Tiếp câu chuyện trùng tu di tích: Bảo tồn hay phá hoại?

12:51 29/02/2020
Trước sự bào mòn của thời gian, việc trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử là việc làm cấp thiết. Song, tại nhiều địa phương, việc trùng tu các di tích, vì nhiều lý do đã không được thực hiện đúng theo các quy định hiện hành, thiếu chuyên môn, dẫn đến tình trạng phá vỡ kiến trúc gốc, làm mất giá trị di tích.


Hiện đại... hại đủ đường

Liên tiếp thời gian gần đây, hàng loạt công trình rơi vào tình trạng sau trùng tu "đàng hoàng hơn, to lớn hơn" nhưng trở thành "người xa lạ" ngay trên di tích lịch sử đã gắn với nó bấy lâu nay. 

Đơn cử, có thể kể đến trường hợp đình Trùng Thượng và đình Trùng Hạ, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình vừa được địa phương "khoác áo mới" với hai màu đỏ và vàng gây nhiều tranh cãi.

Đây là hai ngôi đình thuộc di tích quốc gia, có phong cách kiến trúc và điêu khắc trang trí thế kỷ 17, thời Lê Trung Hưng. Đình thờ 5 vị: Đông Hải đại vương, Sóc Giang đại vương, Trang Hiền đại vương, Hưng Đạo đại vương và Quốc Mẫu. Đình Trùng Hạ hiện còn giữ lại được nhiều bộ vì nóc, các bức y môn cùng những mảng chạm vô cùng tinh xảo, khéo léo, thậm chí là tinh xảo và tỉ mỉ hơn so với nhiều mảng chạm cùng thời kỳ.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, nghệ thuật điêu khắc kiến trúc đình làng thế kỷ 16, 17, 18 là giai đoạn chiếm lĩnh đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc dân gian Việt Nam. 

Đình Trùng Hạ trước và sau khi sơn đỏ lòe loẹt

Các chi tiết đều được chạm trổ tỉ mỉ, từ các con vật linh như rồng, hổ... đến các chi tiết trang trí như hoa lá, cúc, mai..., cảnh thú đuổi nhau, mặt trời, mặt trăng. Điểm đặc biệt là các bộ vì của đình được chạm trổ cả hai mặt, trong khi ở hầu hết các công trình kiến trúc khác cùng thời kỳ, các chi tiết chỉ được chạm một mặt. Những giá trị kiến trúc điêu khắc ở những ngôi đình cổ như Trùng Hạ chỉ phát huy khi nó được để mộc không sơn thếp.

Câu chuyện các di tích được trùng tu một cách ồ ạt theo kiểu "hiện đại hóa", thiếu vắng sự hỗ trợ về chuyên môn đã trở thành một "vấn nạn" trong thời gian qua. Ngày 20/2, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Nam Định đã yêu cầu các đơn vị liên quan phục hồi theo nguyên mẫu cây cầu Ngói chợ Thượng ở thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực. 

Di tích cầu Ngói (Nam Định) trước và sau trùng tu.

Đây là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia hàng trăm năm tuổi, được xây dựng thời Hậu Lê, từ công đức của bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân, cung phi của chúa Trịnh. Cầu có kết cấu "thượng gia, hạ kiều" (trên là nhà, dưới là cầu) giống chùa Cầu ở Hội An. Mố cầu được xây dựng hoàn toàn bằng đá tảng. 

Cầu được chia thành 11 gian, mỗi gian có kích thước trung bình từ 1,45 đến 1,65 m tạo nên một tổng thể kết cấu dài 17,35 m. Phía trên các bộ vì còn có hệ thống hoành mái nối mộng với nhau tạo nên một khoảng trống tối đa cho lòng cầu. Các bộ vì tạo thành những cánh tay đòn vươn qua cột cái, cột quân đến tận diềm mái.

Tuy nhiên, trong quá trình tu sửa, công trình đã bị làm mới, sai lệch so với kết cấu ban đầu. Phần cổng vào đã bị trát phẳng và sơn giả đá làm mất toàn bộ hoa văn và vẻ đẹp cổ kính của cây cầu. Phần bậc thang bằng gạch cũng được lát lại bằng đá xanh.

Được biết, cuối năm 2019, Bộ VH,TT&DL đã hỗ trợ 200 triệu đồng tu sửa cây cầu này theo chương trình "Mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020" để tu sửa phần mái đã xuống cấp. 

Sở VH,TT&DL tỉnh Nam Định giao UBND xã Bình Minh tiến hành tu sửa phần mái (thay ngói, rui, mè cũ) theo đúng hình mẫu được lưu trong hồ sơ di tích. Sau đó, nhận thấy phần cổng Bắc xuống cấp nên địa phương đã vận động kinh phí xã hội hóa trát lại rồi sơn màu giả đá.

Còn nhớ, hồi tháng 8/2018, việc tu bổ đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cũng trở thành đề tài nhức nhối dư luận. Đây là công trình được xây dựng từ thế kỷ 17 với những mảng chạm trổ tuyệt đẹp được xem như đỉnh cao về nghệ thuật kiến trúc thời bấy giờ đã bị phá đi, thay vào đó là kiến trúc bê-tông hóa. 

Tương tự, di tích quốc gia chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) cũng bị xâm hại trong quá trình trùng tu. Trụ trì chùa Bối Khê và Ban Quản lý dự án huyện Thanh Oai đã cho đập 2 cổng ngách hai bên gác chuông để xây dựng mới, lát gạch trên nền sân đất của chùa, di chuyển cây xanh trong sân chùa và dựng lên những cột đèn chiếu sáng như công viên. 

Điều đáng nói, việc làm này đều chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý. Trong khi đó, trụ sở UBND xã nằm đối diện ngôi chùa nhưng dường như không một vị nào "nhìn thấy" sai phạm này, cho đến khi truyền thông và các nhà văn hóa vào cuộc.

Trước đó, dư luận từng bàng hoàng trước việc một loạt di tích hàng trăm năm tuổi bị xâm hại, tính chất nguy hại ngày càng tăng thêm. Điển hình như việc trùng tu chùa Trăm Gian (Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội) năm 2012; trùng tu lăng Ngô Quyền (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) năm 2014; trùng tu bia Quốc học Huế (phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế) năm 2017; tự ý xây mới tượng Bà Chúa Xứ thứ hai trên núi Sam (phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, An Giang) cuối năm 2017... Với những công trình gần như làm mới hoàn toàn như vậy, việc khắc phục hậu quả gần như là không thể, theo "sự đã rồi" càng khiến dư luận thêm bất bình.

Không phải cứ có tiền là xong…

Điều 34, Luật Di sản văn hóa quy định: "Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích... 

Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về VH,TT&DL cấp tỉnh. Tổ chức, cá nhân thi công, giám sát thi công dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân".

Kiến trúc sư Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH,TT&DL) cho biết thêm, khi tu bổ di tích cần tuân thủ theo các quy định trong Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng và các văn bản quy định khác; đồng thời bảo đảm các nguyên tắc như: Bảo tồn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích, hạn chế can thiệp làm giảm hoặc thay đổi đặc điểm, giá trị di tích, đồng thời ưu tiên bảo quản, gia cố, sau đó mới đến tu bổ, tôn tạo.

Với rất nhiều di tích nằm rải rác ở các địa phương và chịu sự quản lý của địa phương, những sự việc trùng tu theo kiểu "phá di tích" phản ảnh chính xác công tác quản lý ở những đơn vị này. Việc các cá nhân, tập thể có trách nhiệm tùy tiện xem nhẹ, bỏ qua các quy định của pháp luật cũng như sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn. 

Cùng với đó, những sai phạm khi trùng tu các di tích còn xuất phát từ chính việc thực hiện xã hội hóa hoạt động trùng tu, tu tạo di tích. Hiện nay, ngoài khoản đóng góp tự nguyện của người dân và phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước, các địa phương thường kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân, các nhà tài trợ tham gia ủng hộ trùng tu di tích.

Thực tế, việc trùng tu di tích xảy ra ở nhiều địa phương, một phần do người dân "phú quý sinh lễ nghĩa". Việc xem trọng tín ngưỡng và quan niệm truyền khẩu dân gian: "Xây chùa, tô tượng, đúc chuông/ Trong ba việc ấy thập phương nên làm", đã khiến nhiều người không tiếc công của hiến tặng để trùng tu các công trình di tích văn hóa, tín ngưỡng.

PGS. TS Đỗ Văn Trụ.

PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho biết, cần ghi nhận sự đóng góp, hỗ trợ của nhân dân các nhà tài trợ trong công tác trùng tu, bảo tồn di tích. Song, trong quá trình thực hiện, địa phương lại bị sự chi phối của các nhà tài trợ mà quên mất nghĩa vụ phải gìn giữ nguyên trạng di tích. 

Đó còn chưa kể, có không ít chủ đầu tư coi các kiến trúc cổ là "mỏ vàng" để tư lợi cho bản thân mà ngang nhiên sửa chữa di tích một cách bừa bãi, không tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa.

"Việc xã hội hóa bảo tồn, trùng tu là cần thiết nhưng nhà quản lý cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện. Kinh phí nhà nước chắc chắn không thể bao quát hàng nghìn di tích khắp cả nước nhưng dù nguồn kinh phí là người dân tự đóng góp thì khi trùng tu vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không thể "mạnh ai người đấy làm" được", PGS. TS Đỗ Văn Trụ khẳng định.

Đối với những sai phạm về chuyên môn, quy trình bảo tồn, trùng tu di tích, PGS. TS Đỗ Văn Trụ cho rằng, việc phân cấp trong công tác quản lý di sản cần đi đôi với thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm ngay từ sớm, tránh để đến khi sự việc đã rồi mới vào cuộc thì đã quá muộn. 

Thực tế, việc xử phạt các vi phạm về quản lý di sản thời gian qua chưa nghiêm nên chưa đủ sức răn đe; đối với những di tích bị "biến dạng" trong quá trình trùng tu, cần phải kiểm tra làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân đứng ra làm công trình này. Một mặt, các cơ quan liên đới từ chính quyền xã, huyện về quản lý di tích cũng phải xem xét trách nhiệm. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức cho đội ngũ những người làm công tác trùng tu di tích cũng cần được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, như TS. Nguyễn Hồng Kiên - Viện Khảo cổ học Việt Nam từng nói: "Chưa có ai đi tù vì phá hoại di tích, chưa có bản án nào đủ sức răn đe để người ta phải cẩn thận khi can thiệp vào di tích". Nhìn lại hàng loạt vi phạm và công tác xử lý vi phạm, dường như vẫn còn theo kiểu "giơ cao đánh khẽ". 

Như vụ việc nghiêm trọng ở chùa Trăm Gian, sau hàng loạt cuộc họp, thanh tra, thì hình thức xử lý cao nhất chỉ là cảnh cáo. Vụ việc công trình Hương nghiêm pháp đường tại chùa Hương được tu bổ, tôn tạo không theo đúng các quy định hiện hành về di sản văn hóa (năm 2015) cũng xử lý một cách hời hợt, cho có. Dù các các chuyên gia di sản đánh giá là sai phạm nghiêm nhưng công trình chỉ được coi là mọc lên trên nền nhà cũ, chưa phải di tích, nên "phạt cho tồn tại".

Bài học về việc bảo tồn, trùng tu di tích vẫn còn đó. Để việc trùng tu di tích thực sự đạt được hiệu quả lâu dài, bền vững, thiết nghĩ cần có nhiều hơn nữa những giải pháp đồng bộ, quyết liệt. 

Trong đó, điều quan trọng hơn cả là kiến thức về trùng tu, mỹ thuật, kiến trúc để phục vụ cho việc gìn giữ di sản. Vấn đề được đặt ra là phải có sự kết nối của nhà quản lý giữa chuyên gia văn hóa và người dân. Song, đến nay, đó vẫn là câu trả lời bỏ ngỏ cho các bên liên quan.

Thảo Dung

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Sáng ngày 8/5, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự phát biểu chỉ đạo. Tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có bài phát biểu tham luận với chủ đề "Ứng dụng dữ liệu dân cư hỗ trợ phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh an toàn trong chuyển đổi số ngân hàng"...

Thanh tra Bộ Giáo dục- Đào tạo vừa có kết luận thanh tra việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam đối với Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam (gọi tắt Công ty IDP) có trụ sở đặt tại số 161-161A, đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Tàu cá mang số hiệu QB 92198 TS của ngư dân Quảng Bình đang đánh bắt trên vùng biển gần đảo Cồn Cỏ thì bất ngờ bốc cháy dữ dội. Trên tàu có 7 ngư dân may mắn đã được cứu nạn an toàn.

Không chỉ sử dụng chữ ký “khô” (dấu chữ ký) của GS Trần Phương – Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng nhà trường để điều hành các hoạt động, HUBT hiện cũng chưa hoàn thành việc chuyển đổi mô hình từ trường đại học dân lập sang mô hình đại học tư thục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cũng chưa thành lập được Hội đồng trường (HĐT) theo quy định. Điều đó dẫn tới việc HUBT nhiều năm nay rơi vào tình trạng khủng hoảng công tác quản trị, nội bộ mất đoàn kết; các vụ tố cáo, khiếu nại kéo dài.

70 năm về trước, phát huy truyền thống của quê hương Xôviết anh hùng, bằng ý chí, quyết tâm, quân và dân xứ Nghệ đã cùng dốc sức đồng lòng, góp máu xương làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều đã cao tuổi, song ký ức về năm tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, về chiến tranh khốc liệt mà hào hùng và cảm xúc hân hoan trong ngày vui chiến thắng vẫn còn nhớ như in...

Tờ Telegraph (Anh) dẫn thông báo của AstraZeneca ngày 8/5 cho biết, hãng sẽ thu hồi toàn bộ vaccine COVID-19 trên toàn thế giới. Telegraph cũng cho hay, đơn xin rút giấy phép kinh doanh vaccine COVID-19 tại khu vực Liên minh châu Âu (EU) đã được AstraZeneca nộp hôm 5/3.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文