Đuối nước: SOS!

13:35 04/06/2015
Người xưa có câu: "Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo" cho thấy việc biết bơi lội quan trọng như thế nào, vì nó liên quan đến mạng sống của con người.

Theo con số thống kê mới nhất của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, tính trung bình mỗi ngày ở nước ta có 9 trẻ em và vị thành niên chết đuối và cả năm là hơn 3.000 sinh mạng bị "hà bá", "thủy thần" cướp đi. Số người chết đuối ở Việt Nam rất cao,  đứng thứ 3 chỉ sau tai nạn giao thông và tai nạn lao động. Một con số đáng giật mình và thật đau xót. Đuối nước ở trẻ em và vị thành niên ở Việt Nam  có tỷ lệ cao nhất so với các nước trong khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Hồ Tây ô nhiễm vẫn đông người lớn và trẻ em bơi lội trong mùa hè.

Trên báo chí không ngày nào vắng những tin tức đau lòng, đó là các vụ đuối nước rất thương tâm, có những vụ cả mấy chị em ruột trong gia đình hoặc họ hàng cùng bị chết đuối. Từ đầu tháng 5 đến nay, tại Nghệ An đã xảy ra 8 vụ đuối nước làm  14 trẻ em tử vong, chủ yếu là các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở địa bàn nông thôn. Chỉ riêng trong ngày 16/5, tại Nghệ An đã có 5 em và Thanh Hóa có 3 em bị đuối nước do tắm biển và tắm sông. Ngày 20/5 tại thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 4 học sinh từ lớp 2 đến lớp 4 bị chết đuối do chơi ở suối mà con nước lên xuống theo thủy triều của sông Thị Vải.

Mặc dù Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng đã có nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng trẻ em, học sinh đuối nước, nhưng tình hình có vẻ không khả quan là mấy, vì các giải pháp vẫn mang tính hô hào chung chung, khuyến nghị, rồi tăng cường công tác truyền thông, rồi hội thảo v.v...  mà vẫn thiếu những quy định cụ thể hoặc gắn trách nhiệm cho một Bộ, ngành nào đó, cho nên cứ đến mùa hè khi các em được nghỉ học, hoặc mùa mưa lũ thì tình trạng đuối nước lại tiếp tục gia tăng và như một điệp khúc buồn.

Trước hết phải khẳng định rằng, để cho trẻ em bị đuối nước là trách nhiệm của người lớn, vì sao nhãng, không quan tâm để ý tới trẻ dẫn đến những tai nạn đuối nước thương tâm. Nhưng đó là ở lứa tuổi từ sơ sinh cho đến trước khi trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo, còn từ cấp tiểu học trở lên thì trách nhiệm có lẽ phải đi tìm một nơi cụ thể để quy trách nhiệm. Vậy thì trách nhiệm đó thuộc về ngành nào? Ngành Giáo dục, hay Ủy ban Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em các cấp, hay tổ chức xã hội đoàn thể nào?

Trên thực tế không chỉ trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học mới bị đuối nước mà rất nhiều học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, kể cả sinh viên đại học cũng bị đuối nước do không biết bơi và cũng không hề được dạy bơi  với muôn vàn nguyên nhân và dẫn đến những cái chết không đáng có.

Đó là rủ nhau đi tắm sông, hồ, kết thúc khóa học rủ nhau đi tham quan, picnic không may trượt chân xuống nước, rồi rủ nhau ra bãi sông, ven biển chụp ảnh lưu niệm khi kết thúc một cấp học, không may bị sụt cát, sóng biển cuốn đi, thậm chí cả những sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường, sinh viên tình nguyện chết đuối do khi lội qua suối bị nước cuốn vì không biết bơi và rất nhiều cái chết tức tưởi khác có thể tránh được nếu như các em biết bơi.

Tôi vẫn còn bị ám ảnh đến bây giờ đó là lần mang tiền của bạn đọc lên Thanh Ba, Phú Thọ, giúp đỡ một gia đình có con là nữ sinh viên năm cuối của Học viện Báo chí Tuyên truyền, trong một chuyến tham gia hoạt động sinh viên tình nguyện  tại Hà Giang không may bị trượt chân xuống suối và chết đuối vì em không biết bơi và bạn bè đi cùng cũng không biết bơi để có thể cứu được em. Nhìn di ảnh em, một cô gái xinh xắn, một  sinh viên giỏi giang, một cán bộ đoàn năng nổ, chỉ trong phút chốc đã mất đi sinh mạng vì không biết bơi, nỗi đau của các bậc sinh thành không biết bao giờ nguôi ngoai.       

Hiện nay ở những trường học thuộc thành phố thị xã, học sinh mới có điều kiện để học bơi do nhà trường tổ chức, còn đại đa số các em ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đều không được học bơi trong nhà trường. Nếu như trước kia khi môi trường còn trong lành thì hệ thống ao hồ, sông rạch là  bể bơi tự nhiên để các em học bơi, nhưng giờ đây ô nhiễm môi trường trầm trọng, không có sông hồ kênh rạch nào mà có thể xuống bơi lặn  được nếu như không muốn chuốc bệnh vào người. Vì vậy giải pháp cơ bản là phải phổ cập bơi lội cho các em khi còn ở ghế nhà trường, ngay từ tiểu học, không thì ít nhất cũng là cấp trung học cơ sở. Ở các nước văn minh, bất kỳ học sinh nào học hết lớp 3 đều biết bơi một cách thành thạo và được cấp chứng chỉ công nhận đàng hoàng, cho nên việc trẻ em, học sinh bị chết đuối là rất ít.

Hiện nay, trong hệ thống giáo dục các cấp học của chúng ta đều có môn giáo dục thể chất, nhưng xem ra nó không thiết thực cho lắm, nào là tập chạy, nhảy cao, nhảy xa, tập xà đơn, xà kép, rồi nhảy ngựa v.v... nhưng riêng với môn bơi thì chưa được chú trọng đúng mức. Thời chúng tôi học đại học mỗi lần học thể dục môn nhảy ngựa là sinh viên đều run như giẽ, vì chỉ cần nhảy không qua được ngựa thì sau này  khả năng vô sinh khá cao vì bị đập chỗ kín vào ngựa, không biết ở đại học bây giờ có còn môn thể dục tai quái này không.

Vì vậy muốn hạn chế tai nạn đuối nước trong trẻ em, học sinh, vị thành niên, ngành giáo dục nên xây dựng một đề án phổ cập bắt buộc đối với môn bơi lội, và hoàn toàn có thể xã hội hóa, huy động kinh phí của các bậc phụ huynh, vì cũng không có ông bố bà mẹ nào tiếc tiền để cho con mình học bơi, trong khi chi rất nhiều  tiền cho con học thêm môn này, môn khác hoặc chạy vào trường chuyên, lớp chọn. Việc đánh giá trường học đạt chuẩn quốc gia hay không cũng nên thêm vào điều kiện bắt buộc là 100% học sinh của trường  ấy phải biết bơi lội thành thạo.

Cuối cùng, trách nhiệm cụ thể và sát sườn là của các bậc làm cha, làm mẹ. Hãy cho con em mình học bơi, trước khi trở thành cử nhân, tiến sĩ, vì nếu không sẽ có lúc ân hận thì đã muộn và xã hội hằng năm không mất đi hàng ngàn sinh mạng, những thế hệ tương lai một cách không đáng có.

Đoàn Xuân Tuyến

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

Những ngày qua có 4 tàu cá cùng 11 ngư dân của Quảng Bình bị nạn trên biển do lốc xoáy, sau 5 ngày nỗ lực liên lạc, tìm kiếm, 4 ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui vỡ oà của người thân.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文