Tương lai nào cho ngành công nghiệp âm nhạc?

19:55 02/04/2024

Doanh thu âm nhạc toàn cầu đã tăng 10,2% trong năm 2023 và được dự đoán sẽ tăng lên 64,31 tỷ USD vào năm 2030. Trong bối cảnh nhạc số chiếm lĩnh thị trường, công nghệ AI phát triển như vũ bão, ngành âm nhạc toàn cầu cũng đang đối diện nhiều cơ hội và thách thức.

Doanh thu kỷ lục trong hơn 2 thập kỷ

Theo Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI), Taylor Swift đang được xem là nghệ sĩ hàng đầu thế giới. Cô cũng vừa chính thức bước vào “câu lạc bộ tỷ USD” với khối tài sản ước tính lên đến hơn 1,1 tỷ USD, theo Los Angeles Times. Đáng nói, khoảng 3/4 giá trị tài sản ròng của nữ ca sĩ đến từ âm nhạc, cụ thể là các sản phẩm phát hành từ năm 2019 đến nay.

Riêng thu nhập trên tất cả nền tảng phát nhạc trực tuyến, gồm Apple Music, Amazon Music và YouTube trong năm 2023 của cô ước tính 160 triệu USD, doanh thu xuất bản tăng lên gần 200 triệu USD. The Eras Tour chuyến lưu diễn toàn cầu kéo dài từ tháng 3/2024 đến cuối năm 2024 được dự đoán sẽ giúp công chúa nhạc đồng quê bỏ túi 5,7 tỷ USD.

The Eras Tour của Taylor Swift bắt đầu vào 17/3/2023 tại Glendale, Arizona và kết thúc vào 17/8/2024 tại Lon-don, Anh.

Live Nation, đơn vị chuyên tổ chức các buổi hòa nhạc và sự kiện đồng thời sở hữu nền tảng bán vé Ticketmaster, cho biết, năm 2023 là năm cực kỳ thành công của làng nhạc thế giới với mức bán vé cao ngất ngưởng. Số người tham dự các đêm nhạc năm 2023 đã tăng 20% so với năm 2022, đạt con số đáng kinh ngạc là 145 triệu. Vào năm 2021, khi các địa điểm tổ chức concert bắt đầu mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19, số lượng người tham dự chỉ là 35 triệu. Trước dịch, số người tham dự các buổi biểu diễn trực tiếp là 98 triệu vào năm 2019. Allied Market Research dự báo thị trường ngành tổ chức sự kiện trực tiếp toàn cầu - bao gồm mọi thứ từ buổi hòa nhạc, sự kiện thể thao đến hội nghị - sẽ tăng gấp đôi giá trị, đạt 1,2 ngàn tỷ USD vào năm 2032.

Trong khi đó, ở lĩnh vực phát hành vật lý, đĩa đơn thành công nhất thế giới là "Fflowers" của Miley Cyrus. Ca khúc duy nhất đã vượt qua 2 tỷ lượt nghe (2,7 tỷ), tiếp theo là "Calm Down" của Rema và Selena Gomez (1,89 tỷ) và "Kill Bill" của Sza ( 1,84 tỷ). Thành tích này đóng góp mạnh mẽ vào doanh thu của toàn ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu trong năm 2023.

Số liệu của IFPI công bố ngày 21/3 cho thấy, doanh thu âm nhạc toàn cầu đã tăng 10,2% trong năm 2023 (28,6 tỷ USD) - mức cao nhất kể từ năm 1999. Một báo cáo khác từ MIDiA Research đưa ra con số toàn cầu thậm chí còn ấn tượng hơn 35,1 tỷ USD. Đây là năm thứ 9 liên tiếp toàn ngành có sự tăng trưởng vượt trội, phần lớn nhờ vào sự tăng trưởng liên tục của dịch vụ phát trực tuyến, hiện chiếm hơn 2/3 doanh thu toàn cầu. Số lượt đăng ký phát trực tuyến trả phí lần đầu tiên đã vượt quá 500 triệu lượt để đạt 667 triệu lượt. Các định dạng vật lý, đặc biệt là vinyl, cũng có sự tăng trưởng, với doanh số tăng 13,4%.

Doanh thu ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu ghi nhận qua các năm. Ảnh: IFPI

Ông John Nolan - Giám đốc tài chính của IFPI cho biết: “Những số liệu trong báo cáo năm nay cho thấy âm nhạc là một ngành mang tính toàn cầu và đa dạng, với doanh thu tăng trưởng ở mọi thị trường, mọi khu vực và trên hầu hết mọi định dạng âm nhạc được ghi âm”.

Các khu vực phát triển nhanh nhất là châu Phi cận Sahara (tăng 24,7%) và châu Mỹ Latinh (19,4%), nhờ sự lan rộng của dịch vụ phát trực tuyến và sự nổi lên của các ngôi sao địa phương như Burna Boy, Asake, J Balvin và Bad Bunny. Các thị trường âm nhạc lớn nhất vẫn là Mỹ, Nhật Bản và Anh.

John Nolan nhận định, sự phục hồi của ngành công nghiệp âm nhạc từ mức thấp nhất của một thập kỷ trước sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự đầu tư bền vững của các công ty thu âm vào nghệ sĩ và sự nghiệp của họ. Theo số liệu của IFPI, các công ty thu âm đầu tư 7,1 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu chỉ riêng cho hoạt động A&R (Artists and Repertoire - Nghệ sĩ và tác phẩm) và tiếp thị. IFPI cho biết, họ cũng đang trả nhiều tiền hơn bao giờ hết cho các nghệ sĩ với mức thanh toán cho hãng thu âm cho các nhạc sĩ tăng 96% từ năm 2016 đến năm 2021, so với mức tăng 63% của doanh thu công ty thu âm.

Nhạc số, AI - cơ hội và những thách thức

Đi cùng những con số ấn tượng này, âm nhạc toàn cầu vẫn có những nỗi lo riêng, đặc biệt là khi trí tuệ nhân tạo (AI) và giới trẻ ngày càng dành nhiều thời gian cho TikTok, game. Dennis Kooker - đại diện Sony Music cho biết tại cuộc họp công bố báo cáo của IFPI rằng: “Các nền tảng video clip ngắn, được hỗ trợ quảng cáo kém nhất không cần đăng ký trả phí đang trở thành nền tảng tiêu dùng chính của nhiều người tiêu dùng trẻ tuổi”. Koker gợi ý các hãng thu âm hãy tập trung nhiều hơn vào lượng fan cuồng nhiệt của nghệ sĩ. “Đây chính là những người muốn nhiều hơn và sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho những sản phẩm được thiết kế dành riêng cho họ”, ông nói.

Tuy nhiên, các công ty đang gặp khó khăn trong việc khuyến khích mọi người trả tiền nghe nhạc trực tuyến ở một số thị trường trọng điểm. Marie-Anne Robert, Giám đốc điều hành Sony Music France, cho biết tại buổi họp báo rằng ở Pháp tỉ lệ người nghe nhạc trực tuyến ở Pháp vẫn còn rất thấp. Cô nói thêm khi đề cập đến mức thuế mới đối với các dịch vụ như Spotify sẽ được áp dụng trong năm nay tại Pháp: “Đó là một thách thức lớn đối với chúng tôi và các nghệ sĩ. Việc áp dụng thuế phát trực tuyến gần đây rõ ràng không giúp ích gì”.

Universal Music Group tuyên bố ngừng cấp phép TikTok dùng nhạc của loạt nghệ sĩ để bảo vệ quyền lợi và chống mặt trái của AI. Ảnh: Pedestrian TV

Đối với nghệ sĩ, nhà sản xuất, chính sách của các nền tảng cũng vấp phải nhiều mâu thuẫn. Vụ việc Universal Music Group (UMG) loại bỏ âm nhạc của mình khỏi TikTok vào hôm 27/2 do tranh cãi về cách tiếp cận của ứng dụng này đối với tiền bản quyền bài hát và âm nhạc do AI tạo ra đã khiến làng nhạc thế giới xôn xao.

Cụ thể, UMG cáo buộc TikTok kiếm tiền dựa trên công sức của nghệ sĩ nhưng không trả phí hợp lý. TikTok thu được 20 tỷ USD dựa trên doanh thu quảng cáo năm nay nhưng đề xuất khoản phí "chỉ bằng một phần nhỏ" so với các nền tảng tương tự đang hợp tác với UMG. UMG cũng lo ngại TikTok xâm phạm quyền sở hữu khi cho phép AI tạo nhiều sản phẩm âm nhạc dựa trên dữ liệu có sẵn. Những nhà điều hành không có động thái hợp lý bảo vệ nghệ sĩ, thậm chí còn tạo điều kiện phát tán những ca khúc vi phạm bản quyền. Những bài hát được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo luôn có lượt xem và chia sẻ lớn trên nền tảng này.

Ở chiều ngược lại, TikTok cho rằng UMG “đã đặt lòng tham lên trên lợi ích của các nghệ sĩ và nhạc sĩ”. "Bất chấp những lời cáo buộc hùng hồn của Universe, có một thực tế là họ đã chọn rời xa một nền tảng với hơn một tỷ người dùng, đã hỗ trợ họ mạnh mẽ trong việc quảng bá miễn phí và phát hiện những tài năng cho họ", tuyên bố của TikTok nêu rõ.

Màn đối đầu của hai "gã khổng lồ này" làm “bay màu’ những bản hit đình đám các nghệ sĩ liên kết với UMG: Taylor Swift, Justin Bieber, Ariana Grande, Drake, Black Pink, BTS… trên TikTok. Các video TikTok có nhạc của những nghệ sĩ liên quan đến UMG gần như đã bị tắt tiếng, bao gồm cả tài khoản chính thức của các nghệ sĩ.

Theo Business Insider, giờ đây, cuộc chiến này đã lan rộng sang hạng mục sản xuất nhạc của Universal. Điều đó có nghĩa là các bài hát của các nghệ sĩ thu âm cho hãng khác nhưng có lời được viết (kể cả là có một phần nhỏ trong bài hát) bởi các nghệ sĩ của Universal cũng có thể biến mất. Variety cho rằng tác động của cuộc đối đầu này đối với các nghệ sĩ, nhạc sĩ là rất thực tế. Bất chấp những tuyên bố của UMG về doanh thu khiêm tốn từ TikTok (là 1%), các nghệ sĩ của họ rõ ràng đã mất đi một nền tảng quảng bá âm nhạc hiệu quả nhất hiện nay cùng với đó là mất mọi khoản tiền bản quyền lẽ ra sẽ được tạo ra trên nền tảng này.

Năm 2023, Spotify đã sa thải khoảng 2.300 nhân viên nhằm tìm kiếm lợi nhuận, chấp nhận thua lỗ khi đầu tư 1 tỉ USD vào Podcasting.

Thị trường nhạc số phát triển đột biến và chiếm thế thượng phong kể từ dịch COVID-19 bùng phát. Song, cuộc chơi này cũng không thể nằm ngoài dòng chảy của nền kinh tế thị trường. Năm 2023 đã có hàng trăm đợt sa thải trong ngành công nghiệp ghi âm. Đến ông lớn trong ngành phát hành trực tuyến như Spotify cũng phải chia tay khoảng 2.300 nhân viên để tập trung đầu tư vào AI để tăng tỷ suất lợi nhuận cho các bộ phận podcast và audiobook.

Billboard cho rằng, AI dường như vừa là thách thức vừa là cơ hội cho các nhạc sĩ, nhất là đối với vấn đề bản quyền. Song, Adam Granite - EVP Phát triển Thị trường của UMG tuyên bố, đơn vị này đang nắm giữ các bằng sáng chế liên quan đến AI và đã nắm bắt các cơ hội trong lĩnh vực này. Adam cũng nhấn mạnh quan điểm của công ty rằng, AI được sử dụng “để phục vụ các nghệ sĩ là điều tuyệt vời”, nhưng AI sử dụng tác phẩm của các nhạc sĩ “mà không được phép” thì không. Ông nói thêm: “Chúng tôi tin rằng hoàn toàn có thể phát triển và áp dụng công nghệ AI đồng thời đảm bảo quyền lợi của các nghệ sĩ”.

Trước những cơ hội và thách thức của thị trường nhạc số, sự tác động của AI đối với ngành âm nhạc toàn cầu, Dennis Kooker của Sony Music nhận định:  “Thực tế là chúng tôi đang ở giai đoạn đầu của một sự kiện chuyển đổi đối với ngành công nghiệp âm nhạc. Mặc dù rất hào hứng về việc sự phát triển này, nhưng điều cần thiết lúc này là chúng tôi phải tìm ra các sản phẩm mới và mô hình kinh doanh mới xung quanh những công nghệ này. Từ đó, đảm bảo rằng chúng tôi có thể đầu tư vào tương lai sáng tạo của con người và những sản phẩm được đánh giá cao”.

Bạch Dương

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文