Đồng USD: Nạn nhân của cạnh tranh địa chính trị

14:38 20/07/2022

Cho tới nay, đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Đó là lý do giải thích vì sao việc phân phối tiền mặt và dòng vốn trên thế giới phần lớn được xác định bởi các chu kỳ kinh tế và tiền tệ của nước Mỹ.

Đòn trừng phạt – con dao 2 lưỡi

Các chuyên gia của Viện Phân tích an ninh toàn cầu (IAGS) đồng tình với IMF và khẳng định các biện pháp cực đoan của Washington nhằm trừng phạt Nga khiến các quốc gia khác càng mong muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD cũng như hệ thống tài chính do Mỹ hậu thuẫn. Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC (Mỹ), Giám đốc IAGS, ông Gal Luft cho biết, các biện pháp trừng phạt mang tính bốc đồng của Washington đối với Nga khiến các ngân hàng trung ương tự hỏi liệu họ có nên bỏ tất cả “trứng vào một giỏ”, tức là phụ thuộc quá nhiều vào đồng USD, hay không? Trước đó, Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt tương tự đối với Cuba, Iran, Venezuela và Afghanistan, khiến nền kinh tế các nước này rơi vào tình thế hết sức khó khăn.

Phó Tổng Giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), bà Jita Gopinath.

Khả năng kiểm soát tài chính thế giới là một trong những nền tảng cho sức mạnh của Mỹ hiện nay. Tuy nhiên, bất cứ khi nào Mỹ sử dụng vai trò chi phối của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu như một vũ khí để trừng phạt một quốc gia nào khác, thì phần còn lại của thế giới lại bắt đầu tìm kiếm các giải pháp thay thế đồng tiền này trong thanh toán và thương mại quốc tế. Việc tịch thu tài sản của Nga, đóng băng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga và phong tỏa các khoản thanh toán trái phiếu châu Âu tại các trung tâm thanh toán bù trừ là những sai lầm chiến lược của phương Tây. Nó sẽ triệt tiêu khả năng duy trì cấu trúc tài chính thế giới hiện có. Một cuộc khủng hoảng được cho là sắp nổ ra.

Cho tới nay, đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Đó là lý do giải thích vì sao việc phân phối tiền mặt và dòng vốn trên thế giới phần lớn được xác định bởi các chu kỳ kinh tế và tiền tệ của nước Mỹ. Thực tế là việc sử dụng đồng tiền quốc gia của Mỹ cho mục đích lưu thông nội bộ, thanh toán quốc tế và tích lũy dự trữ đòi hỏi phải có một lượng lớn USD lưu thông bên ngoài nước Mỹ cũng như việc Mỹ không ngừng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ các nước khác. Nói cách khác, Mỹ là nước xuất khẩu USD.

Như vậy, nguồn cung USD phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), khối lượng tiền tệ và tình trạng của thị trường tiêu dùng Mỹ. Thế nhưng, điều này cũng tạo ra cán cân thương mại âm và làm tăng nợ quốc gia của Mỹ, vì FED đang phát hành USD nhưng không dùng tiền mặt để đổi lấy trái phiếu kho bạc.

Để mở rộng các giao dịch thanh toán quốc tế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, cần không ngừng đẩy mạnh thâm hụt cán cân thanh toán cũng như nợ của chính phủ, ngân hàng, tập đoàn và hộ gia đình ở Mỹ, bởi việc mở rộng tiêu thụ phần lớn là mở rộng tín dụng. Đây là mô hình của chủ nghĩa siêu tư bản tài chính hiện đại. Tuy nhiên, điều này rõ ràng không thể tiếp diễn vô thời hạn. Sự mất cân bằng trong hệ thống tài chính, việc áp dụng các biện pháp chống lạm phát tới mức kỷ lục, việc thắt chặt định lượng của FED, sự suy thoái kinh tế của Mỹ và sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng nợ làm giảm đáng kể lượng USD bên ngoài nước Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu. Khi khối lượng tiền tệ được sử dụng chủ yếu trong thanh toán thương mại khu vực giảm, người ta chỉ có thể sử dụng đồng tiền của các nước liên quan để thay thế.

Do đó, các quá trình đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới thúc đẩy các nước chuyển sang sử dụng đồng tiền quốc gia để thanh toán. Những nước phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), cũng như những nước cảm thấy bị Washington đe dọa, đang cố gắng tránh thanh toán bằng đồng USD, ngừng tích lũy dự trữ bằng đồng USD và euro, rút tiền khỏi tài sản ở Mỹ và EU nếu có thể. Rủi ro địa chính trị đang buộc các nước chuyển sang sử dụng tiền tệ quốc gia trong các thanh toán và tạo ra các hệ thống thanh toán thay thế.

Những nước lo ngại về lạm phát nhập khẩu của Mỹ và nguy cơ nguồn cung USD giảm do FED thắt chặt tiền tệ cũng đang cố gắng khắc phục tình hình bằng cách sử dụng đồng tiền mạnh nhất trong khu vực phù hợp với mô hình thương mại xuyên biên giới. Vì vậy, cuối năm 2021, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã đứng ở vị trí thứ 4 về thị phần trong thanh toán quốc tế.

Sự vận động trong hệ thống dự trữ tiền tệ

Dự trữ quốc tế, thường được hiểu là vàng và dự trữ ngoại hối, là những tài sản đối ngoại đáng tin cậy và có tính thanh khoản cao, có thể được sử dụng để duy trì sự cân bằng trong trường hợp cán cân thanh toán thâm hụt và để can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm điều chỉnh cán cân thương mại. Vì vậy, các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia đã tích lũy dự trữ bằng chính loại tiền tệ mà các công ty của những quốc gia đó sử dụng để thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế và các khoản vay trên thị trường vốn nước ngoài. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới tại thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã nắm giữ 62% dự trữ ngoại hối của họ bằng đồng USD, bởi đây là loại tiền tệ được sử dụng chủ yếu trong việc giải quyết các hoạt động ngoại thương của hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, tình hình đang thay đổi.

Việc yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble được cho là bước đi chiến lược của Nga.

Lạm phát ở các nước đang phát triển cũng như cuộc chiến kinh tế tổng lực của Mỹ và các đồng minh đang buộc các nước chuyển sang sử dụng và giao dịch bằng đồng tiền quốc gia. Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St Petersburg năm 2022, ông Andrey Kostin, người đứng đầu ngân hàng VTB (Nga) cho biết: “Chúng tôi đang chuyển sang sử dụng đồng ruble và các ngoại tệ yếu có tính thanh khoản để giao dịch với các quốc gia không thù địch. Tất nhiên, chủ đề tiền tệ đang khiến chúng tôi, cũng như nhiều khách hàng khác, từ bỏ một số loại tiền tệ bởi chúng tôi không thể cung cấp tất cả các dịch vụ mà các ngân hàng không bị trừng phạt có thể cung cấp”. Nếu đồng USD và euro ngày càng ít được sử dụng trong thanh toán quốc tế, thì tỷ trọng của các loại tiền này trong dự trữ của các ngân hàng trung ương sẽ giảm dần.

Đồng bảng Anh không còn là đồng tiền dự trữ của thế giới vào thời điểm cuối Thế chiến II, bởi Anh vướng vào những khoản nợ khổng lồ. Đến giữa thế kỷ 20, đồng USD cũng đã từng đi theo con đường tương tự như đồng bảng Anh. Có một quy luật đáng chú ý trong thế giới tài chính: Nếu số nợ của các tổ chức phát hành đồng tiền dự trữ liên tục tăng so với GDP và tăng trưởng nợ nước ngoài của các nước có nhiều tài sản bên ngoài lãnh thổ chậm lại, thì những người nước ngoài cuối cùng sẽ không còn quan tâm đến loại tiền tệ đó nữa.

Theo báo cáo của IMF, tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ của các ngân hàng trung ương đã giảm từ 71% vào năm 1999 xuống còn 59% vào cuối năm 2021 và được thay thế dần bằng các loại tiền dự trữ phi truyền thống – cụ thể là ¼ đối với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và ¾ đối với tiền tệ của một số nền kinh tế nhỏ, bao gồm cả đồng dollar của Australia và Canada cũng như đồng won của Hàn Quốc.

Hệ thống Bretton Woods đa tiền tệ mới

Trong một báo cáo, Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến sự ra đời của Bretton Woods III, một trật tự tiền tệ toàn cầu mới dựa trên các loại tiền tệ được hỗ trợ bởi hàng hóa. Hàng hóa là tài sản thế chấp và tài sản thế chấp sẽ trở thành tiền. Và cuộc khủng hoảng sẽ liên quan đến sức hấp dẫn ngày càng tăng của ngoại tiền so với nội tệ”. Nội tệ chính xác là tiền định danh hay tiền phát định của các nước phát triển, mà kể từ Hội nghị Jamaica của IMF năm 1976 không còn gắn liền với bất kỳ sự đảm bảo nào. Và những đồng tiền này đang mất dần sức hấp dẫn do việc bơm tiền một cách thiếu kiểm soát ra thị trường khiến lạm phát tăng cao.

Các quy tắc trong nền kinh tế và tài chính toàn cầu bắt đầu được xác định bởi các nhà cung cấp nguồn lực vật chất. Tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St Petersburg 2022, ông Alexey Miller, người đứng đầu công ty tinh lọc khí thiên nhiên Gazprom (Nga) nói: “Nguyên liệu thô ngày càng thay thế dự trữ ngoại hối. Đây là một sự thay đổi mang tính kiến tạo và diễn ra trong bối cảnh mô hình đang thay đổi, sự thống trị của đồng USD đang suy yếu và quá trình thanh toán bằng các đồng tiền quốc gia bắt đầu xuất hiện”.

Credit Suisse là một trong những ngân hàng đầu tiên nhận thấy điều mà các nước EU và Mỹ cho đến nay vẫn không muốn thừa nhận: Đó là quyết định của Tổng thống Nga Putin về việc thay đổi đồng tiền được sử dụng trong thanh toán khí đốt mang tính ép buộc nhưng có ý nghĩa chiến lược và trở thành một bước ngoặt trong diễn biến của hệ thống tài chính toàn cầu. Việc thanh toán bằng đồng ruble cho các nguồn cung năng lượng và tất cả các mặt hàng khác từ phía Nga không phải đối mặt với nguy cơ bị cản trở.

Các quốc gia không thân thiện, và ngay cả những quốc gia thân thiện, với Nga có rất ít sự lựa chọn: Họ chỉ có thể đồng ý mua dầu và khí đốt của Nga với giá được tính bằng đồng ruble nếu không muốn tìm kiếm các phương án thay thế. Và châu Âu không có lựa chọn nào khác để thay thế cho năng lượng của Nga. Bên ngoài châu Âu, Nga và Ấn Độ đang chuyển sang sử dụng đồng tiền quốc gia, trong khi Saudi Arabia đang đàm phán với Trung Quốc về việc mua bán dầu bằng đồng nhân dân tệ thay vì đồng USD. Đồng nhân dân tệ, được đảm bảo bởi hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc, cũng đang trở thành đơn vị tiền tệ của hệ thống Bretton Woods mới và năng lượng không phải là mặt hàng duy nhất đang trở thành tài sản thế chấp cho tiền tệ quốc gia.

Quá trình hội nhập không gian Á – Âu thông qua nỗ lực của các tổ chức lớn trong khu vực, như Tổ chức Hợp tác Thương mại (SCO) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể kích hoạt việc hình thành một khu vực kinh tế, tài chính, đầu tư và năng lượng lục địa sử dụng tiền tệ quốc gia của các thành viên tổ chức làm công cụ thanh toán. Việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược trong khuôn khổ BRICS sẽ giúp mở rộng việc sử dụng đồng tiền quốc gia để thanh toán trên cả 3 châu lục.

Các hệ thống thanh toán thay thế hệ thống SWIFT truyền thống cũng đang được thúc đẩy. Sau khi các ngân hàng Nga bị đẩy ra khỏi hệ thống SWIFT, việc tạo ra các hệ thống thay thế sẽ được tăng tốc. Tất cả các hệ thống thanh toán như vậy đều có những nguyên tắc xây dựng chung. Chẳng hạn, bất cứ hệ thống thay thế nào cũng phải có sự tham gia của một nhóm ngân hàng, phần mềm bảo mật riêng và một hệ thống mã tin nhắn chứa các hướng dẫn thanh toán. Bất kỳ đơn vị tiền tệ nào cũng có thể được sử dụng để thanh toán trong hệ thống thay thế. Điều quan trọng là các ngân hàng tham gia phải có tài khoản đại lý tương ứng tại ngân hàng của những quốc gia nơi các khoản thanh toán bằng loại tiền tệ đó được thực hiện. Hệ thống phải có các trung tâm xử lý dữ liệu riêng, cửa hàng giao dịch tập trung và mạng truyền thông tin.

Nếu tất cả các điều kiện trên được đáp ứng thì nhiều quốc gia sẽ có các lựa chọn thay thế riêng cho SWIFT để thanh toán bằng tiền tệ quốc gia. Trên thực tế, Trung Quốc và Nga đã tạo ra những hệ thống tương tự - Hệ thống thanh toán quốc tế Trung Quốc (CIPS) và Hệ thống truyền tin nhắn tài chính của Ngân hàng Trung ương Nga (SPFS). Những hệ thống này đã trở thành các hệ thống quốc tế và thực sự có thể thay thế cho SWIFT. Và Nga đã đề xuất Ấn Độ sử dụng SPFS.

Các rủi ro địa chính trị, điều mà cách đây vài năm không ai nghĩ tới, đang làm thay đổi ý tưởng về các loại tiền tệ đáng tin cậy và các trung tâm tài chính toàn cầu. Điều này tác động đáng kể đến hệ thống tài chính thế giới hiện tại bởi các quốc gia đã tạo ra hệ thống này vào giữa thế kỷ 20, quản lý hệ thống này và nhận tiền thuê toàn cầu. Thế giới đang dần bước vào một trật tự tiền tệ mới và điều trớ trêu là đồng USD lại trở thành nạn nhân của cạnh tranh địa chính trị.

Huy Thông (Tổng hợp)

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Bước vào nghề với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người phụ nữ ngành Điện đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, kể cả những công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.

Giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy. Mới đây, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 15 tỷ đồng.

Ngày 7/5, Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ để điều tra, làm rõ nguyên nhân một nam công nhân tử vong trong lúc làm việc tại xưởng sản xuất…

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文