Những dấu tích độc đáo ở Kinh thành Huế

11:36 08/07/2020
Sau thời gian triển khai thực hiện dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 kinh thành Huế, đến nay hàng trăm hộ dân sống leo lắt ở khu vực Thượng Thành đã được di dời đến nơi ở mới.

Điều đặc biệt, quá trình giải tỏa mặt bằng ở khu vực này đã khiến nhiều nhà nghiên cứu và người dân ở xứ Huế bất ngờ khi nhiều hạng mục công trình của di tích kinh thành Huế dần được lộ rõ giữa “thanh thiên bạch nhật” với lối kiến trúc vô cùng độc đáo, tạo sự hấp dẫn, cuốn hút.

Từ 2 cửa thành phát lộ

Những ngày qua, nhiều nhà nghiên cứu ở Huế và không ít người dân địa phương đã tò mò tìm đến khu vực cầu Lương Y, đường Xuân 68, phường Thuận Lộc, TP Huế để chiêm ngưỡng cửa thành nằm trên kinh thành Huế vừa lộ ra sau khi một hộ dân sống ở khu vực này di dời đến khu tái định cư. Quá trình phá bỏ nhà cửa, tường bao nhà dân đã lộ ra một cửa thành tuyệt đẹp được xây dựng bằng gạch vồ xuyên qua tường thành.

Cánh cửa này nằm bên phải Đông thành Thủy Quan có kiến trúc cổng vòm xuyên thành dày khoảng 60cm, rộng 85cm, vòm cao hơn 100cm, phía dưới là những tảng đá xanh còn nguyên vẹn. Bước qua cửa thành này là tuyến phòng lộ tiếp giáp với sông Ngự Hà.

Nhận được thông tin về cửa thành bên phải Đông thành Thủy Quan có lối kiến trúc độc đáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên-Huế đã lập tức đến khu vực này quan sát và tìm hiểu. Vừa nhìn thấy cửa thành, ông Hoa thốt lên rằng “Thật bất ngờ!”.

Cửa thành bên phải Đông thành Thủy Quan còn khá nguyên vẹn.

Theo ông Hoa, cửa thành này được xây dựng cùng thời điểm với kinh thành Huế bởi nó mang lối kiến trúc và cách thức xây dựng đồng dạng với kinh thành, có tính thẩm mỹ độc đáo. Đây có khả năng là khu vực quan trọng của một vệ binh trấn giữ thành nhưng vì lý do bí mật quân sự nên không được tiết lộ trong bi ký cũng như trong sách sử.

“Trong ngự chế của Vua Minh Mạng viết về 2 văn bia cầu Khánh Ninh và cầu Ngự Hà, vua đã mô tả rất kỹ khu vực này như lan can phía Đông cao hơn phía Tây hay chi tiết có trổ 13 pháo nhãn nhưng không thấy nhắc đến cửa thành này”, ông Hoa nói.

Và điều bất ngờ hơn nữa, đó là phía bên kia cầu Lương Y, phía sau căn nhà của gia đình bà Lê Thị Đào (SN 1951, ở số 126 đường Xuân 68, TP Huế) chuẩn bị được di dời cũng có một cửa thành nằm bên trái Đông thành Thủy Quan. Cửa thành thứ hai này xây dựng theo lối kiến trúc giống với cửa thành bên phải Đông thành Thủy Quan. Cửa xuyên qua tường thành và phía dưới cửa thành cũng được lát đá xanh, qua cửa thành này là tuyến phòng lộ tiếp giáp với sông Ngự Hà và hộ thành hào.

Khi được hỏi về cửa thành này, bà Lê Thị Đào cho biết, gia đình bà đã sinh sống ở khu vực Thượng Thành qua nhiều thế hệ với gần 100 năm. Từ năm 1980, khi về làm dâu ở gia đình, bà đã thấy cửa thành nói trên. “Cách đây khoảng 5 năm, do cửa thành sát với nhà bếp nên gia đình đã bịt kín cửa thành này để chống trộm đột nhập vào nhà”, bà Đào kể.

Khảo sát thực địa cửa thành thứ hai nằm sau căn nhà bà Đào, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nhận định, vị trí cửa cửa thành được xây dựng sau khi hệ thống Kinh thành Huế được xây dựng dưới thời Vua Gia Long. Và có thể toàn hệ thống kinh thành Huế chỉ có duy nhất 2 cửa thành “kỳ lạ” tuyệt đẹp này.

Liên quan đến 2 cửa Đông thành Thủy Quan, qua trao đổi, TS Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế cho biết, từ nhiều năm trước, Trung tâm đã tiến hành khảo sát Thượng Thành để kiểm tra hệ thống lô cốt, các công trình trên Thượng Thành và đã ghi nhận, chụp ảnh lại 2 cửa trái, phải ở Đông thành Thủy Quan. Đến đầu năm 2020, đơn vị tiếp tục khảo sát lại Thượng Thành để hệ thống hóa các tên pháo đài và kho đạn, các cống thoát nước trên Thượng Thành sau khi người dân di dời đến khu quy hoạch tái định cư.

Đối chiếu nguồn tư liệu chữ Hán của “Đại Nam nhất thống chí”, 2 cửa thành bằng gạch nói trên có thể là nơi đặt đại bác phòng thủ trái và phải Đông thành Thủy Quan với tên gọi Đại Pháo Xưởng Môn. Vị trí này được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 11 (1830), có 20 lính canh giữ, bảo vệ.

Đoạn phiên âm chữ Hán theo “Đại Nam nhất thống chí” ghi rõ: “Đông thành Thủy Quan: Gia Long sơ giá mộc vi kiều, danh Thanh Long kiều. Minh Mạng thập nhất niên, thiết thạch, kiều hạ thiết áp vi quan, thượng thế hộ lan can, cập Đại Pháo Xưởng Môn, nhân cải kim danh. Tây thành Thủy Quan: Minh Mạng thất niên thiết, diệc hạ thiết áp, thượng thiết Đại Pháo Xưởng, tứ kim danh”. Dịch nghĩa: Đầu đời Vua Gia Long bắc cầu gỗ gọi là cầu Thanh Long, năm Minh Mạng thứ 11 xây cầu gạch, dưới cầu đặt cánh cửa để tiện mở đóng, trên cầu xây lan can, cửa xưởng đại bác và đổi tên như hiện nay”.

Ngoài ra, Phòng Nghiên cứu khoa học, Trung tâm BTDT Cố đô Huế cũng nhận định rằng, sau thất thủ kinh đô (năm 1885), Pháp vào chiếm đồn Mang Cá (năm 1886) nên 2 cửa thành này không còn sử dụng nữa. Có thể vì thế nên đến năm 1933, linh mục Léopold Michel Cadière có đề cập đến địa danh và bản đồ cập nhật vị trí cửa trái, cửa phải của Đông thành Thủy Quan (vị trí số 121 trên bản đồ kinh thành Huế) trong cuốn “Kinh thành Huế” và tại thời điểm đó 2 cửa thành đã bị bít lại.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa khảo sát thực địa cửa thành bên trái Đông thành Thủy Quan.

Trung tâm BTDT Cố đô Huế còn cho biết, do trước đây người dân lấn chiếm khu vực Thượng Thành để xây dựng nhà ở ngay trên di tích nên 2 cửa thành này bị nhà dân che khuất khiến nhiều người không để ý đến. Tuy nhiên, Trung tâm đã nhiều lần khảo sát, lập hồ sơ lưu trữ. Sau khi các hộ dân giải tỏa, di dời khỏi Thượng Thành, Trung tâm đã tiến hành cắm biển để cảnh báo đơn vị thi công khi thực hiện giải phóng mặt bằng, thu dọn rác thải xây dựng ở khu vực này.

“Hai cửa trái, phải Đông thành Thủy Quan được Trung tâm thực hiện khảo sát, thu thập hình ảnh, tư liệu từ nhiều năm về trước. Quá trình sinh sống ở khu vực này, người dân đã gìn giữ, bảo vệ nên 2 cửa thành hiện còn khá nguyên vẹn. Vì thế, sau khi các hộ dân di dời, đơn vị sẽ có kế hoạch tu bổ, bảo tồn các cửa thành này để phát huy giá trị của di tích”, lãnh đạo Trung tâm BTDT Cố đô Huế khẳng định.

Cần có phương án bảo tồn các công trình kiến trúc cổ

Ngoài 2 cửa thành trái, phải ở Đông thành Thủy Quan, sau khi thực hiện di dời dân cư, công tác giải tỏa để bàn giao mặt bằng cho di tích kinh thành Huế đã làm lộ thêm nhiều dấu tích có kiến trúc độc đáo “có một không hai”. Đó là hệ thống thoát nước ở kinh thành, các ụ súng, pháo xưởng, hỏa dược khố... Ví như sau khi nhiều nhà dân được di dời khỏi pháo đài Tây Thành đã lộ ra dược khố được xây dựng ở pháo đài này vẫn còn nguyên kiến trúc xưa với lớp gạch vồ dày gần 80 cm, 2 cửa ra vào, rộng 60 cm, cao gần 1m. Hay việc di dời hàng chục hộ dân sống xung quanh di tích Quan Tượng đài, nơi đặt trạm thiên văn của triều Nguyễn đã trả lại vẻ đẹp kiến trúc độc đáo cho di tích này.

Hiện Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã tiến hành tu bổ Quan Tượng đài và dược khố tại đây, hứa hẹn nơi đây sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách. Ngoài ra, pháo đài Nam Xương, Nam Thắng cũng được tiến hành tôn tạo khi các hộ dân được di dời, góp phần mang lại vẻ đẹp tuyệt vời cho di tích kinh thành Huế.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, công tác sưu tầm những hiện vật trên khu vực Thượng Thành cần được tiếp tục thực hiện sau khi di dời dân cư, giải phóng mặt bằng. Toàn bộ vòng thành kinh thành Huế có 24 pháo đài, bao gồm 5 pháo đài cho mỗi mặt thành và 4 pháo đài đặt ở 4 góc thành. Mỗi pháo đài được đặt tên riêng, chữ đầu của mỗi tên được lấy từ một trong 4 hướng Nam, Bắc, Đông, Tây.

Tuy nhiên, qua thời gian, có những tấm bia đá bị bong tróc, hư hỏng, hiện có 8 tấm bia đá đã được đưa vào Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế nên cần tiếp tục khảo sát tìm kiếm những tấm bia còn lại để có biện pháp bảo vệ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thám sát một số khu vực trên Thượng Thành để phục vụ công tác nghiên cứu sâu về hệ thống kinh thành Huế. Có thể những tấm bia đá còn lại cùng các công trình kiến trúc khác sẽ được phát hiện khi công tác di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 kinh thành Huế được thực hiện hoàn tất.

Sau khi di dời dân cư, kiến trúc độc đáo pháo đài Nam Thắng lộ rõ.

TS. Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế đánh giá rằng, lâu nay các di tích của Di sản Huế giàu giá trị văn hóa, lịch sử chịu nhiều tác động từ con người đến mức bị tàn phá, lãng quên. Những vòm cửa, cổng, cửa thành hay các công trình kiến trúc nào đó được xuất lộ lúc này đều rất cần thiết và cần được gìn giữ, giải mã bằng những tư liệu, luận chứng phù hợp để từ đó có phương án tu bổ, bảo tồn hợp lý.

Bàn về vấn đề phục hồi các di tích ở kinh thành Huế sau khi di dời dân cư, ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho biết, đến nay, dự án di dân cư ở Thượng Thành thuộc khu vực 1 kinh thành Huế đang dần hoàn thiện để trả lại mặt bằng cho di tích kinh thành. Trung tâm BTDT Cố đô Huế đang nghiên cứu, tập hợp tư liệu và xây dựng hồ sơ để phục hồi Thượng Thành và hệ thống phòng thủ 24 pháo đài, các kho đạn, dược khố, hệ thống thoát nước độc đáo trên Thượng Thành. Song song với việc phục hồi, Trung tâm sẽ tiến hành khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch bền vững trên nền tảng hệ thống sông Ngự Hà và di sản kinh thành Huế để vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị di sản, thu hút du khách đến tham quan.

Với mục đích phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế, giữa tháng 5-2020, Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về nhiệm vụ quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Kể từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, hệ thống quần thể di tích Cố đô Huế đã trải qua 2 giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị. Việc lập quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế lần này sẽ hướng đến mục tiêu “tôn vinh và tạo động lực tăng trưởng mới”, thực hiện chiến lược phát triển đô thị Di sản Thừa Thiên-Huế theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Việc quy hoạch nhằm phục hồi, làm sống lại các không gian di sản, tạo sinh lực mới để Huế trở lại vị thế từng có trong lịch sử; chuyển hóa quần thể di tích Cố đô Huế thành hạt nhân, động lực chủ yếu trong chiến lược phát triển đô thị Di sản Thừa Thiên-Huế; phát huy mọi giá trị quý giá của Di sản văn hóa Cố đô Huế. Bên cạnh đó sẽ giáo dục truyền thống, bảo tồn di sản văn hóa, cảnh quan Cố đô Huế trọn vẹn, chuẩn mực và bền vững gắn với phát triển Thừa Thiên-Huế trở thành trung tâm di sản quốc gia và toàn cầu.

Anh Khoa

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文