Việc cần làm ngay ở Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long

08:45 30/04/2009
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (bao gồm di tích Thành cổ Hà Nội và di tích khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu) đã tiến hành hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO xét công nhận nơi đây là di sản văn hóa thế giới trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nếu được UNESCO công nhận thì sẽ có một di sản văn hóa thế giới giữa lòng thủ đô Hà Nội.

Điều đó là mong muốn, mơ ước của tất cả công dân nước Việt, nhưng để thực hiện điều tưởng như nằm trong tầm tay ấy về phía Việt Nam còn quá nhiều việc cần phải làm ngay, làm gấp.

Nâng tầm thương hiệu

Ngay từ khi phát lộ khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, tháng 12/2002 đến năm 2003 (với mục tiêu ban đầu, giải phóng mặt bằng để xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia và nhà Quốc hội) tiếng vang của sự kiện này đã khuấy động tất cả các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa, các nhà khoa học, và thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân.

Giá trị của khu di tích không chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia, dân tộc, mà còn mang tầm vóc giá trị nhân loại. Tầm quan trọng của khu di tích đến độ Thủ tướng Chính phủ đã phải quyết định dời địa điểm xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia đến Mỹ Đình, dành không gian để bảo tồn di tích khảo cổ.

Để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu di tích, tháng 10/2006 TP Hà Nội đã công bố thành lập Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa -Thành cổ Hà Nội. Ngay sau đó, năm 2007 toàn bộ Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long bao gồm Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Thành cổ Hà Nội được công nhận là di tích cấp quốc gia. (Thực ra, từ xa xưa đã có một số điểm  được công nhận là di tích như Cột cờ.  Năm 1999-2000, từng điểm di tích đã được công nhận Di tích cấp quốc gia như Đoan Môn, Hậu Lâu, Bắc Lâu...).

Với những gì các nhà khảo cổ đã khai quật được, thì khu trung tâm này hoàn toàn có một vị thế xứng đáng hơn, như GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam đã đánh giá: "Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long bao gồm cả bộ phận di tích khảo cổ học phát lộ trong lòng đất và bộ phận di tích trên mặt đất trong Thành cổ Hà Nội, trải dài lịch sử 13 thế kỷ của cơ quan quyền lực.

Giá trị nổi bật của khu di tích là bề dày lịch sử của một trung tâm chính trị, trung tâm quyền lực mà cho đến ngày nay vẫn giữ vai trò trung tâm của nước Việt Nam hiện đại, vẫn nằm trong trung tâm chính trị Ba Đình của thủ đô Hà Nội.

Trên thế giới có nhiều kinh thành có lịch sử trên 1.000 năm nhưng thủ đô một nước hiện nay có bề dày lịch sử với vai trò trung tâm quyền lực gần 13 thế kỷ, trong đó gần 1.000 năm gần như liên tục là quốc đô thì rất hiếm. Tính liên tục và lâu dài của một trung tâm quyền lực cho đến ngày nay, đó là đặc điểm và giá trị lịch sử nổi bật của Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long".

Để nhận diện giá trị nhằm nâng tầm "thương hiệu" của Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch đã làm hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng cấp xếp hạng Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội từ Di tích quốc gia thành Di tích quốc gia đặc biệt. (Hiện nay ở Việt Nam chưa có một di tích nào được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt).

Và đồng thời hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới. Và được UNESCO công nhận thì Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long sẽ là Di sản thế giới thứ 8 của Việt Nam, sau 5 di sản văn hóa vật thể và thiên nhiên thế giới (Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, và Động Phong Nha - Kẻ Bàng) và 2 văn hóa phi vật thể (Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã Nhạc (triều Nguyễn) và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên).

Nhất thể hóa công tác quản lý

Chỉ còn một khoảng thời gian không phải là ngắn nhưng cũng không còn dài, khoảng giữa năm 2009 phía UNESCO sẽ cử một phái đoàn sang Việt Nam xem xét Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã hội tụ đầy đủ những tiêu chí nào để được xét là Di sản văn hóa thế giới.

Và đến tháng 7/2010, Hội đồng Di sản thế giới sẽ đối chiếu, so sánh giữa hồ sơ và những gì đi thực tế để có kết quả cuối cùng. Theo thông lệ, nơi có hồ sơ gửi xét duyệt là di sản thế giới  thì đại diện của UNSECO đi đến thực địa, kiểm tra thường chỉ một lần.

Nghĩa là còn khoảng thời gian khá gấp rút, được tính bằng ngày, phái đoàn đại diện của UNESCO (Trung tâm Di sản văn hóa thế giới tại Paris) sẽ tới Việt Nam. Và chuyến đi này với những gì thu thập được lần này sẽ có tác dụng rất lớn, thậm chí sống còn đối với một di tích đang được đề cử là Di sản văn hóa thế giới.

Đây không phải là lần đầu tiên, các chuyên gia của Unesco tới Việt Nam thăm Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Vào giữa mùa hè năm 2005, ông Koichiro Matsura - Chủ tịch UNESCO- khi đến thăm khu di tích đã nói: "Khu di tích này có giá trị văn hóa và lịch sử vô cùng quan trọng và chiểu theo công ước về Di sản văn hóa thế giới, nó hoàn toàn có thể xem là văn hóa của nhân loại".

Cứ theo lời của ông Koichiro Matsura thì giá trị của khu di tích hoàn toàn có thể xứng đáng trở thành di sản văn hóa thế giới và chúng ta hy vọng trong một tương lai không xa, đúng vào dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội điều mong ước này sẽ thành hiện thực, nhưng để thành hiện thực thì đặt ra một vấn đề mà phía Việt Nam cần phải làm theo Công ước quốc tế về Luật Di sản.

Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long bao gồm Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Thành cổ Hà Nội. Khu di tích nằm giữa các phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Bắc Sơn (trừ khu xây nhà Quốc hội), Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương với diện tích 18.395m2. Khu di tích Thành cổ với diện tích: 13,865 ha và Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu có diện tích 4,530 ha. Nhưng có một vấn đề đặt ra, Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long hiện nay đang rơi vào tình trạng do 3 cơ quan quản lý hành chính, Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng. --PageBreak--

Từ trước cho đến nay, ở Việt Nam chưa từng có một cuộc khai quật nào với quy mô lớn (hơn 47.720m) như tại đây ngay giữa trung tâm thủ đô - 18 Hoàng Diệu, hàng triệu các di vật, cổ vật, bảo vật, dần hiển lộ về giá trị thời gian, giá trị lịch sử. Kể từ ngày đó cho đến nay, các nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử đã đưa ra được bằng chứng về khu di tích hơn một thiên niên kỷ là nơi giao thoa các giá trị nhân văn của nền nghệ thuật kiến trúc, dấu tích kiến trúc cho thấy công trình điêu khắc nghệ thuật kỳ vĩ và nghệ thuật tạo dựng cảnh quan.

Những di tích khảo cổ học được phát hiện trong lòng đất và các di tích trên mặt đất, phản chiếu bề dày lịch sử gần như liên tục từ thủ phủ An Nam, thành Đại La thế kỷ VII - IX thuộc thời Đường, đến Cấm thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, cuối thế kỷ XVIII, rồi thành Thăng Long - Hà Nội, thời Nguyễn thế kỷ thứ XIX, tiếp nối là thời kỳ phong kiến, thời kỳ thuộc địa, và thời đại Hồ Chí Minh. Những dấu tích vật chất như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc. Hiện nay quỹ đất ở khu di tích đặc biệt quan trọng này đang do Bộ Xây dựng quản lý.

Còn với khu Thành cổ Hà Nội, trong thời kỳ Pháp thuộc, là khu vực quân sự của Pháp. Người Pháp đã xây dựng trong khu vực này một số kiến trúc mới trong đó có tòa nhà xây trên nền điện Kính Thiên làm Sở chỉ huy pháo binh.

Từ năm 1954 đến 2004, khu vực Thành cổ Hà Nội là Tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngay sau khi thành lập Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội năm 2006, thì di tích trung tâm bắt đầu từ Đoan Môn cho đến Hậu Lâu do trung tâm này quản lý.

Khu phía nam của Hoàng thành và quãng giữa từ Hậu Lâu cho đến Bắc Môn vẫn do Bộ Quốc phòng ở trên khu đất này. Từ đấy cho đến nay, trong quần thể của khu Thành cổ Hà Nội vẫn có 2 cơ quan quản lý đó là Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội và Bộ Quốc phòng.

Nhận thấy tầm quan trọng của khu di tích, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có văn bản yêu cầu Bộ Quốc phòng bàn giao lại toàn bộ khu phía bắc và phía nam thành cổ cho UBND TP Hà Nội chậm nhất là giữa năm 2009. Và Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng bàn giao quản lý quỹ đất tại 18 Hoàng Diệu cho Hà Nội.

Sau khi Bộ Quốc phòng và Bộ Xây dựng bàn giao lại quỹ đất, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp nhận và chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ quản lý trực tiếp.

Trao đổi với PV ANTG, ông Trần Quang Dũng, Phó giám đốc thường trực Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội khẳng định: "Vấn đề cần làm nhất hiện nay là chúng ta cần thúc đẩy nhanh tiến độ nhất thể hóa trong công tác quản lý". 

Đủng đỉnh là mất cơ hội

Ông Dũng cho biết: "Trong năm 2009 tập trung cao độ để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng. Việc đầu tiên phải sớm thúc đẩy giữa các Bộ, ngành. Vấn đề gay cấn nhất hiện nay là việc hợp nhất một chỉnh thể khu di tích do một nơi quản lý điều đó phù hợp với Luật Di sản, phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng và cũng phù hợp với công ước quốc tế mà chúng ta đang định hình di sản.

Ông Dũng nhấn mạnh: "Và nếu chúng ta không làm được điều đó thì sẽ rất khó khăn cho UNESCO xem xét, công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới".

Cột cờ thành Hà Nội thời Nguyễn.

Mới đây, ngày 17/4 đã có một cuộc họp giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng và  UBND TP Hà Nội cùng Khu trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội về vấn đề trao trả đất, công việc này đang được tiến hành. Dù thế nào đi nữa, việc trao trả lại khu đất là không thể chậm trễ.

Vì chỉ ít ngày nữa thôi đại diện của UNESCO sẽ sang Việt Nam để thực tiễn tình hình khu di tích. Vì chúng ta đang tiến dần đến ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 Năm Thăng Long - Hà Nội. Vì dù có thiện chí đến mấy UNESCO cũng không khỏi băn khoăn với cái sân vận động Cột Cờ nằm trong khu di sản. (Hiện Trung tâm Thể dục Thể thao Quân đội - Bộ Quốc phòng đang ở trên quỹ đất này).

Tại sao lại có sân vận động Cột Cờ là do cuối thế kỷ XIX, chính quyền Pháp xây dựng công trình này phục vụ cho Sở chỉ huy pháo binh. Lần tìm về lịch sử thì có cuốn “Long Biên bách nhị vịnh” của Bùi Quang Cơ với lời tiểu dẫn bài thơ “Vịnh Cột Cờ” có nói rõ Cột Cờ tức Kỳ Đài do nhà Nguyễn xây dựng năm 1805 trên nền cửa Tam Môn là cửa phía ngoài cùng của Đoan Môn.

Người ta hy vọng, sau khi Bộ Quốc phòng trao trả quỹ đất ở khu phía nam là sân Cột Cờ  thì trong tương lai không xa sẽ không còn sân vận động mà chúng ta trả lại đúng chức năng  vốn có trong lịch sử đã tồn tại đó là quảng trường và sân hành lễ.

Hiện nay Khu trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội đang thực hiện bản lập quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Ông Dũng cho biết thêm: "Thông thường phải xong việc nhất thể hóa mới có thể lên được bản kế hoạch chi tiết, nhưng trung tâm không đợi mà phải tiến hành bắt tay vào việc ngay. Việc bàn giao quỹ đất  vẫn phải thúc đẩy nhưng song song với công việc đó là phải khởi động". Và ông ví von: "Có nghĩa là vừa đun nước vừa rửa rau, chứ đủng đỉnh thì mất hết thời gian".

Đúng là cứ đủng đỉnh thì mất hết thời gian, bởi vì thời gian không còn dài và UNESCO có "mỉm cười" với Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long và công nhận nó là Di sản văn hóa thế giới là do chúng ta có chạy đua với thời gian để làm việc đó thật quyết liệt?!

Trần Mỹ Hiền

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文