5 giải pháp đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

16:35 19/02/2014
Trong công cuộc tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), thoái vốn là một nhiệm vụ rất quan trọng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp nhằm đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến năm 2015. Riêng đối với lĩnh vực thoái vốn, Bộ Tài chính đã kiến nghị một số giải pháp nhằm đẩy mạnh quá trình này.

Thứ nhất, về việc DN được phép thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất đầu tư. Về cơ bản nội dung này phù hợp với quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có bổ sung quy định DN được phép thoái vốn dưới mệnh giá. Về nguyên tắc, DN có trách nhiệm bảo toàn vốn đầu tư, trường hợp thoái vốn dưới giá trị sổ sách (kể cả dưới mệnh giá) thì cũng cần bảo toàn vốn đầu tư ở mức cao nhất, hạn chế số lỗ phát sinh khi thoái vốn dưới giá trị sổ sách.

Thứ 2, DNNN được chào bán ra công chúng số cổ phần đã đầu tư tại các công ty đại chúng có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định. Giải pháp này sẽ hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thoái vốn của các DN.

Thứ 3, để tạo nguồn lực triển khai các dự án trọng điểm cũng như hỗ trợ tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đến năm 2015 trong điều kiện Ngân sách nhà nước còn khó khăn, thì phương án thoái vốn nhà nước sẽ theo một số nguyên tắc sau: Duy trì tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ ở mức không thấp hơn 65% vốn điều lệ đối với các Ngân hàng Thương mại cổ phần và Tập đoàn Bảo Việt;  Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, DNNN khác (trừ các DN trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng) căn cứ vào tiêu chí phân loại DNNN và vai trò đối với phát triển kinh tế ngành để xác định tỷ lệ cần duy trì nắm giữ vốn nhà nước nhưng tối đa không quá 65% vốn điều lệ.

Theo Bộ Tài chính, thực hiện nguyên tắc thoái vốn trên cũng là thực hiện cơ cấu lại nguồn lực của Nhà nước, thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, tài chính, đồng thời với tỷ lệ nắm giữ 65% vốn điều lệ thì cổ đông nhà nước vẫn có quyền quyết định đối với các vấn đề quan trọng của DN theo quy định tại Luật DN.

Bốn là, đối với các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, DNNN không thực hiện được tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì Ban lãnh đạo DN được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chậm hoàn thành kế hoạch đã được phê duyệt theo quy định.

Năm là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế để thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường tài chính phát triển, qua đó góp phần đẩy mạnh quá trình sắp xếp, cổ phần hóa DNNN

Lệ Thúy

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文