Mặt trái chính sách trợ cấp nông nghiệp ở Châu Âu

11:16 08/11/2024

Các trang trại lớn thu về lợi nhuận kỷ lục khi giá thực phẩm tăng vọt, trong khi các trang trại nhỏ phải vật lộn với biên lợi nhuận mỏng manh. Rồi sự suy thoái môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng khắp châu Âu, mà giới chuyên gia cho rằng phần nào là hậu quả từ việc áp dụng sai chính sách trợ cấp nông nghiệp mang tên Chính sách nông nghiệp chung (Common Agriculture Policy - CAP).

Khoảng cách thu nhập quá lớn

Khoảng cách thu nhập giữa các trang trại lớn nhất và nhỏ nhất ở châu Âu đã tăng gấp đôi trong 15 năm qua và đạt mức kỷ lục cùng lúc với sự sụp đổ của số lượng trang trại nhỏ.

Các số liệu từ Mạng dữ liệu kế toán nông nghiệp (FADN) của Ủy ban châu Âu (EC) và Cơ quan Thống kê EU (Eurostat) cho thấy nông dân trên khắp cựu lục địa đã thu được lợi nhuận kỷ lục khi cuộc chiến ở Ukraine khiến giá lương thực tăng vọt, thúc đẩy xu hướng tăng thu nhập trung bình lâu dài vượt xa lạm phát. Nhưng các trang trại lớn vẫn tiếp tục gặt hái phần lớn thành quả này, trong khi biên lợi nhuận cực kỳ mỏng ở các trang trại nhỏ đã khiến một số nông dân phải lâm vào khó khăn tài chính cùng cực, trong đó một số người đã phá sản.

Trang trại lớn đang nuốt dần trang trại nhỏ.

Phân tích này được đưa ra trong bối cảnh một loạt đề xuất mới mang tính cấp tiến nhằm hỗ trợ những người nông dân đang gặp khó khăn và cắt giảm ô nhiễm đã được đưa ra bởi một liên minh “3 nhà” - gồm nhà nông, nhà bán lẻ và nhà môi trường, do bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch EC triệu tập. Tầm nhìn chung kêu gọi thay đổi khẩn cấp, bao gồm cả việc sửa đổi hoàn toàn các khoản trợ cấp gây tranh cãi.

Đồng thời, châu Âu cũng chuyển dịch chính trị sang cánh hữu, với một số chính phủ dân túy tấn công các quy tắc về môi trường và nhận được sự ủng hộ đáng kể từ các vùng nông thôn suy thoái - nơi có nhiều trang trại nhỏ đã đóng cửa hoặc bị mua lại, và những người trẻ tuổi đang di cư đến các thành phố, bỏ lại sau lưng những vùng quê “truyền thống hơn, bảo thủ hơn và lo lắng hơn”.

Số liệu từ Eurostat cho thấy số lượng trang trại nhỏ hơn 30 ha đã giảm một phần tư trong giai đoạn 2010-2020. Thomas Waitz, một nghị sĩ châu Âu thuộc khối đảng Xanh và là một nông dân đến từ Áo, cho biết những phát hiện này gây chú ý mạnh mẽ ở các cộng đồng đang gặp khó khăn. “Không có gì ngạc nhiên khi các gia đình nông dân ngày càng lên tiếng bày tỏ sự thất vọng và phản đối môi trường cạnh tranh không công bằng do các doanh nghiệp nông nghiệp lớn thống trị”.

Quả thật, ẩn sau sự thịnh vượng ngày càng tăng của ngành nông nghiệp châu Âu là sự bất bình đẳng. Tỷ lệ thu nhập bình quân đầu người giữa các trang trại có quy mô kinh tế từ 2.000 đến 8.000 euro và những trang trại có quy mô kinh tế lớn hơn 500.000 euro đã đạt mức cao nhất, nhì vào năm 2022.

Khoảng cách thu nhập tăng từ gấp 10 lần vào năm 2007 lên gấp 20 lần vào năm 2022 khi đo bằng giá trị gia tăng ròng trên mỗi đơn vị công việc nông nghiệp, một thước đo thu nhập phù hợp để so sánh các cơ sở sản xuất trong toàn ngành, và từ gấp 30 lần lên gấp 60 lần khi đo bằng thu nhập của gia đình nông dân, chỉ tính các trang trại có lao động không được trả công. Khi so sánh các trang trại nhỏ với nhóm trang trại lớn thứ hai trong tập dữ liệu, những trang trại có quy mô kinh tế từ 50.000 đến 100.000 euro, khoảng cách thu nhập tăng 43% theo phép đo đầu tiên và 71% theo phép đo thứ hai.

Những phát hiện này phản ánh một phần sự chênh lệch thu nhập theo khu vực và cách biên soạn dữ liệu. Một thước đo về bất bình đẳng thu nhập được gọi là hệ số Gini cho thấy bất bình đẳng chung trong lĩnh vực nông nghiệp đã giảm nhẹ, vì các trang trại nhỏ nhất và nghèo nhất đã buộc phải mở rộng hoặc đóng cửa. Sini Erajaa, một nhà vận động hệ sinh thái tại tổ chức Greenpeace EU, cho biết với tình trạng các trang trại nhỏ đang gặp khó khăn, phải đối mặt với áp lực “phải mở rộng quy mô hoặc phá sản”, các chính trị gia cần tập trung vào các vấn đề cơ bản “thay vì đổ lỗi cho các quy tắc về môi trường”.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hộ gia đình làm nông nghiệp ở tầng lớp thấp nhất trong phân phối thu nhập có cuộc sống tệ hơn so với những người không làm nông nghiệp, khi kiểm soát các yếu tố nhân khẩu học, chẳng hạn như tuổi tác và trình độ học vấn, nhưng các hộ gia đình làm nông nghiệp ở tầng lớp cao nhất lại có cuộc sống tốt hơn so với những người không làm nông nghiệp.

Các nhà kinh tế nông nghiệp cho rằng khoảng cách thu nhập gia tăng chủ yếu là do những tiến bộ công nghệ nhanh chóng. Đối với các trang trại lớn, chi phí cho khoa học công nghệ được phân bổ trên nhiều đất đai và gia súc hơn. Krijn Poppe, một nhà kinh tế nông nghiệp đã nghỉ hưu và là thành viên của Hội đồng Môi trường và Cơ sở hạ tầng Hà Lan, cho biết chi phí lao động tăng kể từ Thế chiến thứ hai đã khuyến khích các chủ trang trại thuê ít người hơn và đầu tư vào tư liệu sản xuất. Máy móc cơ giới ngày càng to hơn, năng suất cao hơn, và ít người làm hơn.

Nông dân lái máy cày phản đối chính sách CAP đầu năm 2024.

Tiến bộ công nghệ là cốt lõi của xu hướng lâu dài, trong đó số lượng nông dân trên khắp châu Âu đã giảm khi các trang trại lớn thôn tính các trang trại nhỏ và thay thế công nhân bằng máy móc. Sebastian Lakner, một nhà kinh tế nông nghiệp tại Đại học Rostock, cho biết năng suất tăng từ lâu đã cao hơn trong ngành nông nghiệp so với các ngành công nghiệp lâu đời khác.

Vào tháng 9/2024, một báo cáo được EC bảo trợ đã kêu gọi phải thay đổi hoàn toàn chính sách trợ cấp nông nghiệp và thành lập “Quỹ chuyển đổi công bằng” để giúp nông dân áp dụng các biện pháp bền vững và hỗ trợ tài chính có mục tiêu cho những người cần nhất.

An ninh lương thực trên hết

Một vấn đề lớn khác cũng đang khiến các nhà hoạch định chính sách châu Âu đau đầu, đó là tình trạng suy thoái môi trường do tác động từ sản xuất nông nghiệp đang ngày càng trở nên trầm trọng.

Trong những năm đầu hình thành EU, trọng tâm của chính sách nông nghiệp châu Âu là an ninh lương thực. Khi CAP được hình thành, vào đầu những năm 1960, nông dân được khuyến khích tăng năng suất bằng cách áp dụng máy móc hiệu quả hơn, phân bón và thuốc trừ sâu mới. Họ được cấp hạn ngạch để cung cấp một lượng thực phẩm nhất định và giá cả được đảm bảo cho sản phẩm của họ. Đây được coi là cách mang lại sự ổn định cho nông dân và an ninh lương thực cho người tiêu dùng.

Vào cuối những năm 1980, khi hạn ngạch đang làm méo mó thị trường và dẫn đến tình trạng dư thừa một số sản phẩm - “núi bơ” và “hồ rượu” nổi tiếng của EU - thì việc sửa đổi toàn diện chính sách CAP đã dẫn đến việc thanh toán trực tiếp hơn cho nông dân. Sau đó, từ năm 2003 đến năm 2012, các khoản thanh toán cho trang trại đã được “tách” hoàn toàn khỏi sản xuất và thay vào đó dựa trên diện tích đất canh tác, với các khoản thanh toán bổ sung dành cho những nông dân có thể thể hiện sự quản lý tốt đối với môi trường. Mặc dù điều đó đã đơn giản hóa hệ thống thanh toán và loại bỏ nhiều sự bóp méo, nhưng điều đó cũng có nghĩa là những người nông dân lớn nhất sẽ gặt hái được nhiều phần thưởng nhất.

Ariel Brunner, giám đốc BirdLife Europe, nói trên nền tảng truyền thông xã hội X: “CAP chỉ là phúc lợi cho người giàu. Nó không phục vụ bất kỳ mục đích xã hội nào. Và nó ủng hộ việc phá hủy các nguồn tài nguyên mà ngành nông nghiệp phụ thuộc vào”.

Một điều tra của Cơ quan quản lý môi trường châu Âu (EEA) cho thấy môi trường thiên nhiên châu Âu đang suy giảm trầm trọng. Động vật hoang dã không còn là đặc trưng của các trang trại Tây Âu nữa; khoảng một phần tư quần thể chim của châu Âu đã bị xóa sổ trong bốn thập kỷ qua - tức là giảm đi khoảng 500 triệu con chim trên bầu trời ngày nay so với năm 1980; 4 trong số 10 loài cây ở châu Âu được xếp vào loại bị đe dọa; số lượng bướm giảm khoảng một phần ba; một trong 10 loài ong đang tuyệt chủng và 2/3 môi trường sống có tầm quan trọng về mặt sinh thái đang ở trong tình trạng bất lợi; khoảng 20% các loài ở châu Âu phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Bất cứ nơi nào bạn nhìn đến, sự phong phú và dồi dào của thiên nhiên châu Âu đều đang bị đe dọa. Kể từ những năm 1970 và 80, ngay cả khi nhiều chỉ số môi trường ở châu Âu đã được cải thiện thì câu chuyện về thiên nhiên vẫn là một câu chuyện về sự suy thoái nghiêm trọng.

Không thể đổ lỗi tất cả sự tàn phá này cho hoạt động chăn nuôi thâm canh, vì đô thị hóa, các loài xâm lấn và ô nhiễm từ công nghiệp có tác động riêng, nhưng các số liệu cho thấy rõ ràng hoạt động chăn nuôi đã đóng một vai trò lớn. Trong bối cảnh số lượng chim nói chung suy giảm, những loài làm tổ ở đất nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất, với số lượng giảm 57%, và các nghiên cứu riêng biệt cho thấy số lượng côn trùng giảm mạnh hơn ở các khu vực chăn nuôi.

Ông Brian MacSharry, người đứng đầu nhóm thiên nhiên và đa dạng sinh học tại EEA, cho biết: “Tình hình môi trường sống khá tệ, các loài không khá hơn là bao và có độ trễ thời gian giữa sự phá hủy môi trường sống và sự suy giảm các loài. Nhìn chung, chúng ta biết rằng tình hình đang xấu đi và xu hướng này đang xấu đi. Cho đến nay, nông nghiệp được xem là tác nhân lớn nhất”.

Kể từ đầu những năm 2000, những thay đổi đối với các hoạt động canh tác và chế độ trợ cấp nông nghiệp của châu Âu (CAP) đã hướng rõ ràng đến việc bảo vệ môi trường, cũng như hỗ trợ nông dân và sản xuất lương thực. CAP chiếm 1/3 ngân sách của EU, lên tới khoảng 55 tỷ euro/năm và để đổi lại sự hào phóng đó, nông dân được cho là phải đáp ứng mức bảo vệ môi trường tối thiểu. Việc thực hiện các biện pháp bổ sung như trồng thêm cây hoặc bảo tồn đất ngập nước có thể giúp họ nhận được thêm sự hỗ trợ.

Trợ cấp CAP chủ yếu dành cho chăn nuôi, vốn được cho là gây tác động tiêu cực với môi trường.

Nhưng ít nhất cho đến nay, các khía cạnh môi trường của những thay đổi CAP vẫn chưa có tác dụng. Vào năm 2020, Tòa án kiểm toán châu Âu đã tìm thấy ít bằng chứng về tác động tích cực của CAP đối với đa dạng sinh học. EEA, trong báo cáo State of Nature năm 2023, đã phát hiện ra rằng môi trường nuôi trồng của EU đã tiếp tục suy giảm, với sức khỏe của chỉ 14% môi trường sống và khoảng một phần tư các loài không phải chim được xếp vào loại “tốt”. CAP cũng đang khiến khí hậu trở nên tồi tệ hơn: khoảng 80% ngân sách được dùng để hỗ trợ các sản phẩm thực phẩm động vật có hàm lượng carbon cao, theo một bài báo được công bố trên tạp chí Nature tháng 11.

Để đưa nông dân đến với những lợi ích của việc canh tác theo cách bền vững hơn với môi trường, vào tháng 9/2024, theo gợi ý của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, một cuộc đối thoại chiến lược giữa nông dân, nhà bán lẻ, nhóm người tiêu dùng và nhà môi trường đã được tổ chức, trong đó đưa ra một đề xuất kêu gọi “thay đổi khẩn cấp, đầy tham vọng và khả thi” trong hệ thống nông trại và thực phẩm, với sự hỗ trợ tài chính để giúp nông dân đạt được điều đó.

Vì các khoản thanh toán cho nông dân theo CAP dựa trên diện tích đất họ canh tác, CAP ưu tiên quy mô hơn mọi thứ khác. Điều đó có nghĩa là sự chèn ép đối với các trang trại gia đình quy mô nhỏ truyền thống sẽ tiếp tục, với những người nông dân lớn nhất tiếp tục thu lợi phần lớn, và những người nghèo nhất bị đẩy ra xa hơn nữa.

An Châu (Tổng hợp)

Liên quan vụ sạt lở đất đá tại một cung đoạn ở đèo Khánh Lê trên tuyến đường quốc lộ 27C nối Nha Trang (Khánh Hòa) với Đà Lạt (Lâm Đồng) như Báo CAND đã thông tin, đến 17h30' chiều nay 15/12, công tác khắc phục hậu quả vẫn còn đang được triển khai nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

Nói đến đặc công nước là nhắc đến một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ đã đi vào huyền thoại với lối đánh thủy chiến truyền thống và độc đáo. Để trở thành những chiến sĩ đặc công nước “đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”, CBCS Lữ đoàn Đặc công nước 5 luôn phải đối mặt với hiểm nguy.

Trong xã hội hiện đại, “deadline” không chỉ là một cụm từ quen thuộc mà còn trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người trẻ. Không ít người đã bị cuốn vào guồng quay của công việc, chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ, đến mức kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần, thậm chí có người phải nhập viện. Khoa học gọi đây là hội chứng “burn out” (cháy sạch). Đây là một thực trạng đáng báo động, phản ánh mặt trái của lối sống và làm việc quá tải mà người trẻ đang đối mặt.

Ngày 15/12, Công an huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) vừa phối hợp các lực lượng chức năng bắt giữ thành công 1 đối tượng quốc tịch Lào, thu giữ 18.000 viên ma túy tổng hợp sau 2 ngày đầu ra quân thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Những hạn chế, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội là vấn đề đã khiến nghị trường Quốc hội “nóng” lên tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV vừa qua. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua Nghị quyết về "Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội".

Đảng ủy, Ban Biên tập cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ, phóng viên, nhân viên Báo CAND xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới đồng chí Đặng Thị Huyền cùng gia đình. 

Ngày 15/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam về tội danh “Cố ý gây thương tích” đối với Võ Duy Khang (SN 2005, trú ở xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định thu hồi không có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của Công ty TNHH Security 24 (địa chỉ trụ sở tại số 238 Nguyễn Duy Hiệu, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) do ông Trịnh Đình Khoa, SN 1973 ở thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định đứng tên làm Giám đốc.

Nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an huyện Sông Hinh (Phú Yên) ngày 15/12 cho biết, vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam về tội danh “Đe dọa giết người” đối với  Nguyễn Duy Tân (SN 1994, trú khu phố Bắc Lý, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên).

Ngày 15/12, lễ hội Nhô Lir Bong (mừng lúa mới) của người Cơ Ho S’re tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã được phục dựng, tái hiện trong sự hân hoan của hàng trăm người đến từ các dân tộc anh em chung sống thuận hòa trên cao nguyên Di Linh, nhân dịp Festival hoa Đà Lạt lần thứ 10 năm 2024.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文