Rộn ràng sân khấu chào Tháng 5

15:40 09/05/2022

Không hẹn mà gặp, đúng dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022), nhiều tác phẩm sân khấu về Bác Hồ được các đơn vị đặc biệt tập trung dàn dựng, giới thiệu tới công chúng. Có lẽ, đây cũng là thời điểm nhiều vở diễn có sự đầu tư lớn, sâu, kỹ về Bác Hồ nhất trong vài năm trở lại đây.

Nỗ lực sáng tạo

Sau tác phẩm “Người cầm lái” – vở nhạc kịch đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh được Nhà hát Công an nhân dân (CAND) đầu tư dàn dựng, vở kịch “Lá đơn thứ 72” của Sân khấu Lệ Ngọc cũng sẽ ra mắt khán giả tại Thủ đô Hà Nội. Công trình sân khấu mang tính chất sử thi “Nước non vạn dặm” cũng được Nhà hát Cải lương Việt Nam chuẩn bị công diễn… Các tác phẩm huy động nhiều trí lực của người làm nghệ thuật, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm nỗ lực khắc họa hình tượng nghệ thuật Chủ tịch Hồ Chí Minh chân thực, sinh động nhưng cũng muôn hình muôn vẻ trong rất nhiều giai đoạn khác nhau.

Cảnh trong vở kịch “Lá đơn thứ 72”

 Với nhạc kịch “Người cầm lái”, tác giả kịch bản kiêm Tổng đạo diễn – Biên đạo Tuyết Minh cho biết, chị đã dành tâm huyết cho tác phẩm về Bác từ nhiều năm trước. Khi viết kịch bản, tác giả đã nghiên cứu cô đọng từ những câu văn dài thành những câu thơ vần, cô gọn và hoán vị từ ngữ nhằm phát huy tối đa vẻ đẹp của thanh sắc tiếng Việt. Trong câu thơ có tính kịch, tâm trạng, thông điệp của từng tuyến nhân vật, dẫn dắt thông tin ngắn gọn, hàm súc nhất tới khán giả. Dàn hợp xướng đóng vai trò cầu nối, mở ra hoặc khép lại trước mỗi trường đoạn diễn xuất, tạo ra mối liên kết chặt chẽ của tổng thể vở diễn.

Cũng theo Tổng đạo diễn Tuyết Minh, “Người cầm lái” là một vở nhạc kịch của Việt Nam, về Bác Hồ nên nữ nghệ sĩ yêu cầu âm nhạc phải tôn vinh giá trị văn hóa bản địa, kho âm thanh, sự độc đáo của các  nhạc cụ dân tộc của Việt Nam. Dàn nhạc giao hưởng giữ vai trò tạo ra không gian âm nhạc, trên nền đó có độc tấu, song tấu, tam tấu, làm nổi bật bản sắc, tâm hồn Việt Nam. Đảm nhiệm sáng tác âm nhạc cho vở kịch gồm 3 nhạc sĩ trẻ tài năng: Duy Minh, Đình Thắng, Hoàng Huy.

Ca sĩ Lê Tuân trong nhạc kịch “Người cầm lái”

Có nhạc sĩ từng được đào tạo bài bản, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp ở nước ngoài và Việt Nam. Có nhạc sĩ được đào tạo ở trong nước, là “con nhà nòi”. Tuy nhiên, khi tham gia sáng tác cho vở nhạc kịch, tất cả đều tuân thủ nguyên tắc: Khai thác tối đa kỹ thuật của thế giới mà nghệ sĩ đã học được để phát huy nghệ thuật truyền thống, trân trọng các giá trị di sản trong âm nhạc Việt Nam. Để đạt được yêu cầu đặt ra, có những ngày, Tổng đạo diễn chỉ được ngủ 2 tiếng, để dành thời gian đồng hành cùng các nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên.

Với vở kịch “Lá đơn thứ 72”, tác giả Hoàng Thanh Du cũng cho biết, nội dung tác phẩm dựa theo câu chuyện có thật về một vụ án oan được kể lại bởi luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao. Trước khi viết kịch bản, anh đã tìm hiểu câu chuyện rất kỹ qua sách báo và về tận quê của ông Đỗ Văn Chồi – nguyên mẫu của nhân vật Đức Minh, người bị kết án oan trong vở kịch. Ông Chồi được minh oan sau nhiều năm liên tục viết đơn kêu oan gửi Bác Hồ. Người đã chỉ đạo điều tra lại vụ án sau khi nhận được lá đơn kêu oan thứ 72 của ông Chồi. Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở kịch cũng được tập trung thể hiện dưới góc độ khác. Bác luôn quan tâm đến số phận của những người yếu thế.

Thực tế, trong đêm diễn đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5, vở kịch đã chinh phục được đông đảo khán giả. Câu chuyện về vụ án oan năm nào được đạo diễn - NSND Lê Tiến Thọ và các nghệ sĩ Văn Hải, NSND Lệ Ngọc, NSƯT Hoàng Tùng, Anh Tuấn, Hán Huy Bách, Lê Chí Kiên, Lâm Cương, Công Phùng… chuyển tải logic, chặt chẽ. Trong đó, vai Bác Hồ do nghệ sĩ Văn Hải thể hiện được nhiều người trong nghề thừa nhận là rất thành công. NSND Vương Duy Biên cũng đã giữ trọn lời hứa về thiết kế sân khấu không quá hoành tráng, mang tính ước lệ nhưng vẫn ấn tượng. Chỉ cần vài tấm pano được di chuyển trên sân khấu đã tạo thành nhiều không gian khác nhau…

Theo kế hoạch dự kiến, ngày 19-5, vở cải lương “Nước non vạn dặm” sẽ chính thức ra mắt khán giả tại Hà Nội. Tuy nhiên, Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, dự án này đã được dày công chuẩn bị từ nhiều năm trước. Đây là dự án nghệ thuật mang tính sử thi về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm 3 phần, do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản.

Phần đầu - “Nợ nước non” khai thác về giai đoạn Bác được sinh ra tại Nghệ An cho đến khi Người lên tàu sang Pháp để tìm đường cứu nước vào năm 1911. 2 phần còn lại sẽ được dàn dựng trong giai đoạn 2 năm tiếp theo. Trong phần 1, diễn viên đóng vai Bác Hồ là nghệ sĩ Minh Hải. Nghệ sĩ Minh Hải đã hơn 40 tuổi nên thể hiện hình tượng Bác lúc Người mới có 21 tuổi là một thách thức lớn mà nghệ sĩ phải vượt qua. Thể hiện vai Bác thời thơ ấu là con trai 8 tuổi của nghệ sĩ Minh Hải.

Trong phần 1, ê kíp không tham vọng kể lại toàn bộ quá trình 21 năm đầu trong cuộc đời của Bác mà chọn thể hiện ở những lát cắt tiêu biểu, cơ bản nhất. Câu chuyện kịch bắt đầu từ khi Bác bước chân vào Sài Gòn, hồi ức về gia đình, bố mẹ, quê hương. Tác phẩm sẽ cố gắng lý giải vì sao Bác ra đi tìm đường cứu nước một cách logic, thuyết phục nhất, theo những tư liệu nghiên cứu xác thực, mới được công bố gần đây.

Và nhiều áp lực

Cũng theo NSND Triệu Trung Kiên, hiện nay, câu chuyện về Bác đã nhiều người đã biết, đã thuộc nhưng thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, mỗi nghệ sĩ sẽ có cách “kể” câu chuyện theo cách của riêng họ. Vấn đề là nghệ sĩ phải đảm bảo vở diễn là công trình mang tính nghệ thuật cao, khán giả thấy thuyết phục và thú vị. “Nước non vạn dặm” phần 1 được dàn dựng và phục vụ khán giả ở thời điểm hiện nay nên phải hướng tới sân khấu cải lương đương đại, với ngôn ngữ nghệ thuật tổng hợp, đáp ứng nhu cầu nghe nhìn tổng hợp, có cả ca, múa, nhạc.

Công nghệ hiện đại hỗ trợ đắc lực cho thiết kế sân khấu nhạc kịch “Người cầm lái”

Đạo diễn vẫn tuân thủ phương pháp ước lệ của sân khấu dân tộc nhưng đó là phương pháp ước lệ mang nhiều yếu tố đương đại, nhằm xử lý không gian, kết nối các câu chuyện với nhau, trên cơ sở yếu tố nhạc vũ kịch vì nhạc vũ kịch đang được khán giả yêu thích. Bên cạnh âm nhạc của cải lương, vở diễn còn có nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Trọng Đài, ngôn ngữ múa đương đại xen một vài lát cắt của ballet. Không gian của vở diễn diễn tả sự đối lập của 2 nền văn hóa: văn hóa – văn minh phương Tây, của người Pháp và văn hóa truyền thống của người Việt. 2 nền văn hóa xung đột với nhau trong 1 giai đoạn lịch sử nên sẽ mang những ngôn ngữ nghệ thuật của phương Tây và phương Đông. Nhìn chung, ê kíp khá tự do trong sáng tạo nhằm mang đến cho người xem cảm quan mới lạ, dù vẫn “kể” câu chuyện về Bác.

Với nhạc kịch “Người cầm lái”, NSND Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát CAND cũng cho hay, mặc dù dự án được lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất ủng hộ nhưng các nghệ sĩ đều phải quyết tâm đầu tư, cố gắng rất nhiều, nhất là trong thời điểm vừa chịu ảnh hưởng đại dịch, vừa biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị. Ban đầu, Tổng đạo diễn Tuyết Minh đề nghị mời nghệ sĩ thành danh, quen với biểu diễn các tác phẩm nhạc kịch hơn, nhưng Nhà hát CAND quyết tâm thực hiện dự án bằng nội lực của chính mình, sử dụng phần nhiều là nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, nhạc sĩ của đơn vị, thậm chí mời nghệ sĩ từng gắn bó với Nhà hát trở lại tham gia.

Cảnh trong vở “Người cầm lái”

NSƯT Minh Lương đảm nhận cùng lúc 2 vai – 1 chính diện là Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Toàn quyền Đông Dương. Vở nhạc kịch còn có sự tham gia của rất nhiều giọng ca của Nhà hát CAND như ca sĩ Kim Oanh, Kim Long, Thu Hường, Khắc Tiệp… Tất cả các nghệ sĩ đều dành trọn tâm huyết, làm việc với tinh thần cống hiến là chính, mong muốn thực hiện được tác phẩm về Bác có chất lượng cao nhất trong điều kiện có thể. Nhiều ca sĩ bị nhiễm COVID-19, chất giọng bị ảnh hưởng, càng phải cố gắng tập luyện, giữ giọng hàng ngày. 

Hoàng Huy – 1 trong 3 nhạc sĩ đảm nhận âm nhạc của nhạc kịch “Người cầm lái” cũng chia sẻ, để đáp ứng được yêu cầu của Tổng đạo diễn, anh đã phải nỗ lực đến 200%. Ca sĩ Lê Tuân, người đóng vai Bác Hồ khi còn là Nguyễn Tất Thành, Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc, Già Thu cho biết, Tổng đạo diễn yêu cầu anh phải học thuộc, đọc diễn cảm toàn bộ cuốn “Đường Kách Mệnh” và phải thuộc gần hết các vai khác trong kịch bản nhằm cảm nhận sâu sắc nhất về vở diễn, có sự phối hợp diễn xuất ăn ý nhất với các bạn diễn. Tất cả các ca sĩ, diễn viên, kể cả diễn viên múa có thể hiện vai Bác cũng đều phải học, đọc, tìm hiểu rất nhiều về Bác, học từ dáng đi, động tác của Người.

Cho đến hôm nay, nhìn lại hành trình tập luyện đã qua, hầu hết các nghệ sĩ đều thừa nhận, phải có sự chuẩn bị kỹ càng, đáp ứng yêu cầu khắt khe như thế thì mới có thể thành công. Các nghệ sĩ chưa biết khán giả đón nhận tác phẩm như thế nào, song có một điều họ chắc chắn là tất cả nghệ sĩ đã dốc toàn bộ tâm huyết, trí lực để thể hiện hình tượng Bác Hồ một cách trọn vẹn nhất, với tinh thần kính yêu Bác nhất.

Minh Hải

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文