Cố nhà văn Hữu Mai: Viết đến giây phút cuối đời

13:40 26/05/2017
Sau tất cả mọi biến đổi của thời gian, thử thách, nhà văn Hữu Mai cũng đã được vinh danh trên bục giải thưởng cao nhất, giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật do Chủ tịch nước trao tặng cho cụm giải thưởng dành cho hai tiểu thuyết "Đêm yên tĩnh" và "Người lữ hành lặng lẽ" vào ngày 20-5 vừa qua tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Những ngày này, trong ngôi nhà của cố nhà văn Hữu Mai bỗng nhộn nhịp lạ thường. Gương mặt nhỏ nhắn, phúc hậu của người phụ nữ cả một đời tần tảo sớm hôm vì chồng vì con, bà Bích Thu - vợ nhà văn đầy phấn chấn.

Tôi có cảm giác bà hạnh phúc hơn bất kỳ ai. Bởi hơn ai hết, bà là người hiểu chồng mình, biết rõ từng trang viết của ông đã thấm vị mặn mòi của mồ hôi và công sức của người cầm bút.

Cuối cùng, sau tất cả mọi biến đổi của thời gian, thử thách, ông cũng đã được vinh danh trên bục giải thưởng cao nhất, giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật do Chủ tịch nước trao tặng cho cụm giải thưởng dành cho hai tiểu thuyết "Đêm yên tĩnh" và "Người lữ hành lặng lẽ" vào ngày 20-5 vừa qua tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Duyên nợ văn chương

Nhà thơ Hữu Việt, con trai của nhà văn Hữu Mai là người tháp tùng mẹ đi nhận giải. Anh là người đã sớm "nối dõi" được nghiệp văn chương của cha mình và cho dù cha đã đi xa nhưng những ký ức về cha, những tháng ngày ông sống và viết lúc nào cũng còn nguyên vẹn trong anh.

Nhà văn Hữu Mai.

Nhà văn Hữu Mai sinh ra trong một gia đình viên chức nhỏ ba đời sống ở Nam Định. Nhà đông con lại gặp lúc kinh tế khủng hoảng nên cha ông nay đây, mai đó kiếm việc làm. Từ Nam Định qua Thanh Hóa lại quay về quê Nam Định, nhưng cuộc sống vẫn khó khăn nên tìm đường ra mỏ Vàng Danh, rồi  quay về Hải Dương, nhưng lòng vòng mãi, cũng chẳng hơn chút nào, gia đình quyết định ra đất Hà thành sinh sống. Cuộc sống bắt đầu ổn định.

Bản thân ông từ ngày ngồi trên ghế nhà trường đã có năng khiếu văn chương. Ông dịch thơ của các tác giả nổi tiếng như Victor Hugo, Lamartine... ra tiếng Việt được thầy giáo khen ngợi.

Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, nhà văn Hữu Mai tham gia đội tự vệ thành năm 1946 tại Hà Nội, sau đó ông nhập ngũ. Ông đã tham gia nhiều chiến dịch. Trong thời gian này, ông tranh thủ viết những bài bích báo cho tờ báo tường viết tay của trung đội, đại đội. Rồi ông được cấp trên điều về phụ trách tờ báo "Quân tiên phong" của Trung đoàn 17 (sau này là Đại đoàn 308 bộ đội chủ lực).

Kết thúc kháng chiến chống Pháp, ông trở về Hà Nội làm việc ở tạp chí Văn nghệ quân đội và bắt đầu viết văn chuyên nghiệp. Từ một biên tập viên của tạp chí, ông được đề bạt làm Trưởng phòng Văn nghệ. Năm 1983, ông được chuyển ngành sang Hội Nhà văn với quân hàm Đại tá. Ông là Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa III, IV; Là thành viên của Hiệp hội quốc tế những nhà văn viết truyện trinh thám (AIEP, thành lập tại Mexico, 1989).

Ông thuộc lớp nhà văn có may mắn được chứng kiến những thời điểm lịch sử quan trọng của đất nước: Cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công; cuộc chiến đấu hào hùng của quân dân Hà Nội những ngày đầu kháng chiến năm 1946 và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ... Ông cũng đã có mặt tại mặt trận Trị Thiên - Huế khi giặc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam. Ông cũng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4... Đó là những nguồn tư liệu bất tận cho ông viết một loạt tác phẩm nổi tiếng sau này.

Nhà văn Hữu Mai và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đề tài xuyên suốt trong các tác phẩm của ông là hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ. Ngoài tác phẩm "Những ngày bão táp" viết năm 1957 về nông thôn Việt Nam, thì hầu hết các tác phẩm còn lại của ông là viết về chiến tranh như "Cao điểm cuối cùng" (1961), nói về cuộc chiến đấu giành giật đồi A1, cao điểm có tính quyết định đối với sự toàn thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bộ tiểu thuyết 3 tập "Vùng trời" ca ngợi chiến công của các chiến sĩ Không quân nhân dân Việt Nam xuất bản trong các năm 1971, 1974 và 1980 đã đưa tên tuổi Hữu Mai trở thành một dấu ấn không thể phai mờ trong lòng độc giả yêu văn học.

Ông cũng là người chấp bút bộ hồi ký cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gồm:  "Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ" (1964);"Từ nhân dân mà ra" (1964); "Những năm tháng không thể nào quên" (1970) “Chiến đấu trong vòng vây” (1995); “Đường tới Điện Biên Phủ” (1999); “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” (2000)... Và đặc biệt phải kể đến tiểu thuyết "Ông cố vấn" (3 tập, 1985, 1987, 1990). Năm 1989, ông được Bộ Quốc phòng tặng giải thưởng văn học và giải A văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam cho bộ tiểu thuyết này. Năm 2001, ông được trao giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật đợt I.

Người có duyên với đề tài an ninh

Nhà văn Hữu Mai là người có mặt trong danh sách "Những bạn đồng hành của Lực lượng An ninh nhân dân". Ông nổi tiếng với tiểu thuyết "Đêm yên tĩnh", dựa trên tư liệu sống động của Chuyên án CM-12.

Trong một câu chuyện cũ, nhà văn Hữu Mai đã chia sẻ về chuyện ông đã "săn lùng" tư liệu để viết về tác phẩm này: Tôi có nhiều buổi nói chuyện với một trong những nhân vật đáng chú ý của chuyên án phản gián kéo dài suốt 4 năm này. Đó là anh Tám Thậm, Công an tỉnh Minh Hải, người đã vào "vai" một phần tử phản động sừng sỏ, nhờ "chiến công" lập một "mật cứ mang tên là Hùng Mạnh giữa lòng Việt Cộng", nên được "Quốc trưởng giải phóng quốc gia" đặc cách phong làm “trung tướng” để chỉ huy trận "Huyết chiến diệt Cộng sản"...

Vợ chồng nhà văn Hữu Mai.

Sau này, khi cuốn "Đêm yên tĩnh" đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống" của Bộ Công an và Hội Nhà văn, nhà văn Hữu Mai xác nhận: "Khi tôi viết, chuyên án chưa trôi qua quá 30 năm, cho nên còn vô số tư liệu chưa phản ánh được vào trang sách, tuy vậy, "bầu không khí" của chuyên án đã được vắt đến cùng kiệt để tiểu thuyết được gần gũi đúng người, đúng cảnh. Đi vào và sống với các chiến sĩ trên mặt trận an ninh, tôi càng thấy cuộc sống bề bộn mà đáng yêu, đáng quý...".

Người vợ hiền và những người con nối nghiệp văn chương...

Để có một sự nghiệp và cuộc đời yên ả cho tận đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, là vì bên cạnh ông, có một người vợ hiền, đảm đang và chu toàn mọi việc để ông dành trọn thời gian và tâm sức cho sự nghiệp văn học.

Bà Trương Thị Bích Thu sinh năm 1933, vợ cố nhà văn Hữu Mai là một người yêu văn học và cũng là người đầu tiên đọc các tác phẩm của ông khi còn ở dạng bản thảo. Họ có một chuyện tình đẹp như tiểu thuyết. Hai người đã tình cờ gặp nhau trên một chuyến đò gần bến Bình Ca (Tuyên Quang), trên đường về huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Lần đó gia đình bà Thu cho "anh bộ đội" Hữu Mai đi nhờ... Ông bà đã cùng trải qua những năm tháng kháng chiến chống Pháp gian khổ và khi hòa bình lập lại thì nên duyên vợ chồng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho cố nhà văn Hữu Mai (Vợ nhà văn Hữu Mai nhận thay).

Để kỷ niệm chuyến đò đáng nhớ đó, sau này họ đặt tên người con trai cả là Bình lấy theo tên bến Bình Ca và người con gái kế tiếp tên Thủy lấy theo tên huyện Thanh Thủy. Nhà thơ Hữu Việt nhớ lại: "Những lần bố tôi làm việc về các tập hồi ký với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mẹ tôi chính là người đọc lại bản thảo để Đại tướng góp ý, chỉnh sửa, thông qua. Không chỉ đọc, đôi khi bà còn góp ý cụ thể từng câu, từng chữ. Đại tướng có lần nói vui, mang ý khen ngợi: "Chị Thu có tinh thần cảnh giác cách mạng cao!".

Nhà văn Hữu Mai và vợ sinh được 4 người con. Có lẽ bởi sinh ra và lớn lên trong một gia đình chữ nghĩa, bố và bạn bè của bố thường có những buổi đàm đạo văn chương nên những người con của ông đều có ảnh hưởng lớn từ bố.

Nhà thơ Hữu Việt chia sẻ: "Năm tôi lên 6 tuổi, học lớp 1, bố tôi thường đưa cho những bài thơ hay và bảo: Con hãy chép những bài thơ này để luyện chữ viết. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ, bài thơ đầu tiên là bài "Quê hương" của nhà thơ Giang Nam. Có lẽ từ những lần "tập chép" đó mà sau này tôi đến với thơ chăng?

Trước khi làm thơ, làm báo, tôi làm ở một công ty xuất nhập khẩu công nghệ mới. Nhiều năm làm kế toán trưởng, rồi trưởng phòng xuất nhập khẩu. Bố tôi thường bảo, làm văn chương mà chỉ là một người viết trung bình thì buồn lắm. Điều bố nói đã làm tôi băn khoăn, suy nghĩ rất nhiều. Tôi đi viết đã lâu, từng được một số giải thưởng văn học, nhưng vẫn thấy mình chưa phải là nhà văn. Sau khi sinh con trai đầu lòng, tôi mới quyết định chia tay công việc kinh doanh, chuyển hẳn sang làm báo chí, văn chương chuyên nghiệp".

Từ trái qua phải: Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, bà Bích Thu, phóng viên Mạnh Trường và nhà thơ Hữu Việt.

Nhà thơ Hữu Việt khẳng định rằng, cha ông chưa bao giờ dạy các con viết văn, nhưng, ông chính là tấm gương mẫu mực để cho các con học tập. Cả đời, ông chỉ sống bằng nghề viết. Hàng trăm trang bản thảo còn nguyên nét mực của ông, sự miệt mài, lao tâm khổ tứ của ông. Có những đêm hai cha con ngồi cha thì viết văn, con thì ôn thi đại học, hai cha con chia đôi cốc sữa đặc có đường để chống đói và tiếp thêm năng lượng.

Những năm học xa quê hương, anh cũng thường xuyên nhận được thư của mẹ, mẹ viết nhòe đi vì khóc nhớ con, còn thư của bố anh, nhà văn Hữu Mai thì thấm thía dòng tâm sự: "Hôm nay, bố dọn lại bàn con học, bố buồn mất một buổi chiều, không làm việc gì được...". Chính những năm tháng cả nhà sống gian khổ chật hẹp tại khu tập thể Nam Đồng, đã giúp cho tác giả Bình Ca (tên thật là Trần Hữu Bình), người con trai cả của nhà văn Hữu Mai viết nên tác phẩm "Quân khu Nam Đồng" dậy sóng trong làng văn thời gian vừa qua.

Những năm tháng cuối đời, nhà văn Hữu Mai vẫn chưa một ngày ngừng làm việc và sáng tạo. Sau khi cha mất, nhà thơ Hữu Việt đã soạn lại tư liệu và tìm thấy bản thảo hoàn chỉnh của cuốn sách "Không phải huyền thoại" từ máy tính của cha mình, một cuốn tư liệu lịch sử đầu tiên viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Trần Hoàng Thiên Kim

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文