Trịnh Công Sơn với Văn Cao

13:37 11/02/2021
Văn Cao, Trịnh Công Sơn, hai nhạc sĩ, hai thế hệ. Nhạc sĩ Văn Cao sinh năm 1923, còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh năm 1939. Hơn Trịnh Công Sơn 16 tuổi, Văn Cao coi Sơn như một người bạn vong niên, bạn nghề, bạn rượu, bạn đời. Họ thương nhau, họ yêu nhau và kính trọng nhau.

Tôi nhớ lần đầu tiên hai người gặp nhau. Vào khoảng đầu năm 1980, tôi từ Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp về thăm ông. Hai cha con đang ngồi tâm sự với nhau thì thấy nhạc sĩ Hồng Đăng cùng nhạc sĩ Trần Tiến mở cửa vào, đằng sau là một thanh niên đội chiếc mũ vải mềm, một chiếc kính trắng gọng đồi mồi to ngự trên khuôn mặt bé nhỏ. Dáng vóc gầy gò khép nép, chàng trai chắp tay cúi gập người chào cha tôi với chất giọng Huế nhỏ nhẹ: "Dạ! Con chào chú". Nhạc sĩ Hồng Đăng vội giới thiệu: "Thưa anh Văn. Đây là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở trong Nam ra. Sơn rất ngưỡng mộ anh, bọn em đưa Sơn đến thăm anh".

Ảnh: Đ.N

Cha tôi chăm chú nhìn Trịnh Công Sơn giây lát rồi nhổm người lên bắt tay: "Trịnh Công Sơn đây hả? Tớ gặp cậu rồi...”. Thấy mọi người có vẻ ngạc nhiên, cha tôi cười nói: “Gặp qua tác phẩm! Tớ đã nghe nhạc của cậu từ lâu, từ ngày đất nước còn chưa thống nhất". Trầm ngâm giây lát, ông nói: "Một lần có mấy anh bạn trẻ rủ mình đến nhà uống rượu, vui lên, họ hát cho mình nghe những ca khúc của Sơn mà họ học được qua những buổi phát thanh của đài Sài Gòn. Họ hát say sưa, hát thâu đêm. Âm nhạc và lời ca của Sơn đi vào lòng mọi người như thế đấy".

Trịnh Công Sơn gỡ kính ra, lấy mùi xoa thấm mắt, rồi chắp tay cúi đầu: "Dạ! Con cám ơn chú".

- Mình là thế hệ trước, cậu là thế hệ sau. Chúng ta cùng nghề không phân biệt tuổi tác làm gì, từ giờ hãy gọi nhau là anh em cho thân mật.

Trịnh Công Sơn cảm động chắp tay: "Dạ! Dạ!... Cháu... à... em, em cám ơn anh".

Buổi gặp gỡ giữa cha tôi với  nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng nhạc sĩ Hồng Đăng, nhạc sĩ Trần Tiến ngày hôm đó diễn ra vui vẻ và ấm áp. Họ nói với nhau nhiều chuyện, bàn luận sôi nổi về nghệ thuật. Không còn khái niệm của tuổi tác. Tôi cảm nhận được cha tôi và Trịnh Công Sơn đã trở thành đôi bạn tri kỷ theo đúng nghĩa của nó. Tôi ngồi nhìn mọi người nói, chỉ biết nghe và nghe.

Từ đấy, hằng năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều ra Hà Nội thăm nhạc sĩ Văn Cao. Không những thế, Trịnh Công Sơn còn đưa những người bạn của mình là các nhạc sĩ Tự Huy, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Hiên, Tôn Thất Lập... đến với Văn Cao. Ngôi nhà 108 Yết Kiêu trở thành nơi tụ hội của anh em nhạc sĩ trẻ miền Nam. Mỗi lần ra Hà Nội, Trịnh Công Sơn thường thuê những khách sạn ở gần nhà Văn Cao để bất cứ lúc nào rỗi là có thể đi bộ đến thăm và uống rượu cùng ông. Với Trịnh Công Sơn, Văn Cao bao giờ cũng dành những loại rượu đặc biệt và ngon nhất để uống cùng. Nhạc sĩ Văn Cao có một loại rượu "quốc lủi" nút lá chuối trong vắt được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng, mỗi khi rót ra tăm nổi lên như mắt cua đóng vòng quanh chén như một chiếc đai ngọc. Trịnh Công Sơn rất mê loại rượu này, ông gọi nó là "Rượu Văn Cao".

 Sau khi cha tôi mất, mỗi lần có dịp đi Sài Gòn, tôi đều mang "Rượu Văn Cao" vào biếu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông trân trọng đặt lên ban thờ thắp hương cẩn thận xong rồi mới gọi bạn bè đến uống. Ông ôm lấy tôi: "Mình nhớ anh Văn quá, Thao ơi...".

Cả nhà tôi đều yêu quý Trịnh Công Sơn, coi anh như một thành viên trong gia đình.

 Một ngày thu năm 1985, cửa nhà tôi bật mở. Trịnh Công Sơn ôm cây đàn guitar bước vào, reo lên: "Anh Văn! Em vừa sáng tác xong một bài hát về mùa thu Hà Nội. Vội sang đây đàn và hát cho anh nghe thử". Nói xong, Trịnh Công Sơn vừa đàn vừa hát:

Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ/ Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu/ Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội/ Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió/ Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ/ Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua/ Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi/ Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời...”.

Trịnh Công Sơn hát. Hát một cách say sưa. Chiếc kính rơi ra khỏi mắt, hai bàn tay gầy guộc lướt trên dây đàn...

Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người/ lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai/ Sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi/ Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi...”.

Cho đến lúc ấy, chén rượu vẫn lửng lơ trên tay cha tôi. Ông lặng đi nghe Trịnh Công Sơn hát. Nghe tới đây, chợt ông bừng tỉnh, đưa mắt nhìn Trịnh Công Sơn. Hình như ông định nói điều gì đó thì bất chợt giọng hát của Sơn lại khe khẽ vang lên

Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội/ Nhớ đến một người... để nhớ mọi người”.

Tiếng đàn rung lên run rẩy trôi vào hư vô. Trịnh Công Sơn từ từ buông tay khỏi hộp đàn. Ông nhặt kính lên đeo trở lại, rồi nhìn cha tôi "lòng như thầm hỏi"...

Cha tôi lặng lẽ nhấp một ngụm rượu rồi nhìn Sơn: "Bài hát của Sơn viết về mùa thu Hà Nội hay quá, mình nghĩ câu kết ở câu "Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi" là được rồi, sao lại còn thêm mấy câu vĩ thanh vào làm gì?”.

Trịnh Công Sơn cười: "Đúng là em đã định kết ở đó rồi nhưng lại nhớ đến anh nên em đã làm thêm câu vĩ thanh "Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội, nhớ đến một người... để nhớ mọi người". Câu "Nhớ đến một người" là nhớ đến anh đã... Anh thấy có được không?

Cha tôi nhìn Sơn cười: "Thế thì được!".

Bài hát “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn sáng tác năm đó chưa được trình diễn. Sau này, khi Trịnh Công Sơn xuất bản tập nhạc “Em còn nhớ hay em đã quên”, nhạc sĩ Văn Cao đã viết lời bạt cho Sơn: "Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ. Và bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền... Trong âm nhạc của Sơn ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc tự nó trào ra. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người bạn già của tôi, "Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra". Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ chính là ở chỗ đó, ở chỗ không định ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim không chỉ ở trong nước mà cả ở ngoài biên giới nữa...".

Ngày lễ tang của cha tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bay ra Hà Nội từ hôm trước. Xuống sân bay, ông đến thẳng nhà tôi. Ông chạy lên cầu thang ôm lấy mẹ tôi khóc tức tưởi...

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết về nhạc sĩ Văn Cao như sau: "Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng,

Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi.

Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong thân phận riêng tư.

Quanh anh Văn là tranh. Là thơ. Là nhạc.

Vốn liếng cạnh tôi cũng là tranh, là thơ, là nhạc.

Anh và tôi đi trên cùng một con đường. Nhưng, anh là anh mà tôi vẫn là tôi. Cái lớn vô cùng và cái nhỏ cũng vô cùng...

Anh đã từng nhiều năm nặng nợ với âm nhạc, thi ca, hội họa. điều ấy có thật nhưng nhiều khi tôi vẫn băn khoăn và tự hỏi: Anh là ai mà lưu lạc giữa chốn Thiên Thai này?”.

Tháng 12-2020

Văn Thao

Ngày 27/4, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức, hoạt động “Rửa tiền", "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”; khởi tố bị can và bắt tạm giam 13 đối tượng. Kết quả điều tra xác định, các đối tượng đã trực tiếp hoặc thuê người thành lập hơn 250 công ty ma nhằm mở tài khoản công ty phục vụ hoạt động phạm tội, với tổng giao dịch hàng chục ngàn tỷ đồng…

Sau thời gian theo dõi, ngày 12/4/2024, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang nhóm đối tượng do Tăng Khải Văn (sinh năm 1988, trú tại quận 10) cầm đầu đang tổ chức đánh bạc qua mạng, dưới hình thức cá độ bóng đá.

Nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) chiều nay (27/4) cho biết, trong hành trình truy bắt 3 đối tượng người nước ngoài gây án cướp tài sản có tổng trị giá gần 700 triệu đồng, các trinh sát hình sự phát hiện còn có 1 đối tượng đồng phạm khác cũng là người nước ngoài, nên đang khẩn trương truy lùng.

Quá trình kiểm tra, đối tượng khai nhận đang cất giấu trong người 1 khẩu súng ngắn, trong súng có chứa 4 viên đạn  với mục đích mua về để sử dụng phòng thân và hiện đang cất giấu ma tuý đá, heroin, hồng phiến tại chỗ ở của hai vợ chồng.   

Chiều 27/4, Trung tá Tạ Quang Dung, Trưởng Công an huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị phát hiện một đường dây vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam theo đường mòn, lối mở trái phép trên tuyến biên giới huyện Hướng Hóa, nên xây dựng phương án đấu tranh, bắt giữ.  

Sau nhiều tháng trì hoãn, Hạ viện Mỹ đã phê duyệt khoản hỗ trợ quân sự trị giá gần 61 tỉ USD cho Ukraine. Ngay sau đó, Vương quốc Anh và nhiều nước châu Âu đồng loạt lên tiếng “hỗ trợ quân sự tối đa cho Ukraine” nhằm giúp nước này phòng thủ trước Nga. Giới chuyên gia đặt câu hỏi: Liệu 61 tỉ USD có đủ cho Ukraine không?

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ kết hợp với nguồn tin từ người dân cung cấp, lực lượng Công an đã khẩn trương truy bắt nhanh gọn 3 người nước ngoài đã đột nhập cửa hàng kinh doanh điện thoại ở phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) để cướp tài sản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文