57% đồ uống có cồn ở Việt Nam là bất hợp pháp

19:50 27/12/2023

Đây là số liệu được đại biểu đưa ra tại Tọa đàm “Góp ý xây dựng dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)", do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 27/12. 

Tọa đàm đã nêu thông tin, Chính phủ giao Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thuế  tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi), gửi Bộ Tư pháp trước để tổng hợp vào đề nghị của Chính phủ bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội; trình Quốc hội cho ý kiến luật này tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, chính sách thuế TTĐB còn một số hạn chế như: Đối tượng chịu thuế còn hẹp so với thông lệ quốc tế; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại biểu thuế chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến vướng mắc trong thực hiện. Cùng với đó, thuế suất thuế với một số mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe và xã hội chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng…

 “Dù còn một số hạn chế nhất định song có thể nói, Luật Thuế TTĐB không chỉ đóng góp cho nguồn thu cho ngân sách mà còn là công cụ chính sách hiệu quả để định hướng sản xuất và tiêu dùng của xã hội”, bà Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận xét.

Khẳng định việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, cho rằng, quá trình sửa Luật phải cân đối cả ba khía cạnh: Sức khỏe của nhân dân và cộng đồng; thu ngân sách nhà nước và tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi, phát triển tốt hơn. 

Cùng quan điểm, TS. Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng ban Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Cải cách chính sách thuế phải đặt trong tiến trình phát triển của đất nước và nền kinh tế. Khi thu nhập, hành vi tiêu dùng của người dân và năng lực của bộ máy đã có rất nhiều thay đổi, nói cách khác là điều kiện hiện nay thay đổi, thì cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB.

Đối với chính sách hoàn thiện quy định về căn cứ tính thuế và thuế suất thuế TTĐB, Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp (thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối) đối với rượu, bia theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế; xây dựng giải pháp điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB với rượu, bia, thuốc lá ở mức thuế suất phù hợp, theo lộ trình trên cơ sở bảo đảm mục tiêu thuế TTĐB góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.

Thuế TTĐB sẽ hướng người tiêu dùng vào những sản phẩm chất lượng cao hơn.

Đánh giá về tác động ngân sách khi áp thuế hỗn hợp, bà Đặng Ngọc Hương, Tiểu ban Rượu vang và rượu mạnh, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đưa ra số liệu khảo sát cho biết, 57% lượng đồ uống có cồn trên thị trường Việt Nam là bất hợp pháp, bao gồm cả những sản phẩm nấu tại nhà như rượu quê không xác định chất lượng, rượu nhập lậu.

“Hiện nay, chúng ta đang thất thu tới 57% ngân sách nhà nước trong nhóm hàng hóa này. Nếu chúng ta tăng thuế đối với đồ uống có cồn, thì 43% thị phần còn lại sẽ có giá cao lên, không phải đại đa số người tiêu dùng đều có thể sử dụng được, trong khi đó, 57% thị phần kia lại thu hút được nhiều người sử dụng hơn.

Như thế, việc thất thu ngân sách sẽ lại nhiều hơn. Vậy đây là bài toán cần tính: Nếu thị trường bất hợp pháp không được giải quyết, thì việc tăng thuế sẽ khiến thị trường chính thức thu hẹp, và bài toán ngân sách đều không đạt được”, bà Hương nói và cho rằng, hiện nay, thuế chúng ta đang đánh thuế vào giá, chứ không đánh vào nồng độ cồn, vì thế, sẽ đẩy người tiêu dùng tìm đến giá thấp. Trong khi đó, mục tiêu là làm sao để người tiêu dùng uống ít đi, nhưng uống những sản phẩm hợp pháp và có chất lượng. Thực tế, xu hướng tiêu thụ đồ uống có cồn ngày càng tăng cao, 8,3% lít cồn/đầu người ở Việt Nam, và tập trung vào người trẻ.

Đồng ý với việc người trẻ hiện nay đang uống đồ uống có cồn nhiều hơn, song TS Đặng Thị Thu Hoài cho rằng, đã đến lúc nên áp dụng hình thức thuế hỗn hợp để đánh thuế đối với đồ uống có cồn.

Từ góc độ chuyên môn của người làm thuế, bà Nguyễn Thị Cúc cũng cho rằng, việc chuyển đổi sẽ là khó khăn, phải có phương pháp cụ thể, thậm chí phải có cả “hy sinh”. “Trước đây, khi làm thuế TTĐB với thuốc lá, chúng ta đã có bài học cần rút kinh nghiệm. Lúc đó, chúng ta áp thuế với thuốc lá không có đầu lọc của Việt Nam là 25%, loại thuốc lá nguyên liệu nội có đầu lọc là 45%, và nhập ngoại là 55%. Điều này đã khuyến khích người nghèo hút thuốc rẻ, gây bệnh phổi. Đến khi áp thuế đồng loạt, 2 công ty sản xuất thuốc lá trong nước là Đà Lạt và Sông Cầu rất khó khăn. Nhưng dần dần đã ổn. Bởi vậy, rất cần có lộ trình cụ thể”, bà Cúc khuyến nghị.

Trong khi đó, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, bà Phan Minh Thủy đến từ VCCI lại cho rằng, phải hài hòa giữa người dân và doanh nghiệp khi thu thuế, bởi doanh nghiệp gặp khó thì sẽ ảnh hưởng tới đóng góp vào ngân sách. “Thực tế, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành bia rượu nói riêng hiện đang rất khó khăn, muốn lùi thời điểm áp dụng thuế TTĐB. Với sự phức tạp trong cách tính thuế hỗn hợp, hiện Bộ Tài chính chưa có thông tin cụ thể, nên khi ban hành Luật thuế năm 2024, cần phải có sự rõ ràng và thông tin để doanh nghiệp có sự chuẩn bị”, bà Thủy đề xuất.

Hà An - Ngô Khiêm

Chiến lược dữ liệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ xác định là nguồn tài nguyên mới, yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân. Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Gần 2 tháng qua, nhiều hộ nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh An Giang tham gia liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (gọi tắt là Tập đoàn Lộc Trời) như ngồi trên đống lửa khi lúa đã bán đi, tiền chưa nhận được, nợ chi phí sản xuất của vụ Đông Xuân chưa trả thì gánh nặng của đợt xuống giống vụ Hè Thu lại đến…

Dự thảo Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo đang được đưa ra lấy ý kiến đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp.

Điện Biên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc. Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của quan hệ hợp tác quốc tế, Đảng ủy Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại trong đó có hợp tác quốc tế với Công an các tỉnh có đường biên giới tiếp giáp thuộc 2 quốc gia Lào và Trung Quốc trong đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia…

Các đơn vị trúng thầu dự án đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đi qua địa bàn xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đã san ủi đồi núi, đổ lấp xuống con sông chảy qua địa bàn xã này hàng nghìn m3 đất đá. Hậu quả của việc làm này không chỉ gây ra tình trạng sông suối bị chặn dòng, thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt, sản xuất ở vùng hạ du, mà còn gây ô nhiễm môi trường xung quanh; gây bồi lấp, nhấn chìm ruộng đồng, nhà cửa của hàng trăm hộ dân ở đây vào mùa mưa lũ.

Chỉ trong vòng 3 tháng, bóng đá Việt Nam liên tục rúng động vì thông tin các cầu thủ chuyên nghiệp "nhúng chàm". Sau vụ 5 cầu thủ Bà Rịa Vũng Tàu bị bắt vì nghi vấn dàn xếp tỷ số đến lượt 5 cầu thủ của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bị tạm giam vì liên quan đến ma túy.

Thuê máy chủ ở nước ngoài, đường dây môi giới mại dâm quy mô do Hoàng Duy Hưng, SN 1990, trú tại thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã tạo ra hàng loạt trang website "đen", đăng tải hình ảnh gái mại dâm và tạo ra các diễn đàn trên mạng để câu khách. Ước tính cả triệu người tham gia các trang web và diễn đàn độc hại này.

Thủ đô Hà Nội được dự báo vẫn có mưa dông vào buổi sáng, đến trưa chiều trời hửng nắng. Trong khi đó, khu vực vùng núi Bắc Bộ tiếp tục có mưa to. Nam Bộ bớt nắng nóng, chiều tối có mưa.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文