Phía sau những phiên livestream bạc tỉ
Livestreams trên TikTok đang trở thành kênh bán hàng hấp dẫn, thu hút doanh thu khủng. Để tăng doanh số bán hàng, cũng như nhận được nhiều lời mời hợp tác, các Tiktoker đã không ngần ngại đua nhau khoe doanh thu bán hàng từ vài tỉ đến cả trăm tỉ đồng. Thế nhưng thực chất doanh thu có khủng đến mức đó hay không và hệ lụy từ những phiên Megalive mới là điều đáng suy ngẫm.
Những phiên livestream khủng
Livestream bán hàng trên TikTok không phải mới. Không chỉ TikTok mà khắp các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube… hoạt động livestream diễn ra rầm rộ. Thậm chí ngay cả các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada cũng đẩy mạnh hoạt động này để giành giật thị phần với TikTok. Thế nhưng hiện nay, trào lưu livestream khoe doanh thu khủng đã và đang tạo nên một xu hướng nổi bật trên nền tảng TikTok (hay còn gọi là hiệu ứng domino) với những người bán hàng.
Khoảng từ giữa năm 2023 đến nay, những người tham gia mạng xã hội TikTok không còn xa lạ với những phiên livestream được đầu tư bài bản và chiến dịch truyền thông rầm rộ. Với sự xuất hiện của những người nổi tiếng, ca sĩ, diễn viên, những “chiến thần” livestream… trong các phiên livestream đã giúp lượt xem và mua tăng lên đáng kể.
Ngày càng xuất hiện nhiều phiên livestream bán hàng quy mô lớn trên TikTok hay còn gọi là Megalive, với doanh số đạt được mỗi phiên từ vài chục đến cả trăm tỉ đồng, tương đương doanh thu của một công ty trong 1 năm. Đơn cử như Phạm Thoại - Tiktoker này liên tục được tung hô là có doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng chỉ trong vài giờ đồng hồ livestream. Trong tháng 4 vừa rồi, KOL Phạm Thoại cũng vừa hoàn thành phiên live cán mốc 50 tỷ đồng sau 24 giờ livestream.
Hiện người dùng không còn xa lạ với cái tên Quyền Leo, hay “chiến thần” livestream Võ Hà Linh. Theo đó, kênh TikTok của Quyền Leo có tên Quyền Leo Daily từng đăng tải thông tin doanh thu phiên livestream kéo dài 17 giờ đồng hồ với trung bình hơn 30.000 người xem là 100 tỷ đồng. Với con số 100 tỷ đồng doanh thu, Quyền Leo đã tự phá kỷ lục phiên livestream bán hàng 75 tỷ đồng của kênh mình được thiết lập.
Chưa dừng lại ở đó, TikToker này tiếp tục tổ chức phiên Megalive ngày 5/6 với mục tiêu doanh số lên đến 150 tỉ đồng và hứa hẹn tặng quà khủng như ôtô, 100 máy tính bảng cho khách hàng đăng ký sự kiện và tham gia phiên bán hàng. Sau 40 giờ lên sóng ròng rã, livestream kết thúc với doanh số khoảng 80 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với mục tiêu nhưng cũng không phải là con số nhỏ.
“Chiến thần” livestream Võ Hà Linh cũng có phiên bán hàng bùng nổ. Với lượng người xem lên đến 130.000 người, chỉ sau 1 tiếng 45 phút livestream, Võ Hà Linh đã đạt 85% doanh thu cam kết với các nhãn hàng, nên phiên livestream có thể kết thúc sớm hơn so với dự kiến.
Trước đó, Võ Hà Linh cũng đã có phiên livestream lập kỷ lục khi có tới 58.000 người mua hàng cùng lúc, đạt doanh thu 1,5 triệu USD, đồng thời khiến TikTok Shop Đông Nam Á “sập”.
Hệ lụy khó lường
Những con số triệu đô của các phiên livestream khủng đã thu hút sự nhập cuộc của không ít người nổi tiếng khác. Dư luận choáng váng với những màn ăn mừng hoành tráng của các TikToker khi đăng tải hình ảnh màn hình ghi nhận doanh thu hàng tỷ đến trăm tỷ đồng trên trang cá nhân cũng như trên báo chí, truyền thông.
Trước những kết quả này, không ít người bày tỏ sự nghi ngờ rằng đây là những con số ảo, được thổi phồng lên bởi chính chủ và truyền thông. Các nghi vấn đơn ảo, chiêu trò marketing… được đặt ra ngày càng nhiều. Chưa kể, việc các nhãn hàng cam kết giá trên phiên live là độc quyền và rẻ nhất, lại còn được tài trợ voucher giảm giá, miễn phí vận chuyển… đã đặt ra vấn đề về bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh không chỉ với các thương hiệu, nhà bán lẻ khác mà cạnh tranh ngay với chính đại lý của các nhãn hàng trong phiên livestream?
Dù không thể phủ nhận đằng sau những phiên live mang lại doanh số “khủng” là công sức của ekip bài bản, với chiến lược truyền thông rõ ràng, nhưng yếu tố cốt lõi có thể níu giữ người dùng “chốt đơn” vẫn là mức giá. Những chủ kênh TikTok này không cần đăng ký kinh doanh, cũng không cần nhập hàng về bán như đại lý mà sẽ làm trung gian giới thiệu sản phẩm của nhãn hàng đến người mua (hay còn gọi là tiếp thị liên kết), sau đó nhận hoa hồng từ phần trăm tổng doanh số bán được. Nhiều người đã chấp nhận hưởng hoa hồng ít để có sản phẩm giá tốt, giảm sâu nhằm thu hút khách hàng. Do đó, các sản phẩm trên livestream đều có giá rẻ hơn thị trường. Phương thức phổ biến mà các nhà bán hàng hay dùng là tung ra deal 1K, 10K, 50K… cùng hàng loạt voucher có giá trị lên đến hàng triệu đồng cho những người đăng ký theo dõi sự kiện.
Mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1, deal độc quyền, combo sản phẩm… các hình thức liên tục được tung ra để thu hút người tiêu dùng, với tâm lý không ở đâu rẻ bằng mua ở đây. Cùng với đó, sự tiện lợi của giao hàng miễn phí tận nhà đã khiến hiệu ứng “săn sale” (giảm giá) bùng nổ, “cơn bão” xem và lượt mua của khách hàng tăng lên.
Càng nhiều người mua sản phẩm, kể cả giá có giảm nhiều thì doanh thu vẫn luôn duy trì ở mức cao. Trong teaser PR Mega Live ngày 15/5, Võ Hà Linh đưa ra 1.000 deal sốc và voucher giảm giá tới 30%, hay thậm chí Quyền Leo Daily đăng clip có sự xuất hiện của đại diện nhãn hàng để đảm bảo mức giá trên phiên live là độc quyền và rẻ nhất trên nền tảng.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu các nhãn hàng chỉ đưa những chiết khấu khủng trong các phiên livestream của các TikToker nổi tiếng thì người tiêu dùng sẽ dồn cơ hội mua hàng vào những phiên livestream này, vô hình chung tước đi cơ hội bán hàng của rất nhiều những người bán hàng nhỏ lẻ. Nếu việc này cứ tiếp tục thì sẽ không còn khuyến khích được sự tham gia của nhiều người bán do sự cạnh tranh về giá và giảm sức hút vào nền tảng. Thực tế hiện nay nhiều người tiêu dùng mua hàng hóa bằng các voucher, mã khuyến mại giảm giá trên thương mại điện tử và không còn mặn mà với hình thức mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng truyền thống.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nhiều người không khỏi lo lắng việc các TikToker nổi tiếng khoe khoang doanh thu khổng lồ, khoe khoang sự giàu có sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thế hệ trẻ. Thời buổi kim tiền, giới trẻ càng mơ mộng, ảo tưởng vào những hình ảnh hào nhoáng trên mạng xã hội. Thay vào việc chú tâm học hành, nhiều bạn trẻ bắt đầu mơ tưởng về việc trở thành người nổi tiếng và kiếm tiền dễ dàng qua mạng xã hội. Thay vì coi trọng tri thức, kỹ năng và đạo đức, giới trẻ ngày càng đề cao sự nổi tiếng và tài sản vật chất. Điều này có thể dẫn đến sự suy thoái trong đạo đức và văn hóa xã hội, khi con người không còn coi trọng những giá trị cốt lõi mà chỉ chạy theo những hào nhoáng bề ngoài. Đồng thời dẫn đến những quyết định thiếu cân nhắc và sự thất vọng khi thực tế không như mong đợi.
Hiệu ứng domino từ việc khoe doanh thu khủng còn dẫn đến sự mê muội và nguy cơ lừa đảo. Nhiều người có thể bị mê hoặc bởi hình ảnh hào nhoáng của các Tiktoker và dễ dàng tin tưởng vào các lời hứa hẹn làm giàu nhanh chóng. Một số TikToker thậm chí lợi dụng sự tin tưởng này để bán các sản phẩm, hoặc dịch vụ không đáng tin cậy. Hệ quả là nhiều người tiêu dùng bị lừa đảo, mất tiền bạc và lòng tin vào thương mại điện tử.
Cùng với đó, một hệ lụy khác là khuyến khích lối sống xa hoa, tiêu xài phung phí. Khi thấy các TikToker khoe cuộc sống giàu có với xe sang, nhà đẹp và các món đồ hiệu, nhiều người cảm thấy áp lực phải theo kịp và thể hiện mình cũng giàu có. Điều này có thể dẫn đến việc chi tiêu không hợp lý, nợ nần và căng thẳng tài chính.
Thực tế cho thấy, không phải ai cũng có thể dễ dàng trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội và kiếm được số tiền lớn như những gì họ thấy trên màn hình. Trong số́ những người bỏ học, thất nghiệp, đầu tư làm ăn thì chỉ có phần nhỏ là thành công và nổi tiếng được mọi người biết đến qua mạng xã hội, qua báo chí, truyền thông. Số còn lại bị phá sản, làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất thì chắc chắn sẽ chẳng ai tự nói và tự khoe trên mạng.
Dễ thất thu thuế
Bên cạnh việc tạo ra những giá trị ảo khiến giới trẻ dễ bị ngộ nhận thì việc bùng nổ các phiên Megalive bạc tỉ cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc đóng thuế ra sao, bởi trên thực tế, chúng ta không thể biết doanh thu thực tế của họ là bao nhiêu, thu nhập thế nào, họ bán được bao nhiêu hàng, và tính thuế ra sao.
Đối với hình thức bán hàng qua livestream, nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý kinh doanh cũng như quản lý thuế rất phức tạp, vì hình thức bán hàng này không giống như hình thức đưa hàng lên sàn thương mại điện tử. Ngay trong phiên livestream, giá bán của sản phẩm cũng có thể liên tục thay đổi so với giá gốc, chưa kể sau phiên livestream thì link cũng có thể bị xóa nên việc kiểm soát thông tin cũng không phải là điều dễ dàng?
Tại Điều 14, Nghị định 65/2013/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN đã quy định biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập tính thuế từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công. Theo đó, tùy theo mức thu nhập mà cá nhân nộp thuế sẽ phải chịu thuế suất 7 bậc từ 5 - 35%. Do đó, người làm tiếp thị liên kết không đăng ký kinh doanh sẽ phải đóng thuế TNCN dựa trên doanh thu hoa hồng theo bảng biểu thuế lũy tiến.
Thế nhưng, tiền nộp thuế của những người TikToker này không phải là toàn bộ doanh thu của phiên bán hàng mà chỉ tính trên cơ sở phần thu nhập được nền tảng thương mại điện tử chi trả. Trong trường hợp cá nhân đó được trả lương cứng cho một phiên livestream, có nghĩa là không cần biết số lượng sản phẩm bán được bao nhiêu người này khi livestream vẫn được hưởng một mức thu nhập lớn, thì thuế TNCN có thể tính được. Còn trong trường hợp cá nhân có thu nhập từ hoa hồng do thực hiện livestream bán hàng sẽ được tính dựa trên tỷ lệ phần trăm của doanh thu thực tế từ mỗi phiên livestream thì phần trăm hoa hồng lại dựa vào mức thương lượng của người livestream với nhãn hàng. Chẳng hạn, bình thường những người này sẽ nhận được khoảng 15% hoa hồng từ doanh thu sản phẩm bán ra được, nhưng khi muốn có giá tốt cho khách hàng, họ buộc phải thương lượng giảm xuống còn khoảng 7 - 8%. Như vậy, rất khó để có thể điều tra được doanh thu thực tế của các cá nhân hoạt động tiếp thị liên kết trong lĩnh vực này.
Vấn đề này cũng đã làm nóng nghị trường Quốc hội những ngày gần đây. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về hiện tượng livestream bán hàng trên mạng xã hội, với doanh thu cả trăm tỷ đồng mỗi ngày là thật hay ảo.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng thương mại điện tử là lĩnh vực “khó quản” và cho rằng cần phối kết hợp với lực lượng chức năng, tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân.
Dù khó có thể xác nhận doanh số hàng triệu USD là thật hay ảo, bởi doanh số này tính cả số hủy đơn, tức là kể cả có người ảo đặt đơn rồi hủy thì cũng được tính vào doanh số, song những phiên livestream bạc tỉ khiến dư luận ngỡ ngàng và đặt vấn đề về quản lý thuế trong lĩnh vực này.
Ngày 6/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 56/CĐ-TTg chỉ đạo bộ trưởng các bộ: Công Thương, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải quyết liệt chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Tổng cục Thuế cũng đã ban hành Công điện số 01/CĐ-TCT, ngày 4/6/2024 đến các cục thuế tỉnh và doanh nghiệp để tập trung triển khai rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của tổ chức, hộ, cá nhân, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết, cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm, đặc biệt là tổ chức, cá nhân kinh doanh online, livestream bán hàng…