Nhạc trẻ và nhóm nhạc Việt: Những lỗ hổng chưa thể lấp đầy
Thị trường âm nhạc Việt đang chứng kiến sự đổ bộ mạnh mẽ với màu sắc tươi mới, sôi động của thế hệ gen Z. Nhưng đó không phải là câu chuyện của các nhóm nhạc. Nhiều năm qua, các nhóm nhạc Việt từ thế hệ gen Y đến gen Z vẫn chưa thoát khỏi tình trạng sớm nở tối tàn, câu chuyện hợp – tan đã trở nên quá quen thuộc.
Ngoài câu chuyện tiền tài và danh vọng, thì hoạt động nhóm nhạc thành công luôn là mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh tổng thể của một nền âm nhạc phát triển. Vậy các nhóm nhạc Việt thì sao?
Sớm nở, tối tàn
Theo khảo sát, hành trình từ khi ra mắt đến lúc tan rã của nhiều nhóm nhạc Việt trong những năm gần đây, sẽ thấy không có nhóm nào tồn tại quá 6 năm. Nhóm nhạc nổi bật và để lại dấu ấn rõ nét trong hành trình tồn tại là nhóm 365 cũng chỉ kéo dài chưa đến 6 năm (2010 - 2016), MONSTAR với 5 năm (2016 - 2021), V.Music 4 năm (2010 - 2014), LIME 4 năm (2015 - 2019)…
Đó còn chưa kể đến không ít nhóm nhạc còn chưa kịp tạo dấu ấn hay khiến công chúng “nhớ mặt đặt tên” đã vội tan. Tháng 3-2022, nhóm D1Verse bất ngờ tuyên bố tan rã sau 2 năm hoạt động tĩnh lặng. Đại diện D1Verse cho biết, họ đã chờ đợi và cố gắng suốt 2 năm qua nhưng công ty quản lý của Hàn Quốc RBW (quản lý nhóm nhạc Mamamoo) đã thông báo họ phải dừng lại vì không thể tiếp tục hoạt động. Hay như T.A.S - nhóm nhạc nam được giới thiệu khi ra mắt “với cách đào tạo và hoạt động theo phong cách chuẩn Hàn Quốc” tan rã khi chỉ mới ra mắt 1 MV; YounQ - nhóm nhạc tự nhận là “SNSD phiên bản Việt” ra mắt được 3 MV nhưng đến nay chỉ còn là dĩ vãng. Nhóm nhạc SGO48 được đào tạo theo hình mẫu của nhóm nhạc nổi tiếng Nhật Bản AKB48 - tồn tại được lâu hơn, trong khoảng 3 năm, phát hành được 4 MV. Nhưng các sản phẩm này đều không gây được chú ý. Cuối cùng, tháng 12-2021, nhóm tuyên bố tan rã.
Trong khi đó, chương trình tìm kiếm tài năng Rock Việt mùa đầu tiên có sự tham gia của 20 ban nhạc tranh tài diễn ra vào đầu năm nay dường như cũng chưa là bệ phóng cho các tài năng. Kết thúc cuộc thi, các nhóm chưa có hoạt động nào nổi bật, ngay cả với nhóm Metanoia giành ngôi quán quân – dù đã có đêm nhạc rock biểu diễn cùng Bức Tường tại TP. Hồ Chí Minh với hơn 5.000 khán giả.
Trong một diễn biến khác, dòng chảy Indie, Underground lại chứng kiến sự bền bỉ của Chillies, Cá Hồi Hoang, Ngọt, Da Lab, The Cassette... Điển hình là Da LAB với 15 năm tồn tại. Hơn 10 năm qua, Da LAB đã mang đến rất nhiều sáng tác để đời cho giới Underground, trong đó phải kể đến một loạt hit như: “Một nhà”, “Hà Nội giờ tan tầm”, “Đi đi về về”, “Thanh xuân”, “Từ ngày em đến”… Nhạc của Da LAB không quá hoa mỹ mà mang một chất liệu rất thực, rất đời. Các sáng tác lấy cảm hứng từ tất cả những điều gần gũi, mộc mạc nhất quanh mình. Đó có thể là một tình yêu chân thật, là cảm giác bế tắc trước cuộc sống, đó cũng có thể là vấn đề nhức nhối của xã hội, những luồng suy nghĩ vô cảm, thờ ơ của người đời…
Ngọt cũng là nhóm nhạc được nhắc tới nhiều không kém. Những bản nhạc của Ngọt thậm chí còn liên tục lọt top thịnh hành trên các nền tảng phát hành bằng những sắc màu dành cho tuổi thanh xuân tươi đẹp qua các ca khúc: “Xin cho tôi”, “Em dạo này”, “Cho”, “Kho báu”,… Từ một ban nhạc mới mẻ thường biểu diễn tại các quán cà phê tại Hà Nội, 4 chàng trai của Ngọt nhanh chóng xâm chiếm các đêm diễn, liveshow trên khắp mọi miền đất nước. Tương tự, Cá Hồi Hoang đến nay vẫn được coi là nhóm nhạc khiến giới trẻ Sài thành “phát cuồng” các sản phẩm như: “Giấc mơ giấy” (2016), “Gấp” (2017), “Có cần phải có lý không” (2018), “Tầng thượng 102”, “Có thể”, “Điền vào ô trống”, “Hết mực”…
Trong một bức tranh nhiều mảng sáng tối, khi các nhóm nhạc được đào tạo theo mô hình Kpop, Jpop… hợp rồi tan, một số cá nhân sau khi rời nhóm được chú ý hơn, nhưng cũng có người kém may mắn, mất hút khỏi thị trường. Công thức chung để tồn tại vẫn là dấu hỏi lớn cho các ban nhạc Việt.
Vẫn chỉ là giấc mơ?
Nhìn được cơ hội từ nền âm nhạc Hàn Quốc, Nhật Bản… những nhân vật “sừng sỏ” trong showbiz như Ông Cao Thắng – Đông Nhi, Ngô Thanh Vân, Tăng Nhật Tuệ từng đổ xô tạo dựng và lăng-xê các nhóm nhạc Việt theo hướng “Kpop hóa”. Song, khi chứng kiến hàng loạt nhóm nhạc “dứt áo ra đi”, Ông Cao Thắng cũng phải thừa nhận, ở thị trường nhạc Việt việc chi tiêu cho một nhóm nhạc là quá tốn kém và phức tạp. Việc nuôi cả một bộ máy cồng kềnh từ quản lý nhóm nhạc, tổ chức ăn uống, tập luyện, đi lại, mua sắm phục trang... tốn kém hơn rất nhiều so với một ca sĩ solo. “Ông bầu” của nhóm Lip B, Uni5 từng khẳng định, nguyên nhân lớn khiến nhóm nhạc tan rã là vì số vốn đầu tư cho nhóm hoạt động cao gấp nhiều lần so với khoản thu về.
Đồng quan điểm, “bà bầu” Ngô Thanh Vân - cựu quản lý của nhóm nhạc 365 phải thừa nhận, so với thị trường các nước châu Á thì nhóm nhạc ở Việt Nam khó sống hơn so với ca sĩ solo (đơn lẻ). Chi phí đào tạo và duy trì nhóm cao nhưng cát-xê lại không cao hơn ca sĩ solo. Đó cũng là một lý do mà sau 5 năm hoạt động tích cực, nhóm 365 vẫn rã đám để các thành viên theo đuổi con đường solo (ca hát, đóng phim, làm MC, VJ, viết sách)... Từ kinh nghiệm của bản thân, cựu thành viên nhóm 365 cũng chia sẻ, phát triển riêng lẻ là hợp lý, bởi mô hình nhóm nhạc thuần túy (chỉ ca hát) ở Việt Nam hiện nay không mấy được ưa chuộng. Trong khi ca sĩ solo chỉ cần bước ra từ các chương trình thi tài năng trên truyền hình, hay cover ca khúc hit tung lên mạng nhận được lượt xem cao là đã có thể khởi đầu sự nghiệp ca hát. Còn tham gia nhóm hát thì cần phải có thời gian đào tạo theo công thức tối thiểu là 2 năm. Ngoài ra, không phải công ty nào của làng nhạc Việt cũng có tiềm lực tài chính đủ mạnh để theo đuổi cuộc chơi đầy rủi ro trong việc đào tạo nhóm nhạc trẻ theo mô hình Kpop.
Ở chiều ngược lại, không ngoa khi nói, Kpop vẫn chỉ là giấc mộng đêm hè đối với nhóm nhạc Việt. Sở dĩ làn sóng Kpop bùng nổ các nhóm nhạc khi họ sở hữu tiềm lực vững vàng về mọi mặt. Các nhóm nhạc như Black Pink, EXO, BTS của nhà SM, YG, JYP… đều được đưa vào một môi trường khắc nghiệt để rèn luyện từ khi là những thanh thiếu niên. Khi đã chấp nhận trở thành ca sĩ thần tượng, các ca sĩ phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản trong hợp đồng và định hướng của công ty. Những bản hợp đồng từ 5 đến 7 năm với những ràng buộc khắt khe sẽ làm cho các thành viên nghiêm túc hơn trong việc hoạt động của mình. Những ca sĩ tự ý tách nhóm như Luhan, Tao, Kris (tách ra từ EXO) hay JYJ (tách từ DBSK) sẽ phải chịu nhiều sự chỉ trích từ dư luận cũng như nhận “hình phạt” từ các ông lớn và nhà đài. Trong khi đó, các ca sĩ Việt dễ dàng hơn trong việc tách nhóm như Gil Lê tách ra khỏi X5 sau một năm hoạt động không hiệu quả hay Kelvin Khánh của La Thăng không phải chịu bất kỳ khó khăn nào khi ra hát solo.
Với những nhóm nhạc Indie, Underground sẽ có tuổi thọ dài hơn, nhưng các thành viên cũng phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” tính kế để duy trì nhóm. Anh Trần Minh Phương, đại diện nhóm Da LAB thừa nhận, khán giả trước nay biết và yêu thích nhóm qua âm nhạc, nên điều họ chú trọng vẫn là chuyên môn để đi đường dài. Nhưng làm sao để âm nhạc tiếp cận khán giả dễ dàng và được họ đón nhận luôn là bài toán khó. Hay như Cá Hồi Hoang, trước khi có chỗ đứng vững như hiện nay, nhóm từng tan rã một lần sau năm năm hoạt động. Thời điểm đó chỉ còn Thành Luke và Nguyễn Thanh Minh. Sau đó, nhóm bổ sung thêm Bùi Khắc Đạt. Theo thành viên của nhóm, năm 2017, thời điểm tăm tối nhất vì không xác định được hướng đi, nhóm từng có ý định tan rã lần hai, nhưng sau khi ra mắt album thứ ba – “Gấp” và chuỗi đêm nhạc Gap tour, nhóm được khán giả đón nhận nhiều hơn, và bắt đầu tìm được hướng đi phù hợp.
Để nói về công thức tồn tại chung của các nhóm nhạc Indie, Underground, có lẽ yếu tố quan trọng nhất vẫn là âm nhạc và kinh tế. Điểm chung của Cá Hồi Hoang, Ngọt, Da Lab, The Cassette… là những nhóm nhạc độc lập, hầu hết các thành viên đều không sống bằng âm nhạc, không coi hoạt động âm nhạc là phương thức để mưu sinh mà là đam mê, sở thích cá nhân. Họ quyết liệt nhưng cuộc dấn thân không mang tính sống còn như những thực tập sinh tại các công ty quản lý. Thành viên các nhóm nhạc này luôn có công việc ổn định, họ có thể là kỹ sư, bác sĩ, kiến trúc sư... Và, khi “cơm áo không đùa với khách thơ”, họ có thể mưu sinh chính bằng những công việc của mình để nuôi giấc mơ âm nhạc. Như Thanh Minh và Khắc Đạt của Cá Hồi Hoang tiết lộ, nếu nhóm tan rã, cả hai sẽ tiếp tục công việc của mình là một bác sĩ da liễu và một nhà thiết kế.
Nhóm nhạc Việt cần nhiều hơn thế
Giới chuyên môn và cả khán giả bàn nhiều về chuyện buồn của nhóm nhạc Việt, và cả tương lai khó đoán cho nhóm nhạc ở thị trường hiện nay. Để giải được bài toán giữ chân khán giả, chắc chắn việc định hướng và hoạt động của các nhóm nhạc khó khăn hơn rất nhiều so với các nghệ sĩ solo. Phần đông giới chuyên môn đều thừa nhận, có rất nhiều thách thức để tồn tại, song yếu tố quyết định vẫn là làm sao đưa âm nhạc tới nhiều người nghe hơn và phát triển hơn nữa cộng đồng nghe nhạc của mình.
Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, một ban nhạc muốn thành công phải có những sản phẩm hấp dẫn, hoàn hảo, sau đó là chiến lược tiếp cận công chúng (PR). Muốn có điều đó, không có cách nào là họ phải dành thời gian, tâm huyết với âm nhạc. Bởi thế, điều quan trọng của các ban nhạc hiện nay là phải có thời gian dành cho âm nhạc, có trau dồi, tập luyện. Họ phải chấp nhận đánh đổi các công việc khác, dành toàn tâm toàn ý cho âm nhạc mới có thể mong có được thành công.
Ở góc độ nghệ sĩ, đại diện ban nhạc The Cassette thừa nhận, để có chỗ đứng trong thị trường âm nhạc hiện nay không hề dễ, cần rất nhiều yếu tố và nhóm đã trải qua nhiều thử thách để có thể tồn tại được đến bây giờ. Đặc biệt, khi thị trường âm nhạc trải qua rất nhiều thay đổi, ảnh hưởng ở từng giai đoạn, nhóm nhạc Việt cần nhiều hơn thế.
“Ngoài vấn đề chuyên môn âm nhạc, nhóm cũng tìm hiểu kỹ thị trường bên ngoài. Khi thị hiếu thưởng thức âm nhạc khán giả ngày càng cao thì sản phẩm âm nhạc mới là yếu tố quyết định thành công của ca sĩ, nhóm nhạc. Đây là điều mà các công ty quản lý âm nhạc cần xác định và có định hướng đúng đắn khi đặt nền móng xây dựng nhóm. Để trụ được lại thị trường nhạc Việt hiện tại, phải có sự định hướng, chất lượng sản phẩm, đặc biệt quan trọng nhất là sự khác biệt, là bản sắc”, đại diện The Cassette bày tỏ.
Nói vậy để thấy rằng, không chỉ những người chơi nhạc Việt đang có những cái nhìn và hướng đi mới mẻ, sáng tạo, mà khán giả Việt Nam thời điểm này đã rất cởi mở trong việc tiếp cận các loại hình nhạc độc – lạ. Chẳng vậy mà giữa những xa hoa lộng lẫy, giữa sự pha trộn văn hóa “lai căng” thiếu bản sắc dân tộc, Ngọt Band, Cá Hồi Hoang hay Da LAB… với thứ âm nhạc mộc mạc, dễ cảm đương nhiên trở thành “của hiếm có khó tìm”.