Cần cải thiện tình trạng xuất gỗ thô sang Trung Quốc

08:21 17/09/2015
Ngày 15/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thương mại gỗ Việt Nam - Trung Quốc 2012-2014 thực trạng và xu hướng”, trong đó chỉ ra thực trạng yếu kém của ngành này, là mới chỉ xuất khẩu thô, thậm chí chỉ là địa bàn trung chuyển gỗ sang Trung Quốc; và đáng báo động hơn là tình trạng gian lận thương mại đang có xu hướng ngày càng gia tăng.

Theo nhóm nghiên cứu về thương mại gỗ Việt Nam – Trung Quốc, gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những nhóm mặt hàng quan trọng nhất trong thương mại song phương. Năm 2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 845 triệu USD và riêng 6 tháng đầu năm nay đã đạt kim ngạch trên 425 triệu USD, cao thứ hai trong tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. 

Việt Nam chủ yếu xuất gỗ nguyên liệu, bao gồm dăm gỗ, gỗ tròn, gỗ xẻ, ván bóc và các mặt hàng mỹ nghệ truyền thống như bàn, ghế, tủ. Nhóm nghiên cứu cho rằng dù xu hướng chung trong thương mại song phương giữa 2 quốc gia là “hụt kinh niên” đối với Việt Nam, nhưng gỗ lại thặng dư bình quân khoảng 600 triệu USD/năm.

Tiếp giáp 7 tỉnh của Việt Nam và cùng chung 29 cửa khẩu đường bộ, cộng với các cảng biển và đường mòn, lối mở, Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng cho ngành chế biến và thương mại gỗ của Việt Nam. Tầm quan trọng của thị trường này không chỉ thể hiện ở giá trị kim ngạch, mà còn ở tiềm năng vô cùng to lớn.

Tuy nhiên, việc xuất sang Trung Quốc đang bộc lộ một số hạn chế cơ bản của ngành gỗ Việt Nam. Trước hết, hầu hết các sản phẩm xuất là thô, giá trị gia tăng thấp. Trong bối cảnh nguồn nguyên liệu gỗ ngày càng cạn kiệt, hình thức xuất khẩu hiện tại phản ánh những ưu tiên ngắn hạn, vì lợi ích trước mắt, dựa vào khai thác tài nguyên thô và lao động giá rẻ, sử dụng công nghệ lạc hậu của một số DN tham gia thị trường. Điều này cũng phản ánh tính không bền vững của ngành gỗ hiện nay. 

Thứ hai, trừ gỗ cao su, còn lại phần lớn các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc không có nguồn gốc từ Việt Nam, nghĩa là chúng ta chỉ là quốc gia trung chuyển, không có lợi ích gì. Thứ 3, phân tích thương mại mặt hàng gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc, chỉ ra những tín hiệu rõ ràng về gian lận thương mại của một số DN Việt Nam tham gia xuất khẩu. 

Hiện xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc đang bộc lộ nhiều yếu kém.

Giá xuất khẩu được khai báo với Hải quan thấp hơn nhiều so với mức giá gỗ nguyên liệu đầu vào thông thường, cho thấy các hành vi nhằm giảm, hoặc trốn thuế xuất khẩu, gây thất thu cho ngân sách và làm méo mó thị trường. Quy mô xuất khẩu thực của Việt Nam có thể lớn hơn rất nhiều so với các con số thống kê.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, thống kê của Hải quan Trung Quốc về kim ngạch xuất khẩu gỗ luôn cao hơn hải quan Việt Nam, chênh lệch năm 2012 là 125 triệu USD và chênh lệch 2014 lên đến 594 triệu USD. Kể cả về số lượng gỗ xuất cũng có chênh lệch lên tới 1,69 triệu m3 gỗ quy tròn, cao gấp 15 lần chênh lệch của năm 2012. Nguyên nhân được chỉ ra rằng có phần đóng góp của buôn lậu.

Ông Nguyễn Tôn Quyền -  Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ - lâm sản Việt Nam cho rằng vấn đề chênh lệch thống kê không quá nghiêm trọng và không ảnh hưởng đến kinh doanh. Tuy nhiên, Việt Nam phải phát triển thị trường này bằng công nghệ, chính sách và sự minh bạch, công khai.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào quốc tế, thương mại gỗ Việt Nam - Trung Quốc sẽ chịu nhiều tác động. Một trong những hiệp định có ảnh hưởng lớn nhất là Hiệp định hàng hóa ASEAN - Trung Quốc, mà theo đó, Chính phủ các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ áp dụng mức thuế bằng 0 cho nhiều mặt hàng trong nhóm gỗ và sản phẩm gỗ. Đây cũng là một cơ hội cho các DN xuất khẩu Việt Nam. Thêm vào đó, việc phá giá đồng nhân dân tệ đến nay chưa có tác động rõ ràng đến ngành gỗ, nhưng cũng có thể giảm cầu tại thị trường này đối với các sản phẩm gỗ, đặc biệt là gỗ quý.

Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế quốc gia (NCIF) vừa công bố báo cáo đánh giá tình hình kinh tế 8 tháng và dự báo cả năm 2015. Phân tích về tác động của việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) với mặt hàng nông sản của Việt Nam, NCIF thấy rằng khu vực nông lâm, thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn do sự điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản, thủy sản sẽ chịu nhiều thua thiệt và có áp lực cạnh tranh lớn. Đơn cử, mặt hàng cá tra đã khó khăn nay càng khó khăn hơn khi đồng NDT giảm giá. Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc chiếm khoảng 8%. Khi phá giá đồng NDT, phía DN Trung Quốc có thể sẽ điều chỉnh hợp đồng, thương lượng lại để giảm giá... khiến lượng xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm, gây thua lỗ cho các DN cá tra Việt Nam. Theo NCIF, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT và Việt Nam điều chỉnh tỷ giá hầu như không ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước. Tuy nhiên, việc giảm giá NDT sẽ kích thích nhập khẩu và kéo theo nhập siêu từ Trung Quốc tăng.
Phan Đức
Hân Yến

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文