Mùa xuân nhớ hoa xoan

09:35 23/01/2023

Thường thì người ta hay nhớ đến những gì không còn nữa, tỉ như người thôn quê nhớ cái giếng làng, bến đò ngang qua sông, dân thành phố thì nhớ tiếng tàu điện leng keng, những tiếng rao đêm, nhớ những hàng rong xe đẩy…

Và, chẳng biết có gọi là lãng mạn không, cả những thứ đang mai một, hiếm hoi và mất dần cũng khiến người ta nhắc nhớ, như nhớ hàng cho thuê truyện, cửa hiệu giặt là, những rạp chiếu phim hằng đêm rải đều khắp thành phố… Rồi, (nói trộm) bỗng một ngày, vì lý do nào đó, người ta đốn hết hoa sữa, thì ca từ “nhớ phố Quang Trung, đường Nguyễn Du những đêm hoa sữa thơm nồng…” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp lại chắc chắn trở thành nỗi nhớ trong luyến tiếc của bao người, không riêng dân Hà Nội! Nhưng lạ là, có những thứ, khi đang tồn tại lại không ít người dửng dưng, không biết cách gìn giữ, bảo vệ, thậm chí đôi khi còn xem thường, khó chịu, chỉ đến khi nó mất đi rồi mới hồi ức, mới da diết nhớ thương!

Với riêng tôi, mỗi dịp xuân đến, tôi thường hay hoài niệm về quê hương và nhớ hoa xoan đến lạ lùng. Bày tỏ điều này với lũ bạn, chúng nhíu mày: “Sao oái oăm thế, xuân về trăm hoa đua nở, nhớ gì không nhớ, lại nhớ hoa xoan?”. Tôi cũng không cắt nghĩa nổi vì sao nữa. Có lẽ rằng, phải chăng hồn quê với những hương vị giản dị, thân thương đã thấm đẫm trong ký ức kẻ ly hương chẳng thể nào phai nhạt, để cứ mỗi dịp xuân về lại hiển hiện trong hoài niệm rưng rưng.

Còn nhớ những ngày cuộc chiến tranh bắn phá bằng không quân của giặc lan dần tới Thủ đô, năm ấy, tôi mới lớp 5, nhưng cũng phải sơ tán về quê nội để đi học. Cữ đó vừa qua Tết, đầu mùa xuân. Ông cháu họ “cành dưới”, nhưng cũng hơn tôi ngót ba chục tuổi - dắt đi thăm khắp đầu làng cuối xóm. Nhìn con mương chạy dọc rìa làng, bên dưới ngâm những thân cây rêu phủ xanh rì, tôi tò mò hỏi : “Cây gì... mà người ta ngâm dưới nước, thế kia thì mục hết còn gì...?”, ông cháu cười :“À, đó là cây xoan, thứ này quê mình trồng nhiều lắm, gỗ xoan càng ngâm nước càng rắn chắc, không thể mối mọt, cong vênh. Hầu như tất cả vì kèo, xà cột, cửa giả nhà mình, và cả làng ta, toàn làm bằng gỗ xoan cả đấy...”. Rồi ông cháu chỉ tay lên mé vườn hai bên ngõ và cả dọc đường từ xóm ra đồng: “Chú thấy không, toàn xoan kìa. Nay đang mùa hoa xoan, nên nãy giờ ta đang đi trên thảm hoa xoan đấy thôi...”

Trời đang mưa bụi bay, bấy giờ tôi mới để ý suốt dọc đường ngõ, mặt đất như được rắc một lớp bột li ti, sắc trắng tinh khôi điểm chút tím dịu dàng. Ôi, hoa xoan! Tôi cúi xuống, khẽ khàng nhặt một đài hoa nhỏ xíu, nhỏ hơn cả chiếc khuy bấm, đặt giữa lòng bàn tay - Một bông hoa mảnh mai tí hon, cũng đủ cánh, nhị, đài, gần giống thứ hoa “sao” đồng nội mà sau này tôi biết. Mộc mạc, giản dị làm sao, mà cũng thân thuộc làm sao.

Thực tình, tôi biết đến hoa xoan chính từ những ngày đầu xuân về quê trọ học ấy. Không sặc sỡ, kiêu sa, đài các, có phải thế chăng, nên hoa xoan chấp nhận phận buồn để người ta cũng đặt tên “sầu đông”, chẳng mấy ai ngó ngàng tới? Và cái cách từng đài hoa theo nhau buông mình khỏi cành cao bay lẫn trong gió và mưa bụi rải lớp xuống mặt đường, cũng khiêm nhường và an phận làm sao! Hồng, lan, huệ, cúc, mai, đào... và trăm loài hoa khác đều đã được các nhà thơ gửi vào tác phẩm với bao ngôn từ hoa mỹ, lãng mạn, nhưng với xoan, có lẽ chỉ vài ba thi sĩ chân quê, thực sự sống gần gụi với quê hương mới từng nhắc đến.

Điển hình nhất phải kể đến hai câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính : “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy...”. Xoan gần với chữ “xuân” - mùa của tình yêu và sức trẻ, có nhẽ vậy nên mới có câu “trai ba mươi tuổi đang xoan...”, rồi ca dao cũng mượn xoan để bay bổng nói lời tình yêu “lá này là lá xoan đào, tương tư gọi nó thế nào hở anh?”... Nói vậy để biết cây xoan đã gần gũi với đời sống người dân quê đồng bãi, lúa nước tự bao đời xưa. Mùa xoan nở cũng là cữ côn trùng sinh sôi, trong đó có muỗi, chứ phải đâu tại xoan nên sinh muỗi, mà ai đó vẫn oan uổng gán tội cho xoan, gọi là “muỗi hoa xoan”!

Dựng cây nêu đón Tết.  Ảnh: Tiêu Dao

Và, có lẽ khứu giác phải tinh tường lắm, người ta mới có thể cảm được hương hoa xoan. Không nồng hắc, sặc sụa, không ngát tỏa quyến rũ như nhiều loài hoa khác, xoan thầm lặng khuếch tán một làn hương riêng, nhè nhẹ thôi, nhẹ lắm, chợt thoảng trong khí xuân, như chỉ để báo hiệu sự hiện diện của mình, rồi lại theo gió bay về đâu xa lắm. Đi dọc đường quê những ngày xuân, hương xoan dường như không thể thiếu trong cảm nhận của người làng tôi. Bởi thế, cô bác xóm mạc luôn mặc nhiên coi hương xoan chính là hương xuân vậy. “Tháng ba về xuân dần hơn một nửa/ Ngõ nhà mình tim tím những nhành xoan”, bỗng nhớ câu thơ của Nguyễn Thị Như Quỳnh, rất có thể thời khắc viết câu thơ ấy, chị chưa phải nhà thơ, nhưng chắc chắn là một người con gần gũi, gắn bó với quê hương tha thiết và yêu quý mái tranh nghèo mình sinh sống. Vì sao ư? Cá nhân tôi chủ quan khẳng định rằng, ngay cả các thi nhân danh tiếng xưa nay, nào đã mấy ai, hay nói đúng hơn, rất ít người, dám chọn xoan để miêu tả, tôn vinh, ngâm ngợi ! Vẻ đẹp, dẫu rất giản dị, khiêm nhường chỉ có thể được tái hiện, khúc xạ qua cảm xúc của tình yêu thương thực sự.

Mùa xuân đến, hoa xoan kết từng chùm trên cành như những vầng tú cầu bồng bềnh hoang dã, trắng mờ như sương khói và tím đến hoang hoải, hư thực. Và cho dù, mùa hoa xoan cũng qua đi rất nhanh như nó xuất hiện, nhưng nếu không có hoa xoan, thực sự ngày xuân trên đường quê như thiếu đi một cái gì gần gũi, thân thuộc, phiêu du lắm... Liệu có đến một ngày như thế không, khi tiến trình đô thị hóa đang tỏa ra chóng mặt khắp các miền quê cả nam và bắc bộ. Sắt thép, bê tông như đang xóa dần sự tồn tại của những rặng xoan quê hương?! Không nói đâu xa, ngay ở quê tôi, xưa ra ngõ gặp xoan là thế, nhưng bây giờ nếu ai đó muốn dựng nếp nhà, chỉ hai trái ba gian thôi, đều phải gọi mua gỗ từ các tỉnh xa, mà cũng nào đâu có gỗ xoan!

Tranh: Văn Ba

 Với riêng tôi, mỗi bận trở lại quê nhà vào đầu xuân, lại lâng lâng nỗi nhớ con đường ngõ xưa rải trắng tím hoa xoan, vô tình vuốt mái tóc, bàn tay cũng có thể vương một vài đài hoa xoan nhỏ nhắn, khiêm nhường và dễ thương đến nao lòng. Tôi nao lòng bởi, cũng một kiếp hoa, mà sao ngỡ như xoan mặc nhiên bị người đời quên lãng, thờ ơ. Cũng một kiếp hoa mà những đài, những đóa hoa li ti kia chỉ phó mặc cho gió, cho mưa và chấp nhận nát dí dưới chân người! Cuộc đời sao nghịch lý, những lan, ly, cúc, huệ, hồng, nhài.... dẫu hương có tỏa ngát, nhưng cũng chỉ đến khi rũ cánh lìa tàn là chấm dứt, lại thường được người đời tôn vinh, ca ngợi, còn hoa xoan - hoa của thứ cây có ích cho đời, gỗ xoan cho người dựng nhà làm cửa - đã chẳng hề được chút ái mộ, nâng niu, lại còn có cơ mất dần theo năm tháng!

Tết này, tôi vẫn chọn du xuân nơi quê hương, và nỗi nhớ hoa xoan càng dậy lên khi dạo qua đường làng. Ông cháu họ xưa không còn nữa, nhưng những câu chuyện về bạt ngàn những cây xoan trong vườn, ngoài ngõ năm nào cứ hiển hiện, ám ảnh trong tâm trí, như một niềm tiếc nuối khó nói nên lời! 

Lê Tấn Hiển

Ngày 20/12, Cơ quan CSĐT Công an  Đà Nẵng cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Huỳnh Thị Thanh Hiền (SN 1977, trú phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hiền được nhiều người biết như một “đại gia”, từng thành lập nhiều doanh nghiệp bất động sản và đầu tư một số dự án.

Trưa 20/11, Công an quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh tiếp tục phong tỏa hiện trường vụ cháy tại căn nhà 4 tầng vừa là nơi kinh doanh ăn uống vừa ngăn phòng cho thuê trên đường Xuân Hồng, phường 12, quận Tân Bình để làm rõ nguyên nhân. Vụ cháy khiến nhiều người bị ngạt khói phải chuyển vào bệnh viện cấp cứu, thông tin ban đầu có 2 người tử vong.

Nghe quảng cáo căng chỉ để nâng cao sống mũi, tạo dáng mũi thẳng và cao hơn, cô gái 25 tuổi, ở Hà Nội bị biến dạng thủng mũi sau 3 tháng làm đẹp ở cơ sở "chui". Gần đến Tết, nhu cầu làm đẹp gia tăng và nhiều người gặp biến chứng hoại tử khi thực hiện ở những cơ sở "chui".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文