Đà Lạt chớm xuân…

14:46 31/01/2022

Tiếng gió sắt se, mưa xuân lướt nhẹ qua miền thông reo. Đà Lạt giao mùa, không có gì rõ rệt, tất cả ảo mờ như lớp sương dày ngày chớm chuyển trời ùa qua phố phường. Nắng vàng chập chờn vờn qua ký ức như nỗi nhớ thầm của một thời giấu kín...

1. Buổi chiều Đà Lạt hoang hoải, dài biền biệt, một cọng thông già mong manh lìa cành cũng gợi về tuổi thơ. Sớm thức dậy bước ra khỏi ổ trọ, nghe bên triền đồi, tiếng thông reo hò náo nhiệt như những chiến binh khổ ải từ miền trận mạc đem theo vinh quang ngày trở về. Phía Đông, giọt bình minh hừng hực đòi xông qua tầng tầng lớp lớp sương sớm dày đặc cư ngụ suốt đêm qua, vốn hả hê trong bóng tối là kẻ bất diệt. Gió chiều sắt se, hơi lạnh từ đâu như biên viễn tràn về, phố thị khẽ rùng mình... Đà Lạt chớm xuân!...

Đà Lạt vào xuân

Mùa Đà Lạt cây không thay lá, rừng thông già vẫn rướn mình ôm lấy phố phường. Mùa Đà Lạt không còn gió heo may xào xạc, không dấu hiệu nhận biết rõ rệt. Người ta cảm nhận xuân sang bằng sự tinh tế chuyển mình của tự nhiên, sự từng trải của một kiếp người. Đà Lạt chuyển mùa bằng thanh âm hoan hỉ của những cuộc tình ong bướm vờn bên hoa và dập dìu bước chân lữ khách...

Xuân về, nhịp sống phố hoa vẫn vậy, chẳng có gì vội vã. Xứ này cứ chầm chậm, khoan thai đến lạ. Với tôi, mỗi cư dân nơi đây sống như một nghệ sĩ, đầy tính lãng tử và hào hoa, ít thấy bon chen, tranh giành. Có người giàu sang và cũng còn nhiều người nghèo khó nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là đam mê, trân trọng cái đẹp và giàu lòng mến khách. Họ cũng như tôi, yêu gió lạnh và quanh năm hơi sương, yêu nắng vàng với những cơn mưa chuyển mùa rả rích, yêu màu xanh mướt của ngàn thông vi vu và những cánh đồng hoa ngào ngạt hương sắc, yêu luôn cả con đường vừa đi đã mỏi, yêu cuối phố bình yên, dịu vợi...

Khi nắng vàng Nam Tây Nguyên rải khắp phố phường, những buổi chiều muộn, tôi thích thả hồn lang thang theo con đường mềm mại như lụa ở xứ này. Nhiều hàng rào, căn biệt thự nơi tôi từng đi qua mang nét cổ kính rất riêng của Đà Lạt. Ở đó, bây giờ đã phảng phất màu hồng của loài hoa dại tầm xuân. Loài hoa có sức sống đến lạ, khi đã bén rễ thì không cần con người chăm sóc mà cứ vậy rắn rỏi vươn lên mãnh liệt. Giữa bộn bề lo toan của cuộc sống, những lúc căng thẳng nhất, người ta thường dành thời gian dạo bước trên những con đường có hàng rào hun hút rặng tầm xuân. Không mang ngôn ngữ, tầm xuân có cách chia sẻ nỗi niềm riêng với người yêu quý nó. Đối diện với những cánh hoa mong manh, phớt hồng hoang dại, giữa phố phường đông đúc, người ta ngang qua nhau rất vội, chỉ có nhan sắc tầm xuân mới đủ sức níu kéo bước chân lữ khách.

Một góc Đà Lạt vào ngày mới

2. Thời bấy giờ, cứ mỗi độ dã quỳ bung nở, hai chúng tôi lại đạp xe ra vùng ngoại ô, tìm tới những con đường trập trùng đang ngập trong màu hoa vàng để khám phá vẻ đẹp hoang dại trong từng thảm hoa ấy. Dã quỳ vàng hiện ra, đẹp óng ánh dưới nắng chiều đông. Đó là những hạt ngọc bí ẩn, hoang dã và kiêu sa. Dã quỳ mùa chớm nở, đẹp như một sơn nữ đang ở tuổi cập kề. Đứng trên triền đồi cao, nhìn xuống thung lũng chỉ thấy loài hoa này, vàng ươm, lấn át tất cả. Hương dã quỳ lan tỏa theo làn gió đông dịu dàng đẩy đến phía hai đứa. Tôi, một sinh viên trong vai lữ khách tinh nghịch, hái từng bông dã quỳ xâu thành chuỗi nhẹ nhàng khoác lên cổ bạn gái. Chúng tôi hái thêm cánh hoa vàng bỏ vào giỏ xe chở nhau đi trên con đường toàn hoa năm ấy... Vạt nắng cuối chiều len lỏi qua khóm dã quỳ khơi dậy sự bình yên, tĩnh lặng của thành phố này. Chúng tôi cầm tay nhau, e ấp bước vào những khóm hoa dã quỳ vàng mọng, một thế giới chỉ dành riêng cho hai đứa... Từ ngày đó, chúng tôi yêu nhau...

Và bây giờ, cứ vào độ cuối thu, đầu đông, tôi vẫn thường nhận được tin nhắn, cuộc điện thoại của những người bạn đang ở nơi xa, trong Nam, ngoài Bắc, hỏi: Dã quỳ mùa này nở chưa?

Du khách khám phá thiên nhiên Đà Lạt

Còn nhớ, hồi mới đặt chân tới miền đất này, cánh sinh viên Văn khoa mơ mộng chúng tôi nhìn mưa đêm Đà Lạt với con mắt đầy sầu ải. Cơn mưa đêm nơi đất lạ của những kẻ xa nhà dường như muốn kéo dài vô tận. Đứa mềm lòng thì sụt sịt khóc, kẻ khá hơn thì ngồi lì bên bàn biên thư kể lể về mưa Đà Lạt cho gia đình, người thân. Viết hết giấy, cạn mực, đọc lại lá thư dày cộp mà nẫu hết cả ruột gan...

Khi ấy, nửa đêm, bên gác trọ chật chội tối om của những kẻ tha hương, người ta chẳng còn nghe thấy gì ngoài tiếng mưa rơi. Thế mà, có bận, từ dãy bên kia nhà trọ lụp xụp, “cha nào” chơi ngay bài “Đêm mưa tỉnh nhỏ” của nhạc sĩ Hà Phương. Thế mới ác! Lũ con gái ôm nhau khóc rũ rượi như hay tin mất người thân. Nhưng rồi, chẳng mấy chốc, những cơn mưa Đà Lạt đã trở thành chất xúc tác cho chúng tôi, những kẻ lần đầu xa nhà học tập xích lại gần nhau hơn. Mưa Đà Lạt thường làm cho người ta lắng đọng, gom dẹp bận rộn thường nhật mà chiêm nghiệm cuộc đời.

Với tôi, Đà Lạt là những buổi tan trường khi ánh nắng cuối ngày đã nhạt nhòa sau dãy núi xa xăm. Khi rặng liễu suy tư chìm vào giấc ngủ sau một ngày đứng nắng mệt mỏi, tôi nắm tay em bước đi trên con đường trường quanh co để tìm về những giây phút thực sự ý nghĩa của cuộc sống... Với tôi, Đà Lạt là những đêm trăng. Ánh trăng cao nguyên dịu dàng, lan tỏa, rọi xuống giọt sương long lanh như những hạt ngọc bí ẩn đậu trên cánh hoa đang ngan ngát tỏa hương. Chúng tôi đi dưới trăng, bồng bềnh trong khối sương mờ ảo, để tận hưởng cái thơ mộng tuyệt vời nhất của trần gian ban tặng...

3. Thế rồi, COVID-19 làm đảo lộn mọi nề nếp thường nhật, nhịp sống khoan thai của con người nơi đây. Những cơn mưa cuối mùa rả rích cuốn theo hơi gió từ đâu ào ạt đổ về, lạnh tái tê. Rặng liễu bên hồ trầm mặc, ướt đẫm mình rũ bóng suy tư. Phố rưng rưng buồn sau những tháng ngày dập dìu bước chân lữ khách. Các biện pháp phòng, chống bệnh được nhà chức trách siết chặt, Đà Lạt trở về với thời “thành phố buồn”, tất cả trở nên lặng lẽ, lạ lẫm. Bạn tôi, những người sống bằng dịch vụ du lịch giờ đành tìm cách cầm cự, chật vật qua ngày. Đà Lạt “lâm bệnh” là quãng thời gian đầy khó khăn với tất cả cư dân nơi đây...

Rồi tháng ngày buồn đằng đẳng cũng qua đi. Phố hoa vui mừng chào đón những vị khách đầu tiên quay trở lại sau đại dịch. Bạn tôi, sau nhiều tháng chật vật duy trì sự sống cho công ty lữ hành của mình đã hào hứng khởi động lại mọi thứ để chuẩn bị cho mùa du lịch tết trong điều kiện “bình thường mới”. Công việc đầu tiên là “sốc” lại đội ngũ nhân sự, xây dựng dòng sản phẩm phù hợp trạng thái sống chung lâu dài với dịch, linh động và an toàn. “Sống chung” với COVID-19 mà những người làm lữ hành tự xác định là chú trọng tới sản phẩm du lịch gắn với môi trường, phù hợp gia đình, nhóm nhỏ, trong đó ưu tiên các sản phẩm du lịch tận dụng lợi thế thiên nhiên Đà Lạt như chèo thuyền kayak, SuP, hoặc kết hợp camping với nhóm riêng, tách biệt khu đông người để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người. Để sống chung an toàn với dịch bệnh, bạn tôi đã thành lập quỹ test nhanh kháng nguyên COVID-19 cho đội ngũ hướng dẫn viên, tài xế mỗi tuần 2 lần.

Ông Cil Khiốt, Phó Giám đốc Khu du lịch Langbiang hào hứng đưa tôi thám hiểm một vòng ngọn núi cao nhất Nam Tây Nguyên bằng xe ôtô mới nhất vừa được doanh nghiệp nhập về để phục vụ khách du lịch dịp tết 2022 này. Sau tháng ngày dài “nghỉ bệnh”, trước mắt tôi, Langbiang đã được đơn vị chủ quản mặc cho lớp áo mới, sặc sỡ, cuốn hút hơn với những điểm nhấn được hứa hẹn sẽ làm hài lòng du khách.

Để khôi phục lại du lịch với những điểm đến an toàn, các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, du lịch trên thành phố này đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí, tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết, đây là một năm đầy khó khăn với ngành du lịch Lâm Đồng. Dịch COVID-19 đã trở thành một thách thức lớn chưa từng có trong lịch sử, buộc chúng ta phải tìm cách thích nghi, sống an toàn. Từ tháng 9-2021, chính quyền đã cho phép đón khách du lịch nội tỉnh với những điều kiện đi kèm. Thế nhưng, để Đà Lạt trở lại với “ngày xưa” là cả một quá trình mà tới nay ngành du lịch Lâm Đồng vẫn còn đang đi tìm lời giải.

Những ngày mưa buồn cũng lặng lẽ đi qua, ánh nắng mùa xuân đã thắp rực lên sắc hồng của hoa mai anh đào trải dài trên phố. Ngoài kia, trên từng lối nhỏ, đâu đó lại rộn ràng bước chân lữ khách... Trong tôi chợt hiện về kí ức xưa Đà Lạt vào xuân.

Khắc Lịch

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文