Ấn Độ dần chiếm lĩnh kinh tế kỹ thuật số

20:05 14/08/2023

Đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu với những hệ lụy trực tiếp và gián tiếp đối với khu vực sản xuất, chuỗi cung ứng và thị trường tài chính trên toàn thế giới. Thời gian này, nền kinh tế số đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các tác động tiêu cực và tạo điều kiện phục hồi ở một số quốc gia.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu con đường trở thành quốc gia dẫn đầu về kỹ thuật số toàn cầu của Ấn Độ.

Ở Ấn Độ, nền kinh tế số đã tăng trưởng gấp nhiều lần nhờ sự gia tăng cung và cầu đối với các giải pháp kỹ thuật số. Bằng chứng cho tốc độ tăng trưởng chóng mặt này là, tính đến ngày 31/5 vừa qua, trong tổng số 108 công ty khởi nghiệp, có 44 công ty được thành lập năm 2021 và 21 công ty ra đời trong năm 2022, hầu hết thuộc lĩnh vực kỹ thuật số. Hơn nữa, việc Chính phủ Ấn Độ thiết lập cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mạnh mẽ đã củng cố nền tảng của nền kinh tế số của quốc gia Nam Á này.

Tăng trưởng giao dịch kỹ thuật số

Ấn Độ đứng thứ hai về số lượng người dùng Internet, sau Trung Quốc. Số lượng người dùng Internet cao, tỷ lệ sử dụng băng thông rộng ngày càng tăng (825 triệu vào tháng 11/2022), tiến bộ công nghệ, mức tiêu thụ dữ liệu trung bình mỗi tháng cao (19,5 GB), chi phí sử dụng dữ liệu thấp (13,5 Rs mỗi GB) và việc chính phủ đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đã thúc đẩy quá trình số hóa ở Ấn Độ với tốc độ chóng mặt. Những yếu tố này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của môi trường sinh thái khởi nghiệp trong cộng đồng dân số tương đối trẻ, những người đã nhanh chóng tiếp nhận và sử dụng công nghệ số.

Ấn Độ đứng thứ hai về số lượng người dùng Internet, sau Trung Quốc.

Nhờ việc sử dụng rộng rãi Internet và thiết bị di động, Ấn Độ đã chứng kiến sự gia tăng đột biến trong các giao dịch kỹ thuật số, thương mại điện tử và sự xuất hiện của một số công ty công nghệ khởi nghiệp. Một số công ty “kỳ lân” nổi bật đã tăng trưởng theo cấp số nhân do sự phát triển của nền kinh tế số ở Ấn Độ như Paytm, PhonePe (thanh toán kỹ thuật số), Flipkart và Meesho (bán lẻ B2C), Byju's (giáo dục trực tuyến), Zomato, Swiggy (giao đồ ăn), Ola (dịch vụ taxi), PharmEasy (dược phẩm). Một nghiên cứu do National Payments Corporation of India (NPCI, - tổ chức phi lợi nhuận quản lý các khoản thanh toán bán lẻ của Ấn Độ) và Cơ quan nghiên cứu về nền kinh tế tiêu dùng của Ấn Độ thực hiện năm 2021 cho thấy 1/3 số hộ gia đình Ấn Độ hiện đang sử dụng thanh toán kỹ thuật số theo cách này hay cách khác. Theo nghiên cứu của Redseer và Plural (Pine Labs), tỷ lệ này là 35% vào năm 2023. Con số này dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân do sự gia tăng mức độ truy cập bằng điện thoại di động và sự ra đời của công nghệ 5G tích hợp với Internet vạn vật (IoT). Điều này mang đến những cơ hội mới cho các công ty công nghệ tài chính thông qua việc áp dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số mới, tự động hóa và tương tác với khách hàng được cá nhân hóa.

Phát triển mạnh  công cụ giao dịch kỹ thuật số

Những nỗ lực phối hợp của Chính phủ Ấn Độ và các bên liên quan đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong các giao dịch thanh toán kỹ thuật số, góp phần vào sự phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung. Trong thập kỷ qua, số lượng giao dịch kỹ thuật số ở Ấn Độ đã tăng từ mức 127 tỷ trong giai đoạn 2013-2014 lên 12.735 tỷ giao dịch trong năm 2022-2023 (tính đến ngày 23/3 vừa qua), tức tăng hơn 100 lần. UPI - giao dịch thanh toán thống nhất được NPCI ra mắt năm 2016 - đã trở thành phương thức thanh toán ưa thích của người dân Ấn Độ.

Theo Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Shri Ashwini Vaishnaw, các giao dịch thanh toán kỹ thuật số lên tới 1,5 nghìn tỷ USD/năm (theo số liệu tháng 12/2022). Ngoài ra, với việc nền kinh tế Ấn Độ ngày càng hội nhập với hệ thống toàn cầu, các khoản thanh toán xuyên biên giới càng trở nên quan trọng hơn. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực tăng cường quảng bá các sản phẩm thanh toán nội địa như mạng UPI và RuPay ra toàn thế giới.

Nền kinh tế số của Ấn Độ tăng trưởng gấp nhiều lần nhờ sự gia tăng cung và cầu đối với các giải pháp kỹ thuật số.

Các hệ thống thanh toán kỹ thuật số của Ấn Độ hiện đã có mặt ở Singapore, UAE, Oman, Saudi Arabia, Malaysia, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Thụy Sĩ cùng nhiều nơi khác. Điều đó cho thấy mức độ phổ biến gia tăng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Ấn Độ. Cùng với đó, việc sử dụng thanh toán kỹ thuật số tiếp tục được thúc đẩy để mọi người dân của Ấn Độ có thể tiếp cận các phương tiện thanh toán kỹ thuật số với chi phí phải chăng, thuận tiện và an toàn.

Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia có nền công nghệ tài chính phát triển nhanh nhất trên thế giới, chủ yếu do sự phát triển của phân khúc giao dịch kỹ thuật số. Trong lĩnh vực tài chính công nghệ số (FinTech), Ấn Độ là quốc gia được tài trợ nhiều thứ hai sau Mỹ trong quý I/2023 và có mặt trong tốp 5 quốc gia và khu vực về tổng số hoạt động tài trợ.

Trong quý I/2023, các công ty khởi nghiệp FinTech ở Ấn Độ đã thu hút khoản đầu tư trị giá 1,2 tỷ USD. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc hội nhập với nền kinh tế số toàn cầu và tiền tệ tập trung, tháng 12/2022, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã công bố ra mắt thí điểm đồng rupee kỹ thuật số. Chương trình thí điểm này sẽ kiểm tra mức độ mạnh mẽ của toàn bộ quá trình tạo, phân phối và sử dụng đồng rupee số trong thời gian thực. Trong nỗ lực thúc đẩy sự hội nhập nền kinh tế số của Ấn Độ ở cấp địa phương, Chính phủ Ấn Độ đã giới thiệu bộ ba JAM (tài khoản Jan Dhan - căn cước công dân - điện thoại di động). Bằng cách chuyển trực tiếp các khoản trợ cấp bằng tiền mặt vào tài khoản ngân hàng của những người thụ hưởng, bộ ba JAM đã ngăn chặn hiệu quả việc biển thủ các khoản trợ cấp của Chính phủ. Trong đại dịch COVID-19, JAM Trinity đã đóng vai trò quan trọng, giúp Chính phủ nhanh chóng chuyển khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp vào tài khoản của người dân, ngay cả trong bối cảnh việc đi lại và nguồn lực đều bị hạn chế.

Hơn nữa, việc tích hợp nhận dạng sinh trắc học thông qua căn cước công dân với tài khoản Jan Dhan đảm bảo tiền sẽ đến được tay người thụ hưởng, không có chỗ cho tham nhũng. Sử dụng điện thoại di động để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch chuyển tiền này cho phép thực hiện các giao dịch tức thì và giảm thiểu các thách thức hậu cần.

Xu hướng toàn cầu trong giao dịch kỹ thuật số

Khối lượng giao dịch kỹ thuật số toàn cầu cũng đã tăng trưởng mạnh trong vài năm qua. Các giao dịch thanh toán theo thời gian thực (RTP) - chuyển tiền ngay lập tức giữa các tài khoản ngân hàng - đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022. Báo cáo ACI (Nâng cao thông tin thương mại) hồi tháng 3 vừa qua cho biết hơn 70 quốc gia trên khắp các châu lục đã áp dụng thanh toán theo thời gian thực, với khối lượng giao dịch gia tăng đáng kể, đạt 195 tỷ giao dịch trong năm 2022, thể hiện mức tăng trưởng ấn tượng hàng năm là 63%.

Trong bối cảnh giao dịch kỹ thuật số đang tăng trưởng trên toàn cầu, Ấn Độ tiếp tục thống trị giao thức RTP, với con số đáng kinh ngạc là 89,5 tỷ giao dịch vào năm 2022, đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm là 76,8%, chiếm 46% tổng số giao dịch theo thời gian thực toàn cầu. Giá trị của thanh toán kỹ thuật số trên GDP đã tăng từ 660% trong giai đoạn 2014-2015 lên 862% trong giai đoạn 2018-2019, giúp cho việc chuyển đổi sang thanh toán kỹ thuật số ở Ấn Độ có thể nhận thấy rõ ràng. Dự báo RTP sẽ giúp GDP của Ấn Độ tăng 45,9 tỷ USD vào năm 2026 do khối lượng RTP dự kiến sẽ vượt mức 206 tỷ USD vào thời điểm đó.

Điều gì định nghĩa một nhà lãnh đạo kỹ thuật số?

Nhà lãnh đạo kỹ thuật số phải có chuyên môn để dẫn dắt quá trình số hóa và sử dụng hiệu quả các nền tảng kỹ thuật số để lãnh đạo và kết nối với mọi người. Chúng là công cụ thúc đẩy tăng trưởng của các doanh nghiệp, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp nhanh chóng thành công. Những nhà lãnh đạo này khai thác công nghệ và giải pháp kỹ thuật số để tạo ra giá trị và mở rộng phạm vi tiếp cận theo cấp số nhân.

Ấn Độ đã chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều nhà lãnh đạo kỹ thuật số, những người đã để lại dấu ấn trên trường quốc tế. Ajay Banga, Chủ tịch Ngân hàng thế giới, đã có những đóng góp đáng kể cho lĩnh vực ngân hàng. Satya Nadella, “cỗ máy” thúc đẩy sự phát triển của Microsoft sau Bill Gates, đã nâng định giá của công ty lên mức kỷ lục. Sundar Pichai, Giám đốc điều hành (CEO) của Google và Arvind Krishna, Chủ tịch kiêm CEO của IBM, là những ví dụ đáng chú ý khác. Họ đã tận dụng công nghệ để củng cố vị trí lãnh đạo kỹ thuật số toàn cầu.

Sự xuất hiện của các nhà lãnh đạo kỹ thuật số Ấn Độ có thể là do nước này tập trung vào năng lực sáng tạo và kỹ thuật số. Đáng chú ý, các công ty Ấn Độ không chỉ nổi lên như những công ty hàng đầu về dịch vụ CNTT mà còn đi đầu trong các tiến bộ công nghệ. HCL Technologies (có trụ sở tại Noida) đã xuất sắc trong việc sử dụng công nghệ để cung cấp các giải pháp và dịch vụ CNTT có tác động trên quy mô toàn cầu.

Hành trình hướng tới dẫn đầu lĩnh vực kỹ thuật số của Ấn Độ không chỉ dừng lại ở những thành tựu cá nhân, mà bao gồm sự phát triển của một môi trường có lợi cho đổi mới và chuyên môn kỹ thuật. Điều này thể hiện rõ qua việc thành lập các Trung tâm Năng lực Toàn cầu (GCC). Các trung tâm này, bao gồm Trung tâm Dịch vụ (SC) được công nhận trên toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hỗ trợ toàn diện, bao gồm trung tâm liên lạc và dịch vụ hỗ trợ CNTT, góp phần nâng cao năng suất và đóng vai trò là “xương sống” cho các hoạt động quốc tế của công ty. Hiện Ấn Độ tự hào có khoảng 1.800 GCC, sử dụng hơn 1,3 triệu chuyên gia.

Các yếu tố góp phần vào sự trỗi dậy của Ấn Độ

Có một số yếu tố góp phần giúp Ấn Độ vươn lên dẫn đầu về kỹ thuật số toàn cầu, bao gồm: Đội ngũ đông đảo các chuyên gia CNTT lành nghề: Mỗi năm có hơn 1,5 triệu sinh viên Ấn Độ tốt nghiệp ngành kỹ thuật và trong số đó có một tỷ lệ đáng kể có các kỹ năng liên quan CNTT. Chính sách hỗ trợ của chính phủ: Chính phủ Ấn Độ đã và đang hỗ trợ phát triển nền kinh tế số, thực hiện một số chính sách giúp tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực kỹ thuật số, chẳng hạn như sáng kiến Digital India.

Chính phủ Ấn Độ ước tính nền kinh tế số của nước này sẽ đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2025, nhờ một số yếu tố như điện thoại di động gia tăng, sự phát triển của thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số.

Để duy trì và nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo kỹ thuật số, Ấn Độ bắt buộc phải tập trung vào một số lĩnh vực then chốt. Quan trọng là đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và kết nối. Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp và cá nhân dựa vào các nền tảng kỹ thuật số, việc đảm bảo khả năng truy cập Internet tốc độ cao và cơ sở hạ tầng công nghệ mạnh trở thành điều tối quan trọng. Cần nỗ lực thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và mang lại cơ hội bình đẳng cho tất cả các khu vực và cộng đồng. Ấn Độ đã chứng kiến sự gia tăng của các công ty khởi nghiệp thành công trong các lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính và chăm sóc y tế. Tạo ra một môi trường thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo và chấp nhận rủi ro sẽ mở đường cho nhiều nhà lãnh đạo kỹ thuật số xuất hiện.

Sự trỗi dậy của Ấn Độ trong vai trò lãnh đạo kỹ thuật số toàn cầu mang đến cơ hội vàng cho các cá nhân, doanh nghiệp và quốc gia nói chung. Với các chiến lược đầu tư và hợp tác đúng đắn, Ấn Độ có thể tiếp tục quỹ đạo đi lên này, củng cố vị thế là một cường quốc kỹ thuật số toàn cầu. Giờ là thời điểm chín muồi để các cá nhân nắm lấy cuộc cách mạng kỹ thuật số này, định hình một tương lai với Ấn Độ dẫn đầu thế giới về đổi mới, công nghệ và chuyển đổi kỹ thuật số.

Trần Anh

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文