Rừng Phú Yên đang bị đào tận gốc

07:40 06/10/2011

Sau khi đã "hoàn thành" việc phá rừng cây trên mặt đất, nay đến lượt người ta đào bới lòng đất để tận thu nốt những gì còn lại. Hàng ngàn hécta rừng ở Phú Yên bị cày đi xới lại, băm nát như tương. các khu vực một thời là cánh rừng già xanh lá cây cối ken dày nay chỉ còn là những khoảng đất đá trộn lẫn chỏng chơ, không mọc nổi ngọn cỏ.

Thực trạng bi đát  đến mức gần  đây UBND tỉnh Phú Yên  đã phải thành  lập hẳn một đoàn công tác đặc biệt để giải quyết.

Lời đồn thúc đẩy phá rừng

Những ngày cuối năm 2010, không hiểu vì đâu bất thần rộ lên tin đồn nhiều người đi làm rừng đã trúng kỳ nam, trầm bì ở các khu rừng thuộc xã Phú Mỡ và Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, từ vài trăm triệu đến cả chục tỉ đồng. Tin đồn loan nhanh đã khiến hàng nghìn người từ khắp các nơi ùn ùn  đổ về các cánh rừng tìm cơ may đổi đời. Trên các con đường về các xã vùng cao Xuân Quang 1, Phú Mỡ, Xuân Lãnh…, hàng đoàn người vai mang ba lô hành lý, rìu rựa, cuốc xẻng, thậm chí cả cưa máy lên xuống tấp nập. Duy chỉ có con đường qua Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Chín Bếp vào rừng Suối Lạnh và Chín Cụm, mỗi ngày có hàng trăm xe môtô của các phu trầm ra vào tự do.

Từ trạm Chín Bếp lên đỉnh núi quãng đường gần 10km, toàn đá là đá đi lại khó khăn, thế nhưng các phu trầm vẫn phóng xe ào ào. Không chỉ có người địa phương mà hàng nghìn người từ các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Sông Cầu, thậm chí có nhiều người từ các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai, Quảng Ngãi cũng đổ xô về đây tìm kiếm vận may. Sâu trong rừng, các phu trầm "mở" hàng trăm ngóc ngách, dựng lán trại ăn ở tại chỗ để phá rừng tìm trầm.

Nhóm chúng tôi cũng sắm một chiếc xe máy cà tàng, hòa vào dòng người tấp nập. Không rõ thực hư ra sao, nhưng khi đi đường và trò chuyện với những phu trầm, được nghe rất nhiều câu chuyện ly kỳ về việc trúng trầm, trúng kỳ bạc tỉ. Nào là ông A dọn rừng đốt rẫy bất ngờ phát hiện có mảnh gỗ còn sót lại đang cháy sém bốc mùi thơm lừng, định đem về nhà đốt chơi, hóa ra có người biết là kỳ nam, mua lại và sau đó bán được mấy trăm triệu đồng. Nào là thằng Thanh (là ai, ở đâu, không ai biết) đi chặt cây, bẻ củi khô nướng củ rừng, ai dè bẻ trúng gốc cây dó mục từ khi nào, lấy ra được gần nửa ký trầm. Vậy là bỏ cả rìu rựa, chạy một mạch về Sài Gòn, bán cả tỉ đồng…

Đào được một cây cổ thụ như thế này, người ta phải phá tan cả một vạt rừng cây và đào xới tan hoang cả mặt đất.

Xới tung rừng già

Càng gần đến "hiện trường" khai thác trầm, quang cảnh diễn ra càng nhộn nhịp. Người dẫn đường giải thích, những lượt đầu tiên thỉnh thoảng cũng có người tìm gặp được trầm, nhưng rồi người ta vào đông quá nên trầm cũng cạn kiệt, nên họ càng vào trong rừng sâu hơn, nơi có nhiều cây to. Ban đầu thì họ đào bới lớp đất mặt, nhưng do cuốc đi cuốc lại nhiều lần, trầm bì trên bề mặt không còn nên họ tiếp tục chặt cây to, moi sâu trong lòng đất, thậm chí dùng rìu, cưa lốc cắt rễ cây đại thụ để tìm trầm, vì thế rừng bị cày tung, đào xới.

Quả đúng như lời người "thổ dân", hàng trăm cây cổ thụ to nhỏ bị hạ gục nằm ngổn ngang, rải rác khắp nơi trong một vạt rừng rộng ước hàng trăm hécta. Có những cây bị chặt hạ đã lâu, thân trơ cành lá, kề bên là những cây mới chặt, nhựa đỏ như máu quện thành cục quanh gốc chưa khô. Nhiều gốc cây đường kính lớn cả mét, bị tiện toàn bộ phần rễ nằm chỏng chơ. Nhiều loại cây gỗ quý như thông đỏ, sến, cui… bị triệt hạ nằm ngổn ngang.

Những người làm trầm cho biết, ở các khu rừng này có cây dó bầu tạo kỳ nam và dó gạch tạo trầm bì. Trước đây những người đi trầm về đây tìm kiếm, nên hầu hết cây dó bầu đã bị chặt hạ gần như tuyệt chủng. Còn dó gạch được những người đi tìm kỳ nam trước đây dùng rựa băm vào thân cây tìm trầm sán. Sau nhiều lần cây chết, ngã rục, bị chôn vùi dưới lá rừng, mang theo trầm cám bám ngoài da, nên dù bị vùi dưới lòng đất, trầm cám vẫn "ăn" da và tích tụ thành trầm, gọi là trầm bì. Trầm bì được tính bằng "zem", nhiều viên nhỏ như đầu que tăm, viên đá lửa rất khó phát hiện... Để không bỏ sót, người tìm trầm dàn thành hàng ngang theo nhóm đào bới, sau đó đánh tơi đất để tìm trầm bám ở vỏ cây dó gạch, hoặc rễ cây đã tạo trầm.

Không chỉ khai thác trầm, đây còn là cơ hội để người ta chặt phá rừng già, khai thác gỗ lậu. Hầu hết ở các tiểu khu phía bắc huyện Đồng Xuân như tiểu khu 50, 55, 56, 57, 60, 61, 62, 63, 65, 70, 72  thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân, và các tiểu khu 49, 51, 54, 55, 56, 71, 77 thuộc địa phận xã Phú Mỡ giáp ranh với tỉnh Gia Lai. Điều đáng lo ngại là các khu vực người dân đổ xô chặt phá rừng tìm trầm lại là rừng phòng hộ đầu nguồn các con sông Trà Bương, Kỳ Lộ có độ dốc cao. Và chuyện tái hiện cơn lũ lịch sử đầu tháng 11/2009 tàn phá xóm làng, giết chết hàng chục người dân ven sông Kỳ Lộ là điều hoàn toàn có thể lặp lại.

Không thể ngăn chặn?

Tình hình càng căng thẳng hơn khi an ninh trật tự ở những khu vực tìm trầm ngày càng phức tạp. Tại các khu rừng Làng Cát, Chăng Băng, Chăng Quay thuộc xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, giáp ranh với tỉnh Bình Định, nạn phá rừng tìm trầm "nóng" hơn bao giờ hết. Các đối tượng bất chấp hiểm nguy, phân vùng lãnh địa "độc quyền" tàn phá rừng. Tại các khu rừng giáp ranh tỉnh Bình Định đã xuất hiện nhiều băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” hung hãn, trong đó có cả đối tượng tiền án, tiền sự núp bóng phu trầm lẩn trốn pháp luật. Những băng nhóm này tự khoanh vùng và cho mình quyền "thống lĩnh" rừng trầm, bất khả xâm phạm. Thậm chí chúng còn bắt người trúng trầm phải nộp tiền mới "cấp phép" ra vào rừng. Những người không chịu nộp tiền sẽ không được chúng để yên. Đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp "lãnh thổ" giữa những phu trầm Phú Yên và Bình Định, sinh ra nhiều vụ xô xát, đâm chém gây thương tích nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Trực tiếp thị sát thực tế tại các khu rừng Trại Tôn, Trại Trứng, Trại Giống… thuộc địa bàn xã Phú Mỡ, ông Lương Mộng Sang, Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân cho biết, hiện vẫn còn khá đông người dân đào bới đất, phá rừng tìm trầm. Mặc dù lực lượng đã trực chốt trên các tuyến đường, xử phạt, tạm giữ phương tiện, phá dỡ cầu tạm ra vào rừng Suối Lạnh, đóng cửa đường độc đạo vào rừng thuộc Trạm Quản lý bảo vệ rừng Chín Bếp, tuy nhiên tình trạng người tìm trầm tiếp tục lén mở những con đường khác để vào rừng đang tiếp tục. Chính những vạt rừng Phú Yên giáp ranh các tỉnh Bình Định và Gia Lai tình trạng tìm kiếm đào bới diễn ra càng khốc liệt bởi việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng khó khăn hơn. Phu trầm và lâm tặc chỉ cần biết được phía tỉnh nào có kiểm tra là giạt về cánh rừng của tỉnh bên kia để ẩn náu, chờ đợt truy quét qua đi là lại trở ra tiếp tục đào bới, phá rừng.

Xay nghiền đồi núi - Xới tung nương rẫy

Đến tận nơi chứng kiến cảnh quả đồi bị đào bới, không thể kìm được cảm giác xót xa. Toàn bộ quả đồi bị đào xới nham nhở, đất đá đào lên phủ khắp bề mặt khiến không một ngọn cỏ, một cây con nào còn mọc được. Có hai miệng hầm người dân mở đào sâu vào bên trong để lấy đá ra, ngoài ra khắp nơi chi chít những lỗ hang.

Cây mật nhân đang bị khai thác cạn kiệt, phương thuốc truyền thống của đồng bào Êđê có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Không phải chỉ Hòn Mò O, mà rải rác khắp huyện Sông Hinh, người ta đào từ đồi núi đến lòng sông, nương rẫy. Gần như bất cứ nơi đâu người ta cũng có thể đào lên để xay nghiền và đãi vàng. Các địa danh Suối Pháp, Suối Lạnh, Suối Bùn, hòn Ké (xã Sông Hinh), Hòn Cồ, buôn Đức (xã Ea Trol)… hiện nay đều gắn với hoạt động đào đãi vàng. Từ thị trấn Sông Hinh vào xã Ea Trol, đoạn đường chỉ vài cây số, nhưng rải rác là những nhóm người đang cùng nhau đào bới trên khắp các nương rẫy hai bên đường. Đào núi đã hết, giờ họ quay sang lật tung nương rẫy lên, đào lấy lớp đá bên dưới đem đi xay để tìm vàng. Những viên đá có màu tím sậm được chọn lấy vì có vàng, còn đá màu trắng bỏ đi. Loại đá bỏ đi này vứt tràn ra rẫy, phủ tràn lớp đất mặt, khiến muốn trồng trọt cũng khó khăn.

Hai ông Hồ Văn Vọng và Lê Văn Thành cho biết, họ thuê khu rẫy rộng 1,2ha này với giá 6 triệu đồng để đào trong vòng một năm. Điều đó có nghĩa, vạt rẫy này một năm sẽ không có trồng trọt, không có thu hoạch. Và khắp nơi, người ta đã bỏ mùa màng nương rẫy mà quay sang đào bới, tìm kiếm. Đa số rẫy là của người đồng bào dân tộc địa phương, vì thấy có tiền trước mắt nên đã bán tạm, tuy nhiên họ không hình dung được sau khi "khai thác", miếng rẫy trở thành bãi đá, lớp đất mặt bị đào bới, trộn lẫn với lớp đất cứng bên dưới và bị mưa rửa trôi, bạc màu khó mà trồng trọt được nữa.

Từ nhiều tháng qua, người dân khắp nơi ùn ùn đổ về vùng rừng núi ở các xã Ea Trol, Sông Hinh của huyện Sông Hinh, ra sức tìm kiếm, đào bới cây mật nhân. Cây mật nhân thuộc loại gỗ tròn, thân mọc thẳng đứng. Phụ nữ êđê có phong tục khi sinh, dùng thân hoặc gốc, rễ cây xắt lát nấu nước uống, dùng lá nấu nước tắm. Tuy nhiên không rõ thế nào, gần đây có thông tin rộ lên là loại cây này là dược liệu quý chữa bách bệnh, từ đau nhức xương khớp, da vàng, ngứa, yếu sinh lý, viêm xoang, đến viêm gan, nhứt tay chân, đau bao tử, đau cơ chuẩn bị chuyển sang liệt, đại tràng, viêm cầu thận và thoái hóa đốt sống, gút, mỡ máu tăng, gan nhiễm mỡ, đặc biệt là chữa tốt các bệnh xương khớp. Có người ở TP HCM, Hà Nội vào tận Phú Yên đặt mua 300.000 - 500.000 đồng/kg.

Vì vậy mà người ta tranh thủ đi đào về bán và nhiều nơi núi rừng huyện Sông Hinh một thời gian sôi sục không khác cảnh đào trầm ở huyện Đồng Xuân. Những cánh rừng Hòn Đen, Buôn Kít, Hòn Cồ có số người tập trung đông nhất. Thời điểm cao nhất có cả trăm người vào rừng lùng sục. Không chỉ bằng xe máy, có người còn dùng xe công nông vào khai thác với số lượng lớn, bất kể cây lớn hay nhỏ. "Họ đào lấy cả gốc, rễ, cành, nên bây giờ một số vùng không còn cây mật nhân nữa", Kỳ nói. Nhiều đại gia đánh hẳn xe con, ôtô tải thuê người đến đây đào bới, tìm kiếm khiến cây mật nhân ngày càng cạn kiệt và chắc chắn sẽ tuyệt chủng.

Khai thác cạn ở Sơn Hòa và Sông Hinh, người ta chuyển sang săn lùng đào phá cây cảnh tại các huyện Tuy An, Đồng Xuân. Cây đại cảnh lên giá, rừng chảy máu, cây quý thưa dần. Hết cây trong rừng, người ta quay sang bứng cả những cây tán to đầu nguồn. Chưa hết, người ta còn đào các cây cổ thụ trên rẫy, khiến rẫy bị đào xới không trồng trọt được. Cùng với nạn đào trầm, đào đá, đào vàng, những cánh rừng Phú Yên ngày càng trở nên điêu tàn, thê thảm. Rải rác khắp nơi, rừng gần như bị xóa trắng với đất đá tràn ngập, hố sâu loang lổ. Có những nơi một thời mặt đất là một thảm thực vật xanh tươi, nay đất đá tràn ngập khiến một cây cỏ cũng không mọc được. Điều đáng lo ngại là rừng núi Phú Yên và miền Trung nói chung có địa hình dốc khá đứng. Mùa mưa đến, nước sẽ theo các triền đồi chảy xiết sẽ cuốn trôi đất đá và không khó để tạo nên những cơn lũ rừng, lũ quét mà nhiều nơi đã phải hứng chịu hậu quả.

Mặc dù tình hình căng thẳng như vậy nhưng hình như mãi tận đến giờ, chính quyền địa phương từ tỉnh đến xã huyện vẫn chưa có cách nào giải quyết căn cơ để ngăn chặn tận gốc. Cách làm thường thấy nhất hiện nay ở Phú Yên là khi thấy tình hình quá nóng, UBND tỉnh lại ra văn bản chỉ đạo truy quét. Hạt kiểm lâm và các cơ quan chức năng của huyện Đồng Xuân trong thời gian gần đây đã trục xuất tới 1.000 đối tượng tìm trầm ở khu vực này. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, sau đó mọi việc lại đâu vào đấy. Đêm đêm người ta vẫn âm thầm đục khoét, đào đá ở Hòn Cồ, Hòn Ké, Hòn Mò O đem đi. Ngày ngày, người dân các nơi vẫn đổ về Đồng Xuân đào trầm, về Sông Hinh đào cây mật nhân. Riêng việc đào cây cảnh thì chính quyền vẫn cứ lúng túng vì đa số cây cảnh không thuộc dòng gỗ quý nên không có luật xử phạt

Phương Minh - Đặng Vỹ

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文