Các doanh nghiệp vận tải, đóng mới và sửa chữa tàu thủy lao đao vì thiếu vốn
Từ khó khăn của doanh nghiệp.
Tại Phú An có đến 70 doanh nghiệp lớn nhỏ hoạt động trong lĩnh vực vận tải, đóng mới và sửa chữa tàu thủy. Một số chuyên kinh doanh vận tải thủy, còn lại chủ yếu là đóng tàu. Bên ngoài bãi ven sông Ninh Cơ là các xưởng đóng tàu với quy mô lớn, đóng tàu từ hàng nghìn đến vài chục nghìn tấn. Bên trong đê là làng Phú An với những căn nhà bề thế cùng những chiếc xe bóng nhoáng trị giá bạc tỉ. Tuy nhiên cái vẻ bề ngoài đó không biết còn tồn tại được đến bao giờ, khi hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp bị phá sản. Các doanh nghiệp còn tồn tại cũng chỉ sản xuất cầm chừng đợi ngày... phá sản.
Từ những tháng đầu năm 2008, Chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát. Ngân hàng tăng lãi suất và thắt chặt nguồn vốn cho vay. Thực tế các doanh nghiệp trên địa bàn Phú An đều hoạt động chủ yếu từ nguồn vốn vay của ngân hàng. Vì thế khi không được vay vốn, mọi doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính.
Gần 70 doanh nghiệp nhưng số hoạt động hiệu quả thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một số doanh nghiệp có đủ tiềm lực kinh tế hiện nay vẫn đang hoạt động nhưng cũng chỉ cầm chừng. Số còn lại đã ngừng hoạt động. Ngay cả các doanh nghiệp đang hoạt động cũng thu nhỏ quy mô sản xuất.
Lãi suất ngân hàng tăng cao đã làm cho giá trị sản xuất giảm sút. Hơn nữa ngân hàng không đáp ứng các yêu cầu về vốn nên nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục sản xuất. Ngay tại cụm công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thủy Phú An hiện đang còn rất nhiều dự án tàu lớn chưa được giải ngân có trị giá từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng đã nằm phơi nắng từ rất lâu. Bên cạnh đó việc không đủ vốn để sản xuất của doanh nghiệp, còn có khó khăn gây ra từ phía đối tác khách hàng.
Đối với mỗi dự án tàu, các chủ tàu phải trả tiền theo tiến độ của dự án. Nhưng ngay cả các chủ thầu cũng đang gặp khó khăn về tài chính nên các doanh nghiệp đóng tàu lại càng gặp khó khăn hơn. Cách tháo gỡ duy nhất chỉ là gồng hết sức mình, dồn hết tiềm lực và vay tiền lưu động của ngân hàng (lãi suất cao) để tiếp tục sản xuất. Gia công tiếp các sản phẩm còn dang dở để có thể bàn giao cho khách hàng, thu hồi vốn để quay vòng. Còn các dự án mới đành phải hủy bỏ.
Tại xưởng đóng tàu của Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Trường An hiện có 11 tàu thì có đến 8 tàu là dự án treo chưa được giải ngân để có thể hoàn thiện. Những tàu còn đang làm dở thì theo ông Vũ Đình Tề - Phó giám đốc tài chính của Công ty cho biết: Không biết có đủ tiền để hạ thủy hay không.
Ông Ninh Bá Tường - Phó Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Cát Tường cho biết, Cát Tường đã vận dụng hết nội lực và vẫn đang tìm kiếm đối tác ngân hàng. Nhưng nếu trong tình trạng tài chính như hiện nay thì Cát Tường cũng chỉ trụ được thêm 1 năm nữa. Trở ngại về vốn vẫn đang là bài toán không có lời giải của nhiều doanh nghiệp đóng tàu tại Phú An. Doanh nghiệp không vượt qua được sẽ không thể tồn tại.
Đến khó khăn cho người lao động
Năm 2007, khi các doanh nghiệp phát triển mạnh ngay tại cụm công nghiệp đóng mới và tàu thủy Phú An đã thu hút được hơn 400 công nhân lao động. Trong số đó giải quyết được công ăn việc làm cho gần 1.500 lao động tại địa phương. Với thu nhập từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng đối với lao động phổ thông, từ 2 - 4 triệu đối với những công nhân có tay nghề. Còn lại là kỹ sư và công nhân từ các vùng lân cận và các tỉnh bạn.
Khi cơn bão tài chính làm cho các doanh nghiệp chững lại đã ảnh hưởng rất lớn tới công việc dành cho lao động tại địa phương. Các doanh nghiệp bắt buộc phải ngừng xây dựng cầu cảng, mở rộng nhà xưởng và các công nghiệp phụ dành cho lao động phổ thông. Đồng thời bắt buộc phải giảm số lượng công nhân để giảm chi phí về lương.
Giảm bớt lượng công nhân không cần thiết và chỉ chú trọng đến các công nhân có tay nghề cao để hoàn thiện nốt các con tàu đang làm dở. Vì thế mà lượng công nhân đã giảm đi chỉ còn 1/3. Gần như toàn bộ công nhân lao động của địa phương đã không có việc làm. Ở một vùng không có nghề phụ, một lượng lớn người lao động thất nghiệp lại trở thành một bài toán khó của chính quyền địa phương trong công tác giải quyết công ăn việc làm cho người lao động