“Sự mất ngủ của lửa” - Bản song tấu giữa thơ và hội họa

14:45 18/11/2015
Thêm một hoạt động sáng tạo nghệ thuật mới mẻ và ấn tượng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi anh vừa ra mắt phiên bản mới của tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”. Trong chuỗi những tác phẩm sẽ lần lượt tái bản để trình làng một thế hệ độc giả mới hôm nay, Nguyễn Quang Thiều chọn ấn hành “Sự mất ngủ của lửa” như một cách thức trở lại với chính mình trong sự làm mới mình.

23 năm sau kể từ ngày “Sự mất ngủ của lửa” ra mắt và đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, 23 năm sau cơn bão dư luận, những phê phán cay nghiệt của một số nhà phê bình cùng với những nhạo báng của một số người về tư duy và ngôn ngữ của Nguyễn Quang Thiều... sự trở lại lần này “Sự mất ngủ của lửa” cho ta một hình dung trọn vẹn hơn về những văn bản thơ khác nhau của chính tác giả và 15 họa sĩ được mời cộng tác. Có thể nói, một sự trở lại thú vị trong tiến trình sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Phóng viên Chuyên đề ANTG đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Phóng viên (PV):  Làm mới một cuốn sách đã cũ, làm mới những văn bản cũ... thì vẫn chỉ là ra mắt một phiên bản chứ không thể gọi là một tác phẩm mới. Tại sao "Sự mất ngủ của lửa" vẫn hút độc giả và nó như là một sự kiện văn hóa độc đáo, sắc nét để thu hút công chúng quan tâm?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:  Đây là hoạt động mở đầu trong chuỗi hoạt động tới đây của tôi về việc tái bản một số tác phẩm tôi đã in hơn 20 năm về trước. Tôi nghĩ, quan trọng là trên văn bản cũ, tác phẩm cũ, tinh thần của tác giả có mới hơn không, có thay đổi nhiều không, và anh mang cái tinh thần đó, sự thay đổi đó trong một sáng tạo mới, ở một góc nhìn mới, đến với độc giả để độc giả tiếp nhận và quan tâm. Chúng tôi những đồng sáng tạo, hay nói cách khác là tôi cộng hưởng thêm những sáng tạo của các nghệ sĩ khác. Chúng tôi đã dồn nén vào đó khá nhiều công sức và tâm huyết. Sáng tạo nghệ thuật là vô giới hạn. Sản phẩm sẽ nói lên tất cả.

PV: Tại sao lại là "Sự mất ngủ của lửa" mà không phải là những văn bản khác ở lần đầu tiên này?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tại vì "Sự mất ngủ của lửa" là một sự kiện đặc biệt đối với tôi, nó đánh dấu một giọng nói cất lên chính xác là của tôi, của Nguyễn Quang Thiều. Nó là sự khởi đầu, mở đầu cho tôi, một tôi đích thực. Tập thơ đầu tay của tôi không phải là "Sự mất ngủ của lửa" mà là tập "Ngôi nhà tuổi 17". Tập thơ đó cũng đã lọt vào chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 nhưng sau đó không có giải. Với người khác điều này có lẽ là một nỗi buồn, còn với tôi lúc đó lại là một may mắn rất lớn mà cho đến bây giờ sau gần 30 năm ngoảnh lại tôi vẫn thầm cảm ơn Hội đồng đã không trao giải cho tôi. Ở "Ngôi nhà 17 tuổi", tôi đã nhận ra: trên gương mặt tôi đôi lúc thoáng hiện một gương mặt khác, trong giọng nói tôi đôi lúc lại pha một giọng nói khác. Trong khi đó, có một giọng nói đặc "thổ âm" của tôi vẫn ngày đêm vang lên trong tôi. Đấy là lý do mà tôi không muốn tập "Ngôi nhà 17 tuổi" được trao giải. Tôi chỉ muốn được thừa nhận khi tôi thực sự là tôi và không có bất cứ một cái bóng của ai đó dù một chút thoáng qua.

PV: Vậy ra anh đã ngấm ngầm phản kháng lại cái giọng nói đầu tiên anh vừa cất lên ở “Ngôi nhà 17 tuổi”. Anh chống lại những gì không phải của anh mà giống anh. “Sự mất ngủ của lửa” ra đời ngay sau đó một năm là sự minh chứng cho việc: “Thế mà tôi lạc nhịp đi ra” - câu thơ anh viết trong bài thơ cuối cùng của tập “Ngôi nhà 17 tuổi”. Một linh cảm chính xác về bản thân mình?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Trong sáng tạo, nếu anh giống người khác là anh tự sát. Việc ảnh hưởng người khác có thể được, nhưng anh phải tạo ra giọng của anh, cá tính của anh, phong cách của anh. Khi "Ngôi nhà 17 tuổi" ra đời, tôi càng nhìn thấy rõ hơn gương mặt mình và nghe rõ hơn giọng nói mình ở bên ngoài tập thơ này. Và tôi đã viết tập "Sự mất ngủ của lửa" trong vòng một năm sau đó. "Sự mất ngủ của lửa" được Nhà xuất bản Lao Động ấn hành năm 1992 và được trao Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993. Tôi thực sự cảm ơn Nhà xuất bản Lao Động đã đề cử tập thơ cho Giải thưởng Hội Nhà văn và cám ơn Ban giám khảo Giải thưởng Hội Nhà văn năm đó đã trao giải cho "Sự mất ngủ của lửa". Cho đến lúc này, tôi vẫn thầm cảm ơn những người đã đọc và bảo vệ "Sự mất ngủ của lửa", bởi thơ tôi viết về nỗi buồn, những cái nhìn của tôi về một hiện thực đời sống, nó không kém phần khắc nghiệt, đổ vỡ, thất vọng và hàm chứa nỗi đau....Tôi cố gắng tìm kiếm những vẻ đẹp của cuộc sống, những vẻ đẹp khuất lấp phía sau những hiện thực đau buồn, sau những hiện thực đầy khó khăn. Trong một bối cảnh như vậy, một tinh thần thể hiện trong những bài thơ như vậy mà tập thơ được trân trọng thừa nhận, được trao giải, với tôi đó là phần thưởng vô giá... Trong lễ ra mắt và triển lãm lần này, tôi sẽ dành một lời trang trọng cảm ơn tới Ban giám khảo Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993, những người đã bảo vệ cho "Sự mất ngủ của lửa".

PV: Hồi đó, sau khi tập thơ được giải, có một cơn bão dư luận đã xảy ra. Thơ của anh đã “xé đôi dư luận”- (chữ của tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp khi nói về thơ Nguyễn Quang Thiều), khi một bên ngợi ca những cách tân mới mẻ của anh trong thơ, còn một nửa dư luận là cực lực phê phán và lên án về những nỗi buồn đau thấp thoáng đâu đó trong  “Sự mất ngủ của lửa”. Tại sao?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Sau khi "Sự mất ngủ của lửa" được trao giải, một cơn bão với các bài phê phán cay nghiệt và những lời bàn tán đầy nhạo báng đã đổ xuống tôi. Trên Tạp chí Văn thành phố Hồ Chí Minh, một nhà thơ viết về sự suy đồi nhân cách của tôi thông qua một hai bài thơ trong "Sự mất ngủ của lửa". Nhưng cho tới tận bây giờ, tôi chưa một lần lên tiếng phản bác lại những phê phán và suy xét đó. Vì sao? Chỉ vì tôi tin vào con đường của tôi và không bao giờ chối từ gương mặt của chính tôi, từ chối giọng nói của chính tôi. Tôi phải là chính tôi và không phải bất kỳ một ai khác kể cả một vị thánh. Và suốt 23 năm kể từ ngày tập thơ được trao giải, tôi đã không hề đổi thay con đường tôi đã đi.

PV: Bây giờ, những người từng phê phán thơ anh vẫn còn, và theo tôi biết họ thủy chung với quan điểm nhìn nhận về thơ anh từ trước đến nay. Nghĩa là rất có thể “Sự mất ngủ của lửa” lại “xẻ đôi dư luận” thêm lần nữa? Anh có ngại không?

Bìa tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Bỏ qua những dư luận ác ý, những bàn tán nhạo báng có hàm ý xấu, tôi thấy một tác phẩm, một tác giả nên cần thiết có những phản biện của dư luận về tác phẩm của mình. Những phản biện vô tư trong sáng, họ chỉ ra cho mình những điều mình không hình dung tới. 23 năm trước trên tờ Tạp chí Văn họ đã viết về một Nguyễn Quang Thiều suy đồi nhân cách qua một, hai bài thơ trong tập. 23 năm sau, có những độc giả trẻ, mới của ngày hôm nay lại viết về chính nó bằng một tinh thần khác và chỉ ra tính nhân văn đầy logic trong chính những bài thơ đó.

PV: Điều đó càng cho thấy việc trở lại văn bản thơ “Sự mất ngủ của lửa” là hoàn toàn chính xác, hợp lý khi tác giả có quyền đưa những tác phẩm đã định danh mình trên văn đàn trở lại với một thế hệ độc giả mới hơn, hiện đại hơn, để qua đó tìm thấy những cách nhìn, những phiên bản đọc mới, phong phú hơn về tác phẩm của họ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chính xác! Tôi muốn mang đến cho độc giả hôm nay một "Sự mất ngủ của lửa" nhìn ở góc độ bây giờ chứ không phải 23 năm về trước. Tôi muốn được hình dung những phiên bản đọc khác nhau. Điều quan trọng là tập sách này 23 năm trước in chỉ vỏn vẹn 500 cuốn, rất nhiều người sau khi nghe dư luận đã muốn tìm đọc nhưng không có sách. Tôi in lại để những độc giả muốn đọc "Sự mất ngủ của lửa" theo cách riêng thì họ có thể tìm đến được với nó. Và tôi tin rằng mỗi độc giả, mỗi thời đại họ sẽ có một cách đọc hiểu và hình dung khác nhau về một văn bản tác phẩm.

PV: Tôi biết, điểm độc đáo nhất trong sự trở lại lần này của cuốn “Sự mất ngủ của lửa” là cuộc triển lãm trong lễ ra mắt sách 23 tác phẩm tranh minh họa gốc cho 23 bài thơ trong tập thơ của anh. 15 họa sĩ hàng đầu trong đó có những tên tuổi danh giá đã tham gia cùng anh.  Đây chính là lý do để anh nói rằng, có rất nhiều cách để người nghệ sĩ sáng tạo, ngay cả trên những tác phẩm cũ của mình, và điều này càng cho thấy sáng tạo nghệ thuật là vô giới hạn?

Một trong số những bức tranh minh họa gốc trong tập “Sự mất ngủ của lửa”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Có một điều vô cùng đặc biệt trong lần tái bản này: Đó là "Sự mất ngủ của lửa" có hai văn bản. Một văn bản bằng ngôn từ và một văn bản bằng hội họa. Các bức phụ bản trong tập thơ mang đến cho tôi và bạn đọc một văn bản khác của "Sự mất ngủ của lửa". Cái văn bản thứ hai này làm cho "Sự mất ngủ của lửa" thêm một không gian mới, một nhịp điệu mới và một suy tưởng mới. Và một sự thật là: "Sự mất ngủ của lửa" trong văn bản của hội họa đã kích động tôi đọc lại "Sự mất ngủ của lửa" bằng ngôn từ như là tôi chưa bao giờ biết đến nó trước đó. 

PV: Điều quan trọng là độc giả, khán giả, công chúng sẽ được thưởng lãm một buổi "song tấu giữa thơ và hội họa" đặc sắc. Điều đó đã kích thích trí tưởng tượng của những người yêu thi ca, yêu nghệ thuật, và đó cũng chính là sức hút  của người hâm mộ yêu thơ Nguyễn Quang Thiều?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Khi anh mang lại cho độc giả một văn bản không phải là thứ anh mới sáng tác, có nghĩa là anh có một thông điệp, một chia sẻ khác ngoài việc chia sẻ cái mới. Chia sẻ một cái đã cũ trong tận cùng việc làm mới cái cũ đó cũng là một sự sáng tạo vô cùng thú vị. Ở triển lãm và ra mắt sách lần này, tôi sẽ đọc một số bài thơ trên nền nhạc tiếng kèn sacxophone của nghệ sĩ Dũng Sac và trong ánh sáng của những ngọn nến không mất ngủ. Tất cả những ý tưởng này là của bạn tôi, họa sĩ Lê Thiết Cương cùng với nhà thơ Hữu Việt.

Tôi muốn nói lời cám ơn đặc biệt gửi tới họa sĩ Lê Thiết Cương, người luôn coi "Sự mất ngủ của lửa" và những tác phẩm văn học của các nhà văn bạn bè mà anh đã nhận lời làm giúp phần mỹ thuật như là tác phẩm của chính anh với một trách nhiệm cao nhất và ngập tràn cảm hứng. Tôi đã ủy thác cho họa sĩ Lê Thiết Cương quyết định  tất cả mọi điều liên quan đến việc tái bản tập thơ mà không cần phải hỏi lại hay xem lại cho đến khi tập thơ ra mắt.

Mới đấy mà đã gần một phần tư thế kỷ. Thời gian cứ thế trôi đi và nhạo báng tất cả những gì không có khả năng đi cùng nó. Xin được chia sẻ cùng bạn:

Không phải cơn sốt giam cầm ta

Không phải sự hèn yếu giam cầm ta

Ô cửa mùa đông mở ra lặng lẽ

Ta gặp mẹ ta năm

Người mười bảy

Những răng lược gỗ mòn cắn ngập mái tóc Người

Ta gặp cha ta năm

Người hai mươi tuổi

Dưới những nhát búa cùn

Từng khúc xoan tươi toác ra tiếng cười của lửa

Ô cửa mùa đông mở ra lặng kẽ

Chiếc áo sơ sinh của con ta phơi vừa bay qua đó

Cái mỉm cười nhạo báng của thời gian

(Khúc VI, Mười một khúc cảm, Sự mất ngủ của lửa)

Thị xã Hà Đông, Trung thu năm 2015

Như Bình

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hết quý I/2024, thị trường bất động sản đã có thêm những tín hiệu tích cực khi sự quan tâm của người dân dành cho nhà ở đã tăng lên so với giai đoạn quý IV/2023. Theo đại diện Bộ Xây dựng, nguồn cung cũng đã tăng khi số lượng dự án hoàn thành và được cấp phép tăng lên. Tuy nhiên, nhận định về thị trường bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù đã có những chuyển động tích cực nhưng cơ bản thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc dù đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文