Kia
Mobifone

Giới túc cầu và nỗi ám ảnh tống tiền

Thứ Hai, 05/09/2022, 21:47

Những người yêu bóng đá Châu Âu mới đây đã có phen sững sờ trước thông tin danh thủ Paul Pogba bị tống tiền bởi anh trai ruột của mình. Trung vệ của câu lạc bộ Juventus đã báo cáo với lãnh đạo đội bóng và cảnh sát về việc anh bị một nhóm người bịt mặt có vũ trang kéo vào chung cư ở Paris và đòi Pogba giao nộp 13 triệu Euro cho chúng.

Kinh ngạc về vụ bắt cóc là một, nhưng công chúng còn ngạc nhiên hơn khi sự việc được đưa ra ánh sáng chỉ vài ngày sau khi một cầu thủ khác của câu lạc bộ Crystal Palace cũng bị tống tiền. Mối họa tống tiền đang phủ bóng đen lên nền bóng đá Châu Âu.

1.jpg -0
Từ trái qua: Prince Rowe, Tyrone Coleman và Nathan Coleman, ba kẻ tổ chức gài bẫy cầu thủ

Tai họa bất ngờ

Vào giữa tháng 8 vừa qua, cảnh sát Pháp tuyên bố mở cuộc điều tra về vụ bắt cóc và tống tiền Paul Pogba. Pogba cho biết những kẻ lạ mặt đã theo sát anh từ đầu hè khi danh thủ này di chuyển từ Manchester (Anh) đến Turin (Ý) hồi tháng 3. Chúng bắt kịp anh ở Paris. Nhân lúc Pogba lái xe một mình vào gara cao tầng, bọn bắt cóc dùng súng trường đe dọa và buộc cầu thủ lên ô tô của chúng. Chúng chở anh đến một căn hộ và ra điều kiện: Để đổi lại việc chúng đã “bảo vệ” Pogba trong suốt 11 năm qua, cầu thủ sẽ phải trả cho chúng 13 triệu Euro. Nếu như Pogba không giao nộp tiền cho chúng, những kẻ tống tiền sẽ tiết lộ cho báo chí những thông tin về đời tư cầu thủ để phá hoại sự nghiệp của anh.

Trong biên bản trình báo Văn phòng Chống tội phạm có tổ chức thuộc cảnh sát Pháp, Pogba cho biết, rất có thể anh trai Mathias Pogba và các bạn bè thuở nhỏ của anh đứng sau âm mưu tống tiền. Mathias cũng là cầu thủ chuyên nghiệp và hiện chơi cho câu lạc bộ Belfort tại giải hạng 2 Pháp. Pogba tin rằng Mathias đang nắm trong tay các tin nhắn do anh viết với nội dung bình luận về ngôi sao Kylian Mbappe của Paris Saint-Germain. Nếu những tin nhắn này bị đem ra trước báo chí, không chỉ danh tiếng của Pogba chịu tổn hại mà có thể đội tuyển quốc gia Pháp sẽ phải cân nhắc lại việc liệu có nên tiếp tục gọi anh lên đội tuyển không.

Trong khi những tờ báo in còn chưa ráo mực, Mathias Pogba đã ra đòn “phản pháo”. Mathias tuyên bố trong một đoạn video đăng lên mạng xã hội: “Tôi tin rằng cả thế giới lẫn những người hâm mộ của em trai tôi, và quan trọng hơn nữa là các nhà tài trợ cùng với đồng đội ở Juventus và đội tuyển quốc gia Pháp có quyền được biết sự thật về Paul, để rồi sau đó mọi người có thể tự đưa ra quyết định rằng liệu Paul có xứng đáng với sự tôn trọng và ngưỡng mộ cậu ấy đang nhận được không… Trong những ngày sắp tới sẽ có những tình tiết và nhân chứng mới khẳng định rằng tôi đã đúng. Dù gì đi nữa, chuyện này cũng sẽ khiến cả xã hội phải bàng hoàng”.

Để đáp trả lại đoạn phim, Paul Pogba, mẹ anh Yeo Moriba và luật sư Rafaela Pimenta đã ra một thông cáo chung: “Đoạn video do Mathias Pogba đăng tải trên mạng xã hội đã được chúng tôi dự báo từ trước. Mathias và đồng bọn của anh ta đang tìm cách gây thêm sức ép lên Paul… Trong khoảng thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ không đưa ra thêm bất kỳ bình luận nào về vụ việc để tránh gây rắc rối cho quá trình điều tra ở Pháp và Ý”.

Giới túc cầu và nỗi ám ảnh tống tiền -0
Nhiều danh thủ cảm thấy cuộc sống không còn là của riêng họ nữa

Bà Jennine Viero, giám đốc công ty an ninh CubeSec (Ý) cho biết: “Mỗi năm chúng tôi có thể nhận trên dưới 40 khách hàng bị tống tiền. Các cầu thủ bóng đá được xếp vào nhóm những nạn nhân rủi ro nhất vì khả năng thiệt hại về kinh tế những kẻ tống tiền có thể gây ra với họ… Một nhân tố chung trong những vụ tống tiền cầu thủ là sự tham gia của người thân nạn nhân với vai trò cung cấp thông tin cho tội phạm. Đối với những cầu thủ đến từ ngoài Châu Âu, họ cũng cần phải cảnh giác với các đối tượng trung gian trên thị trường chuyển nhượng”.

Giới túc cầu và nỗi ám ảnh tống tiền -0
Paul Pogba đã phải sống trong sự sợ hãi bấy lâu nay

Một trường hợp được bà Viero đưa ra về mối nguy hiểm từ các “cò” bóng đá là việc trung vệ Cheick Doucoure chơi cho câu lạc bộ Crystal Palace (Anh) bị đe dọa tống tiền. Doucoure mới chuyển sang Crystal Palace từ câu lạc bộ cũ Lens (Pháp) vào mùa hè vừa qua. Niềm vui chưa qua thì tai họa đã đến. Doucoure nhận được không ít thư nặc danh tự xưng là “trung gian chuyển nhượng”. Chúng đòi anh 20% khoản phí chuyển nhượng 22,5 triệu bảng mà Crystal Palace đã trả cho Lens.

Luật sư Alexis Rutman, đại diện cho Cheick Doucoure phát biểu trước báo chí: “Tuy lãnh đạo Crystal Palace ủng hộ 100% Doucoure và sẵn sàng giúp anh đi tới cùng vụ án, nhưng lời đe dọa vẫn có ảnh hưởng xấu đến cậu ấy. Giấc mơ của Doucoure là được chơi bóng ở Anh. Việc mình bị tống tiền là điều cuối cùng cậu ấy muốn trong khi đang hòa nhập với đội bóng mới”.

Lưới tình

Chuyện tình ái của các cầu thủ xưa nay vẫn là đề tài “nóng” trên các mặt báo. Chẳng thế mà những kẻ tống tiền rất sẵn lòng khai thác chuyện đời tư của cầu thủ nhằm đe dọa họ. Mới đây thôi báo chí Anh đã rộn lên câu chuyện một cầu thủ chuyên nghiệp mất toi 30.000 bảng cho những kẻ tống tiền.

Theo tờ The Sun, một cầu thủ chơi cho đội tuyển quốc gia Anh đã có hành vi lừa dối vợ nhằm quan hệ tình dục với cô gái mại dâm chuyển giới. Cô gái điếm đã ghi hình và chụp ảnh lại những phút giây “tình tứ” giữa hai người để tống tiền cầu thủ. Phải đến sau khi danh thủ nộp tiền cho những kẻ bắt cóc thì anh mới có đủ dũng cảm để đi báo cảnh sát.

Giới túc cầu và nỗi ám ảnh tống tiền -0
Việc Karim Benzema bị kết tội tống tiền đã khiến không ít người kinh ngạc

Một thanh tra cảnh sát giấu tên ở sở cảnh sát London cho biết: “Nạn nhân một mực không cho chúng tôi bất kỳ một bằng chứng nào. Tống tiền là một tội rất nguy hiểm nên chúng tôi rất cần bằng chứng. Vậy nhưng nạn nhân lại tỏ thái độ bất hợp tác vì sợ chuyện bị lộ ra ngoài, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của mình trong mắt khán giả. Cảnh sát cuối cùng cũng buộc phải kết thúc việc điều tra vì không đủ bằng chứng”.

Nỗi sợ có lẽ là thứ vũ khí hiệu quả nhất trong tay những kẻ tống tiền. Sự sợ hãi không chỉ khiến nạn nhân phải làm theo lời chúng, mà nó còn là trở ngại lớn nhất trong cả quá trình điều tra. Không phải nạn nhân nào trong các vụ tống tiền cũng có đủ dũng cảm để đi đến tận cùng vụ án, đơn cử như trường hợp liên quan đến một cầu thủ Anh khác.

Vào ngày 21-8-2022, tòa án thành phố Bristol đã kết án tù treo và quản thúc tại nơi cư trú bốn đối tượng tham gia vào âm mưu tống tiền cầu thủ bóng đá. Kẻ chủ mưu là Prince Rowe, một diễn viên phim truyền hình. Rowe cùng các đồng phạm dự định sẽ phá cửa phòng khách sạn trong khi cầu thủ và người tình đang quan hệ với nhau. Cầu thủ đó tuy vậy lại chọn cách nhảy qua cửa sổ từ tầng ba khách sạn xuống đất. Prince Rowe sau đó “bỏ túi” chiếc đồng hồ Rolex trị giá 23.000 bảng và một áo khoác thể thao giá 1.000 bảng do cầu thủ để lại.

Prince Rowe biện minh trước tòa án: “Chúng tôi đang ngồi xem bóng đá thì bạn gái tôi bất ngờ nói ra rằng cô ấy từng cặp bồ với một cầu thủ trên sân. Vì hắn ta đối xử với cô ấy tệ quá nên hai người chia tay. Phần vì ghen, phần vì tham nên tôi mới tổ chức “gài bẫy” anh ta…”.

Theo thông tin nội bộ của cảnh sát, nạn nhân (trong trạng thái không mặc quần áo gì) đã chạy hơn hai dặm để đến đồn cảnh sát gần nhất trình báo. Trong suốt quá trình điều tra, anh ta luôn tỏ thái độ sẵn sàng hợp tác. Cuộc điều tra kéo dài gần hai năm, cuối cùng những kẻ phạm tội đã phải nhận sự trừng phạt.

“Giơ cao đánh khẽ”

Trong dư luận Anh đã và đang có nhiều tiếng nói cho rằng tòa án chưa đưa ra mức phạt thích đáng cho Prince Rowe và đồng bọn. Những ý kiến trên không phải là không có cơ sở. Một bản báo cáo về tội phạm tống tiền của Interpol từng viết: “Tòa án ở những nước Châu Âu yêu cầu rất nhiều bằng chứng để cấu thành tội tống tiền. Điều đó thật sự đã đem đến sự công bình trong việc xét xử, nhưng không thể tránh khỏi việc một số đối tượng đã thoát được những mức hình phạt mang tính răn đe hiệu quả”.

Bản báo cáo được viết không lâu sau khi tòa án Pháp buộc danh thủ Karim Benzema phải nộp phạt 75.000 Euro vì tham gia âm mưu tống tiền người đồng đội cùng đội tuyển quốc gia Pháp là Mathieu Valbuena. Không biết bằng cách nào mà một đoạn video quay cảnh Valbuena quan hệ với bạn gái bị lấy trộm từ điện thoại của cầu thủ. Những kẻ tống tiền sau đó đã bí mật liên lạc với Valbuena. Trong số ít những người được Valbuena nói ra mọi chuyện có Benzema. Danh thủ này đã hối thúc bạn mình làm theo lời những đối tượng tống tiền để được yên chuyện.

Mối quan hệ giữa Benzema và bọn tống tiền chỉ được hé lộ sau khi cảnh sát bắt được một trong số những tên tội phạm. Tên này vốn là bạn thuở nhỏ của Benzema. Hắn khai, để đổi lại việc “tác động tinh thần” lên Valbuena, Benzema sẽ nhận lấy 10% số tiền mà Valbunea giao nộp. Theo các chuyên gia về luật, tội này hoàn toàn có thể khiến Benzema phải vào tù. Vậy nhưng những kẻ tống tiền chưa gửi một đồng xu nào cho Benzema nên phía công tố không thể nào chứng minh được động cơ gây án của anh ta.

Ngoài khoản tiền phạt, Benzema còn phải chịu án treo một năm. Mức phạt này không là gì so với những thiệt hại mà Valbuena phải chịu. Trung phong chạy cánh này đã buộc phải từ bỏ vị trí trong đội tuyển quốc gia vì rối loạn tâm lý. Trong vòng 5 năm mà anh đã phải chuyển đội bóng ba lần vì thành tích thi đấu sút kém. Valbuena chỉ mới hồi phục trong một vài năm gần đây. Vừa mới năm ngoái anh đã cùng câu lạc bộ Olympiakos (Hy Lạp) tiến vào vòng 16 đội của Cúp C1.

Trong khi công luận tiếp tục bàn cãi về việc có nên cho Benzema tiếp tục thi đấu cho đội tuyển quốc gia Pháp không, một điều dễ nhận thấy là cầu thủ không có nhiều sự bảo vệ khỏi những kẻ tống tiền. Đối tượng phạm tội hoàn toàn có thể là người gần gũi với nạn nhân. Với việc hệ thống luật pháp Châu Âu vẫn chưa phát huy được hết tính răn đe của mình, các cầu thủ nổi tiếng chỉ còn cách tự trông vào bản thân nếu không muốn một ngày mình trở thành nạn nhân.

Lê Công Vũ 

.