Thấy gì từ câu chuyện “giải cứu” quạt tích điện?

09:32 10/07/2023

Sau đợt “sốt” giá, khan hàng, thị trường quạt tích điện đang rơi vào ế ẩm, nhiều người kinh doanh mặt hàng này như ngồi trên đống lửa vì đọng vốn, lo hàng để lâu chai pin, hỏng pin. Cơn bão “giải cứu quạt tích điện” đang trở thành câu chuyện nóng trên thị trường hàng hóa hiện nay.

Chung quy chỉ tại… mất điện!

Cách đây không lâu, tình trạng cắt điện luân phiên đã diễn ra ở nhiều tỉnh thành, thị trường chứng kiến một “cơn sốt” về những thiết bị tích điện, đặc biệt là quạt tích điện. Các tiểu thương thi nhau nhập quạt tích điện để tung ra thị trường. Những tuần nắng nóng đỉnh điểm, số lượng quạt tích điện bán ra tăng gấp 7 lần so với những tuần trước đó.

Anh T. đăng tải quạt tích điện lên các hội nhóm để mong được giải cứu

Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc ngành hàng Điện tử tiêu dùng của một đơn vị kinh doanh cũng thừa nhận, các năm trước, mức độ tìm kiếm liên quan đến quạt tích điện không lớn. Tuy nhiên gần đây, nhu cầu mặt hàng này đã tăng rất nhanh. Dù không đưa ra con số cụ thể nhưng ông Hoàng cho biết doanh số quạt tích điện tăng đột biến. “Các mẫu bán chạy vẫn là của những thương hiệu lớn với giá từ 1 đến 1,5 triệu đồng”, ông Hoàng nói.

Anh Thái Văn Thành - chủ một cửa hàng điện máy trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy kể lại, chỉ trong vòng 1 tuần, toàn bộ mấy trăm chiếc quạt sạc điện trong kho đã bán hết sạch. Từ quạt sạc giá vài trăm nghìn cho đến quạt sạc cao cấp 2-3 triệu đồng đều không còn chiếc nào. “Số lượng quạt mà cửa hàng của tôi nhập để bán cho cả mùa hè. Tuy nhiên do lịch cắt điện luân phiên lại rơi vào những ngày đầu hè nắng nóng cao điểm, người dân nháo nhào đi mua quạt sạc tích điện”.

Không chỉ các siêu thị, cửa hàng nhỏ lẻ mà trên mạng xã hội cũng xuất hiện rất nhiều người bán quạt tích điện. Mẫu mã và giá cả cũng hết sức đa dạng. Anh Hoàng Văn Trọng, chủ một kênh bán hàng điện tử online ở Bắc Ninh cho biết, riêng trang Facebook cá nhân của anh mỗi ngày cũng bán được hơn 500 quạt tích điện. Có những người mua số lượng lớn để về bán lẻ.

Theo các chuyên gia về điện tử, điện lạnh, phần lớn quạt tích điện trên thị trường có xuất xứ Trung Quốc. Tùy giá và thương hiệu, sản phẩm cũng đa dạng về cấu tạo, tính năng và chất lượng. So với quạt truyền thống, điểm cộng của quạt tích điện là thiết kế gọn nhẹ, có thể làm mát khi mất điện đột ngột. Tuy nhiên, vì dùng pin hoặc ắc quy, một số thiết bị giá rẻ và không rõ nguồn gốc cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ khi dùng trong thời tiết nắng nóng.

Nhiều người không lường trước được thị trường nên đã nhập rất nhiều quạt tích điện để bán lẻ.

Thị trường quạt tích điện “nóng” đến mức, cơ quan chức năng đã phải vào cuộc để cảnh báo người tiêu dùng không mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Thậm chí nhiều tiểu thương đã đẩy giá cao gấp 2-3 lần so với giá thị trường.

Theo đó, Cục trưởng cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn hỏa tốc số 551/QLTTHN-NVTH yêu cầu Đội trưởng các Đội Quản lý thị trường căn cứ chức năng nhiệm vụ thẩm quyền địa bàn lĩnh vực được giao, chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ quản lý thông tin địa bàn, lĩnh vực.

Giám sát kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với hoạt động kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa như máy phát điện, các loại quạt tích điện, quạt hơi nước, thiết bị làm mát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm, theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng nhu cầu tiêu thụ tăng cao để tăng giá nhằm thu lợi bất hợp pháp, kinh doanh vận chuyển lưu thông các sản phẩm, hàng hóa thiết bị điện nhập lậu, hàng giả không đảm bảo chất lượng an toàn cho người sử dụng.

Ngay sau đó, lực lượng Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội đã phối hợp với lực lượng Công an huyện Hoài Đức kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh hàng hóa tại xã Đức Thượng. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ gần 5000 sản phẩm quạt phun sương tích điện không rõ nguồn gốc xuất xứ. Toàn bộ số hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất. Thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa theo quy định.

Lại là “cơn sốt giải cứu”

Đợt nắng nóng vẫn còn tiếp diễn, tuy nhiên tình trạng mất điện không còn diễn ra thường xuyên, nhu cầu sử dụng sản phẩm quạt tích điện cũng giảm mạnh. Điều này đã khiến rất nhiều siêu thị, cửa hàng bán quạt sạc tích điện nhận cú sốc vô cùng lớn. Nhiều tiểu thương trót ôm hàng đã hạ giá các sản phẩm quạt sạc tích điện nhưng vẫn không cải thiện được sức mua của người dân.

Cụ thể, trên mạng xã hội hàng loạt bài kêu gọi “giải cứu” quạt tích điện, xả hàng, bán lỗ vốn… được đăng tải rầm rộ.

Các hội nhóm “giải cứu quạt tích điện” được lập ra chủ yếu như để các chủ hàng có chỗ than khóc

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Quang Hà - chủ một đại lý phân phối đồ điện tại phố Đông Các (Đống Đa), cửa hàng anh đang thanh lý toàn bộ số quạt tích điện nhập từ tháng trước do sức mua đã giảm rất nhiều. Nếu như trước đây mỗi ngày có hàng chục khách tìm mua sản phẩm quạt tích điện thì một tuần vừa qua cửa hàng đã không bán được sản phẩm nào. “Tôi cứ nghĩ tình trạng mất điện còn kéo dài nên quyết định vay mượn, huy động vốn của người thân để nhập số lượng lớn quạt về để bán. Không ngờ lại rơi vào cảnh này, toàn bộ vốn liếng, tiền của vay mượn đã đổ cả vào quạt tích điện rồi. Giờ cũng chỉ muốn bán hòa vốn, thậm chí lỗ để rút vốn ra còn kinh doanh cái khác”, anh Hà buồn chia sẻ.

Cùng chung cảnh ngộ, anh Trần Huy - chủ đại lý đồ điện dân dụng tại quận Thanh Xuân cho hay, đã nhiều ngày qua, cửa hàng của anh không bán được một sản phẩm quạt tích điện nào. “Tôi đã thuê hẳn 1 nhà kho ở ngoại thành, sau đó dồn tiền để mua số lượng lớn quạt tích điện. Với tình hình như hiện nay thì thực sự là khó khăn, không biết sẽ tìm đường ra cho sản phẩm này thế nào. Nếu như có cửa xuất được hết lô hàng này mà tôi bị lỗ 1/3 số vốn tôi cũng chịu”.

Theo ghi nhận chung của các chủ đại lý, họ buộc phải thanh lý các sản phẩm quạt tích điện do đã nhập quá nhiều trong lúc thị trường đang “cao điểm”. Chính vì thế, cửa hàng không còn diện tích để nhập thêm sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách hàng. Đặc biệt nhiều tiểu thương “ôm” cả tỷ đồng tiền hàng mà không tìm được đầu ra.

Không chỉ tại các đại lý nhỏ mà một số trung tâm điện máy lớn, mặt hàng quạt tích điện cũng đang được giảm giá mạnh từ 20-40%. Dù vậy, khách hàng cũng không còn mặn mà với sản phẩm này như trước.

Theo chia sẻ của chị Ngô Thị Hòa - nhân viên bán hàng tại một chuỗi điện lạnh trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân - Hà Nội): “Tình trạng cắt điện luân phiên gần như không còn diễn ra, do đó khách hàng cũng không có nhu cầu sử dụng các sản phẩm quạt tích điện như trước. Mặc dù siêu thị đã có những chính sách giảm giá, khuyến mại sâu nhưng tốc độ bán ra của các sản phẩm này rất chậm.

Không chỉ ở các cửa hàng, các siêu thị mà trong các hội nhóm trên mạng xã hội cũng tràn ngập những bài đăng “giải cứu quạt tích điện”. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, người đăng bán thì nhiều nhưng người mua dường như không có ai. Nhiều người buôn bán quạt tích điện dường như đã vào các hội nhóm này chỉ với mục đích “khóc cùng nhau”.

Cái giá của tính tự phát

Việc rất nhiều nhà kinh doanh mặt hàng quạt tích điện phải “ngậm trái đắng” vì ôm quá nhiều hàng mà không tìm được nguồn ra cho sản phẩm là câu chuyện không còn xa lạ. Đó là việc người dân kinh doanh các mặt hàng thời vụ, kinh doanh tự phát, không có định hướng rồi phải lĩnh hậu quả.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là trách nhiệm quản lý, định hướng thị trường, định hướng quy hoạch cho ngành Công thương của các địa phương. Giải quyết được vấn đề này sẽ tránh tình trạng dư thừa, ùn ứ hàng hóa, sẽ không còn câu chuyện “giải cứu” các mặt hàng khi sự kiện, thời vụ qua đi.

Vậy nhưng, việc định hướng cũng không phải câu chuyện đơn giản khi người dân, đối tượng kinh doanh thời vụ không cần phải đăng ký kinh doanh. Theo đó, Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp do Chính phủ ban hành chính thức có hiệu lực từ ngày 04/01/2021 đã cho phép đối tượng kinh doanh thời vụ không cần phải đăng ký kinh doanh. Cụ thể, quy định hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ,… không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương. Từ đó, việc đòi hỏi chính quyền địa phương có thể định hướng cho đối tượng kinh doanh này sẽ rất khó khăn, bởi thực tế khi họ không phải đăng ký, cơ quan chức năng không thể thống kê, nắm bắt hoạt động của đối tượng này.

Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) từng cảnh báo, người dân, hộ kinh doanh cùng các doanh nghiệp cần chủ động thích ứng với xu hướng tiêu dùng hiện đại, thay đổi mô hình, hình thức kinh doanh của doanh nghiệp trong tình hình mới. Theo đó, các chủ thể cần phải kinh doanh các mặt hàng theo xu hướng tiêu dùng, xu hướng chi tiêu và sở thích mua sắm của người dân. Người tiêu dùng sẽ ngày càng tối đa hóa thời gian, tăng tính linh hoạt, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thông qua truy cập từ nhà. Do đó, yếu tố “tiện lợi” sẽ trở thành một trong những tiêu chí tiêu dùng trong xã hội trong bối cảnh “bình thường mới” mà các chủ thể kinh doanh phải lưu tâm.

Người dân cùng doanh nghiệp cũng cần thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới. Các chủ thể kinh doanh thì cần kinh doanh có ý thức, trách nhiệm, tránh tư duy kinh doanh thời vụ. Khách hàng sẽ thiện cảm nhiều hơn đối với chủ thể có tinh thần trách nhiệm, ý thức, kinh doanh bền vững.

T.S Trương Tuấn Anh (Viện Chiến lược và Phát triển kinh tế) cho hay, việc nhiều người phải “ôm hận” vì kiểu kinh doanh chộp giật, không nắm được xu hướng, không đoán định được những diễn biến tiếp theo không còn là chuyện mới. Như trước đây, khi đại dịch COVID -19 hoành hành, mặt hàng khẩu trang cực kỳ nóng. Nhiều người ôm số lượng lớn, thậm chí còn mua sắm máy móc hiện đại để tự sản xuất khẩu trang. Tuy nhiên họ không lường trước được khi nào đại dịch sẽ kết thúc, nhu cầu khẩu trang sẽ không còn nóng như trước? Câu chuyện quạt tích điện cũng tương tự như vậy. Đúng là nhiều người kinh doanh mặt hàng này đã không thể trở tay kịp vì thực tế lợi thế kinh doanh đã không kéo dài như họ nghĩ”.

Phong Anh

Lễ hội vật cầu nước (hay vật cầu bùn) được tổ chức 4 năm 1 lần tại làng Vân (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) từ ngày 12-15/4 Âm lịch. Bộ Văn hoá Thể thao &Du lịch đã trao bằng công nhận lễ hội này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022.

Vụ cháy xảy ra tại nhà cho thuê trọ cao 9 tầng, địa chỉ số 269 phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khu vực xảy ra cháy ở trong trục kỹ thuật điện thông tầng từ tầng 5 đến tầng 9 của công trình, nên đã phát sinh nhiều khói, khí độc hại.

Vào dịp nghỉ cuối tuần, dòng người đổ về TP Hải Phòng đông nườm nượp, du khách hào hứng vừa trải nghiệm “foodtour Hải Phòng”, vừa chụp ảnh “check in”, đặc biệt dưới sắc màu rực cháy của hoa phượng đỏ tháng 5.

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định để thực hiện quảng cáo, rao bán bất động sản không đảm bảo quy định pháp luật.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo luật có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm đồng chí Ngô Văn Núi – nguyên chiến sĩ Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời. Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không được tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm được may mắn, vinh dự bảo vệ Người.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Trịnh Xuân An cho biết, thực chất, khoản 8, Điều 8 Luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đã cấm tuyệt đối: "cấm điều khiển ô tô, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Việc này vừa có cơ sở pháp lý, vừa có cơ sở lý luận, khoa học.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文