Người trẻ kiệt sức vì “chạy deadline”

20:10 13/12/2024

Trong xã hội hiện đại, “deadline” không chỉ là một cụm từ quen thuộc mà còn trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người trẻ. Không ít người đã bị cuốn vào guồng quay của công việc, chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ, đến mức kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần, thậm chí có người phải nhập viện. Khoa học gọi đây là hội chứng “burn out” (cháy sạch). Đây là một thực trạng đáng báo động, phản ánh mặt trái của lối sống và làm việc quá tải mà người trẻ đang đối mặt.

Đừng để công việc trở thành nỗi ám ảnh

Đảm nhiệm nhiều công việc một lúc kèm theo áp lực dồn dập trong 2 tháng cuối năm khiến nhiều người trẻ căng thẳng, mệt mỏi. Nguyễn Thị Minh Hiền, 25 tuổi, một nhân viên sáng tạo nội dung ở Hà Nội chia sẻ: “Có những thời điểm mình nhận quá nhiều dự án cùng lúc. Để kịp tiến độ, mình đã phải làm việc từ sáng đến đêm, gần như không ăn uống đầy đủ hay nghỉ ngơi. Khoảng hơn một tuần trước, mình kiệt sức, chóng mặt, đau đầu liên tục. Khi đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán mình bị suy nhược cơ thể và rối loạn lo âu vì công việc quá áp lực.

Nhiều người trẻ đã phải làm việc không nghỉ để “chạy deadline”

Câu chuyện của Minh Hiền không phải là trường hợp hiếm gặp. Áp lực từ công việc, kết hợp với kỳ vọng cá nhân và sự cạnh tranh khốc liệt, đang khiến nhiều người trẻ rơi vào trạng thái mệt mỏi cực độ.

Tương tự, Phan Thành Lâm, 26 tuổi, một lập trình viên cho biết bước vào dịp cuối năm anh thường xuyên thức đến 1-2h sáng để chạy deadline. Có những dự án phức tạp, khối lượng công việc quá nhiều trong khi thời gian bàn giao gấp rút khiến việc phải thường xuyên thức xuyên đêm là điều khó tránh khỏi. Lâm cho biết: “Không chỉ căng thẳng vì công việc mà áp lực phải luôn học hỏi, cập nhật kiến thức mỗi ngày để không bị đào thải bởi sự thay đổi từng ngày của công nghệ khiến mình luôn bị rơi vào cảm giác bất an. Cả ngày lúc nào mình cũng chỉ ám ảnh công việc và công việc, điều đó đồng nghĩa mình ít có thời gian dành cho người thân và bạn bè”. Chính Lâm cũng phải thừa nhận, nhiều lúc mình cứ lơ ngơ như kẻ mất trí.

Đối với Lê Ngọc Khánh, 29 tuổi, nhân viên marketing của một công ty nước ngoài thì việc khóc mỗi lần chạy deadline lại trở thành chuyện “thường ngày ở huyện”. Bởi lẽ, không chỉ áp lực từ công việc mà Khánh còn tự tạo ra những áp lực cho chính bản thân mình như: luôn muốn là người hoàn thành công việc sớm nhất với thành tích xuất sắc nhất. Chính vì vậy nên Khánh luôn cố gắng không ngừng để chứng tỏ bản thân. Cô chia sẻ: “Mình nghĩ tuổi trẻ thì cần học hỏi, phấn đấu và chứng tỏ bản thân, đặt nền móng cho sự nghiệp”.

Tuy nhiên, đến những tháng cuối năm khối lượng công việc tăng và các dự án phức tạp hơn, Khánh bắt đầu gặp căng thẳng. Nhiều lần Khánh làm việc xuyên đêm để xử lý những yêu cầu khó của khách hàng. Dự án cũ, dự án mới chồng lên nhau, dồn dập đổ về. Sự mệt mỏi kéo dài khiến Khánh mất ngủ, không thể tập trung làm được việc vào buổi sáng, không còn động lực đi làm. Trước tình trạng này, Khánh đã phải đến gặp bác sĩ tâm lý. Tại đây, bác sĩ kết luận Khánh mắc hội chứng “burn out” nên cần phải nghiêm túc xác định rõ các ưu tiên và dành thời gian cho từng nhiệm vụ cụ thể. Phải học cách nói “không” khi cảm thấy không đủ khả năng hoặc thời gian để đảm nhiệm thêm công việc. Biết giới hạn của bản thân là cách để bảo vệ sức khỏe và hiệu quả làm việc lâu dài.

Hiện nay trên mạng xã hội rất nhiều bài đăng của các bạn trẻ chia sẻ về công việc của mình, với kế hoạch, mục tiêu và chặng đường mà họ đang đi tới trên hành trình đến đích của một năm, hay một giai đoạn. Trên trang facebook cá nhân, bạn Lê Hoàng Trang viết: “Lúc này mình chỉ ước có được một giấc ngủ trọn vẹn, không bị ám ảnh bởi khối công việc khổng lồ. Nhưng ước mơ cũng chỉ là mơ ước mà thôi”. Theo Trang chia sẻ thì hiện cô đang làm quản trị viên cho 5 website của 5 công ty khác nhau về các lĩnh vực: Logistics, du lịch, bảo vệ, thực phẩm, giáo dục trải nghiệm. Chính vì vậy luôn bận rộn, đặc biệt vào dịp cuối năm. Công việc chủ yếu của Trang là viết, biên tập, đăng bài lên website.

Bộ phim hoạt hình “Dull” của Nguyễn Minh Đức đã khắc họa đậm nét việc giới trẻ phải gồng mình để “chạy deadline”

Trang thường phải “tăng ca” vào buổi tối để xử lý hàng loạt bài, ảnh và đăng tải. Bên cạnh đó, cô còn phải tìm kiếm khách hàng, hướng dẫn, cũng như giám sát tiến độ công việc cho các cộng tác viên nhằm đảm bảo doanh số cho các công ty… “Mình đang rất chật vật khi vừa phải giải quyết các “deadline” hàng ngày. Bên cạnh đó lại “ôm” toàn bộ nội dung cho những ngày Noel, Tết Dương lịch tới đây, nên mình phải làm việc cật lực”, Trang cho biết.

Làm gì để không rơi vào cảm giác “cháy sạch”

Với sự phát triển của nền kinh tế số, người trẻ thường phải đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau. Họ dễ rơi vào trạng thái “ôm đồm” khi nhận quá nhiều nhiệm vụ cùng lúc, dẫn đến không thể quản lý thời gian hiệu quả. Ngoài ra áp lực cạnh tranh để khẳng định năng lực hoặc đạt được sự công nhận từ cấp trên, đồng nghiệp khiến nhiều người trẻ phải làm việc vượt quá sức chịu đựng của mình. Trong nhiều môi trường làm việc, tăng ca hoặc làm việc thâu đêm thường được coi là minh chứng cho sự chăm chỉ và cống hiến. Điều này vô tình thúc đẩy lối sống làm việc không lành mạnh. Bên cạnh đó thì cũng có không ít người trẻ thiếu kỹ năng lập kế hoạch và phân bổ thời gian hợp lý, dẫn đến việc nước đến chân mới nhảy, khiến mọi việc trở nên gấp gáp và căng thẳng hơn.

Burn out (cháy sạch) được xem là hội chứng chứ không được gọi là bệnh

Việc điên cuồng chạy deadline khiến nhiều người bị lâm vào tình trạng thiếu ngủ, bỏ bữa, và làm việc với cường độ lớn khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng. Các triệu chứng thường gặp bao gồm mệt mỏi, đau đầu, mất tập trung, và suy giảm hệ miễn dịch. Deadline dồn dập là nguyên nhân gây ra lo âu, căng thẳng, và thậm chí trầm cảm ở nhiều người trẻ. Họ thường xuyên cảm thấy bất an, hoảng loạn, hoặc sợ hãi khi không thể hoàn thành công việc đúng hạn. Đây chính là hội chứng “burn out”.

“Burn out” thường được dùng để diễn tả tình trạng bị kiệt sức cả về mặt cảm xúc, thể chất lẫn tinh thần vì luôn ở trong trạng thái căng thẳng kéo dài. “Burn out” thường xảy ra ở môi trường công sở là phần lớn và khiến năng suất lao động giảm rõ rệt.

Khi một người bị hội chứng “burn out” là khi người đó cảm thấy cơ thể dường như đã bị rút hết năng lượng, chịu áp lực, quá tải trong một thời gian dài và không thể đáp ứng được kỳ vọng của cấp trên. Điều này làm cho sự hứng thú trong công việc bị mất đi và mất hết động lực để tiếp tục công việc hiện tại.

Vì không chịu được áp lực công việc, nhiều người đã phải đến gặp bác sĩ xin tư vấn

“Burn out” ảnh hưởng đến người lao động ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt Gen Z. Một nghiên cứu toàn cầu của công ty nhân sự UKG tháng 10/2024 tiết lộ 83% nhân viên tuyến đầu (người trực tiếp làm việc với khách hàng) thuộc Gen Z bị kiệt sức. Trước đó, một cuộc khảo sát của web việc làm Indeed cho thấy, những người lao động thuộc thế hệ Millennials và Gen Z đang báo cáo tỷ lệ kiệt sức cao nhất, lần lượt là 59% và 58%.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Sơn Tùng, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết mỗi tháng có khoảng 8.000 người tới bệnh viện khám mắc các rối loạn tâm thần, tỷ lệ người trẻ (tuổi từ 18-35) chiếm khoảng 30%. Khá đông người bị mắc hội chứng burn out.

Theo ông Tùng, Gen Z có “bộ sưu tập” các tác nhân gây căng thẳng nhiều hơn các thế hệ trước. Sinh ra ở thời kỳ bùng nổ công nghệ, áp lực họ phải đối phó không chỉ với người trước mặt, mà với cả thế giới. Ví dụ thời xưa bắt nạt chỉ xảy ra khi học sinh đến trường; ngày nay bắt nạt xảy ra thường trực (cyber bully), khi chỉ cần một hình ảnh, tin nhắn là họ có thể bị tấn công trên mạng. Đem các hành trang đó vào môi trường công sở đã đặt áp lực ngày càng nhiều lên người trẻ.

Gen Z cũng lớn lên với rất nhiều áp lực phải đạt được thành tích cao, nhưng lại bắt đầu sự nghiệp trong bối cảnh hỗn loạn với sự thay đổi môi trường làm việc do đại dịch, sa thải, đóng băng tuyển dụng, mối đe dọa bị AI thay thế, đặc biệt mức thu nhập không cân xứng với chi phí ngày càng tăng.

Từ thực trạng ngày càng nhiều trường hợp người trẻ đột tử vì lối sống và làm việc quá sức về đêm, Nguyễn Minh Đức, sinh năm 2000 (Lâm Đồng) đã tái hiện việc “gồng mình” chạy “deadline” trong bộ phim hoạt hình 2D có tựa đề “Dull” như một lời cảnh tỉnh. Được biết, đây là đồ án tốt nghiệp của Nguyễn Minh Đức, sinh viên ngành Thiết kế truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Đây là một phim hoạt hình 2D ngắn kể về một cậu thanh niên làm việc cật lực tới kiệt sức và mất nhận thức giữa thực tại và ảo giác. Đoạn phim tái hiện áp lực cuộc sống đè nặng lên những người làm việc vì miếng cơm manh áo, nhất là những người làm việc với bàn giấy, máy tính cả ngày mà quên mất sức khỏe, cuộc sống của bản thân. Chính Minh Đức cũng phải “chạy deadline” để hoàn thành bộ phim hoạt hình ngắn này.

Ý thức được bản thân đang bị “burn out”, những người trẻ nên chủ động giải thoát mình khỏi hội chứng này bằng một số phương pháp như: Tìm đến công việc yêu thích hoặc đón nhận công việc một cách tích cực hơn. Nếu cảm thấy kiệt quệ kể cả thể xác lẫn tinh thần với công việc hiện tại thì tốt nhất nên từ bỏ công việc này để tìm một công việc mà bạn yêu thích. Ngoài ra, nếu cảm thấy chán ghét công việc, bạn cũng có thể tìm đến những thú vui của bản thân hay tìm kiếm ý nghĩa và sự hài lòng từ người khác để cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Để cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn chính là cách tốt nhất để thoát khỏi cảm giác kiệt sức vì công việc. Vì thế, nếu cảm thấy bản thân đang bị “burn out”, hãy xin nghỉ phép tạm thời một, hai hôm hoặc dùng số phép năm của mình để rời khỏi công việc một thời gian để thêm năng lượng bằng cách đi du lịch, tập yoga...

Đến nay, “burn out” vẫn chỉ được xem là một hội chứng tâm lý chứ không được gọi là bệnh. Chỉ cần chúng ta biết cách dung hòa cuộc sống với công việc một cách khoa học thì hoàn toàn có thể hạn chế được tình trạng “burn out”.

Thực tế, “Deadline” là một phần không thể tránh khỏi trong công việc, nhưng cách chúng ta đối mặt với nó sẽ quyết định chất lượng cuộc sống. Người trẻ cần học cách cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, biết đặt giới hạn cho bản thân để tránh rơi vào tình trạng “burn out”. Hãy nhớ rằng sức khỏe là tài sản quý giá nhất, và không “deadline” nào đáng để đánh đổi bằng cả thể chất lẫn tinh thần của chính mình.

Phong Anh

Liên quan vụ sạt lở đất đá tại một cung đoạn ở đèo Khánh Lê trên tuyến đường quốc lộ 27C nối Nha Trang (Khánh Hòa) với Đà Lạt (Lâm Đồng) như Báo CAND đã thông tin, đến 17h30' chiều nay 15/12, công tác khắc phục hậu quả vẫn còn đang được triển khai nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

Nói đến đặc công nước là nhắc đến một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ đã đi vào huyền thoại với lối đánh thủy chiến truyền thống và độc đáo. Để trở thành những chiến sĩ đặc công nước “đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”, CBCS Lữ đoàn Đặc công nước 5 luôn phải đối mặt với hiểm nguy.

Trong xã hội hiện đại, “deadline” không chỉ là một cụm từ quen thuộc mà còn trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người trẻ. Không ít người đã bị cuốn vào guồng quay của công việc, chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ, đến mức kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần, thậm chí có người phải nhập viện. Khoa học gọi đây là hội chứng “burn out” (cháy sạch). Đây là một thực trạng đáng báo động, phản ánh mặt trái của lối sống và làm việc quá tải mà người trẻ đang đối mặt.

Ngày 15/12, Công an huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) vừa phối hợp các lực lượng chức năng bắt giữ thành công 1 đối tượng quốc tịch Lào, thu giữ 18.000 viên ma túy tổng hợp sau 2 ngày đầu ra quân thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Những hạn chế, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội là vấn đề đã khiến nghị trường Quốc hội “nóng” lên tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV vừa qua. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua Nghị quyết về "Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội".

Đảng ủy, Ban Biên tập cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ, phóng viên, nhân viên Báo CAND xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới đồng chí Đặng Thị Huyền cùng gia đình. 

Ngày 15/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam về tội danh “Cố ý gây thương tích” đối với Võ Duy Khang (SN 2005, trú ở xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định thu hồi không có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của Công ty TNHH Security 24 (địa chỉ trụ sở tại số 238 Nguyễn Duy Hiệu, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) do ông Trịnh Đình Khoa, SN 1973 ở thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định đứng tên làm Giám đốc.

Nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an huyện Sông Hinh (Phú Yên) ngày 15/12 cho biết, vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam về tội danh “Đe dọa giết người” đối với  Nguyễn Duy Tân (SN 1994, trú khu phố Bắc Lý, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên).

Ngày 15/12, lễ hội Nhô Lir Bong (mừng lúa mới) của người Cơ Ho S’re tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã được phục dựng, tái hiện trong sự hân hoan của hàng trăm người đến từ các dân tộc anh em chung sống thuận hòa trên cao nguyên Di Linh, nhân dịp Festival hoa Đà Lạt lần thứ 10 năm 2024.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文