sĩ không mấy tên tuổi vẽ. Điều này cho thấy rằng, cái đầu của Goya đã bị lấy đi trước lúc mai táng và được một ai đó bảo quản trong nhiều năm liền. Con người bí ẩn này đã mang câu trả lời dành cho hậu thế về đoạn kết của họa sĩ thiên tài Francisco de Goya về bên kia thế giới.

Vì sao danh họa Goya bị điếc?

Vào thời điểm Goya mắc bệnh, ông được chẩn đoán không thành và một số chuyên gia suy đoán ông bị viêm màng não hoặc bệnh giang mai, hoặc đã bị ngộ độc chì do vẽ bằng một số loại sơn có chì.

Nhưng trong một phân tích mới, bác sĩ Ronna Hertzano, một nhà phẫu thuật và chuyên gia về thính giác tại Trường Y thuộc Đại học Maryland cho rằng, Goya có thể đã mắc bệnh tự miễn dịch gọi là hội chứng Susac. Mắc phải tình trạng bệnh hiếm hoi này thì hệ thống miễn dịch của người bệnh sẽ tấn công các mạch máu nhỏ trong não, võng mạc và tai trong. Các triệu chứng có thể bao gồm nhức đầu dữ dội, khó suy nghĩ, có các triệu chứng tâm thần cũng như mất thị lực, thăng bằng cơ thể và khả năng nghe.

Hertzano cho biết: “Việc hình dung và đưa ra một chẩn đoán khả thi đối với trường hợp của Goya là một thách thức rất lớn, bởi vì đối với trường hợp đặc biệt này, chúng tôi không có hồ sơ ghi chép từ các bác sĩ của Goya. Tuy nhiên, Goya có một chuỗi các triệu chứng nhất định, giúp cho các nhà nghiên cứu có manh mối đưa ra chẩn đoán khả thi. Hội chứng Susac giải thích đầy đủ tất cả các triệu chứng của ông và có thể khiến các bệnh nhân mắc phải tình trạng mất thính giác kéo dài”.

Mặc dù tất cả bệnh giang mai, viêm màng não do vi khuẩn và ngộ độc chì cũng là những giải thích hợp lý cho các triệu chứng của Goya, nhưng những người mắc phải tình trạng đó vào thế kỷ XVIII thường chết sớm, không phục hồi được như Goya.

Theo bác sĩ Hertzano, những bệnh nhân mắc các bệnh này sẽ bị rối loạn dai dẳng, ngày một nặng thêm, hoặc có các biến chứng phụ rồi chết, chứ không thể hồi phục tốt hơn như danh họa này sống đến 82 tuổi.

Nếu Goya được điều trị bằng kiến thức y học ngày nay, các bác sĩ có thể đã nhận biết được nguyên nhân bệnh của ông ngay lập tức, nhưng “cuối cùng vẫn có thể ông sẽ bị mất thính giác bất kể y học tiến bộ và hiện đại”, Hertzano nói. Bù lại, danh họa có thể được cấy ốc tai giúp phục hồi phần nào chức năng nghe.

Hertzano vừa trình bày nghiên cứu của mình về trường hợp của Goya hôm 28-4 vừa qua tại Hội nghị Bệnh học lâm sàng lịch sử - cuộc họp hằng năm dành cho việc chẩn đoán bệnh các nhân vật lịch sử.

Phương Nguyên (theo Live Science)

Hiếu Thảo (tổng hợp)

Chiều 20/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã khởi tố bổ sung vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Thị Chung (SN 1978, Trưởng phòng Quản lý nhân sự Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Hoàng Kim Giáp) để điều tra về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Ngày 20/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tống đạt các Quyết định và bắt tạm giam đối với Đặng Tùng Lâm (SN 1989, HKTT tại Tổ 10, phường Quyết Thắng, TP Sơn La; nơi ở: đường Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tối 20/5, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TP Tam Kỳ vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Huỳnh Hồng Danh (SN 1993, trú xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) để điều tra về hành vi “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; Nguyễn Tiện (SN 1996, trú xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) về hành vi “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và Tô Văn Thanh (SN 1987, trú xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn) về hành vi “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei phê chuẩn Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber làm quyền Tổng thống Iran, sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi qua đời vì tai nạn trực thăng.

Khi Thanh tra vào cuộc xác minh kiến nghị của người dân mới phát hiện một khu đất công bị biến thành đất tư, quá trình lập thủ tục đăng ký, xét duyệt, thẩm định và đề nghị cấp "sổ đỏ" có dấu hiệu tội phạm. Sau đó cơ quan điều tra đã đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội nên hai cán bộ lãnh đạo phường cùng hai đồng phạm vào vòng tố tụng hình sự.

Sau năm ngày xét xử sơ thẩm nhóm tội phạm trong đường dây “rửa tiền” xuyên quốc gia cho các app đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với giao dịch rút tiền mặt mỗi ngày từ 20 đến 150 tỷ đồng, chiều 20/5, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với nhóm tội phạm này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文