Siết đầu tư ngoài ngành để DN phát triển đúng hướng

Bài 1: Trả giá đắt vì đầu tư ngoài ngành

08:29 25/10/2015
Chuyện doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đầu tư ngoài ngành sẽ sớm trở thành chuyện xưa cũ, khi công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có trọng điểm là tái cơ cấu DNNN, đang gần đi đến hồi kết.

Mới đây, Nghị định 91/2015/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/12/2015, đã chính thức xác lập “vùng cấm” trong đầu tư của DNNN, cho thấy quyết tâm nắn dòng tiền đầu tư đúng mục đích kinh doanh của Chính phủ.

Doanh nghiệp Nhà nước: Được và mất

Ra đời trước thời kỳ đổi mới, trong cơ chế của nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, các DNNN được coi là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam. Hơn 20 năm phát triển, trải qua thời kỳ mở cửa, các giai đoạn hội nhập và cả tiến trình tái cơ cấu, song hành với nhiều thành phần kinh tế khác, vai trò của DNNN vẫn luôn được khẳng định. 

Sự thực thì DNNN luôn nắm giữ những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, và với năng lực của mình, DNNN đã đóng góp rất nhiều cho ngân sách Nhà nước (NSNN). Ngay cả trong cơn “đại phẫu”, ở giai đoạn cao trào nhất, thì DNNN vẫn khẳng định vị thế quan trọng của mình. Số liệu nộp thuế theo công bố mới đây của Vietnam Report, trong tổng số 1.000 DN nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2015, khối DNNN chỉ chiếm có 229 DN, chưa bằng 1/2 số lượng DN FDI xuất hiện trong bảng xếp hạng, thậm chí thua cả số lượng DN thuộc khối tư nhân, nhưng đóng góp lại lớn nhất. 

Cụ thể: khối FDI có 460 DN, tuy nhiên, chỉ chiếm 37% tổng số thuế thu nhập DN của toàn bảng. Khối tư nhân có 311 DN, nhưng tỷ lệ đóng góp chỉ đạt khoảng 18%. Khối DNNN có 229 DN, nhưng là khu vực có đóng góp lớn nhất, khoảng 45% tổng số thuế thu nhập DN của toàn Bảng xếp hạng.

Đánh giá về vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: “Nếu không có DNNN, thì nhiều nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao, khối tư nhân không thể thực hiện được”. Đơn cử như các hoạt động đầu tư lưới điện, viễn thông tới vùng hải đảo, vùng biên cương miền núi hay như việc đưa thành công hơn một vạn lao động của nước ta từ Libya về nước sau khi có biến động chính trị ở quốc gia này…

Tuy nhiên, bên cạnh “công”, DNNN cũng mang khá nhiều “tội”. Mặc dù được hình thành sớm và được hưởng nhiều ưu thế trong việc sử dụng các nguồn lực về tài nguyên, đất đai, tiền vốn và lao động so với các khu vực sở hữu khác, đặc biệt là các DN FDI, song hiệu quả hoạt động kinh doanh thì kém hơn hẳn. Số liệu về Kết quả sản xuất kinh doanh của các DN Việt Nam 2007 - 2009 qua điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy hiệu quả hoạt động của các DNNN chỉ bằng khoảng 50% so với các DN FDI. 

Đã thế, với ưu thế được thành lập từ trước, cho nên, nhiều DN lớn trong một số các lĩnh vực kinh doanh có những biểu hiện của tình trạng độc quyền (Petrolimex chiếm tới 60% thị phần xăng dầu cả nước; Tập đoàn Điện lực chiếm lĩnh gần hết thị trường từ khâu sản xuất tới truyền tải và bán lẻ; Tập đoàn Than, Khoáng sản cũng chiếm giữ phần lớn việc khai thác và cung cấp sản phẩm than trên toàn quốc…). 

Tình trạng độc quyền trong sản xuất kinh doanh, đã làm méo mó thị trường, gây thiệt hại lớn tới quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như lợi ích của Nhà nước, hạn chế sự phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đã thế, công tác tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh chậm được đổi mới, nhiều DN chưa bắt kịp yêu cầu của nền kinh tế thị trường, còn có tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước, sử dụng nguồn tài nguyên, vốn còn lãng phí. 

Xăng dầu, điện vẫn giữ vị thế độc quyền trong nền kinh tế.

Các tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh dưới sự bảo trợ của Nhà nước, vẫn còn có tư tưởng vì lợi ích nhóm, mà bỏ qua lợi ích của toàn bộ nền kinh tế, thông qua việc đề nghị Chính phủ quyết định tăng giá bán một số sản phẩm thuộc diện quản lý giá của Nhà nước, đòi được hưởng một số những trợ cấp, ưu đãi trong sản xuất kinh doanh, hoặc tiếp tục xuất khẩu những sản phẩm mà trong thời gian tới Việt Nam phải nhập khẩu…

Những yếu kém này của DNNN, khi khủng hoảng tài chính thế giới diễn ra, đã trở thành những trở ngại lớn cho kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng ổn định và bền vững.

Khi “chân ngoài” dài hơn “chân trong”

Trong những “tội” mà DNNN bị liệt kê ra, điều “tai tiếng” nhất phải kể đến là việc đầu tư ngoài ngành một cách tràn lan. Chính vì thế, quá trình tái cơ cấu DNNN không thể tách rời tiến độ thoái vốn ngoài ngành của những “ông lớn” này. 

Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM năm 2012 cho biết, những cái tên ngân hàng lần lượt xuất hiện trong phần lớn bảng tài sản của gần 11 tập đoàn và 10 tổng công ty lớn (chiếm 87,1% tổng vốn chủ sở hữu của DNNN).

Đầu tư trái ngành, lập “sân sau, sân trước” đã đẩy bong bóng tín dụng. bong bóng bất động sản, chứng khoán… bị thổi phồng gấp nhiều lần giá trị thực tế. Hệ lụy tất yếu là khi bong bóng vỡ, nền kinh tế khủng hoảng, nợ xấu tăng vọt. Có đến 6 trong số 9 ngân hàng đầu tiên bị công khai thuộc diện yếu kém cần tái cấu trúc đang có cổ đông lớn quan hệ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp với Nhà nước - theo một báo cáo của Fulbright ghi nhận. Hàng loạt “ông lớn” DNNN chao đảo, khi hệ thống ngân hàng khủng hoảng. 

Tập đoàn Dầu khí (PVN) đối mặt với nguy cơ mất vốn hàng nghìn tỷ đồng khi dính vào nhà băng có vốn nghìn tỷ, nhưng đã âm vốn điều lệ, bị mua lại với giá 0 đồng. Không phải chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, PVN còn đầu tư “tùm lum” sang những lĩnh vực khác. Báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương tháng 4/2015 cho thấy, PVN đang "mắc kẹt" 1.167 tỷ đồng tại 3 đơn vị là Tổng Công ty Xây lắp dầu khí, Công ty Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí, Công ty Phát triển Đông Dương Xanh. 

Vẫn chưa dừng lại ở đó, PVN còn có  75% vốn cổ phần ở Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex, Hải Phòng), tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỉ đồng). 

Dự định của PVN khi đầu tư vào đây là muốn dùng nguyên liệu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi với mục đích giúp Việt Nam tự chủ một phần nguyên liệu dệt may. Tuy nhiên, có vẻ dự án này ngay từ ban đầu đã là nước cờ sai lầm của PVN, nên càng đi càng lún sâu vào thất bại.

Ngay cả khâu thi công nhà máy, dù được “ông lớn” chống lưng, vẫn chậm tiến độ tới 2 năm. Hàng loạt chi phí được tính toán đều bị đội lên theo cấp số nhân, nên khi đi vào hoạt động năm 2014, chỉ vận hành khoảng bảy tháng, nhà máy lỗ hơn 1.085 tỉ đồng.  Tính đến ngày 31/3/2015, tổng lỗ của PVTex lên tới 1.732 tỉ đồng, hàng nghìn công nhân phải nghỉ việc.

Một ông lớn khác là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng từng điêu đứng vì đầu tư ngoài ngành. 2.100 tỷ đồng, tương đương 3,27% vốn chủ sở hữu được EVN đầu tư vào 4 lĩnh vực nhạy cảm gồm bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng và tài chính. Hay một gương mặt khác có lẽ cần phải kể đến là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) với nhiều khoản đầu tư nằm rải rác ở 5 ngân hàng…

Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2011, các tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tư ngoài ngành gần 23.744 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là lĩnh vực ngân hàng với 11.403 tỷ đồng, tiếp đến là bất động sản với 9.286 tỷ đồng, bảo hiểm là 1.682 tỷ đồng, chứng khoán là 696 tỷ đồng và quỹ đầu tư là 677 tỷ đồng.

Hà An

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt website, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa đưa ra cảnh báo về một số chiêu thức lừa đảo mới mà người dân cần cảnh giác như mạo danh nhân viên công ty sổ số, lừa đảo cấp chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế để chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.

Nhà đạo diễn kiệt xuất Roman Carmen đã cùng các đồng nghiệp Xôviết đến Việt Nam năm 1954 và làm bộ phim “Việt Nam”, ghi lại chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử của dân tộc ta.

Những suất quà chứa đựng nhiều tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Báo CAND và nhà hảo tâm, với mong muốn đồng hành cùng các em học sinh và giáo viên trường Tiểu học Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; qua đó cùng chung tay, góp sức nâng bước các em đến trường.

Khi biết Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh (Trung tâm CNSH) triển khai dự án trên 425 tỉ đồng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã làm quen, mua chuộc những lãnh đạo chủ chốt, bằng cách thường xuyên thăm hỏi, biếu quà. Khi đã thân thiết, Nhàn nhờ các lãnh đạo nâng giá thiết bị, nâng dự toán theo ý Nhàn. Sau đó, Nhàn lập liên danh dự thầu, bày "quân xanh" , thâu tóm các gói thầu, để AIC ngồi không hưởng lợi hàng trăm tỉ đồng.

Chính trị nội bộ của đảng Cộng hòa Mỹ lại trở nên bất ổn do nghị sĩ Marjorie Taylor Greene quyết tâm phế truất Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson sau khi ông này thuyết phục Hạ viện thông qua gói viện trợ quân sự cho nước ngoài, trong đó có Ukraine.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文