Thế hệ máy bay không gây ô nhiễm môi trường

17:04 14/01/2008
Nhằm hạn chế ô nhiễm của vận chuyển hàng không đối với môi trường, các hãng chế tạo máy bay đang nghiên cứu sản xuất thế hệ máy bay ngày càng giảm khí CO2 vào không gian.

Trước khi chọn cho mình một địa điểm nào đó để đến du lịch, bạn cần phải nhận thức một điều rằng, du lịch bằng máy bay gây tác động đến môi trường, nhất là đối với hiện tượng nóng dần của trái đất.

Máy bay vận hành do nhiên liệu được đốt cháy trong buồng máy làm quay động cơ, điều này cũng đồng nghĩa với việc máy bay sẽ thải ra khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính trong không khí.

Một du khách đáp một chuyến bay khứ hồi từ thủ đô Paris của Pháp đến thành phố New York của Mỹ và ngược lại sẽ gián tiếp thải vào không khí 2,5 tấn khí CO2 tương đương lượng khí CO2 mà anh ta sẽ thải ra trong vòng 4 đến 5 năm khi đang sinh sống dưới mặt đất.

Trước tình hình này, các hãng sản xuất máy bay đã thông báo sẽ triển khai các dự án chế tạo thế hệ máy bay sinh thái với mục tiêu là từ năm 2008 đến 2015 sẽ đưa vào sử dụng thế hệ máy bay thải khí CO2 vào không khí giảm đến hai lần so với thế hệ máy bay hiện nay.

Xét về góc độ toàn cầu, máy bay không tác động xấu đến môi trường bằng ôtô và môtô cá nhân. Năm 2000, khí CO2 thải từ máy bay chỉ chiếm có 2% (tương đương 664 triệu tấn) so với tổng lượng khí thải toàn cầu.

Theo giám định của CIECC (nhóm chuyên viên liên chính phủ chuyên nghiên cứu về sự biến đổi của khí hậu toàn cầu) thì nếu cộng các yếu tố khác, ngoài việc thải khí CO2, máy bay còn thải các loại khí khác như oxyde azote, dioxyde... và cả hơi nước thì tổng lượng khí thải vào không khí là khoảng 3%.

Ước tính năm 2007, có 2 tỉ hành khách sử dụng máy bay làm phương tiện đi lại trên thế giới, đến năm 2015 con số này sẽ là 4 tỉ và đến năm 2050 là 9,5 tỉ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc lượng khí CO2 thải vào không khí sẽ tăng gấp 3 lần.

Nhận thức về vấn đề này, tháng 12-2006, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành hạn ngạch (quota) về thải khí CO2 vào không khí đối với hãng hàng không các quốc gia thuộc EU. Phản ứng của các hãng hàng không là yêu cầu các hãng chế tạo máy bay phải nghiên cứu chế tạo thế hệ máy bay thân thiện với môi trường hơn.

Hiện nay, mục tiêu là phải chế tạo loại máy bay không thải khí CO2 vào không khí còn xa vời. Tuy nhiên, có một điều rất thực tế là các nhà khoa học đã bắt tay nghiên cứu để tìm ra giải pháp giảm thiểu tác động của vận chuyển hàng không đối với sự nóng dần của trái đất.

Đây không phải là điều mới mẻ! Khí CO2 được thải ra từ việc đốt cháy nhiên liệu trong động cơ máy bay, vì vậy nếu giảm thiểu sử dụng nhiên liệu thì khí CO2 sẽ thải ra ít đi.

Từ lâu, các hãng chế tạo máy bay đã tìm cách làm máy bay ít tiêu hao nhiên liệu. Từ thập niên 60 của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách chế tạo các động cơ ống đôi giúp tiết kiệm nhiên liệu nhờ việc đưa không khí lạnh vào bên trong làm mát động cơ nhanh hơn.

Đến thập niên 80, với sự ra đời của thế hệ vật liệu cứng và nhẹ đã làm tiết giảm trọng lượng của máy bay rất nhiều, điều này cũng khiến nhiên liệu ít tiêu hao hơn.

Và do tiết kiệm được nhiên liệu, từ thập niên 70 đến nay, lợi nhuận của các hãng hàng không đã tăng gấp 3 lần. Hiện nay lượng nhiên liệu tiêu hao cho mỗi hành khách sử dụng máy bay là 3,5 lít/100km.

Và con số này sẽ giảm thiểu khi loại máy bay B-787 của Hãng Boeing và máy bay A-380 của Hãng Airbus chính thức được đưa vào sử dụng trong năm 2008.

Máy bay A-380, thế hệ máy bay tiết giảm nhiên liệu của Hãng Airbus.

Nhằm tác động mạnh đến việc đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, EU vừa thông báo từ năm 2008 sẽ triển khai một chương trình thật ấn tượng là đến năm 2020 sẽ tiết giảm đến 40% lượng nhiên liệu tiêu hao của các máy bay. Chương trình này có tên gọi “Bầu trời sạch” được chia làm hai giai đoạn để triển khai.

Giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ năm 2008 đến năm 2015 với tổng vốn đầu tư lên đến 1,7 tỉ euro dùng tài trợ cho các dự án nghiên cứu chế tạo các kỹ thuật mới được thử nghiệm sau đó trên nhiều loại máy bay đời mới khác nhau nhằm đạt được mục tiêu là chế tạo thế hệ máy bay giảm đến hai lần về tiếng ồn và gây ô nhiễm khí thải đối với các chuyến bay nội địa.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học hàng không cũng bắt tay nghiên cứu chế tạo thế hệ máy bay không sử dụng kérosène (nhiên liệu sử dụng cho máy bay) làm nhiên liệu chính mà sử dụng năng lượng mặt trời hay pin nhiên liệu.

Đó là các công trình nghiên cứu chế tạo máy bay sử dụng năng lượng mặt trời của Giáo sư Bertrand Piccard, làm việc tại Cơ quan Hàng không không gian Pháp (EADS), có tên gọi Solar Impulse và dự án chế tạo máy bay sử dụng pin nhiên liệu của Hãng Boeing có tên gọi PAC, dự tính sẽ được thử nghiệm vào năm 2010.

Thực tế nhất hiện nay là việc đưa vào sử dụng nhiên liệu sinh học, là sự pha trộn có tỉ lệ giữa kérosène và nhiên liệu có nguồn gốc thực vật.

Tại Pháp, hãng chế tạo động cơ máy bay Snecma lần đầu tiên đã thử nghiệm thành công thế hệ động cơ sử dụng nhiên liệu sinh học, là sự pha trộn 70% kérosène và 30% dầu chiết xuất từ cây cải dầu.

Tại Mỹ, Hãng Boeing vừa thông báo từ năm 2008, sẽ triển khai việc đưa vào bay thử nghiệm một chiếc máy bay B-747-400 sử dụng nhiên liệu sinh học. Các nghiên cứu hiện nay cũng đang phát triển loại kérosène tổng hợp, làm ra từ chất thải thực vật, than hay khí tự nhiên. Loại kérosène tổng hợp này sẽ tiết giảm đến 80% lượng CO2 thải ra từ các máy bay

V.H. (theo Sciences et Vie)

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文