“Thái hóa” miền ban trắng

09:37 10/11/2020
Hưng, anh bạn đi cùng tôi bật ra nhận xét ngộ nghĩnh ấy, khi thấy các cô giáo người Kinh đang xúng xính trong bộ trang phục áo cỏm, váy đen, tằng cẩu, xà tích bạc của thiếu nữ Thái trắng, chuẩn bị xuống phố cho cuộc diễn diễu quần chúng chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Mường Lò.

Đêm ấy, một đại xòe Thái với hàng nghìn diễn viên sẽ được tổ chức long trọng tại sân vận động trung tâm của thị xã. Cả đất trời rộn ràng trong tiếng hát Khắp, tiếng chiêng trống thì thùng. Văn hóa cổ của tộc người chủ đạo ở miền đất này, đã được coi là một sản phẩm du lịch hấp dẫn để mời gọi du khách thập phương lên với Tây Bắc.

Chữ Thái cổ vào giáo án

Sau tuần rượu men lá, nhấm nháp cùng xôi ngũ sắc, trứng kiến rừng, rau bò khai... chúng tôi hỏi bà Lanh (chủ quán) về những thứ đặc trưng nhất của dân tộc Thái xứ Mường Lò. Chẳng cần nghĩ ngợi nhiều, bà bảo: “Xuống Chao Hạ, tìm nhà ông Dung dạy chữ Thái cổ”.

Nghệ nhân Lò Văn Biến thăm lớp học tiếng Thái.

Theo chỉ dẫn, con đường xuống bản Bản Chao Hạ 2, xã Nghĩa Lợi (Thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) đang được bê tông hóa đã hiện ra trước mắt sau vài phút đi xe máy. Làng bản người Thái nơi đây cũng giống như bao miền quê Tây Bắc mà chúng tôi đã đặt chân, với những nếp nhà sàn in hình bên dòng suối trong vắt, hay thấp thoáng giữa bạt ngàn cây cối tốt tươi. Bức tranh quê núi sao mà thanh bình và nên thơ đến lạ. Khách phương xa chắc hẳn khó cưỡng lại lời mời gọi hồn hậu từ đất và người cùng những món ẩm thực tuyệt diệu xứ này.

Tiếp chúng tôi dưới gầm sàn nhà, ông Lò Tuyên Dung (57 tuổi) cho biết mình là “truyền nhân” của cụ Lò Văn Biến (88 tuổi, một nghệ nhân dân gian ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm). Từ lâu, cụ Biến đã nổi tiếng là một nhà nghiên cứu văn hóa Thái vùng Tây Bắc.

Được học viết chữ Thái cổ theo kiểu gia truyền từ các cụ già trong làng giữa những năm 40 của thế kỷ trước, cụ Biến đã dày công sưu tầm và bảo tồn di sản quý giá này cho tới hôm nay. Với những lớp chữ Thái mở ra trong vùng lòng chảo Mường Lò, cụ đã ươm gieo được nhiều “hạt giống” tốt để duy trì cho mai sau những nét văn hóa đặc sắc của tiên tổ người Thái.

Năm nay cụ đã già nên không còn mở các lớp dạy chữ Thái cho đồng bào nơi đây. Công việc này được các “cao đồ” tiếp nối và ông Dung là một người như thế. Điều khá đặc biệt ở chỗ ông Dung chỉ là một nông dân, sớm hôm cày cuốc đồng áng, chứ không làm việc trong ngành văn hóa địa phương. Bằng tình yêu với văn hóa nguồn cội, ông đã quyết tâm lĩnh hội từ cụ Biến di sản quý giá này. Và khi thầy về già, ông đã nối gót sự nghiệp, lặng lẽ truyền dạy lớp người sau sở học của mình.

Lớp học tiếng Thái cổ tại Mường Lò (Nghĩa Lộ).

Giống như những người Thái vùng Tây Bắc mà chúng tôi đã gặp, ông Dung nói chuyện bằng tiếng Kinh khá lưu loát nhưng vẫn mang âm hưởng đặc trưng của người thiểu số nói tiếng phổ thông. 

Kể với tôi về duyên theo học thầy Biến rồi nối gót thầy truyền bá dòng chữ Thái cổ khắp xứ Mường Lò, ông nói: “Mình là người Thái, trong làng ngoài bản người dân chỉ biết nói tiếng Thái, còn chữ viết thì cả vùng này mỗi cụ Biến là giữ được. Mà cụ thì đã già, mình sợ một mai dòng chữ viết xưa của dân tộc mình bị thất truyền, cùng với sự ra đi của cụ. Vì vậy mà từ năm 2007, hai bố con mình cùng theo học viết chữ Thái cổ của cụ. Học rất chăm chỉ nên sau 3 tháng đã thông thạo. Vài năm nay cụ đã già yếu, bố con mình thay cụ đứng lớp. Ban đầu mình dạy cho con cháu ngay dưới gầm sàn này, rồi mở lớp tại các xã như Nghĩa An, Hạnh Sơn... Gần đây, các trường trong thị xã cũng mời mình đến dạy chữ Thái cho các câu lạc bộ. Mình dạy hoàn toàn miễn phí thôi, vì yêu quý văn hóa của dân tộc mình, muốn con cháu mai sau giữ được truyền thống, vốn cổ từ tổ tiên, cha ông để lại”.

Ông Dung cho biết, chữ Thái cổ thuộc hệ chữ Phạn, giống như chữ Lào, Thái Lan khá giống nhau. Chữ Thái có 24 cặp với 48 chữ cái, có 19 nguyên âm chủ (may), có 8 chữ cái (phụ âm) có chức năng tạo vần. Tiếng Thái cổ khá phức tạp, nguyên âm có thể đứng trước, sau, trên, dưới phụ âm, chứ không như tiếng Việt. Tiếng nói và chữ viết của tộc Thái đen và Thái trắng giống nhau, chỉ khác về phương ngữ, khẩu ngữ, âm tiết của từng vùng.

Tiếng Thái cũng có những chữ chỉ các thời của hành động, tương tự từ “đã” hay “sẽ” trong tiếng Việt. Chữ Thái có 300 tiết, việc nghe và phát âm tiếng Thái rất khó, vì có những âm tắt, đặc biệt phức tạp về trường độ. Chẳng hạn 1 tiếng có thể phát ở 8 âm vực khác nhau, để diễn đạt nội dung cần diễn tả.

Trước kia chữ Thái không có dấu, chỉ dùng viết văn vần. Năm 2005, một hội thảo về chữ Thái do Trung tâm Phát triển bền vững miền núi (CSDM) tổ chức, đã mở ra cuộc cải cách chữ viết của dân tộc Thái, thêm 2 dấu thanh, thêm 4 cặp chữ cái mới. Người xưa thường viết chữ Thái bằng bút lông trên giấy dó.

Từ lớp học của cụ Biến ngày nào, giờ đây tại Thị xã Nghĩa Lộ, ngoài ông Dung còn có thêm thầy giáo Lê Thanh Tùng (Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Lý Tự Trọng) là một giảng viên chữ Thái, với nhiều lớp học được tổ chức trong vùng. Một “truyền nhân” khác của ông Dung là anh Điêu Văn Hơn (47 tuổi) ở bản Pá Khết, phường Trung Tâm. Sau khi được ông truyền nghề dạy chữ Thái, hiện anh Hơn cũng đang mở 1 lớp tiếng Thái dưới gầm nhà sàn.

Thập thò “hóng” câu chuyện của chúng tôi với thầy Dung, còn có em Lường Xuân Việt (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ). Việt là người Thái nhưng cu cậu học chữ Thái ở câu lạc bộ (CLB). “Trường cháu có các CLB dạy hát Khắp (dân ca) và chữ Thái. Hằng tuần chúng cháu đều có tiết học các môn này, do các thầy trong bản tới dạy. Chữ Thái khó học nhưng cháu rất thích, vì là chữ viết của ông bà mình” - cháu Việt đỏ lựng mặt, lý nhí trả lời khi chúng tôi hỏi.

Chìm trong không gian Thái

Rời nhà ông Dung, trong tôi vẫn văng vẳng lời kể về truyền thuyết của miền đất này. Theo sử thi “Quam Tô Mương” truyền đời của người Thái vùng Tây Bắc, thì cánh đồng lòng chảo giữa núi Mường Lò là đất tổ của người Thái ở Việt Nam và các nước láng giềng. Cách đây hơn 1.000 năm, người Thái ở “Xip xoong Păn na” (tiếng Thái có nghĩa là 12 nghìn mẫu ruộng - PV) từ vùng đất phía Bắc đã theo sông Hồng di cư xuống phía Nam.

Cô giáo Trần Thị Huyền (trường Hoàng Văn Thụ) trong lớp học chữ Thái.

Khi đến Mường Lò, thấy đất đai phì nhiêu, cây cối tươi tốt, họ đã dừng lại khai hoang lập bản. Địa danh Mường Lò là có thật ở “Xip xoong Păn na”, khi di cư đến Nghĩa Lộ tổ tiên người Thái đã mang tên ấy đặt cho miền đất mới, để thỏa lòng khắc khoải tưởng nhớ cố hương. Rồi cũng từ đây, người Thái tiếp tục tỏa đi bốn phương nhưng trong họ Mường Lò đã trở thành đất tổ bởi lưu dấu chân đầu tiên của tiền nhân khi đặt chân xuống phương Nam. Nghĩa Lộ còn được gọi là “Mường Trời” là vì thế.

Với người Thái trong nước, thậm chí cả ở Lào, Thái Lan, việc hành hương về Nghĩa Lộ cũng giống như người Hồi giáo được về thánh địa Mecca của đất nước Saudi Arabia - của nhà tiên tri Muhammad. 

Với những điều kể trên, dòng văn hóa dân gian chủ lưu ở miền đất Mường Lò, hẳn là những tập tục, lề thói sinh hoạt cùng dân ca, dân nhạc, dân vũ... của đồng bào Thái. Và đó cũng là tiềm năng to lớn của miền đất này, khi vốn cổ văn hóa các dân tộc, nhất là văn hóa Thái được “đóng gói” thành một sản phẩm du lịch đặc sắc.

Từ lâu, du lịch đã trở thành một “ngành công nghiệp không khói”. Tài nguyên hữu hình sẽ cạn kiệt theo thời gian cùng hoạt động khai thác của con người. Nhưng, văn hóa dân gian đặc sắc gắn với đất và người lại là “mỏ vàng” vô tận. Các nhà quản lý địa phương dĩ nhiên nhận ra điều này. Để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, từ nhiều năm nay, văn hóa Thái cùng các dân tộc thiểu số khác ở Mường Lò đã được nâng niu, chăm bẵm với nhiều hoạt động thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị.

Hằng năm, thị xã Nghĩa Lộ đều tổ chức Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Nghĩa Lộ (18-10). Điểm nhấn của sự kiện luôn là màn Đại xòe truyền thống của dân tộc Thái miền Tây Bắc. Năm 2019, đêm xòe được tổ chức tại sân vận động thị xã với sự tham gia của hơn 5.000 diễn viên, nghệ nhân cùng dàn nhạc cụ dân tộc đặc sắc.

Năm nay, vòng xòe 2020 với chủ đề “Mường Lò - Hội tụ và lan tỏa” có tới 2.020 người nắm tay nhau nhảy múa quanh cột lửa. Bên cạnh đó, nhiều sự kiện văn hóa, hoạt động đặc sắc khác cũng đã được tổ chức ở cấp độ thị xã và cơ sở. Trong đó, các hoạt động trải nghiệm được tổ chức tại các xã, phường, giúp du khách đến gần hơn với cộng đồng dân cư, cảm nhận rõ hơn đời sống người dân và những nét đẹp của thiên nhiên, con người, văn hóa của miền đất này.

Không gian trải nghiệm dành cho du khách năm nay với 10 nhóm nội dung hoạt động như: Chợ quê em, lễ hội Hạn khuống, lớp học khắp Thái, học chữ Thái cổ, chế biến các món ẩm thực Mường Lò, tiếng Khèn chàng Khun, về miền ban trắng... nhằm tái hiện một số hoạt động về đời sống tinh thần, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, bảo tồn và giới thiệu bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn thị xã;

Thầy giáo Đào Hoàng Long (Trường Trung học cơ sở Nguyễn Quang Bích) cho biết: “Năm nay, sau thời gian tạm ngừng đón và phục vụ khách du lịch để phòng, chống dịch COVID-19, việc tổ chức lễ hội này đã thu hút khá đông du khách, là “cú huých” mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Ngành giáo dục chúng tôi đã đóng góp nhiều công sức cho sự kiện này. Đơn vị được giao tổ chức hội trại, biểu diễn võ thuật Nhất Nam, hát dân ca Thái và các trò chơi dân gian để phục vụ du khách, huy động lực lượng tham gia diễu diễn đường phố, tham gia vòng xòe...”.

Học... làm người Thái

Câu chuyện với bé Việt dưới sàn nhà ông Dung lúc trước đã dẫn chúng tôi tìm về Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ (xã Nghĩa Lợi) - một trường có tới 90% học sinh người Thái, đồng thời là điểm sáng về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở Nghĩa Lộ.

Cô giáo Đặng Thị Hồng Ánh - (Hiệu trưởng) cho biết nhà trường thường xuyên tổ chức các CLB bảo tồn văn hóa Thái. Các trò chơi dân gian của đồng bào như đi cà kheo, chơi tó mắc lẹ, đẩy gậy, ném còn... được triển khai hằng tuần, cùng những lớp dạy chữ Thái cổ, hát Khắp, múa xòe.

“Từ nhiều năm nay, nhà trường chúng tôi đã đi tiên phong trong việc tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động giữa giờ, gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị của văn hóa Thái. Chẳng hạn, trong các giờ ra chơi ngày Thứ hai, toàn trường múa xòe, vào Thứ ba chơi trò chơi dân gian, Thứ tư tập võ cổ truyền Nhất Nam, Thứ năm biểu diễn dân vũ Thái... Vào sáng Thứ hai đầu tuần, thay vì mặc áo dài như các trường miền xuôi, giáo viên và học sinh toàn trường đều mặc trang phục dân tộc Thái. Phong trào học tiếng Thái, chữ Thái khá sôi nổi. Các thầy cô giáo cũng tìm hiểu, học tiếng Thái với học sinh của mình. Giáo viên của họ là các nghệ nhân người Thái từ các bản được mời đến giảng bài. Họ đều giúp nhà trường miễn phí. Tất cả đều vì tình yêu với văn hóa Thái miền ban trắng” - cô Ánh cho biết. 

Đào Trung Hiếu

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文