Ai phá rừng Mường Nhé?
Không có “lâm tặc” chuyên nghiệp
Theo anh Thành, rừng ở Mường Nhé không có gỗ quý, chủ yếu là gỗ tạp nên không có “lâm tặc” chuyên nghiệp. Các đối tượng phá rừng chủ yếu là người Mông di cư tự do, phá rừng để làm nương rẫy và lấy gỗ làm nhà. Thời điểm rừng bị tàn phá nhiều nhất là vào tháng 3-4, khi người dân di cư bắt đầu làm nương rẫy vụ mới.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Thào A Dế cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, đã có hơn 143,1058ha rừng bị phá, trong đó thiệt hại nặng nhất là rừng ở xã Leng Su Sìn với diện tích rừng lên đến 66,7475ha. Các vụ vi phạm hầu hết đã xác lập được hồ sơ vi phạm theo đúng quy định nhưng chưa phát hiện được đối tượng. Một số vụ đã phát hiện đối tượng vi phạm nhưng qua điều tra không xác định được địa chỉ, tên tuổi thật của đối tượng do đối tượng khai báo bằng tên và địa chỉ giả mạo.
Lý giải nguyên nhân các vụ phá rừng, ông Thào A Dế cho rằng, đó là do tình trạng di cư tự do của đồng bào người Mông. “Đại đa số các vụ phá rừng khi bị phát hiện, đối tượng đều thuộc dân di cư tự do, không rõ tên tuổi, địa chỉ, gây khó khăn trong công tác quản lý, điều tra và bảo vệ rừng. Nhiều địa bàn, rừng sắp bị mất trắng vì dân di cư tự do. Họ phá rừng để làm nương, chỉ sau 2-3 vụ, đất bạc màu, họ lại kéo nhau đi nơi khác và lại phá rừng” – ông Thào A Dế nói thêm.
Năm 2012, khi chia tách Mường Nhé thành 2 huyện Mường Nhé và Nậm Pồ, dân số huyện Mường Nhé còn 32.977 khẩu. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn huyện thực tế có 38.202 khẩu. Số dân di cư tự do đến Mường Nhé chiếm hơn 50%, chủ yếu là người Mông từ các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai… Diện tích đất sản xuất ngày càng thiếu dẫn tới đa số người dân di cư tự do tổ chức phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác, sản xuất nương rẫy.
Đặc biệt, tại điểm bản Cà Là Pá (xã Leng Su Sìn), khi mới thành lập bản từ những năm 2006-2008 chỉ có 30 hộ với hơn 100 khẩu. Đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, bản có hơn 350 hộ với hơn 2.300 khẩu. Chính áp lực về gia tăng số hộ, số nhân khẩu này đã kéo theo các hệ lụy về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kéo theo đó là tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật.
Các lực lượng phối hợp tuần tra bảo vệ rừng. |
Anh Vàng Thông Va, 36 tuổi, nhà ở bản Cà Là Pá cho biết, gia đình anh di cư từ Điện Biên Đông đến Cà Là Pá từ năm 2008-2009. Thấy ở đây đất đai mầu mỡ, điều kiện khí hậu thuận lợi nên gia đình định cư luôn, không di cư nữa. Đến nay, anh đã có nhà cửa ổn định, con cái đi học, vợ đi làm nương, còn anh đi làm thợ mộc với ngày công từ 100-200 nghìn/ngày.
Trước tình trạng phá rừng ở Leng Su Sìn thời gian qua, anh Va cho biết: “Dân di cư tự do từ nơi khác tới bản khá đông. Họ di cư về đây vài tháng rồi lại đi. Có nhiều hộ vào sâu trong rừng, lập lán, ngày phát nương, tối đến dùng cưa xăng phá rừng. Họ phá rất nhanh, mỗi đêm nhiều ha rừng biến mất. Không phải rừng của họ nên họ phá tràn lan, ảnh hưởng rất lớn tới dân sở tại. Trung bình 1 hộ 5 khẩu thì cần phải có 5ha mới đủ. Vì nhu cầu của cuộc sống, họ phá rừng để lấy đất canh tác. Người dân đã định cư ổn định ở bản Cà Là Pá thì bảo vệ rừng rất tốt bởi họ ý thức được cuộc sống của mình gắn với rừng”.
Mất rừng do lực lượng mỏng
“Rừng đã phá xong rồi. Là lực lượng chuyên trách giữ rừng, chúng tôi đau xót lắm. Quản lí diện tích rừng trên 72.000 ha nhưng lực lượng kiểm lâm quá mỏng, chỉ có tất cả 22 người. Theo quy định, mỗi kiểm lâm viên quản lí 1.000 ha rừng. Thế nhưng, vì không đủ người nên có khu vực, kiểm lâm viên của chúng tôi phải quản lí trên 10.000 ha, ví dụ như ở xã Mường Nhé. Địa bàn quá rộng khiến nhiều nơi quản lí không nổi” – anh Thành thừa nhận.
Rừng ở Mường Nhé bị phá trái pháp luật vẫn diễn ra chủ yếu ở khu vực rừng sản xuất, đặc biệt là các vị trí có rừng giáp ranh với diện tích sản xuất nương rẫy của nhân dân tại các xã. Mục đích phá rừng trái pháp luật để lấy đất sản xuất phục vụ nhu cầu sinh sống của hộ gia đình, trồng cây nông nghiệp. Đáng lưu ý là tại các điểm di cư tự do, người dân thường bị các đối tượng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để truyền đạo trái pháp luật và dụ dỗ đồng bào gây rối trật tự, lôi kéo người vượt biên trái phép.
Phụ trách địa bàn nóng là xã Leng Su Sìn, kiểm lâm viên Lù Văn Thanh cho biết, các đối tượng phá rừng rất tinh vi. Ở một số điểm, người dân lấn chiếm đất bằng hình thức ken cây cho chết hoặc chặt từng đám nhỏ sau đó trồng xen cây lương thực trên đất lấn chiếm. Họ thường lợi dụng dịp nghỉ Tết để phá, chủ yếu phá vào ban đêm để tránh sự chú ý của lực lượng chức năng. Do đi thành nhóm 30-50 người nên khi kiểm lâm phát hiện, các đối tượng sẵn sàng chống trả.
Chính quyền “không biết làm thế nào”?
Chính quyền địa phương có biết việc phá rừng? Câu trả lời là có. “Biết nhưng không biết làm thế nào” có lẽ là cụm từ chính xác nhất để nói về sự lo lắng và bối rối của chính quyền huyện Mường Nhé khi làn sóng di cư tự do của người Mông vẫn nhằm về nơi cực Tây Tổ quốc này.
Một khi việc di cư còn diễn ra thì rừng còn bị tàn phá. Khi cán bộ địa phương đến vận động họ quay về quê cũ thì họ đưa ra cái lý rằng “tên bắn đi không quay lại” để tiếp tục ở lại phá rừng và tranh giành đất đai với dân địa phương, tạo ra các mâu thuẫn. Không ít trường hợp kẻ xấu lợi dụng mâu thuẫn này để tạo thành “điểm nóng” về tranh chấp đất đai, gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Đại tá Nguyễn Ngọc Trường - Trưởng Công an huyện Mường Nhé cho biết, tình trạng di cư tự do vào địa bàn huyện Mường Nhé vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2013, có 40 hộ với 275 khẩu, năm 2014 có 11 hộ với 61 khẩu di cư tự do vào Mường Nhé. Trong 2 năm, chính quyền huyện Mường Nhé đã tiến hành di chuyển 17 hộ di cư tự do với 85 khẩu về nơi xuất cư, nhưng sau đó nhiều hộ gia đình đã quay trở lại.
Từ tháng 1/2015 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 45 hộ với 193 khẩu di cư vào địa bàn, UBND huyện và các lực lượng trong huyện đã thành lập nhiều tổ liên ngành vận động đưa dân về nơi xuất cư. Tuy nhiên, đa số các hộ dân đều cố tình bỏ trốn hoặc không chấp hành, không thu xếp đồ đạc, lên xe trở về nơi xuất cư. Nhiều hộ về nơi xuất cư, nhưng sau đó tiếp tục quay trở lại địa bàn huyện Mường Nhé…
Trên nhiều chặng đường của Mường Nhé, chúng tôi bắt gặp nhiều khoảnh rừng đã bị đốt làm nương rẫy, nhiều nơi dân vẫn đang trong quá trình vừa chặt cây, vừa làm nương. Nhiều khoảnh rừng lúa nương đã bắt đầu xanh tốt.
Rừng mất, trong khi đó một vài vụ nương đi qua, dân di cư lại bỏ đi tìm vùng đất mới, nhiều cánh rừng khác tiếp tục rơi vào cảnh tàn phá không thương tiếc. Rừng Mường Nhé vẫn đang bị tàn phá theo nhiều hình thức khác nhau; hoặc là phá trắng, hoặc là biến rừng giàu thành rừng nghèo. Trước thực trạng trên, nếu tỉnh Điện Biên không có biện pháp quyết liệt, ngăn chặn kịp thời thì hàng chục nghìn ha rừng, trong đó có cả rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé sẽ còn tiếp tục bị xâm hại.