Trung Quốc - Ấn Độ so kè quyết liệt trên “đường đua” châu Phi

11:53 27/07/2017
Tranh chấp biên giới kéo dài hàng chục năm qua đã trở thành một vết sẹo lớn trong quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu về nhiên liệu, đẩy mạnh công nghiệp khai khoáng và mở rộng thị trường lao động, 2 quốc gia đông dân nhất châu Á này phải bước vào một cuộc “marathon” trên khắp thế giới. Và “đường đua” hấp dẫn nhất của họ là lục địa giàu tài nguyên châu Phi.

Đằng sau những khoản đầu tư và khoản vay ưu đãi hào phóng

Tại hội nghị xúc tiến cơ hội đầu tư giữa Trung Quốc và châu Phi được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 4-2017, ông Jiang Zengwei, người đứng đầu Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc cho biết trong năm 2016, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã đạt 149,1 tỷ USD. Các chương trình, dự án đầu tư của Bắc Kinh vào châu Phi tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, nông nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phát triển cơ sở hạ tầng.

Ông Jiang Zengwei khẳng định: Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đang trở thành động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội ở nhiều quốc gia châu Phi hiện nay và trong tương lai.

Theo các chuyên gia khu vực, quy mô đầu tư của Trung Quốc ước tính lên tới gần 3.000 dự án ở gần 60 quốc gia châu Phi. Với nền thương mại song phương đang tăng trưởng ở mức “ngất ngưởng” là 700% so với thập niên 90, hiện Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Các doanh nghiệp Trung Quốc - cả lĩnh vực nhà nước và tư nhân - đang hoạt động trên khắp lục địa đen với các dự án cơ sở hạ tầng lớn, gồm cầu cảng, đường sắt, các cụm cơ sở hành chính, sân vận động thể thao...

Tuyến đường sắt nối thủ đô Nairobi và cảng biển lớn Mombasa, Kenya do Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC) xây dựng. Ảnh: Reuters.

Đúng là nền kinh tế của nhiều nước châu Phi đang cần sự hỗ trợ, nhưng sự trợ giúp thường đi kèm với các lợi ích và tư tưởng của các nhà tài trợ. Đối với nhiều quốc gia ở châu Phi, Trung Quốc đã trở thành một đối tác phát triển mới, nhưng sự nóng vội luôn đi cùng những va vấp. Vì vội vàng để có các dự án hoàn thành nhanh chóng và cạnh tranh, các nhà thầu Trung Quốc đã nhập khẩu lao động từ nước mình chứ không thuê và đào tạo lao động tại chỗ. Trong vấn đề đấu thầu dự án, các công ty Trung Quốc thường chưa giải quyết được vấn đề tham nhũng và “vận động hành lang”.

Mối quan tâm chính của nhiều nhà lãnh đạo châu Phi là tăng trưởng công bằng và toàn diện thông qua việc công nghiệp hóa thành công. Họ không quan tâm đến việc liệu mình có đang “thế chấp tương lai” của người dân cho các kế hoạch lớn không đem lại lợi ích nhiều cho người dân hay không vì thực tế họ không thể hiểu hết và không thực hiện được. Phần lớn những gì cần phải bỏ ra để thực hiện các công việc của đất nước đã chảy vào hầu bao riêng của các cá nhân mà biểu trưng là các cuộc bỏ thầu có kết quả khó ngờ, những khoản tiền thưởng và phần thưởng “như mơ” dành cho những cá nhân thuộc hàng giới chức.

Tạp chí Diplomat số ra tháng 6 vừa qua có bài phân tích về các khoản vay đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng ở châu Phi. Theo bài viết, tuyến đường sắt thủ đô Nairobi và cảng biển lớn Mombasa đã được khánh thành tại Kenya vào ngày 31-5 vừa qua, sớm hơn 18 tháng so với kế hoạch. Đây là tuyến đường sắt quan trọng thứ hai được Trung Quốc tiến hành xây dựng tại châu Phi trong thời gian gần đây, sau khi khởi công tuyến đường sắt nối liền thủ đô Addis Ababa của Ethiopia và nước láng giềng Djibouti vào đầu năm nay.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã giải thích về những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng ở châu Phi, thường với lý do là nằm trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, nhằm đạt được phát triển kinh tế thông qua kết nối giao thông lớn hơn. Các nhà lãnh đạo châu Phi có vẻ đồng tình vì nhiều quốc gia cũng đang vay mượn từ Trung Quốc để thực hiện các dự án đầy tham vọng, chẳng hạn như Kế hoạch tổng thể đường sắt Đông Phi có thể được xây dựng trong những thập kỷ tới.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi ngờ về việc liệu các nước châu Phi có khả năng tài chính để đưa ra những kế hoạch đầy tham vọng như vậy hay không. Ví dụ, trong trường hợp tuyến đường sắt Addis Ababa-Djibouti, tổng chi phí xây dựng lên tới khoảng 4 tỷ USD, tương đương gần 1/4 ngân sách của Chính phủ Ethiopia năm 2016.

Ngay cả khi đã được hưởng ưu đãi thì việc trả nợ sẽ vẫn là một gánh nặng đáng kể cho chính phủ của quốc gia Đông Phi trong những năm tới và những thập kỷ tới. Chưa rõ chính phủ nước này sẽ thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng khác như thế nào khi nền kinh tế và ngân sách chính phủ chỉ tăng ở mức rất hạn hẹp trong những năm gần đây.

Thực trạng chung ở các nền kinh tế châu Phi là ngoài các dự án tiêu biểu như đường sắt xuyên quốc gia, chi phí dành cho các cơ sở hạ tầng khác có thể chiếm tỷ lệ tương đương hoặc thậm chí cao hơn con số 1/4 ngân sách quốc gia. Trong khi trụ cột kinh tế trong khu vực này chủ yếu là sản xuất nông - lâm nghiệp nên các công trình này có thể ảnh hưởng lớn tới thu nhập của địa phương, trong nhiều trường hợp thể hiện tính không bền vững.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các chính phủ nhiều nước châu Phi có thể trả nợ cho Trung Quốc chi phí của tất cả các cơ sở hạ tầng này. Với số tiền vay nợ ngày càng tăng hiện nay, để phát triển cơ sở hạ tầng trong tương lai, ngân sách quốc gia không thể giúp các quốc gia châu Phi có thể sớm hoàn trả các khoản nợ này. Nhiều khả năng là nhiều nước tại châu lục này sẽ phải sử dụng phương thức “thanh toán bằng hiện vật”.

Có thể hình dung một cách cụ thể hơn trên hiệu quả khai thác của hai tuyến đường sắt Nairobi-Mombasa và Addis Ababa-Djibouti. Cả hai tuyến đường sắt này đều tạo kết nối nội địa giữa các khu vực khai thác khoáng sản với các cảng lớn nằm trên Ấn Độ Dương. Trong khi xây dựng cơ sở hạ tầng, người Trung Quốc cũng đã đầu tư rất lớn vào các mỏ và cơ sở chế biến tại địa phương.

Ít nhất một phần của hàng hóa được vận chuyển bằng tuyến đường sắt mới và các con đường được xây dựng nhờ nguồn vốn từ Trung Quốc về "nuôi" cỗ máy công nghiệp khổng lồ ở Trung Quốc.

Ấn Độ đã làm gì để thu ngắn cự ly?

Từ hơn một thập niên qua, các doanh nghiệp Ấn Độ và Trung Quốc đã thể hiện cuộc so kè quyết liệt để giành thị phần ở châu Phi, nhưng cho đến nay, có vẻ như Ấn Độ vẫn đang bị Trung Quốc bỏ xa: kim ngạch thương mại hằng năm giữa Trung Quốc và châu Phi đã vượt ngưỡng 200 tỷ USD, trong khi đó trao đổi thương mại của Ấn Độ với châu lục này mới chỉ đạt 75 tỷ USD. Con số 65 tỷ USD đầu tư thương mại của Ấn Độ vào châu Phi đang bị lu mờ bởi con số 200 tỷ USD đến từ Trung Quốc. 

Bị bỏ khá xa trên đường đua thương mại, Ấn Độ dùng đến ưu thế của mình trong lĩnh vực khoa học công nghệ và giáo dục để giành lấy thị phần trên các lĩnh vực còn lại. Năm 2015, tại Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - châu Phi với sự tham gia của hơn 54 quốc gia châu Phi, Ấn Độ đã tuyên bố cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi trị giá 10 tỷ USD cho châu Phi trong 5 năm tới. Ngoài ra, New Delhi cũng tuyên bố trợ cấp khoản tín dụng trị giá 600 triệu USD và 50.000 suất học bổng ở Ấn Độ trong giai đoạn này.

Theo số liệu của Bộ Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ, Sudan và Nigeria là các nước đứng thứ tư và thứ năm trong số các nước có nhiều du học sinh nhất tại Ấn Độ hiện nay. Còn theo báo cáo công bố trong tháng 4-2017 của Liên Hiệp Quốc (LHQ), hiện ít nhất 11% số người Nigeria đến Ấn Độ với mục đích giáo dục và học tập.

Việc quan hệ hợp tác với 54 quốc gia châu Phi cũng là "chìa khóa" để Ấn Độ hiện thực hóa tham vọng trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ với sự ủng hộ của các quốc gia châu Phi. New Delhi cũng rất quan tâm về vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư, cùng với các mục tiêu mở rộng hơn quan hệ địa chính trị ở lục địa này. Trong vài thập kỷ qua, Ấn Độ đã cung cấp hơn 1 tỷ USD để hỗ trợ khoa học, công nghệ và cam kết dành 7,5 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng tại châu Phi.

Nhà sản xuất xe ô tô lớn nhất Ấn Độ Tata Motors đã mở nhà máy lắp ráp ô tô tại Nam Phi.

Nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn dầu khí ở khu vực Trung Đông, Ấn Độ đang tăng cường nhập khẩu dầu mỏ từ châu Phi, hiện chiếm khoảng 17% và dự kiến con số này sẽ tăng lên 25% trong thời gian tới. Với một nguồn tài nguyên than và khí đốt phong phú mới được tìm thấy, Mozambique đang thu hút hai đối thủ đua tranh vượt lên.

“Trung Quốc và Ấn Độ đang đấu tranh vì nguồn tài nguyên của châu Phi”- nhà kinh tế Joaquim Tobias Dai nói - “Lĩnh vực xây dựng dân dụng đã thuộc về người Trung Quốc, trong khi Ấn Độ tiếp cận với nguồn than đá. Và giờ đây, họ đang đua tranh nguồn dầu mỏ trong khu vực. Và kiểu cạnh tranh này lại có lợi cho Mozambique”. Các công ty tư nhân của Ấn Độ thì tìm cách mở rộng các lĩnh vực viễn thông, nông nghiệp, ngành công nghiệp ô tô và giáo dục.

“Các công ty Ấn Độ đánh giá rủi ro một cách có hệ thống hơn, trong khi Trung Quốc chỉ nhảy vào công việc và họ làm điều đó rất nhanh. Những gì mà họ nhận được sẽ không khác điều họ đang làm”, Manoj Gupta, người đứng đầu Công ty Thép và Điện đa quốc gia Jindal của Ấn Độ tại Mozambique nhận xét.

Lĩnh vực duy nhất mà Ấn Độ không cạnh tranh nổi với Trung Quốc tại châu Phi là đấu thầu giành quyền khai thác tài nguyên, đơn giản là vì Trung Quốc có nhiều tiền vốn hơn Ấn Độ. Hầu hết các nhà đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi là doanh nghiệp nhà nước có khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng quốc doanh.

Ngược lại, trong trường hợp Ấn Độ, chính các doanh nghiệp tư nhân mới giữ vai trò đi đầu tại châu Phi. Tuy nhiên, ngoài lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên, các doanh nghiệp Ấn đang chiếm ưu thế áp đảo so với đối thủ Trung Quốc. Xét về kinh tế xã hội (chẳng hạn như thu nhập thấp, tính đa dạng, sử dụng tiếng Anh rộng rãi) thì châu Phi gần gũi Ấn Độ hơn Trung Quốc.

Các doanh nghiệp tư nhân Ấn Độ cũng có nhiều kinh nghiệm trong quản lý hoạt động kinh doanh đa dạng trên toàn cầu so với các doanh nghiệp nhà nước từ Trung Quốc.

Nhiều công ty Ấn Độ đang tìm cơ hội bán hàng vào thị trường châu Phi. Năm 2010, công ty viễn thông Bharti Airtel của Ấn Độ mua lại công ty viễn thông di động Zain, trụ sở chính tại Kuwait, với giá 9 tỉ USD. Nhà sản xuất xe ô tô lớn nhất Ấn Độ Tata Motors, đã mở nhà máy lắp ráp ô tô tại Nam Phi. Tập đoàn Essar Group, trụ sở tại Mumbai, đã đầu tư vào ngành công nghiệp thép tại châu Phi; Tập đoàn Godrej thì tích cực tìm hiểu thị trường tiêu dùng tại lục địa này.

Hãng Karuturi Global, nhà sản xuất và cung cấp hoa hồng lớn nhất thế giới có trụ sở tại Bangalore, đã trở thành một trong những doanh nghiệp quan trọng nhất về nông sản hàng hóa tại châu Phi, đã thuê đến 1.200 dặm vuông đất ở Ethiopia.

Các công ty Ấn Độ cũng rất năng động trên thị trường công nghệ thông tin mới nổi tại châu lục này. Câu chuyện của công ty viễn thông Bharti Airtel tiêu biểu cho sức mạnh của doanh nghiệp Ấn Độ so với Trung Quốc. Bhartu Airtel dễ dàng trở thành nhà khai thác viễn thông di động lớn thứ hai tại châu Phi và đã thành công trong việc chuyển các sáng kiến mang tính tiết kiệm từ Ấn Độ sang châu Phi.

Trong khi đó, Tập đoàn viễn thông di động China Mobile đến từ Trung Quốc vẫn chưa hình dung ra làm thế nào tạo ra giá trị khi mua lại một công ty viễn thông của châu lục này. Câu chuyện của Bharti Airtel cũng có thể thấy các “phiên bản” trong các lĩnh vực kinh doanh khác tại châu Phi như xe hơi, sắt, nông nghiệp và giáo dục.

Quốc Hùng (tổng hợp)

Trong trận đấu với Tottenham tại vòng 35 giải Ngoại hạng Anh 2023/2024 diễn ra tối 28/4 (giờ Việt Nam), Arsenal đã dẫn trước tới 3-0 trước đối thủ nhưng suýt chút nữa đánh mất chiến thắng khi để đối thủ ghi liền 2 bàn trong hiệp 2.

Công an tỉnh Nghệ An và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng chủ trì vừa đánh sập đường dây tội phạm xuyên quốc gia, bắt 12 đối tượng điều hành, quản lý website "Thiendia2.cc" (hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu) truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng internet (đã tán phát trên 19 triệu nội dung đồi trụy với hàng trăm triệu lượt truy cập). ''

Khi phát hiện người phụ nữ bế trên một cháu bé đang khóc không ngớt và chân tay co giật đứng ở lề đường, tổ tuần tra của Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương đưa cháu bé trong tình trạng sốt cao, co giật đến bệnh viện cấp cứu. Do được cấp cứu kịp thời, hiện tại cháu bé đã giảm sốt, bệnh viện đang tiếp tục theo dõi điều trị cho cháu ổn định.

Trung tá Hoàng Anh Công Minh đang làm nhiệm vụ đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì đối tượng Phạm Ngọc An (SN 2001, trú xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) điều khiển phương tiện, phía sau chở Trương Ngọc Thảo Nhi (SN 2009) tông thẳng vào Trung tá Minh khiến anh ngã xuống đường, bị thương.

Chiều 28/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa bắt tạm giam Lê Thị Thanh Nghi (SN 1985, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và Nguyễn Đăng Trình (SN 1983, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chiều 28/4, thông tin từ Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5,  toàn quốc xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 68 người.Cùng ngày, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 14.515 trường hợp vi phạm Luật giao thông và ra quyết định xử phạt 31 tỷ 830 triệu đồng.

Ngày 28/4, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với đối tượng Dương Minh Cường về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文