Vũ điệu đá cổ Pavie

12:49 28/01/2025

Một con đường đá kỳ vĩ vượt núi, xuyên rừng dài 80 km ở Tây Bắc nối liền hai tỉnh Lai Châu - Lào Cai đã hình thành từ cả trăm năm trước, tưởng như đã chìm vào quên lãng. Gần một thế kỷ đã trôi qua, hai tỉnh Lào Cai - Lai Châu đang muốn “đánh thức” con đường đặc biệt này, biến nó thành một điểm đến độc, lạ, hấp dẫn, giàu chất lịch sử giữa đại ngàn Tây Bắc…

Trăm năm cô đơn

Từng nhiều lần dẫn khách qua lại con đường bí ẩn nối liền 2 tỉnh Lào Cai - Lai Châu, porter (người dẫn đường bản địa) người H’Mông Lý A Hừ kể, con đường đá cổ Pavie được xây dựng từ những năm 20 của thế kỷ trước. Thời điểm đó, thực dân Pháp bắt đầu cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai. Bấy giờ, người Pháp chủ trương xây dựng và phát triển nhiều tuyến đường mới ở khu vực Tây Bắc để thuận tiện cho việc thu gom tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản của nước ta...

Thống đốc Auguste Jean-Marie Pavie đã cho khảo sát và xây dựng một con đường từ Mường Hum - Sàng Ma Sáo (Lào Cai) vượt đèo Gió thuộc dãy Nhìu Cô San, sang Sàng Ma Pho - Phong Thổ - Mường So. Con đường được xây dựng hoàn toàn bằng đá, xuyên qua rừng già. Bởi vậy, sau khi hình thành, con đường được đặt tên là đường Pavie.

Sau kháng chiến chống Pháp, hòa bình lập lại ở miền Bắc, con đường đá Pavie dần trôi vào quên lãng. Qua năm tháng, hạ tầng giao thông càng tốt lên thì người ta gần như không còn nhớ gì về con đường gian khổ này với những điểm mốc khét tiếng một thời như đỉnh đèo Gió, Bãi chết rét… Từ tổng chiều dài gần 80 km, con đường đá cổ giờ chỉ còn khoảng 15km, kéo từ đầu bản Nhìu Cô San, xã Sàng Ma Sáo (huyện Bát Xát, Lào Cai) sang bản Sàng Ma Pho, xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu).

Vũ điệu đá cổ Pavie_ANTGTET_T27 -0

Mấy chục năm nay, chỉ còn số rất ít người địa phương ở Sin Suối Hồ và Sàng Ma Sáo vẫn sử dụng con đường huyền thoại này để tiết kiệm thời gian và chi phí giao thông qua lại giữa hai địa phương (nếu đi ôtô, từ bản Nhìu Cô San tới Sin Suối Hồ sẽ mất gần 5 giờ với quãng đường khoảng 140 km). Gần đây, vì giá trâu thịt bên phía Lai Châu rẻ hơn nên nhiều nông dân, tiểu thương người Mông phía Lào Cai thường tận dụng con đường này để mua trâu từ Lai Châu mang về Lào Cai xẻ thịt bán.

Ông Sùng A Chư ở Sàng Ma Sáo mỗi năm cũng vài bận sang mua trâu theo con đường đó. “Đường trâu đi mới đúng là con đường Pavie nguyên bản, bây giờ, nhiều đoạn porter dẫn du khách đi tắt qua các con dốc đứng nên đường đi thực tế ngắn hơn” - A Chư nói.

Vượt đỉnh đèo Gió

Đi theo lời kể của ông Sùng A Chư, chúng tôi chọn cách khám phá con đường đá cổ Pavie từ phía Lào Cai đi sang Lai Châu. Từ khu chợ Mường Hum, tỉnh lộ 158 dẫn lên bản Nhìu Cô San gần “nát bét” sau những trận mưa lũ kinh hoàng của cơn bão Yagi. Nhiều đoạn đường sạt lở vẫn đang trong quá trình khắc phục. Có đoạn bụi đất trắng trời trong khi một số đoạn lại bùn nhầy nhụa, đầy những tảng đá to bằng cả tòa nhà 2 tầng vẫn nằm chình ình bên đường chưa thể dọn đi. Hai lần xe phải dừng để chờ máy xúc san gạt đất đá mới có thể đi tiếp. Chưa tới 16 km nhưng xe chúng tôi phải “bò” mất 1 giờ 45 phút, nhanh hơn người đi bộ một chút!

Tới ngã ba đầu bản Nhìu Cô San, xe ôtô không đi được nữa, chính là điểm đầu của con đường đá cổ Pavie ở phía Lào Cai. Xốc lại ba lô, cả đoàn bắt đầu hành trình leo bộ 15 km đường rừng sang phía Lai Châu. Những km đầu khá dễ dàng, con đường rộng mở trong một “lòng chảo” siêu lớn vô cùng thoáng đãng. Ngày  đầu mùa Đông, bầu trời vùng cao mù mịt hơi sương và lạnh sâu tạo cảm giác như đang đi trong một cái tủ lạnh khổng lồ. Đi qua hai trại nuôi cá tầm, chúng tôi vượt qua lòng suối cạn khổng lồ, chính thức bước vào đường rừng.

Ở đoạn này, hình hài con đường đá cổ Pavie gần như còn nguyên vẹn, khá thoáng, rộng chừng 3 mét được ghép lại từ hàng triệu tảng đá xanh lớn nhỏ. Trải qua cả trăm năm, những viên đá xanh nhẵn nhụi vẫn nằm im lìm ở đó âm thầm ghi lại triệu triệu dấu chân người. Càng tiến sâu vào rừng được bảo tồn khá tốt, chúng tôi được chìm đắm vào cảnh sắc thiên nhiên hai bên đường đá Pavie. Dưới tán tán cổ thụ trăm năm tuổi, nương thảo quả của đồng bào trải dài một màu xanh dịu mát. Âm thanh trong rừng chỉ còn tiếng bước chân của chúng tôi xen với tiếng chim rừng và tiếng suối róc rách…

Dù vậy, sương mù dày đặc làm mặt đường đá ướt rượt cộng thêm rất ít người qua lại nên trơn như mỡ. Trong khung cảnh núi rừng lãng mạn, những tiếng “xoẹt”, “thịch” nặng nề liên tục vang lên, các thành viên trong đoàn dù đã cố đi rất rón rén nhưng vẫn trượt ngã không thoát một ai. Anh em cười méo miệng gọi đùa là “vũ điệu trên đá” ở Pavie…

Đánh thức cung đường cổ

Đặc trưng của con đường đá cổ Pavie ở phía Lao Cai là dốc lên từ từ nên leo không quá mệt. Sau những cú ngã đau điếng, chúng tôi rút kinh nghiệm tránh đi lên mặt đường đá mà đi theo lớp cỏ phía ngoài để chống trơn. Sau hơn 2 tiếng leo bộ, đoàn đến con suối lớn nơi chân dốc nghỉ ăn trưa. Từ đây, đường leo bắt đầu khó đi và dốc hơn nhiều.

Đi thêm gần 1 giờ, chúng tôi tới được đỉnh đèo Gió, ở  độ cao gần 2.100 mét - điểm cao nhất của cung đường Pavie hiện hữu, cũng là điểm phân định ranh giới hành chính giữa hai huyện Bát Xát (Lào Cai) và Phong Thổ (Lai Châu). Đỉnh đèo Gió cao hơn đỉnh đèo Mây (Ô Quy Hồ) chừng 50 mét nhưng thấp hơn nhiều so với các đỉnh núi trong khu vực xã Sàng Ma Sáo hay huyện Phong Thổ như Nhìu Cô San (2.965 mét), Ky Quan San (3.046 mét), Tả Liên Sơn (2.996 mét)…

Độ cao này cũng đủ làm thay đổi toàn bộ thời tiết bên phía tỉnh Lai Châu. Cùng một con đường, chỉ cách nhau vài trăm mét nhưng trong khi phía Lào Cai âm u, mù mịt sương khói thì bên Lai Châu lại hoàn toàn khô ráo, trời xanh mây trắng… Từ đỉnh đèo Gió, chúng tôi trượt xuống vài con dốc sâu hoắm thì tới một thung lũng rộng. Từ đây, con đường đá Pavie lại trở về hình dạng như bên Lào Cai. Tiếp tục đi tới cuối thung lũng, chúng tôi tới bản Sàng Ma Pho (xã Sin Suối Hồ, Phong Thổ, Lai Châu), điểm cuối của con đường đá cổ Pavie.

Bản nhỏ Sàng Ma Pho khá đẹp nằm nép mình dưới chân dãy Nhìu Cô San. Giờ là mùa hoa Dã Quỳ, khắp bản đang nở rộ màu hoa vàng rực rỡ. Nhiều năm trước, đây là bản vùng sâu, vùng xa rất khó khăn của Lai Châu, giờ bản đã có điện, có mạng Internet, đường trong bản phần lớn là đường bê tông khá sạch sẽ. Bản chỉ có vài homestay đơn sơ đón khách lạ. Từ đây, nếu muốn tới bản du lịch nổi tiếng Sin Suối Hồ ở cùng xã, du khách sẽ phải ngồi “xe ôm” trèo đèo lội suối thêm gần một giờ đồng hồ nữa.

Cụ Sùng A Dơ, 82 tuổi, có lẽ là người cao tuổi nhất ở bản Sàng Ma Pho nhớ lại, trong thời kỳ Pháp thuộc, con đường Pavie còn rất dài, kéo tới tận khu vực thành phố Lai Châu bây giờ và tấp nập người qua lại, nhưng sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đường sá ngày càng được mở rộng và tốt hơn nên dần dà con đường đá cổ Pavie bị bỏ hoang, chỉ còn số ít người bản địa sử dụng để đi từ Sin Suối Hồ (Lai Châu) sang Sàng Ma Sáo (Lào Cai) hoặc ngược lại để thăm người nhà hoặc mua bán nông sản.

“Trước đây, bản Nhìu Cô San và bản Sàng Ma Pho cùng một đơn vị hành chính, sau này mới chia tách ra. Rồi bản Sàng Ma Pho lại chia tách tiếp nên giờ cả bản chỉ còn chừng 90 hộ dân sống quây quần với nhau” - cụ A Dơ chia sẻ. Cũng theo cụ Sùng A Dơ, từ hàng trăm năm trước, người H’Mông đã chinh phục đỉnh Nhìu Cô San, vượt qua đèo Gió bằng lối đi này và khai phá đến tận khu vực thành phố Lai Châu bây giờ, sau này, người Pháp chỉ tiếp tục mượn con đường của người H’Mông đã đi để hình thành nên đường đá cổ Pavie.

Vài năm trở lại đây, con đường đá cổ Pavie đã chìm vào quên lãng cả thế kỷ đang được giới chức 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai tìm nhiều cách để “đánh thức”. Cuối năm 2023, đoàn công tác của tỉnh Lào Cai do ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát đường đá cổ Pavie. Ông Trịnh Xuân Trường đã đi xuyên rừng và leo bộ tới đỉnh đèo Gió. Lãnh đạo tỉnh Lào Cai đánh giá con đường đá cổ Pavie là một tuyến du lịch đặc sắc, kết nối du lịch giữa Lào Cai và Lai Châu, cũng như nhiều danh thắng, thiên nhiên gần đó như thác Rồng, thác Tiên, thác Đỏ, thác Ong Chúa… mà tỉnh cần tập trung phối hợp với phía Lai Châu để làm sống lại “sợi dây” đặc biệt kết nối hai tỉnh.

Ông Hà Nhọt, chủ một homestay ở Mường Hum (Bát Xát, Lào Cai) cho biết, huyện Bát Xát đang làm rất mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức về làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Người dân bản cũng đã dần chuyên nghiệp hơn khi tham gia vào ngành công nghiệp không khói này. Hy vọng, cùng với mùa Xuân mới đang về trên Tây Bắc, con đường đá cổ Pavie sẽ sớm nhộn nhịp trở lại những bước chân du khách, từng bước góp phần đổi thay vùng đất còn rất nhiều khó khăn này…

Minh Khuê

Sáng 17/2, tại Công an tỉnh Bắc Giang, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì lễ công bố quyết định về việc điều động và bổ nhiệm Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó Cục trưởng, Thư ký lãnh đạo Bộ Công an đến nhận công tác và giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang.

Ngày 17/2, Công an TP Hà Nội tiếp tục đưa ra cảnh báo về thủ đoạn giả danh nhân viên điện lực thông báo cắt điện. Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân không thanh toán tiền điện vào tài khoản ngân hàng hoặc đường link lạ, tài khoản cá nhân khi chưa được xác minh. 

Cục CSGT tiếp nhận và thực hiện các nhiệm vụ tương ứng Cục Đường bộ Việt Nam, cấp tỉnh giao Phòng CSGT tiếp nhận và thực hiện các nhiệm vụ tương ứng Sở Giao thông vận tải, cấp xã thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ đổi, cấp lại giấy phép lái xe để phục vụ nhân dân ngay tại cơ sở.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, các sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ đã gây tranh cãi, nhất là khi liên quan đến nhập cư, ngân sách liên bang và quyền công dân. Với Tổng thống Donald Trump, chúng không chỉ thực hiện cam kết tranh cử mà còn khẳng định quyền lực hành pháp. Tuy nhiên, không ít sắc lệnh đã vấp phải rào cản pháp lý, đối mặt với hàng loạt vụ kiện và sự can thiệp của các thẩm phán liên bang.

Não mô cầu là bệnh đặc biệt nguy hiểm bởi tốc độ tiến triển có thể cướp đi sinh mạng con người trong vòng chưa đầy 24 giờ kể từ khi khởi phát. Có nhiều ca tử vong do não mô cầu khiến nhiều người lo lắng khi thời gian đầu chưa tìm ra nguyên nhân. Nguy hiểm hơn khi đây là bệnh lây qua đường hô hấp và thường để lại di chứng nặng nề.

Tháng Giêng là tháng diễn ra nhiều lễ hội, thu hút lượng lớn khách du xuân đầu năm tại các di tích lịch sử, đền, chùa… Ăn theo các hoạt động này là hàng quán kinh doanh thực phẩm với lượng khách đông đúc, dẫn đến nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), nhất là tại những nơi có tổ chức lễ hội lớn, tập trung nhiều người tham gia. Năm nay, Hà Nội tổ chức nhiều đợt kiểm tra an toàn thực phẩm tại nhiều lễ hội.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện triển khai còn chậm, nhiều thủ tục. Mặc dù phải đi lại nhiều lần, mất thời gian và tốn kém tiền của, công sức, song nhiều hộ dân vẫn chưa hoàn thành được thủ tục cấp sổ đỏ. Vì vậy, chính quyền các cấp và các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu rút ngắn thủ tục, đẩy nhanh tiến độ cấp “sổ đỏ” nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Cục Hàng không Việt Nam vừa có thông tin về kết quả phục vụ dịp cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, trong đó đánh giá hoạt động khai thác vận tải hàng không có kết quả tăng trưởng ấn tượng cả về số chuyến bay và sản lượng hành khách.

Ngày 11/2, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Trà Vinh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Thạch Thị Siêne (SN 1984, ngụ phường 9, TP Trà Vinh) can tội giết người.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.