7 “phương thuốc” của NHNN để ổn định thị trường tiền tệ
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng 6 tháng cuối năm 2008, NHNN đã đề ra 7 giải pháp trọng tâm cho công tác 6 tháng cuối năm 2008. Đó là:
Tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng linh hoạt để vừa kiềm chế lạm phát vừa giữ ổn định thị trường tiền tệ; sử dụng linh hoạt các công cụ lãi suất, thị trường mở, tái cấp vốn để vừa kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng của cả năm 2008 không vượt quá 30%; vừa đảm bảo khả năng thanh khoản cho các tổ chức tín dụng.
Tập trung đầu tư tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao, nhất là sản xuất nông nghiệp, nông thôn; cho vay xuất khẩu; hạn chế đầu tư vào những lĩnh vực phi sản xuất. Trong đó, ngân hàng sẽ chú trọng cho vay đối với hộ nghèo, học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách khác, nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Điều hành tỷ giá linh hoạt trong phạm vi biên độ cho phép của Chính phủ; xây dựng phương án tổng thể để hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại tệ trong hệ thống các TCTD cũng như trên thị trường tự do.
Tập trung thanh tra, giám sát toàn diện hệ thống các TCTD. Chú trọng thanh tra giám sát các lĩnh vực: chất lượng tín dụng; cho vay bất động sản; kinh doanh giấy tờ có giá, tiêu dùng; kinh doanh ngoại hối, vàng… thực hiện nghiêm các quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng.
Hoàn thiện các quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng cho phù hợp với tình hình mới: ban hành chế tài xử lý các trường hợp cạnh tranh không lành mạnh giữa các TCTD; bổ sung, chỉnh sửa quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án thành phần trong khuôn khổ đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt với trọng tâm là triển khai đề án Xây dựng Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động tiền tệ, ngân hàng và công tác chỉ đạo điều hành của NHNN, đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác nhằm định hướng dư luận