Nhớ một cái tết tuổi thơ

20:48 07/02/2024

Nếu tạm coi tuổi thơ tính từ cữ lên năm cho đến mười lăm tuổi, thì chí ít mỗi người chúng ta cũng đã trải qua chừng mươi cái tết thời niên thiếu. Ôi những năm thơ bé, mỗi độ tết đến mới háo hức làm sao. Được nghỉ học, được mặc quần áo mới, chạy nhảy vui chơi thỏa thích, lại được bố mẹ dắt đến nhà ông bà, cô dì chú bác, bạn bè đồng nghiệp… Đến nhà ai cũng được mừng tuổi, toàn những tờ tiền mới tinh, bảo sao mà không thích chứ. Cho dù ngày ấy nào đã mấy đứa biết tiêu tiền đâu.

Kỳ lạ là những ngày giáp tết, với người lớn, chắc chỉ chạy ngược chạy xuôi mua sắm, bày biện ban thờ, lo nồi bánh chưng và mâm cơm lễ tất niên, mồng một… Nhưng dưới con mắt lũ nhóc chúng tôi, không khí của tiết xuân sao bỗng khác thường đến bất ngờ và kỳ diệu làm vậy. Ừ thì đường làng ngõ xóm được nhà nhà quét dọn sạch sẽ, phong quang hơn đã đành, nhưng bầu trời như cũng cao xanh hơn, không gian trong sáng hơn, khiến đống rơm, gốc mít, ngọn cau, hàng xoan, cây gạo đầu dốc… tất cả dường như rõ nét lạ lùng.

Đấy là năm còn ở quê. Sau cả nhà theo bố chuyển ra thành phố, tôi cũng vừa học hết cấp một, nghĩa là vẫn còn trẻ con, thì cái tết đáng nhớ nhất với tôi chính là một cái tết của những năm đất nước vẫn còn chiến tranh.

Mùa vui. Ảnh: Đỗ Thành Trung.

Những năm ấy, cả miền Bắc còn “thắt lưng buộc bụng” thực hiện khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến” nên mọi thứ lương thực, thực phẩm, từ gạo, dầu, thịt, rau… đến cả mét vải, hạt muối đều phải mua theo tem phiếu. Tết đến, mỗi hộ gia đình được mua một “túi hàng tết”, bên trong có hộp mứt, gói chè, bao thuốc, miếng bóng bì và một gói hạt tiêu, một gói mì chính chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, mỏng dính. Rồi theo “sổ gạo” (nghĩa là cuốn sổ để mua gạo hàng tháng) mỗi nhà được mua thêm cân gạo nếp, lạng đậu xanh để gói bánh chưng. Tiêu chuẩn thịt tết cũng được tăng thêm vài lạng, nửa cân tùy theo số nhân khẩu, tuy ít nhưng đủ cho mọi nhà đều có tết. Gia đình nào có điều kiện hơn thì mua thêm các thứ ngoài “chợ đen” - tên gọi của thị trường tư thương tự do. Tóm lại, dẫu tùng tiệm, chắt chiu và eo hẹp, song nhà nhà đều tất bật, bận rộn chuẩn bị cho một cái tết tạm gọi đủ đầy.

Ngày hăm ba, gọi là tết “ông Công ông Táo”, mẹ tôi rửa lá dong ở sân trong, để chuẩn bị nồi bánh chưng, cũng chẳng nhiều nhặn gì, chỉ năm, sáu cái. Nhớ ngày ấy, có nhà gói đến hơn chục cái bánh chưng, được coi là giàu nhất phố. Bố tôi lau dọn ban thờ, cắm hoa tươi, bày mâm ngũ quả. Gọi là mâm nhưng chỉ là cái đĩa nhỏ, đặt vừa nải chuối và quất, táo, cam, ớt, mỗi thứ dăm quả, đầy dặn, màu sắc và trịnh trọng. Tôi được giao nhiệm vụ đánh bóng mấy chân nến và cái lư bằng đồng, công việc này thường của người lớn, và hình như cả năm mới thực hiện một lần, nên tôi coi đó là trọng trách và làm rất hồ hởi. Được cái, vỉa hè ngay xế cửa nhà có cái máy nước công cộng, nên tôi mang cả lư, nến và giẻ lau ra cửa, hì hục đánh, mài. Hai tay cầm hai đầu khăn co kéo, y như động tác của mấy người đánh giày rong vậy.

- Đánh thế thì bao giờ mới bóng được? - Chợt có tiếng ai đó ngay trước mặt.

Tôi ngẩng lên. Một người mặc quân phục bộ đội, lưng đeo ba lô, mũ có sao và quân hàm đỏ tươi trên ve áo.

- Ôi, cậu Thứ! Cậu được về phép tết ạ… Cậu vào nhà đi, chắc bố mẹ cháu mừng lắm đấy…

Tôi bàng hoàng vui sướng nhận ra ông cậu, người mà từ ngày nhập ngũ, bố mẹ vẫn luôn nhắc đến sau mỗi lần hiếm hoi nhận thư cậu. Tôi toan bỏ dở việc để dẫn cậu vào nhà, thì cậu Thứ bảo:

- Đánh giày phải có “si”, còn đánh đồ đồng thì phải có cát mới sáng, bóng được. Cháu cứ làm tiếp đi, cậu đi kiếm nắm cát cho… Nhiệm vụ phải hoàn thành đã rồi mới được nghỉ chứ…

Nói rồi cậu tôi quay đi, cứ như thể đã biết rõ sẽ lấy cát ở đâu vậy. Quả nhiên, chỉ lát sau cậu đã trở lại với gói cát nhỏ, tháo ba lô đặt xuống hè, xắn tay áo cùng tôi “thực thi nhiệm vụ”. Vừa làm cậu vừa hướng dẫn “phải cho nước để cát ướt, đánh mới tác dụng. Làm bất cứ việc gì mà không có phương pháp, hiệu quả sẽ rất kém”…

Mẹ tôi có bốn chị em, chỉ duy nhất mỗi cậu út là con trai. Ông ngoại tôi là sĩ quan cao cấp quân đội. Xét về tiêu chuẩn hoàn cảnh và ảnh hưởng của ông, cậu tôi không trong diện phải nhập ngũ. Nhưng đợt tổng động viên, cậu nhất quyết tình nguyện tòng quân, gia đình ai can ngăn thế nào cũng không được. Thấy mọi người khuyên gắt quá, cậu bảo: “Đất nước có chiến tranh,  không có lý do nào hợp lý để thằng con trai từ chối ra chiến trường cả!”. Ngày tiễn cậu lên đường, mẹ tôi và các dì không kìm được nước mắt vòng quanh, ông ngoại tôi nghiêm nghị mắng: “Ai khóc thì về, chớ ra đây làm gì! Đừng để người đi phải bịn rịn, bi lụy trong buổi chia tay. Là người lính, tôi biết rất rõ, mọi hình ảnh của giây phút này sẽ in đậm trong hồi ức của họ cho đến cuối đời…

Vậy là, tết năm ấy thực sự là cái tết đoàn tụ, mâm cơm cả nhà tôi có thêm “chú bộ đội”, không khí gia đình vui đón xuân như chưa từng vui như thế. Và với riêng tôi, suốt bấy nhiêu ngày tết, đi đâu cậu Thứ cũng dắt tôi theo.

… Rồi mấy ngày tết cũng qua nhanh. Hôm cậu Thứ khoác ba lô trở lại đơn vị, cả nhà tôi tiễn cậu ra ga tàu hỏa. Ông ngoại tôi cũng đi, ông mặc bộ quân phục, gắn quân hàm đàng hoàng và trịnh trọng. Lúc tiếng còi từ đầu tàu hơi nước rúc lên, tôi thấy ông lén quay đi, tháo cặp kính trắng, rút khăn tay thấm thấm đuôi mắt…

………

Cho đến bây giờ, đã mấy chục năm, tính từ cái tết ấy. Nhưng với riêng tôi, đó là một cái tết không thể nào quên của tuổi thơ. Chẳng phải vì được nhiều tiền mừng tuổi, được thức trông nồi bánh chưng, được cho nhiều quà và đi chụp ảnh… mà vì cậu Thứ của tôi không còn nữa. Cậu đã hy sinh tại mặt trận Quảng Trị vào “mùa hè đỏ lửa” ác liệt nhất.

Tết là dịp để mọi gia đình sum họp. Đầu xuân nào gia đình tôi cũng tới nhà bia liệt sĩ của phường thắp hương tưởng nhớ. Trước tấm bia có khắc tên cậu Thứ và nhiều liệt sĩ nữa, tôi luôn nhắc dạy các con: Hãy luôn nhớ, chính sự hy sinh của ông và biết bao đồng đội khác đã mang lại mùa xuân đoàn tụ cho chúng ta hôm nay!

Lê Tấn Hiển

Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh Bình Phước cho biết, sau 1 ngày nỗ lực tìm kiếm, khoảng 9h55 ngày 16/2 đã được tìm thấy thi thể nạn nhân bị nước cuốn trôi trên sông Đồng Nai địa phận thôn 2, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Lực lượng CSGT Hà Nội sẽ tăng cường sử dụng hệ thống camera giám sát để phát hiện, xử lý vi phạm và giải quyết các sự cố giao thông. Các hành vi như vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, dừng đỗ sai quy định sẽ được ghi nhận và xử lý theo hình thức trực tiếp hoặc “phạt nguội”. 

Bữa tiệc âm nhạc sang trọng được mong đợi nhất hành tinh mang tên Grammy lần thứ 67 vừa diễn ra tại Los Angeles (California, Mỹ) vào những ngày đầu năm 2025. Bên cạnh những chiếc vương miện lấp lánh được trao cho các nghệ sĩ xứng đáng với những nỗ lực cống hiến thành công trong sự nghiệp âm nhạc thì vẫn có những nghệ sĩ dày mặt lợi dụng thảm đỏ, dùng chiêu trò để quảng bá tên tuổi của mình.

Thông tư số 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định về dạy thêm, học thêm đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận xã hội. Nhiều ý kiến ủng hộ tinh thần của Thông tư khi đưa việc dạy thêm, học thêm trở về đúng nghĩa tự nguyện, hướng tới việc không cần dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Ngày 16/2, Công an tỉnh Phú Thọ thông tin đã phát hiện và đấu tranh xử lý đối với 3 hội nhóm zalo với 2.714 thành viên có hoạt động báo chốt lực lượng CSGT trên địa bàn tỉnh

Vào lúc 0h40’ rạng sáng 16/2, Tổ công tác số 9 của Công an tỉnh Bắc Giang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát an ninh, trật tự đã kịp thời phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Lục Nam giúp đỡ, hỗ trợ các nạn nhân bị nạn đi cấp cứu.

Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 15/2 phàn nàn rằng dự thảo thỏa thuận khoáng sản với Washington không bao gồm các điều khoản an ninh mà Kiev cần, thậm chí, một số nguồn tin còn cho biết Mỹ đã đề xuất nắm quyền sở hữu 50% khoáng sản quan trọng của Ukraine.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文