Nước Mỹ khó được lợi trong cuộc chiến thương mại toàn cầu

14:25 03/05/2017
Trong nỗ lực tái định hình chính sách thương mại của Mỹ theo hướng “chống gây hại cho kinh tế Mỹ”, Tổng thống Donald Trump đã ký hai sắc lệnh hành pháp với mục tiêu bảo hộ nhiều hơn cho nền kinh tế Mỹ. Nhiều nước đã bị đặt trong tầm ngắm của sắc lệnh này.

Sắc lệnh bảo hộ nền kinh tế Mỹ

Sắc lệnh đầu tiên, được xem là một phần trong những nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng chính sách thương mại của người tiền nhiệm B.Obama mà ông D.Trump cho là không công bằng. Sắc lệnh thứ hai (có thể gọi là chống bán phá giá), yêu cầu các quan chức thương mại Mỹ đẩy nhanh việc thu thuế chống bán phá giá và các loại thuế cao đã được áp dụng đối với những sản phẩm từ nước ngoài do trợ giá hay trợ cấp một cách bất hợp pháp. Con số thâm hụt thương mại khoảng 500 tỷ USD mỗi năm là bằng chứng để ông Trump đưa ra các sắc lệnh này.

Tổng thống Mỹ Trump đang nỗ lực tái định hình chính sách thương mại của Mỹ với mục tiêu bảo hộ nhiều hơn cho nền kinh tế Mỹ, điều mà ông đã nhiều lần nói đến trong chiến dịch tranh cử. Phát biểu sau khi ký hai sắc lệnh, ông Trump nhấn mạnh tình trạng “đánh cắp sự thịnh vượng của Mỹ sẽ chấm dứt”, đồng thời tuyên bố chính quyền của ông sẽ có hành động cần thiết và hợp pháp để chấm dứt các vụ lạm dụng thương mại.

Ông Trump cũng cho rằng “hàng nghìn nhà máy đã bị đánh cắp khỏi đất nước” và cam kết tạo “sân chơi công bằng” cho người lao động Mỹ. Nhưng theo các chuyên gia, những động thái đầu tiên của Tổng thống Mỹ trong lĩnh vực thương mại đã phủ bóng lên các quan hệ thương mại của Mỹ và có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nước này.

Tổng thống Trump ký các sắc lệnh liên quan. Ảnh: Reuters.

Theo trang mạng project-syndicate.org, mức thâm hụt thương mại của Mỹ khoảng gần 500 tỷ USD, chiếm 2,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Điều đó có nghĩa là kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ cao hơn kim ngạch xuất khẩu của nước này tới 450 tỷ USD. Rất dễ để đổ lỗi mức thâm hụt thương mại lớn này là do các chính phủ nước ngoài đã ngăn chặn việc buôn bán các sản phẩm của Mỹ trên thị trường của nước mình, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Mỹ và hạ thấp mức sống của người lao động Mỹ.

Cũng dễ dàng đổ lỗi cho các chính phủ nước ngoài đã trợ giá cho các mặt hàng xuất khẩu của họ sang Mỹ, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người lao động Mỹ do để mất doanh số bán ra vào tay các nhà cung cấp nước ngoài (dù rằng người tiêu dùng Mỹ được hưởng lợi khi chính phủ nước ngoài trợ giá cho các sản phẩm).

Song, các rào cản nhập khẩu hay sự bao cấp hàng xuất khẩu của nước ngoài không phải là lý do cho sự thâm hụt thương mại của Mỹ. Thực chất lý do là ở chỗ người dân Mỹ đang chi tiêu nhiều hơn mức sản xuất ra. Mức thâm hụt thương mại tổng thể là hệ quả của các quyết định tiết kiệm và đầu tư của các hộ gia đình và các doanh nghiệp ở Mỹ. Chính sách của các chính phủ nước ngoài chỉ tác động tới việc mức thâm hụt được phân bổ giữa các đối tác thương mại của Mỹ.

Các chuyên gia thương mại ước tính để giảm 1% GDP mức thâm hụt thương mại Mỹ thì giá hàng xuất khẩu phải giảm 10% hoặc giá hàng nhập khẩu phải tăng 10%. Kết hợp những sự thay đổi giá này là điều sẽ phải làm để giảm được 2% GDP mức thâm hụt thương mại hiện tại, đưa Mỹ tiến gần tới cân bằng thương mại. Song, bởi xuất khẩu và nhập khẩu Mỹ chiếm 15% và 12% GDP nên mức giảm 10% giá cả xuất khẩu sẽ làm giảm 1,5% thu nhập bình quân thực tế, còn mức tăng 10% giá cả nhập khẩu sẽ làm giảm thu nhập thực tế thêm 1,2% nữa. Do vậy, giảm thâm hụt thương mại sẽ cần phải bán khoảng 2,5% sản lượng sản phẩm Mỹ ra các nước khác cũng như thay đổi giá xuất khẩu và nhập khẩu giảm giá trị thực thêm 2,7% GDP nữa.

Nói tóm lại, nếu không thay đổi mức sản lượng quốc gia, thu nhập thực tế của người dân Mỹ sẽ giảm khoảng 5%. Do đó, những thay đổi về tỷ lệ tiết kiệm ở Mỹ là chìa khóa cho cán cân thương mại cũng như cho mức thu nhập thực tế dài hạn của nước này. Đổ lỗi cho người khác sẽ không thể thay đổi được sự thật đó.

Tại châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thể hiện rõ lập trường của Berlin phản đối mọi hành động đơn phương nhằm đánh thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này, trong bối cảnh Mỹ đe dọa áp thuế đối với các loại ôtô của Đức xuất sang thị trường Mỹ. Trung Quốc cũng phản ứng dữ dội.

Trong khi đó, Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni trước những chỉ trích của Mỹ rằng Roma “lạm dụng tự do mậu dịch” cho biết, tại hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng 5 tới đây tại Sicile, khi có tổng thống Mỹ tham dự, ông sẽ kêu gọi “tái xác định niềm tin vào kinh tế tự do và xã hội rộng mở” cội nguồn của sự phồn vinh từ nhiều thập niên qua.

Hội nghị Mùa xuân của IMF có bàn tới việc chống bảo hộ mậu dịch. Ảnh: IMF.

Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde bày tỏ những lo ngại về cam kết của chính quyền Mỹ trong hợp tác đa phương, do Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi chính sách thương mại "Nước Mỹ là trên hết" để giảm thâm hụt thương mại và tiến hành các biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu, bà Lagarde khẳng định IMF muốn tìm kiếm các giải pháp nhằm đảm bảo rằng tất cả những lợi ích thương mại phải dựa trên sự công bằng và tạo ra một sân chơi bình đẳng.

Đại diện các khu vực ngân hàng, thương mại và sản xuất của Thái Lan hồi giữa tháng 4 vừa qua đã có cuộc họp nhằm thảo luận các vấn đề liên quan thương mại với Mỹ sau khi Washington công bố danh sách 16 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Mexico, Ireland, Việt Nam, Italy, Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Pháp, Thụy Sỹ, Indonesia và Canada... được Mỹ coi là trọng điểm, có thặng dự thương mại lớn với Mỹ cần phải xem xét lại quan hệ thương mại.

Ông Chen Namchaisiri, Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp Thái Lan cho biết các nhà xuất khẩu phải sẵn sàng cho mọi chính sách của Mỹ như tăng thuế nhập khẩu, áp đặt hàng rào phi thuế quan chống lại hàng hóa Thái Lan. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu Thái Lan cần phải tìm kiếm các thị trường mới.

Trong khi đó, nhiều quốc gia Bắc Mỹ như Mexico hay Canada đã tuyên bố đã sẵn sàng cho cuộc chiến thương mại với Mỹ. Mexico tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp pháp lý để chống lại mọi hành động trong kế hoạch tài chính của Mỹ vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Phát biểu ngày 25-4 trong phiên điều trần trước Hạ viện, Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray tái khẳng định chính quyền Mexico sẽ không chấp nhận những kế hoạch cải cách thuế của Mỹ, trong đó gồm một loại thuế biên giới nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ mà phía Mexico nhận định sẽ vi phạm các quy định của WTO.

Liên quan tới việc tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) gồm Mexico, Mỹ và Canada, ông Videgaray khẳng định quan điểm của nước này là không chấp nhận đưa thuế quan hoặc hạn ngạch vào thương mại song phương. Đồng thời nhấn mạnh, trong trường hợp xấu, Mexico sẽ rời bỏ NAFTA. Mỹ hiện là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mexico.

Ngược lại, Mexico hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Mỹ, sau Canada và Trung Quốc, và là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ 2 của Mỹ.

Hoa Huyền

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文