Cần nâng cao chất lượng dịch vụ hàng hải khi Việt Nam gia nhập WTO

13:24 06/10/2006
Từ trước đến nay, Việt Nam chưa hình thành cảng trung chuyển quốc tế, nên hàng hóa xuất nhập khẩu đi châu Âu, châu Mỹ đều phải chuyển tải qua HongKong, Singapore.

"Thời gian không chờ đợi, nếu chúng ta không nhanh chóng hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ hàng hải, đồng thời gắn kết, phối hợp, chia sẻ hoạt động với các doanh nghiệp cùng ngành nghề thì khả năng bị mất thị phần và bị thôn tính là khó tránh khỏi...". Kết luận tại Hội thảo của Cục Hàng hải Việt Nam vào giữa năm nay như một lời cảnh báo trước thềm Việt Nam gia nhập WTO.

Tính đến thời điểm hiện nay, nằm trong Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) có 44 doanh nghiệp cảng thành viên, gồm các cảng trực thuộc Cục Hàng hải và Tổng Công ty Hàng hải. Trong số đó, trên địa bàn cả nước có 9 cảng lớn có thể đón nhận các loại phương tiện vận tải biển vào hoạt động.

Tuy nhiên, hầu hết số cảng này đều nằm sâu trong nội địa, bị hạn chế luồng lạch, vùng hậu phương cho các loại hình dịch vụ cảng hoạt động gắn kết. Trừ một số cảng mới được nâng cấp, còn lại trang thiết bị bốc xếp lạc hậu, mức độ chuyên môn hóa thấp, năng suất bình quân chỉ bằng 70% các cảng trong khu vực.

Chưa nói, không có cảng nào của Việt Nam đáp ứng cho tàu 40.000DWT vào làm hàng. Ngay Cảng Cái Lân xây dựng cầu tàu cho tàu 40.000DWT cập cảng, nhưng lại gặp khó khăn về luồng lạch nên hiện tại chỉ có tàu 1.500DWT ra vào được. Hoặc như Cảng Hải Phòng, cho dù hoàn thành dự án cải tạo cảng giai đoạn 2 tàu trọng tải lớn cũng chưa cập cảng làm hàng được. Hàng hóa vào cảng đều phải qua dịch vụ chuyển tải.

Từ trước đến nay, Việt Nam chưa hình thành cảng trung chuyển quốc tế, nên hàng hóa xuất nhập khẩu đi châu Âu, châu Mỹ đều phải chuyển tải qua HongKong, Singapore. Đây chính là một "lỗ hổng" lớn mà ngành dịch vụ hàng hải mất không biết bao nhiêu lợi nhuận cho các doanh nghiệp cảng biển.

Thêm nữa, những năm gần đây, các doanh nghiệp cảng Nhà nước phải đối mặt với nhiều vấn đề khi muốn mở rộng dịch vụ hàng hải. Đó là chính sách giá dịch vụ cảng biển không hợp lý và thiếu sự quản lý của Nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau. Đặc biệt, cơ chế giá dịch vụ bị buông lỏng làm cho các doanh nghiệp đua nhau giảm giá, lôi kéo khách hàng. Cá biệt có công ty sẵn sàng giảm 30 - 40% so với mặt bằng giá ở khu vực.

Nhà nước cũng chưa có quy định cụ thể cho loại hình dịch vụ Logistics nên tất cả các doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào tham gia khai thác mà không cần điều kiện. Theo ông Nguyễn Khắc Từ - Giám đốc Cảng Quảng Ninh, Nhà nước cần đề ra khung giá dịch vụ cảng thích hợp để tạo "sân chơi" lành mạnh cho các doanh nghiệp và mở rộng loại hình dịch vụ hàng hải bảo vệ lợi ích quốc gia, hạn chế khai thác của nước ngoài trên lĩnh vực này...

Theo Quyết định số 202/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010, tương lai Việt Nam sẽ có 114 cảng biển các loại, trong đó có 10 cảng tổng hợp quốc gia, 35 cảng tổng hợp địa phương và 69 cảng chuyên dùng. Theo đó, chúng ta không thể không mở rộng hệ thống dịch vụ hàng hải theo hướng đa ngành, đa cấp phục vụ khai thác. Đặc biệt, phải xây dựng cảng trung chuyển quốc tế và cảng cửa ngõ nhằm đón đầu, tham gia thị trường chuyển tải trong khu vực và hỗ trợ hệ thống cảng biển quốc gia hiện có.

Để phù hợp với tiến trình và bảo đảm khả năng hội nhập của các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải, hiện nay, Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt Nam đang soạn thảo lại Nghị định điều kiện kinh doanh vận tải biển và dịch vụ hàng hải trên cơ sở Nghị định 10/NĐ-CP, Nghị định 57/NĐ-CP và nội dung các cam kết.

Theo ông Nguyễn Ngọc Huệ - Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với các Bộ, ngành đối với việc thực hiện mô hình thí điểm cơ chế cho thuê quản lý khai thác kết cấu cơ sở hạ tầng Cảng Cái Lân nói riêng và hệ thống cảng biển Việt Nam nói chung.

Trong đó, các doanh nghiệp dịch vụ cần phát huy, khai thác tốt các loại hình dịch vụ hiện có và tích cực tìm kiếm, phát triển thị trường mới, quản lý các chi phí đầu vào, tập trung vào chiến lược đầu tư cụ thể. Đặc biệt lưu ý, thay đổi phương thức quản lý dịch vụ, thay đổi công nghệ, kỹ thuật hướng tới khai thác loại hình dịch vụ hiệu quả cao mà từ trước đến nay ta chưa làm được...

Mạnh Hừng

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lương Tam Quang trao tặng lẵng hoa và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới chư tôn đức trong Hội đồng chứng minh, Hội đồng trị sự Trung ương GHPGVN và toàn thể tăng, ni, phật tử một mùa Phật đản an lạc, cát tường.

Sáng 20/5, TAND tỉnh Lào Cai mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Vịnh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai), bị cáo Doãn Văn Hưởng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai) cùng 15 bị cáo khác trong vụ án: “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến hành vi khai thác trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng Apatit .

Ngày 20/5, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 4 tháng đối với Lường Văn Nam (SN 1992, ở tại Xuân Hòa, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) để điều tra về hành vi “Cướp giật tài sản”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa song Người để lại cho hậu thế những di sản vô cùng quý giá. Di sản Hồ Chí Minh luôn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng, là kim chỉ nam dẫn đường, chỉ lối cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Di sản ấy là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do chính Người sáng tạo, để lại cho Đảng, dân tộc Việt Nam.

Với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) theo kiểu “bò ngang”, các chuyên gia cho rằng mục tiêu nâng dư nợ TPDN đạt tối thiểu khoảng 20% GDP đến năm 2025, và đạt 25% đến năm 2030 là rất thách thức.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文